“Do hậu quả đáng tiếc xảy ra trong năm 2007, chắc chắn kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT năm nay, Bắc Ninh vẫn là một trong những tâm điểm chú ý của báo giới cả nước. Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu ngành GD-ĐT nghiêm túc mọi khâu trong thi để có kết quả thực chất, chuẩn mực tất cả vì uy tín, danh dự cho toàn ngành…” - Bà Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban thường trực ban chỉ đạo thi năm 2008 của Sở GD-ĐT khẳng định.
Năm học 2007-2008, tỉnh Bắc Ninh có 35 trường THPT, 2 trung tâm GDTX (Thuận Thành và Từ Sơn) có học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT với 18.700 thí sinh. Cộng hơn 700 trượt năm trước cũng đăng ký thi lại, nâng tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT toàn tỉnh năm nay lên hơn 19.400 người. Với số lượng trên, Sở GD-ĐT quyết định thành lập 42 Hội đồng coi (HĐCT) trong đó có 2 HĐCT Bổ túc văn hoá với hơn 800 phòng thi. Các trường THPT có 4 đơn vị là: Tiên Du 1, Yên Phong 1, Lý Thái Tổ, Lương Tài 1, Dân lập Quế Võ 1 do số thí sinh đông nên được tách thành 2 HĐCT. 4 đơn vị khác là: Tư thục Hải á (Lương Tài), Lương Tài 2, Dân lập Gia Bình, Gia Bình 2, do những lý do riêng đã san sẻ số thí sinh cho nhau thực hiện thi liên trường theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Để đáp ứng đủ yêu cầu phòng thi, Sở GD-ĐT phải huy động tới gần 2.100 giáo viên công lập (1/2 giáo viên THPT, 1/2 giáo viên THCS) làm giám thị. Ngoài ra còn 139 thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT (tăng 50 người so với năm 2007) làm nhiệm vụ cắm chốt tại các HĐCT, giám sát liên hoàn quá trình coi thi của giám thị, thanh tra tại các hội đồng sao in, chấm bài... Lực lượng này làm việc độc lập, theo chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Bộ GD-ĐT.
Để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt kết quả cao, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã họp nhiều phiên thống nhất phân công trách nhiệm cụ thể từng ngành hữu quan như: Công an tỉnh, Bưu điện, Điện lực..., trước và trong những ngày thi. Về phía ngành GD-ĐT, ngoài việc thực thi nhiều giải pháp tích cực giúp học sinh ôn tập đúng trọng tâm chương trình, là tuyên truyền sâu rộng những điểm mới trong quy chế nhằm hạn chế thấp nhất sai sót xảy ra trong thi đối với cả giám thị lẫn thí sinh. Vẫn liên quan đến vấn đề an toàn cho kỳ thi, trước khi quyết định thành lập các HĐCT, Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất ở tất cả những đơn vị liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm đến những đơn vị xung yếu, nhạy cảm do chưa có tường bao như Yên Phong 3; hoặc phải thi nhờ nhưng địa điểm thi nhờ chất lượng phòng thi kém như Quế Võ 4 (thi nhờ THCS Phương Liễu), Tiên Du 1 (một bộ phận thi nhờ THCS Việt Đoàn)... Đối với những đơn vị này trong những ngày thi sẽ được tăng cường lực lượng Công an nhằm đối phó với tiêu cực từ bên ngoài vào. Một trong những điểm mới đáng lưu ý nhất với những cán bộ làm thi là tuyệt đối không sử dụng các loại hình điện thoại trong thời gian thi, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Mỗi HĐCT chỉ được phép sử dụng duy nhất 1 máy điện thoại bàn (đã đăng ký số với Bộ GD-ĐT) để thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với Sở và Bộ. Hôm nay 26-5, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và chỉ đạo khắc phục kịp thời những bất cập nảy sinh tại các HĐCT.
Giờ thi sắp điểm, thí sinh toàn tỉnh chuẩn bị bước vào một kỳ thi đầy cam go, một kỳ thi thực chất, từng bước vươn tới chuẩn mực. Hưởng ứng tinh thần “2 không” Ban chỉ đạo thi của tỉnh, Sở GD-ĐT yêu cầu giám thị, nhất là các Chủ tịch HĐCT nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động ngăn ngừa, xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực trong thi cử.
