Những cột khói không còn “vô tư” phả thẳng lên trời mảng màu trắng xóa, đường làng, ngõ xóm không còn nườm nượp xe chở phế liệu ra - vào…, làng Mẫn Xá, xã Văn Môn (Yên Phong) dần “dễ thở” hơn sau 1 tháng cao điểm cả hệ thống chính trị vào cuộc, dồn lực xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường. Khi các
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tiến hành kiểm tra chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.
Biện pháp mạnh tay
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường xử lý, tiến tới xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, từ ngày 8-11, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp dẫn đầu triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành quy định pháp luật tại cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá. Đây là biện pháp tiên quyết trong xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vốn nhức nhối nhiều năm tại đây, hướng tới mục tiêu “xanh hóa làng nghề”.
Đồng hành với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất cô đúc nhôm, kim loại trong CCN làng nghề Mẫn Xá, chúng tôi thực sự cảm nhận rõ không khí nồng nặc tới “tức ngực, khó thở” của bụi bẩn, của khói đen kịt từ các lò đốt và bãi xỉ thải kim loại tái chế. Thế mới thấy nỗi khổ của người dân nơi đây hằng ngày phải sống trong môi trường vô cùng độc hại. Điều đáng lo ngại hơn là qua kiểm tra hồ sơ và thực tế, không có bất cứ một cơ sở, doanh nghiệp nào ở Mẫn Xá đủ điều kiện hoạt động, tất cả đều vi phạm quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, an toàn điện, quy hoạch, xây dựng.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các Tổ kiểm tra, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đánh giá: “Hàng loạt sai phạm tại các cơ sở sản xuất được chỉ ra, trong đó, chính chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka có những sai phạm nghiêm trọng như: không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình theo quy định; không có giấy phép môi trường; không có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu; không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; … Quán triệt tinh thần chỉ đạo không thoả hiệp với bất cứ hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ, yêu cầu dừng hoạt động sản xuất cả chủ đầu tư CCN và các cơ sở trong cụm nếu không khắc phục sai phạm”.
Nhằm “phong tỏa” các nguồn gây ô nhiễm, tại các điểm ra, vào CCN làng nghề và các cơ sở cô đúc kim loại trên địa bàn thôn Mẫn Xá, từ ngày 19-11, Công an huyện Yên Phong phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh triển khai 6 Tổ chốt chặn, có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ thải, chất thải, rác thải công nghiệp… Mỗi Tổ chốt gồm 18 thành viên là cán bộ của Công an tỉnh, Công an huyện và lực lượng an ninh trật tự cơ sở xã Văn Môn; hoạt động 24/24h, kiểm soát tất cả phương tiện có dấu hiệu vi phạm trên các tuyến đường di chuyển ra, vào CCN làng nghề và các tuyến đường ra, vào thôn Mẫn Xá. Biện pháp “cứng rắn” này sẽ ngăn chặn triệt để nguồn phế liệu ra, vào làng nghề, CCN làng nghề.
Hành trình làm sạch môi trường Văn Môn đang nhận được sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và từ những biện pháp mạnh tay, điểm nóng ô nhiễm môi trường Văn Môn ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở Văn Môn sẽ được xử lý dứt điểm.
Chuyển biến từ nhận thức tới hành động
Là một trong những hộ sản xuất ở Mẫn Xá có quy mô 5 lò cô đúc nhôm với 20 lao động, ông Lê Quang Đường chia sẻ: “Được sự phân tích, vận động của chính quyền và các ngành chức năng, chúng tôi đồng tình với chủ trương dừng sản xuất tại khu dân cư, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân. Tuy nhiên, cô đúc nhôm, phế liệu là nghề mưu sinh bao năm qua của tôi cũng như người dân nơi đây, nên chúng tôi rất cần các ngành chức năng hỗ trợ quá trình di dời, chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống cho các hộ làm nghề”. Ý kiến của ông Đường cũng là nguyện vọng của phần đa người dân Văn Môn nói chung và làng nghề Mẫn Xá nói riêng khi tham gia buổi đối thoại giữa UBND huyện Yên Phong với hơn 250 hộ, cơ sở sản xuất, cô đúc, tái chế kim loại tại xã Văn Môn vào ngày 6-11. Bước đầu, các hộ sản xuất đều nhận thức được tính chất nguy hại về ô nhiễm môi trường; bày tỏ thống nhất với chủ trương di dời của tỉnh và của huyện; kiến nghị được gia hạn để các cơ sở có thời gian khắc phục, thu hồi vốn sản xuất; có cơ chế chính sách, bố trí quỹ đất thực hiện di dời, chuyển đổi loại hình hoạt động; sớm có đơn giá xử lý lượng xỉ thải tồn đọng trên địa bàn; làm rõ quy chuẩn về xử lý khí thải và tình hình hoạt động của CCN làng nghề Mẫn Xá…
