Công tác kiểm tra có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Lãnh đạo không chỉ là việc xây dựng đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ mà còn là kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn.
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác kiểm tra giám sát, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với việc ban hành các quy chế làm việc và chương trình công tác, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra và các chương trình công tác kiểm tra, giám sát. Tại các hội nghị học tập quán triệt và tập huấn toàn ngành, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát. Thực tế những năm trước đây, các cuộc kiểm tra, nhất là kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng, việc xác định nội hàm của cuộc kiểm tra không rõ ràng, do đó kết luận cuộc kiểm tra thường chung chung và cơ bản giống nhau, có thể áp dụng cho các đối tượng kiểm tra khác nhau. Đối với tập thể thì kết quả hoàn thành một số nhiệm vụ không cao; với cá nhân thì vì công việc tính tình đôi khi nóng nảy, hoặc phê và tự phê hạn chế. Có ý kiến cho rằng kiểm tra để đóng dấu an toàn, vì vậy tình trạng vi phạm không được kịp thời phát hiện và xử lý. Đã có tổ chức cơ sở đảng tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài, các cơ quan kiểm tra, thanh tra giải quyết, kết luận có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật. Thực sự kết luận chưa chỉ rõ nội dung, tính chất vi phạm, đối tượng kiểm tra chưa thấy được các vi phạm của mình, không nghiêm túc rút kinh nghiệm, trái lại còn có biểu hiện thách thức dư luận gây nên những bức xúc trong cán bộ, đảng viên. Vì thế sau thanh tra, kiểm tra, đơn khiếu tố vẫn không chấm dứt, tình trạng âm ỉ cho đến khi sự việc nổi cộm, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, kết quả là mất phong trào, mất cán bộ.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, ngành kiểm tra Đảng tỉnh Bắc Ninh xác định phải gắn chặt với công tác tư tưởng, tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; phải thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát cũng cần thực hiện đồng bộ, giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm để phòng ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm ngay từ lúc mới manh nha. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh để răn đe và giáo dục. Quán triệt quan điểm nêu trên, cấp ủy các cấp, nhất là chi bộ phải tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm hoặc không để tái phạm, góp phần chủ động thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đối với ngành kiểm tra phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tổ chức nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hướng dẫn cho ủy ban kiểm tra cấp dưới tập trung các nội dung về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; lĩnh vực kinh tế-tài chính; lĩnh vực hành chính; công tác tổ chức và cán bộ; kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đảng viên và công dân; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trên cơ sở phương hướng kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đều ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát. Để cho cuộc kiểm tra có chất lượng và hiệu quả, trước khi kiểm tra theo quyết định và kế hoạch, các đoàn kiểm tra đều phải xây dựng đề cương chi tiết. Đề cương phải nêu căn cứ pháp lý để kiểm tra (có thể là những văn bản của TƯ hoặc địa phương), các căn cứ chứng minh việc tổ chức thực hiện của cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân là đối tượng kiểm tra, giám sát; đề cương phải được người chỉ đạo cuộc kiểm tra, giám sát phê duyệt hoặc cho ý kiến trước khi thực hiện. Đối với những cuộc kiểm tra giám sát mà phạm vi rộng liên quan đến hệ thống các quy định (như kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi toàn tỉnh), hoặc đối tượng thụ hưởng của chính sách lớn (như nông dân trong chính sách hỗ trợ nông nghiệp; doanh nghiệp trong cấp bù thủy lợi phí; học sinh, thực chất là cha mẹ học sinh phải đóng góp các khoản thu trong trường học; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đều tổ chức tập huấn, thực chất là mô tả cách mà cuộc kiểm tra, giám sát phải tiến hành, các yêu cầu mà cuộc kiểm tra, giám sát phải đạt được, bảo đảm yêu cầu kế hoạch và rút ngắn thời gian thực hiện các bước của quy trình. Chính việc chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương và những buổi tập huấn giúp cho cuộc kiểm tra giám sát đạt được hiệu quả cao. Đến nay không còn tình trạng kết luận kiểm tra giám sát chung chung, nhiều kết luận đã chỉ ra đối với tập thể cấp ủy (Ban Thường vụ) chậm xây dựng hoặc bổ sung sửa đổi quy chế, thậm chí không thực hiện nghiêm túc theo quy chế; theo quy định cấp ủy phải định kỳ nghe và cho ý kiến về công tác kiểm tra, giám sát nhưng nhiều cấp ủy không thực hiện mà còn khoán trắng cho kiểm tra; một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính sách đối với người có công, chính sách hỗ trợ nông dân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cần có sự lãnh đạo của cấp ủy nhưng một số cấp ủy còn xem nhẹ, có triển khai nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và chấn chỉnh; một số cơ quan quản lý hành chính buông lỏng công tác quản lý nhà nước nên chậm phát hiện và xử lý sai phạm cấp dưới như có HTX lấy tiền hỗ trợ nông dân chi trả công cho cán bộ, thậm chí tổ chức cho cán bộ đi du lịch; có trường học thu tiền nước uống của học sinh chi cho mục đích khác; có đơn vị thanh tra kết luận chỉ ra những sai phạm khuyết điểm và yêu cầu khắc phục nhưng chậm thực hiện.
Song song với việc thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao, ngành kiểm tra Đảng tỉnh Bắc Ninh còn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Trong kiểm tra giám sát thì kiểm tra dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, có cả cấp ủy viên cùng cấp. Điển hình là cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đã phát hiện ở một đơn vị tồn tại vi phạm kéo dài trong nhiều năm về quản lý và sử dụng đất, quản lý tài chính, quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản, vi phạm trong công tác tuyển dụng, quy hoạch đào tạo và bố trí cán bộ… gây bức xúc trong nhân dân. Sau kiểm tra đã thi hành kỷ luật đối với tập thể và cá nhân vi phạm, tình hình địa phương ổn định và phát triển trở lại.
Ngoài tập huấn nhiệm vụ cho cấp dưới, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy còn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ và nghiệp vụ kiểm tra. Đến nay các Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc đã chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác kiểm tra. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa công tác tổ chức và công tác kiểm tra cùng lãnh đạo của các cấp ủy đã giúp hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác kiểm tra trong hoạt động lãnh đạo của toàn Đảng bộ.
Ý kiến ()