Sáng 23-11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNS).
Tại Tổ 13, góp ý vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Thứ nhất, Về việc phân phối lợi nhuận sau thuế Điều 15, cần xem xét lại mức trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Bởi, việc quy định cứng mức trích vào quỹ không quá 50% có thể làm hạn chế khả năng sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, về việc tập trung đầu tư vốn Nhà nước vào các lĩnh vực cốt lõi (điều 18), để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần xem xét mở rộng phạm vi đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học… Việc đầu tư vào các ngành lĩnh vực này không chỉ giúp Việt Nam chuyển đổi số thành công, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Đây cũng là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia phát triển. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, cần tạo vị thế pháp lý đầy đủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để cơ quan này thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Điều 40 dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc xem xét khả năng thành lập đơn vị mới dựa trên sự kết hợp giữa Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc Chính phủ sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tập trung, thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả của cả nước như mô hình Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, hay mô hình Tập đoàn Temasek của Singapore. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch, hiệu quả giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và tạo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Thứ tư, cần xem xét lại thời hạn gửi Báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm khả thi và thống nhất với quy định pháp luật hiện hành. Tại khoản 1 Điều 58 Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước phải tổng hợp và lập Báo cáo tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước, kèm theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán độc lập, gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong vòng 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính”. Tuy nhiên, quy định thời hạn 90 ngày nêu trên là quá ngắn và không phù hợp với thực tiễn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn có nhiều công ty con. Điều này gây áp lực nặng nề lên doanh nghiệp, làm giảm chất lượng báo cáo và có thể dẫn đến sai sót trong quá trình tổng hợp, kiểm toán. Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp, bởi điểm c khoản 1 Điều 109 Luật doanh nghiệp quy định thời hạn này là 150 ngày.
*Đóng góp vào dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNS), đại biểu có 3 ý kiến, cụ thể như sau: Một là, tại điều 5 về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số hiện tại còn mang tính chất khái quát, thiếu các nội dung cụ thể, đột phá và chưa phân định rõ ràng đối tượng áp dụng. Điều này khiến cho việc triển khai vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn, chưa thể hiện được sự khác biệt đáng kể so với lĩnh vực công nghệ thông tin. Để công nghiệp công nghệ số trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cần thiết phải bổ sung các chính sách rõ ràng, ưu đãi vượt trội và có tính tập trung, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trước hết, việc hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới. Do đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự, từ đó tăng khả năng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ công nghệ. Có các cơ chế ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, tài chính và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển. Việc sửa đổi và bổ sung các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là cần thiết để bảo đảm tính nhất quán và hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp CNS. Ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính và các nguồn lực khác nhằm thúc đẩy thị trường công nghệ số phát triển mạnh mẽ hơn…
Hai là, tại Điều 25 của dự thảo Luật đã có nhiều quy định liên quan đến phát triển nguồn nhân lực CNS, nhưng nội dung vẫn chưa cụ thể, thiếu rõ ràng về định hướng ưu tiên và đối tượng cần tập trung. Các quy định hiện tại chưa làm nổi bật được những giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh ngành CNS đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng cốt lõi để các doanh nghiệp CNS phát triển, đổi mới sáng tạo và vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc thu hút và giữ chân nhân lực CNS vẫn là bài toán khó, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (nhóm chiếm tỷ lệ lớn) nhưng lại bị hạn chế về nguồn lực tài chính và cơ hội cạnh tranh nhân tài với các tập đoàn lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về các chính sách hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện để các doanh nghiệp CNS thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ban soạn thảo cần nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nhân tài, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp CNS đầu tư lớn vào đào tạo và phát triển nhân lực; có cơ chế tài trợ một phần chi phí đào tạo cho các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và viện, trường nhằm nâng cao kỹ năng thực tiễn cho sinh viên và lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp CNS xây dựng chính sách lương, thưởng cạnh tranh thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia và nhân lực có trình độ cao làm việc trong ngành.
Ba là, quy định về hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp CNS (Mục 2, Chương III) của Dự thảo Luật còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự tạo ra động lực đột phá cho ngành. Để thúc đẩy ngành CNS phát triển mạnh mẽ, cần bổ sung các chính sách cụ thể. Có thể hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp CNS, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua áp dụng chính sách ưu đãi thuế mang tính đột phá, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu cho các doanh nghiệp CNS mới thành lập, giảm 50% thuế trong 10 năm tiếp theo nếu đáp ứng tiêu chí đổi mới công nghệ, hoặc miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị công nghệ hiện đại.
Thùy Dương
Ý kiến ()