Từ nhận thức thông suốt, người dân làng nghề chủ động chấp hành các khuyến cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và chính quyền địa phương. Đến ngày 27-11, có 87 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt, lò tái chế kim loại (7 hộ trong CCN, 80 hộ trong khu dân cư); cơ bản các hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá cam kết tự nguyện dừng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Thoành, chủ cơ sở đầu tiên trong CCN làng nghề Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ lò đốt cho biết: “Chúng tôi thuê đất và dựng nhà xưởng diện tích hơn 160 m2 trong năm 2024 nhưng chưa đi vào hoạt động. Khi được tuyên truyền, nhắc nhở loại lò đốt nhôm này chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường nên gia đình đã tự nguyện phá dỡ. Tuy nhiên, người dân cũng còn nhiều trăn trở, nếu trước khi xây dựng, chúng tôi được hướng dẫn, nhắc nhở từ chủ đầu tư, từ cơ quan quản lý của địa phương thì chắc chắn sẽ không gây thiệt hại về kinh tế như bây giờ”. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư hạ tầng CCN làng nghề Mẫn Xá là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hanaka và công tác quản lý của các phòng, ban chức năng huyện Yên Phong. Đại diện chủ đầu tư cũng đã cam kết khắc phục các lỗi vi phạm mà Đoàn kiểm tra chỉ ra và sẽ thực hiện nghiêm các quy định xử phạt của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Công Đoàn cam kết: “Cấp ủy, chính quyền xã Văn Môn sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh để người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về môi trường tại khu dân cư. Tất cả cùng quyết tâm đạt được lộ trình “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022-2026 đặt ra”. Đồng hành với người dân, Huyện ủy, UBND huyện Yên Phong yêu cầu các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, khẩn trương thực hiện dự án đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn làng nghề xã Văn Môn; đề xuất đơn giá xử lý xỉ thải, báo cáo UBND tỉnh nhằm giải quyết triệt để những tồn đọng.
Đến ngày 27-11, Đoàn tiến hành kiểm tra 94/94 cơ sở, phát hiện 776 hành vi vi phạm tại các cơ sở trong CCN làng nghề Mẫn Xá; lập 95 biên bản kiểm tra, biên bản làm việc; 99 biên bản vi phạm hành chính, tổng mức xử phạt gần 30 tỷ đồng; áp dụng hơn 50 hình phạt bổ sung. UBND tỉnh ký, ban hành 51 quyết định xử phạt đối với 51 cơ sở trong CCN làng nghề Mẫn Xá. Đặc biệt, chủ đầu tư hạ tầng CCN làng nghề Mẫn Xá là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka bị xử phạt 5 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 888 triệu đồng; đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường tại CCN làng nghề Mẫn Xá 4 tháng 15 ngày. Cùng thời điểm, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Yên Phong lập biên bản kiểm tra 119/146 hộ cô đúc, tái chế kim loại trên địa bàn các xã Văn Môn và Đông Thọ, ban hành 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt gần 8,7 tỷ đồng. |
Kiểm tra tiến độ thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chỉ rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm ô nhiễm môi trường, đầu tiên là thuộc về chủ đầu tư CCN làng nghề Mẫn Xá, tiếp đến là công tác quản lý của UBND huyện Yên Phong. Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Phong chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về kết quả thực hiện, tập trung phối hợp với đoàn kiểm tra phân cấp rõ xử lý vi phạm để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xử lý. Đây là chỉ đạo thể hiện quan điểm, tinh thần quyết tâm của tỉnh trong việc xóa sổ hệ lụy phát sinh từ một làng nghề truyền thống. Ngay sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo huyện Yên Phong thực sự vào cuộc, xoắn đáo trong giải quyết triệt để bài toàn ô nhiễm môi trường tại đây, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch của tỉnh.
Những ngày cuối năm, Văn Môn như một công trường xây dựng khi các chủ hộ sản xuất đồng thuận với chủ trương của tỉnh, của huyện, tự nguyện phá dỡ lò đốt, ống thu khói không bảo đảm quy chuẩn, phá dỡ phần xưởng xây dựng sai quy hoạch… Đã đến lúc làng nghề kết thúc sứ mệnh lịch sử sản xuất bằng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, để khoác lên mình diện mạo mới văn minh, hiện đại, sản xuất song hành cùng bảo vệ môi trường.
Phóng sự của Lan Thương
Ý kiến ()