Là huyện trọng điểm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ nên quỹ đất canh tác cũng bị giảm xuống, để bảo đảm an ninh lương thực, giữ vững ổn định an ninh trật tự nông thôn, Tiên Du có nhiều biện pháp chỉ đạo chuyển tư duy “từ sản xuất nông nghiệp, sang kinh tế nông nghiệp” nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm lực từng địa phương, giúp người nông dân làm chủ cuộc sống, giảm sự phụ thuộc vào khu vực công nghiệp. Điều này được thấy rõ trong bối cảnh năm 2023 sản xuất công nghiệp bị sụt giảm do dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu, thì đời sống nông dân ở các vùng quê Tiên Du vẫn giữ được sự ổn định, tạo nền tảng vững chắc trong tiến trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, đô thị hóa của địa phương.
Sau khi dành phần lớn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, huyện Tiên Du còn khoảng 4.971,5 ha, trong đó đất trồng lúa là 3.893,84 ha. Để khai thác phần diện tích này, huyện ưu tiên, thúc đẩy sản xuất, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược để phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của từng địa phương. Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học. Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh an toàn, ổn định, gắn với truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận chất lượng.
Cùng với các giải pháp khôi phục phát triển công nghiệp, năm 2023 sản xuất nông nghiệp của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Sản lượng lương thực đạt 44.284,6 tấn; cây lấy củ (khoai tây) tăng 23,2% so cùng kỳ; cây có hạt chứa dầu (đậu tương, lạc) 77,2 ha; rau các loại và hoa, cây cảnh 785,7 ha; cây hàng năm khác 75,3 ha, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu, bò 1.953 con bằng 102,95% so cùng kỳ; đàn lợn 67.506 con bằng 105% so với cùng kỳ và bằng 103% so với kế hoạch, trong đó đàn lợn thịt tăng hơn 4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 14.060 tấn, vượt 2% so với kế hoạch đề ra; sản lượng thủy sản ước 2.694,4 tấn…Thu nhập bình quân đầu người tăng 0,7% so cùng kỳ.
Khu công nghiệp Tiên Sơn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương liền kề KCN. Ảnh: Quý Trần
Tại khu đồng chuyên rau của Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ nhiệm HTX cho biết: Thôn Liên Ấp có tới hơn 90% số hộ làm nông nghiệp. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Liên Ấp chịu sự tác động lớn của quá trình công nghiệp, đô thị hóa nên lực lượng lao động nông nghiệp chuyển sang làm trong các KCN và kinh doanh dịch vụ. Để phát huy hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, HTX khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất sản xuất rau, củ quả, nông sản an toàn và là “đầu mối” cung ứng nguyên liệu, cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cho đến bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và cung cấp nhiều sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. HTX hiện có 110 thành viên, sản xuất hơn 20 ha các loại rau, củ, quả như: rau xanh các loại, su hào, mướp, cà chua… ngoài ra còn có 10 ha trồng các loại cây hoa quả. Doanh thu bình quân 1 sào đạt 10-12 triệu đồng/năm, tương đương với 300 triệu ha/năm. Điển hình như mướp thu nhập 18-20 triệu đồng/sào/năm; cà chua 20-25 triệu đồng/sào/năm, cải bắp 8-10 triệu đồng/sào/năm… Trong HTX có khoảng 20 hộ thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, năm 2023 trong khi nhiều lao động công nghiệp bị tiết giảm giờ làm, thu nhập giảm đáng kể, nhưng nhờ duy trì sản xuất rau an toàn các thành viên của Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp tạo công ăn việc làm cho 150 gia đình trong thôn và 300 lao động đủ các lứa tuổi vào sản xuất, thu nhập ổn định từ 5- 7 triệu đồng/tháng.
Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, Phó Phòng NN và PTNT huyện Tiên Du: Việc trồng rau màu an toàn tối ưu hóa tiềm năng đất nông nghiệp của địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những lao động nông thôn quá tuổi không tìm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời tạo ra nhiều nông sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, làm thay đổi hình thức canh tác cũ, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong điều kiện đất canh tác hạn hẹp, khó triển khai theo phương thức sản xuất lớn thì với cách thức tổ chức sản xuất như Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp là phù hợp. Bởi điểm khác biệt của mô hình này đó là do nông dân lãnh đạo, làm chủ từ khâu chỉ đạo sản xuất đến kết nối tiêu thụ, hơn nữa có thể tận dụng nguồn lao động quá tuổi không thể làm trong các KCN, hay lực lượng lao động làm trong các KCN lúc rảnh về nhà làm giúp gia đình. Có công ăn việc làm ổn định góp phần vào sự an sinh xã hội nơi cư trú tại địa phương.
Vùng trồng rau an toàn tại Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp (Việt Đoàn).
Cũng với phương thức khai thác những tư liệu sản xuất sẵn có để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng với anh Nguyễn Hải Nam, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng chuyển hướng sang chăn nuôi thỏ thương phẩm. Vừa là cán bộ Hội Nông dân xã vừa trực tiếp quản lý, chăm sóc khu chăn nuôi thỏ cả nghìn con, anh Hải Nam cho biết: Tận dụng đổi khu đất bãi trồng màu của gia đình diện tích 720 m2 để chuyển sang chăn nuôi thỏ. Chuồng nuôi được đầu tư bài bản từ hệ thống quạt thông gió, giàn lạnh, ánh sáng, vệ sinh, độ ẩm, máng ăn… Ban đầu chỉ nuôi 100 con thỏ sinh sản. Sau khi có kinh nghiệm chuyển sang nuôi thỏ thương phẩm quy mô từ 1.500-1.700 con/lứa, chuyên cung cấp cho các nhà hàng kinh doanh thực phẩm và duy trì 250 con thỏ sinh sản để tự cung cấp con giống. Doanh thu bình quân đạt từ 170- 180 triệu đồng/tháng (lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng). Trong năm 2022 và 2023 mặc dù ảnh hưởng hậu COVID và kinh tế công nghiệp suy giảm, song với việc duy trì mô hình kinh tế hộ như vậy vẫn giúp gia đình anh có thu nhập cao và bảo đảm cuộc sống ổn định.
Ở Cảnh Hưng hiện có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình HTX về sản xuất trồng rau sạch ở thôn Rền gồm 72 hội viên nông dân tham gia cho thu nhập bình quân từ 6 -8 triệu đồng/sào/tháng; mô hình may công nghiệp do chị Nguyễn Thị Thủy làm chủ tạo việc làm cho 22 lao động, thu nhập từ 10- 12 triệu đồng/tháng/người; mô hình chăn nuôi bò sữa do ông Nguyễn Bá Khả thu nhập bình quân 32 triệu đồng/tháng…
Duy trì, phát huy hiệu quả kinh tế hộ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người tại địa phương không đi làm công ty được do quá tuổi, giúp nhiều gia đình duy trì cuộc sống, thu nhập ổn định trong suy thoái. Kinh tế nông nghiệp giữ vững tạo nền tảng vững chắc để Tiên Du triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng nhất là về tiêu dùng với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 12,3% so cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,3% so cùng kỳ và số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 12,7% so cùng kỳ… Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, để khi Tết đến, Xuân về nhà nhà, người người được đón năm mới vui tươi, đầm ấm.
Bước sang năm mới 2024, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thu hút các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp. Phấn đấu xây dựng huyện Tiên Du sớm trở thành đô thị theo hướng phát triển ổn định, bền vững.
Thùy Dương
Ý kiến ()