Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của Liên bang Nga, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hai nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiễn Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Tối 20/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin cùng Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 19-20/6, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tiễn Đoàn ở sân bay quốc tế Nội Bài có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.
Tham gia tiễn Đoàn còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko…
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Lễ đón chính thức Tổng thống Vladimir Putin được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành đón Nguyên thủ quốc gia.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam lần thứ 5 của Tổng thống Vladimir Putin đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (1994-2024) và hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025).
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử với số phiếu bầu cao, thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân Nga đối với sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, giữ ổn định chính trị-xã hội, duy trì phát triển kinh tế và triển khai chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.
Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Liên Xô, trong đó có nước Nga trước đây và Liên bang Nga ngày nay trong cuộc đấu tranh giành độc lập, hai cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước sau này.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.
Việt Nam ủng hộ nước Nga đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, chính sách hướng Đông của nước Nga, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, vững mạnh có uy tín và vị thế ngày càng cao cũng phù hợp với lợi ích lâu dài của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin về việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, trong đó có việc củng cố mạnh mẽ quan hệ với các nước láng giềng, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối quốc phòng "4 không".
Việt Nam mong rằng, Tổng thống Vladimir Putin và Liên bang Nga tiếp tục quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, những quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của Liên bang Nga; mối quan hệ hai nước đã được thử thách qua thời gian; phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Vladimir Putin đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai bên bày tỏ vui mừng thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục phát triển tích cực, thể hiện nổi bật qua quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại được duy trì, hợp tác quốc phòng-an ninh được củng cố, hợp tác trên các lĩnh vực khác được thúc đẩy và quan hệ giữa các tổ chức xã hội và giao lưu nhân dân ngày càng hiệu quả.
Trên cơ sở các thành quả đã đạt được, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng, nhất trí về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương trên toàn diện các lĩnh vực đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, theo đó sẽ thúc đẩy các chuyến thăm, trao đổi ở các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tích cực phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật và củng cố hợp tác quốc phòng-an ninh; cùng nhau trao đổi, giải quyết một số khó khăn, tồn tại phù hợp với luật pháp quốc tế và điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Đối với lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp của hai nước thực hiện hiệu quả những dự án hiện có, đồng thời mở rộng các dự án đầu tư với sự tham gia của các công ty dầu khí quốc gia trên lãnh thổ hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương hai nước.
Hai bên đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa hai nước.
Nhân dịp này, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đánh giá cao những thành tựu quan trọng của quan hệ hai nước, khẳng định các nguyên tắc, đề ra những định hướng để đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Vladimir Putin cùng Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng du học tại Nga.
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến lễ trao đổi một loạt văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông, tư pháp, hải quan, tài chính, khoa học-công nghệ, trong đó có Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga phát triển rất tốt đẹp, nhanh chóng, toàn diện; là một mô hình trong quan hệ hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, phù hợp với lợi ích vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng thống Vladimir Putin có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.
Ý kiến ()