Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”, huyện Gia Bình luôn chú trọng vận dụng, phát huy tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Nét nổi bật nhất trong thực hiện QCDC ở Gia Bình là những thành tựu trong XDNTM. Trong đó, kết quả làm đường giao thông nông thôn thể hiện rõ nét việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Với việc người dân được tham gia đóng góp ngày công, tiền của, được bàn bạc và giám sát việc thực hiện, đã tạo nên sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm ở Gia Bình được trải nhựa, bê tông hóa.
Tại thị trấn Gia Bình, lòng dân, sức dân đã “xây” nên những công trình “ý Đảng, lòng dân”, từ đó tạo ra không gian NTM đầy sức sống ở vùng quê thuần nông này. Thôn Đông Bình là điển hình của thị trấn Gia Bình về phát huy QCDC trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Năm 2021, thôn triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10 km. Thôn đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc mở rộng đường giao thông; công khai, minh bạch các khâu, bước trong quá trình triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Hưởng ứng chủ trương của địa phương, hơn 200 hộ gia đình tự nguyện hiến 2.000 m2 đất, tháo dỡ hàng rào và nhiều công trình phụ trợ của gia đình, bàn giao mặt bằng cho thôn. Ông Đàm Xuân Tiến, Trưởng thôn Đông Bình cho biết: Trước đây do mặt đường hẹp, lầy lội vào mùa mưa, nên việc đi lại của người dân rất khó khăn. Với sự đầu tư hỗ trợ từ ngân sách huyện và sự chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn, đường giao thông được mở rộng từ 1,5 đến 3 m lên từ 3 đến 5,5m, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% đường làng, ngõ xóm ở Gia Bình được trải nhựa, bê tông hóa.
Để cảm nhận rõ việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong XDNTM nâng cao, chúng tôi về xã Nhân Thắng. Bí thư Đảng ủy xã Đào Duy Phương chia sẻ: Chương trình XDNTM đã tạo ra bước đột phá về kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì bộ mặt nông thôn của xã vẫn còn “khập khiễng”. Nào là công tác quy hoạch chưa đồng bộ, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất hạn chế và đời sống nhân dân còn chưa cao... Từ những tồn tại trong thực tiễn, Đảng ủy xã thống nhất mục tiêu xây dựng xã Nhân Thắng trở thành đô thị có nền kinh tế phát triển, hình thức sản xuất phù hợp, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Cụ thể hóa mục tiêu và tạo sự thống nhất từ ý chí đến hành động, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã Nhân Thắng đạt xã NTM nâng cao và trở thành thị trấn giai đoạn 2021-2025”. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và 7 thôn chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện 15/15 tiêu chí NTM nâng cao. Với khẩu hiệu “Vì quê hương giàu đẹp, mọi người, mọi nhà hãy chung sức, chung tay XDNTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu”, Đảng ủy xã phát huy vai trò “đầu tàu” của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên trong việc hiến đất mở đường xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn. Từ những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên “đầu tàu” đã có sức lan tỏa lớn, năm 2021, xã Nhân Thắng đạt tiêu chí xã NTM nâng cao.
Xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là “chìa khóa” tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hằng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC huyện Gia Bình tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở; tập trung chỉ đạo triển khai việc thực hiện QCDC đến các xã, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp trong toàn huyện. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, luôn lắng nghe, đề xuất giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt vai trò tham mưu cho các cấp uỷ đảng về công tác vận động nhân dân, huy động mạnh mẽ sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tại cơ sở, việc thực hiện QCDC được thể hiện đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã, thị trấn đến thôn, xóm, khu phố theo hướng công khai, minh bạch. Trong đó đã thực hiện niêm yết các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính; nội dung, cách thức xây dựng NTM; đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn; bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội; các quy ước, hương ước của cộng đồng… tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, hệ thống loa truyền thanh và các buổi họp dân. Cùng với việc công khai để dân biết, các xã, thị trấn vận dụng sáng tạo QCDC xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Tiêu biểu như: Mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng”; “Vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất làm đường giao thông”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân tham gia vệ sinh môi trường”; “Xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”;… Thông qua các phong trào thi đua đã tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Biết lấy dân làm gốc, coi trọng triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở nên hơn 10 năm qua (từ năm 2011 đến tháng 6-2022) huyện Gia Bình huy động tổng số vốn XDNTM hơn 1.221 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 2 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 1.043 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư 5,2 tỷ đồng; vốn lồng ghép gần 80 tỷ đồng và nguồn lực từ nhân dân hơn 82,2 tỷ đồng. Từ nguồn lực huy động được, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi, công sở xã, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa theo hướng đồng bộ; qua đó, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện, cũng như nhu cầu đời sống nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Bình cho biết: Phát huy dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, huyện triển khai đến các xã, thị trấn theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Khi xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đều tổ chức họp thôn, lấy ý kiến của nhân dân, để nhân dân theo dõi và giám sát việc xây dựng các công trình nên kết quả đạt được rất khả quan. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện QCDC ở cơ sở đến từng địa bàn thôn, xóm; động viên nhân dân, các đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2025, Gia Bình đạt 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Biến quyết tâm thành hiện thực, Đảng bộ Gia Bình nỗ lực quy tụ sức mạnh toàn dân trên tinh thần đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật từ những khối óc, những bàn tay lao động. Hình ảnh một miền quê trù phú, huyện NTM kiểu mẫu ở Gia Bình đang dần hiện hữu là minh chứng sống động trong việc phát huy QCDC ở cơ sở, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Xuân Bình
Ý kiến ()