Một trong hai nội dung cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong năm học 2009-2010 là đổi mới việc quản lý giáo dục. Lâu nay việc quản lý giáo dục từ tầm vĩ mô đến vi mô còn có những bất cập cần cải cách và đổi mới. Nhưng cũng sẽ có những nhà quản lý lúng túng khi trả lời câu hỏi: Đổi mới quản lý giáo dục nên bắt đầu từ đâu? Cũng có những cán bộ quản lý các trường học đã nhiều năm theo hành chính, ít chịu đổi thay cách nghĩ cách làm. Đó cũng là lực cản cho việc đổi mới. Chúng ta đang đứng trước một thực trạng như vậy khi thực hiện đổi mới quản lý giáo dục như yêu cầu đặt ra của Bộ trong năm học này. Dưới đây là một số ý kiến về việc thực hiện nội dung thứ nhất cuộc vận động của Bộ GD-ĐT trong năm học này.
*Ông Nguyễn Văn Lưu, Hiệu trưởng trường THPT Lương Tài
Trường THPT Lương Tài là đơn vị nhiều năm liên tục là tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh thì việc tìm những giải pháp cụ thể để biến cuộc vận động: “Dân chủ hóa trường học” là một việc làm hết sức quan trọng trong việc đổi mới quản lý giáo dục. Một bài học kinh nghiệm lâu nay ở một số trường học do mất dân chủ nên nội bộ mất đoàn kết, sinh ra kiện cáo. Đã nhiều năm nay trường THPT Lương Tài không có hiện tượng khiếu kiện, mối quan hệ của lãnh đạo nhà trường đối với cán bộ, giáo viên, học sinh bảo đảm công khai, dân chủ. Riêng việc duy trì đều đặn các cuộc đối thoại với học sinh thông qua cán bộ lớp mỗi học kỳ 2-3 lần là một kênh thông tin cần thiết, nhằm phát huy tính dân chủ, tạo niềm tin giữa thầy và trò để nhà trường nắm vững và có những điều chỉnh cần thiết cho việc quản lý dạy và học.
*Ông Vũ Đình Phàm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Tài
Đối với các trường ngoài công lập thì vấn đề cốt tử là có chế độ thu hút được đội ngũ giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng có chất lượng cao để bảo đảm được chất lượng các mặt giáo dục. Nhận thức đúng nhưng để có giải pháp phù hợp giữ chân được đội ngũ giáo viên có chất lượng cũng không phải dễ. ở một trường dân lập vùng nông thôn như trường ông có được một đội ngũ ổn định để giảng dạy và giáo dục có chất lượng là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trong năm học này, hưởng ứng cuộc vận động của Bộ, ngay từ đầu năm học nhà trường đã cố gắng đến mức cao nhất trong giải pháp ổn định đội ngũ giáo viên. Ngoài việc tính toán để trả tiền dạy giờ ở mức cao nhất cho giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên trong điều kiện có thể. Chính những việc làm cụ thể ấy mà trong mấy năm nay, đội ngũ giáo viên trường ông ít biến động, sức thu hút học sinh vào trường ngày càng cao.
*Nhà giáo Ưu tú Vương Toản, Hiệu trưởng trường THCS Song Hồ (Thuận Thành), một người có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong việc xây dựng nhà trường thành đơn vị Anh hùng Lao động cho rằng: Nhiệm vụ của công tác quản lý trường học yêu cầu người hiệu trưởng phải làm thật tốt hai việc đó là định hướng và kiểm định chất lượng giáo dục ở đơn vị mà anh được giao nhiệm vụ quản lý. Để làm tốt hai nội dung trên, trong năm học 2009-2010, trường THCS Song Hồ đã định hướng 3 mục tiêu cần phải đạt tới đó là: Xây dựng cảnh quan sư phạm của trường mẫu mực; Phát triển về cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học hiện đại; Kiên quyết đổi mới phương pháp dạy và học. Ba mục tiêu trên muốn đạt được phải bắt đầu bằng những giải pháp cụ thể. Giải quyết dứt điểm việc đọc chép trong các giờ dạy. Trong tất cả các giờ học yêu cầu giáo viên cho điểm vào sổ cái của trường mà không được cho điểm vào sổ điểm cá nhân của giáo viên, công việc tưởng nhỏ nhưng phải tạo thành thói quen để giáo viên có trách nhiệm khi chấm cho điểm đối với học sinh, tránh được hiện tượng chữa điểm, cấy điểm. Ngoài việc hoàn thiện các phòng học bộ môn, trường cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các tiết giảng hàng ngày. Đổi mới việc kiểm tra chất lượng hàng tháng bằng việc tổ chức kiểm tra nghiêm túc như một cuộc thi định kỳ cũng là góp phần nâng cao chất lượng. Đổi mới quản lý, cuối cùng là dẫn đến nâng cao chất lượng toàn diện về giáo dục. Làm tốt nội dung thứ nhất sẽ có tác động đến nội dung thứ hai trong cuộc vận động. Vấn đề quyết định là quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường mà thôi.