Thanh Tú
“Phản ánh đúng thực chất để có định hướng đúng”
(Ông Nguyễn Văn Trọng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ)
Kết qủa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái được đánh giá là khá sát với trình độ của học sinh mặc dù nó có thể gây “ sốc” với không ít người. Với những quy định khắt khe của kỳ thi, kiến thức thực chất của người học sẽ được phản ánh chính xác. Điều đó cũng có nghĩa là phải chấp nhận một tỷ lệ đỗ thấp hơn nhiều những năm trước đây. Năm học 2007- 2008, là năm đầu tiên trường THPT Nguyễn Văn Cừ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do chất lượng đầu vào thấp, ngay từ rất sớm, nhà trường đã có kế hoạch chỉ đạo việc giảng dạy và ôn luyện cho các em. Trọng tâm chương trình cũng như nội dung ôn luyện được quán xuyến ngay từ đầu ở ba môn “cứng”: Văn, Toán và Ngoại ngữ. Song song với ôn luyện, nhà trường đã tổ chức nhiều đợt thi thử cho học sinh với hình thức như thi thật để các em có điều kiện tập dượt, chuẩn bị cho kỳ thi. Kỳ thi sắp tới là thước đo quan trọng để đánh giá đúng trình độ của học sinh cũng như phản ánh chất lượng dạy và học của nhà trường. Chúng tôi coi đó là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, định hướng phấn đấu vươn lên trong tương lai.
Bình tĩnh, làm bài hết khả năng
(Chị Nguyễn Thị Tài, phụ huynh học sinh trường THPT Yên Phong số II)
Năm nay, con trai tôi sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Những quy định khắt khe của kỳ thi khiến cháu chuyên tâm hơn đến việc ôn luyện. Tôi cũng đã nghe nói về những chủ trương và cách làm mới trong thi cử của ngành giáo dục từ năm học trước. Trình độ thực chất của học sinh theo đó sẽ được phản ánh khá chính xác qua kỳ thi này. Trước nay, đa phần mọi người đều không quá quan tâm đến thi tốt nghiệp, song tỷ lệ học sinh đỗ thấp như năm học vừa rồi không khỏi làm nhiều người ngỡ ngàng. Tôi hiểu rằng, việc xiết chặt cũng như thực hiện sát sao cuộc vận động “hai không” cũng có nghĩa là phải chấp nhận một tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều so với trước đây. Song đó là một chủ trương đúng vì nó không nằm ngoài mục đích làm cho giáo dục tiến bộ thực sự. Vẫn còn hơn những con số tuy đẹp nhưng chỉ là ảo. Con tôi cũng như nhiều học sinh tham gia thi năm nay có lợi thế hơn là có thể rút kinh nghiệm từ kỳ thi trước, và sự chủ động nhất định trong kế hoạch ôn luyện. Gia đình đã cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cháu, đặc biệt là về thời gian để giành được kết quả cao nhất. Mong sao bước vào phòng thi cháu thật bình tĩnh, làm bài hết khả năng.
Phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi này
(Ông Dương Hiền Mỹ, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Thuận Thành)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT năm nay, Trung tâm GDTX huyện Thuận Thành có 275 thí sinh dự thi, trong đó 204 học sinh nhà trường và 71 thí sinh tự do đến từ các huyện Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành và Quế Võ. Với những học sinh đang theo học lớp 12, ngay từ đầu năm học, Trung tâm đã có những động thái tích cực chuẩn bị cho các em đạt kết cao trong kỳ thi tốt nghiệp song vẫn bảo đảm thực hiện tốt cuộc vận động “hai không”. Trung tâm chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho các em tiếp thu tốt kiến thức, phân loại học sinh từ đó có kế hoạch bồi dưỡng cho các em học lực yếu hơn. Năm học này, Trung tâm đã sắp xếp lịch học để hoàn thành chương trình sớm hơn, nhờ đó học sinh có thời gian ôn tập kỹ những môn thi. Ngoài ra, việc khuyến khích học nghề phổ thông và các hình thức khác để được cộng điểm cũng sẽ giúp cho các em tự tin hơn trong kỳ thi tới. Trong những kỳ thi học kỳ, thi thử vừa qua, Trung tâm đã tổ chức giống như kỳ thi chính thức, kết quả đạt được khá khả quan. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện như cơ sở vật chất, hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, chăm sóc y tế… tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi năm nay.
Nhóm PVVX (Thực hiện)
Ý kiến ()