Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (gọi là Chỉ thị 40), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã có những bước đột phá, giành được những kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
Bài 1: LUỒNG SINH KHÍ MỚI
Trong bối cảnh việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đạt được những kết quả quan trọng song vẫn bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thì Chỉ thị 40 cách nay tròn 10 năm như thổi vào luồng sinh khí mới, đẩy con thuyền tín dụng chính sách xã hội đi nhanh, đi đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Bởi từ đây, tín dụng chính sách được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt cùng sự chung tay góp sức của toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Tạo sức mạnh tổng hợp
Năm 2014, Chỉ thị số 40-CT/TW chính thức được ban hành, thể hiện rõ quan điểm đột phá của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đó là một chủ trương, quyết sách đúng và trúng, hợp ý Đảng lòng dân làm chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo nên sức mạnh tổng hợp để quyết tâm thực hiện thắng lợi các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy công cuộc phát triển bền vững của tỉnh.
Ngay sau khi có Chỉ thị 40, Tỉnh ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vào cuộc quyết liệt với mục tiêu nhanh chóng đưa chủ trương, quyết sách của Đảng đi vào cuộc sống. Một luồng sinh khí mới thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và triển khai thực hiện quyết liệt với các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hành động thường xuyên của địa phương, đơn vị mình. Từ đó, Ban đại diện hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) NHCSXH tỉnh nhanh chóng, kịp thời quán triệt và đưa những nội dung của Chỉ thị 40 vào chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên để triển khai với tinh thần quyết liệt, bài bản nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chung tay góp sức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ Quế Võ khẳng định: Từ khi có Chỉ thị 40, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của thị xã quan tâm vào cuộc sâu sát, quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH hoạt động hiệu quả, đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Thị uỷ, HĐND, UBND và BĐD HĐQT NHCSXH thị xã cùng với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các Hội đoàn thể và các ban, ngành liên quan, thị xã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 21/21 xã, phường, 100% thôn, khu phố, giúp hơn 36 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, giúp 5.981 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hội mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; 1.699 hộ gia đình vay vốn học sinh sinh viên; 22.668 hộ gia đình vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường; 5.524 hộ gia đình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, 211 hộ gia đình vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội, 4 hộ gia đình vay vốn chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù… Việc quản lý, sử dụng, kiểm tra giám sát được thực hiện thường xuyên liên tục và ngày càng hiệu quả nên đồng vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể ở Quế Võ cũng như các địa phương khác trong tỉnh giúp cho đồng vốn tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả, đóng góp đắc lực vào những thành công chung trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh trong những năm qua. Đặc biệt, thông qua đó đã tạo được lòng tin vững chắc của nhân dân đối với các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc phát triển của quê hương.
Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ Quế Võ Nguyễn Đức Lợi thăm mô hình vay vốn NHCSXH.
Nâng tầm hoạt động của tín dụng chính sách
Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, cụ thể thiết thực, phù hợp với thực tiễn nhằm đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách tăng nhanh cả về quy mô và chất lượng.
Một trong những điểm nổi bật là việc huy động nguồn vốn cho các chương trình tính dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Ngay sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, với sự chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hằng năm, UBND tỉnh và 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều bố trí chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH nên đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương của NHCSXH tỉnh đạt 617,499 tỷ đồng, tăng 581,679 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm 15,5% tổng nguồn vốn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,4%. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách tỉnh thác là 554,750 tỷ đồng, tăng 518,930 tỷ đồng so với năm 2014, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác là 62,750 tỷ đồng, tăng 62,650 tỷ đồng so với năm 2014. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt hơn 100 tỷ đồng (Bắc Ninh là địa phương có số vốn uỷ thác cao, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc). Cơ cấu nguồn vốn tín dụng cũng chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn vốn tự huy động được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và nguồn lực tại địa phương, thể hiện rõ chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực” với phương châm “nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh việc bố trí nguồn vốn ủy thác địa phương để bổ sung nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn triển khai thực hiện gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Đặc biệt, các cấp ủy đảng chỉ đạo chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện nghiêm túc từ khâu xác nhận hộ vay đúng đối tượng thụ hưởng đến công tác quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Việc thực hiện ủy thác cũng góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành và phối hợp công tác của đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể, đặc biệt cán bộ cơ sở, là nhân tố để nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi hội, đoàn thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Công Thao cho rằng: “Thực hiện Chỉ thị 40, Hội Nông dân tỉnh xác định rõ trách nhiệm trong việc tăng cường chỉ đạo hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách và xây dựng nhiệm vụ này thành tiêu chí quan trọng trong quy chế thi đua của các cấp Hội. Từ đó, các cấp Hội trong tỉnh luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc quản lý, sử dụng và thu hồi vốn tín dụng chính sách xã hội, từ khâu bình xét, giải ngân, kiểm tra giám sát đến đôn đốc thu hồi vốn, nhất là việc sử dụng đồng vốn đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Nhờ vậy, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ủy thác do Hội thực hiện tăng vượt bậc, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp. Đến nay, dư nợ đạt 1.139 tỷ, tăng 626 tỷ đồng so với năm 2014 (tăng trưởng là 122%), ở 624 tổ TK&VV với 23.615 hộ còn dư nợ. Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, các hội viên trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đáng kể cho người nông dân…”.
Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các hội đoàn thể nhận ủy thác thì việc thực hiện Chỉ thị 40 còn góp phần củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 218 thành viên tham gia hoạt động BĐD HĐQT NHCSXH các cấp, trong đó cấp tỉnh có 12 thành viên; cấp huyện 206 thành viên (trong đó có 126 thành viên là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn). Với vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm của các thành viên BĐD HĐQT NHCSXH các cấp, các chương trình tín dụng chính sách của tỉnh luôn được triển khai thời, nền nếp và hiệu quả ở các địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 116/126 điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã và có 10 phường, thị trấn giao dịch tại trụ sở NHCSXH với hơn 2.000 Tổ TK&VV hoạt động tại các địa phương dưới sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trực tiếp của chính quyền, các đoàn thể nên mọi hoạt động của tín dụng chính sách đều được công khai, dân chủ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận, vay vốn và sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội ở cơ sở luôn được nắm bắt kịp thời để các cấp, ngành chức năng giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết triệt. Nhờ đó, quy mô và chất lượng các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn đều nâng lên rõ rệt và tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH…
Còn nữa
Bài 2: Cú hích tạo đột phá
Hà Linh - Nguyên Phương
Ý kiến ()