*Ông Hà Đức Tú, Hiệu trưởng trường THPT Thuận Thành số 1: (Trường THPT Thuận Thành, đơn vị dẫn đầu các trường THPT của tỉnh, một trong bảy trường của tỉnh được xếp vào tốp 200 trường có học sinh đỗ Đại học điểm cao nhất cả nước)
Vấn đề đổi mới quản lý giáo dục ở trường học tưởng như không mới vì năm nào nhà trường cũng phải làm nhưng năm học này được quan tâm nhiều hơn vì có cuộc vận động của Bộ. Để xứng đáng là đơn vị dẫn đầu với chất lượng giáo dục tốt nhất, năm học này, nhà trường tích cực phối hợp với Công đoàn đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ, yếu tố quyết định đến chất lượng. Tập trung rà soát lại mọi chế độ giáo viên được hưởng những năm trước chưa làm được thì năm học này phải làm bằng được. Việc xếp loại thi đua cuối học kỳ, tổng kết năm học bảo đảm tính công khai, dân chủ chính xác, đó cũng là việc làm khuyến khích được đội ngũ. Những giáo viên tận tâm với chuyên môn, với học sinh bằng nhiều hình thức có sự động viên xứng đáng. Nhà trường đã tích cực giúp giáo viên hiểu biết và vận dụng được công nghệ thông tin vào dạy học. 60% giáo viên của trường đã vận dụng CNTT vào những tiết dạy của mình.
*Ông Trịnh Khôi, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Bắc Ninh:
ở trường chuyên thì chất lượng cao về chuyên môn của giáo viên là một yếu tố có tính quyết định về chất lượng toàn diện cũng như chất lượng mũi nhọn của học sinh. Trong năm học này, vấn đề quản lý về chất lượng đội ngũ được nhà trường đặt lên hàng đầu. Ngoài việc yêu cầu và động viên giáo viên tự nâng cao chất lượng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đội ngũ học sinh giỏi, nhà trường còn có nghị quyết kiểm tra đánh giá chất lượng đối với từng giáo viên ở các bộ môn. Trường cũng tổ chức thi nghiêm túc các môn thi phù hợp với chuyên môn của từng giáo viên. Giám khảo là lãnh đạo nhà trường. Qua thực tế thi kiểm tra như vậy, lãnh đạo nhà trường đánh giá được chất lượng đội ngũ giáo viên cụ thể đến từng người để việc phân công chuyên môn phù hợp. Nhưng qua việc kiểm tra đánh giá chuyên môn này cũng giúp giáo viên thấy rõ được những mặt mạnh yếu của mình để định ra nội dung cần học tập, bồi dưỡng thêm để đáp ứng được yêu cầu của một giáo viên trường chuyên. Theo ông Trịnh Khôi, đổi mới quản lý là một phạm trù rộng, mỗi một năm học chỉ cần tập trung dứt điểm đổi mới một nội dung thôi cũng là tốt lắm rồi.
Nhận xét chung
So với việc đổi mới mục tiêu, chương trình giáo dục thì việc đổi mới quản lý giáo dục là một nhiệm vụ có tính quyết định các hoạt động giáo dục. Nhưng đáng tiếc là việc đổi mới quản lý ở cả hai tầm vĩ mô và vi mô chúng ta làm còn chậm và thiếu đồng bộ. Chính sức ỳ của công tác quản lý có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động giáo dục nói chung, cũng như việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục nói riêng. Trong năm học này, Bộ đã đề ra cuộc vận động đổi mới quản lý giáo dục là cần thiết và cấp bách. Mong rằng từ cuộc vận động của Bộ GD-ĐT, mỗi đơn vị nhà trường chọn được một giải pháp phù hợp để đổi mới công tác quản lý.
Qua trao đổi với một số hiệu trưởng các trường, họ đã có được sự thống nhất về nhận thức và giải pháp. Đó là: Mục tiêu cuối cùng của đổi mới quản lý là nâng cao chất lượng giáo dục. Nên căn cứ vào thực tế nhà trường mà chọn những giải pháp đổi mới phù hợp.
Nguyễn Đình Tùng
Ý kiến ()