“Bác Hồ là người đã cho tôi cuộc đời thứ hai - cuộc đời vinh quang được sống chiến đấu và học tập theo đúng nghĩa. Hình ảnh và những lời căn dặn của Người thấm sâu vào tâm khảm, chi phối những suy nghĩ, hành động giúp tôi trưởng thành”. Đó là tâm sự của cựu chiến binh Ngô Văn Núi, người có gần 20 năm được sống bên Bác Hồ.
Năm nay, cựu chiến binh Ngô Văn Núi đã ở tuổi 94 với hơn 72 năm tuổi Đảng. Sức khoẻ không được tốt, đi lại khó khăn nhưng người cận vệ của Bác năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về kỷ niệm những tháng năm được gần gũi bên Người. Đó là kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác, ăn Tết cùng Bác, hay các chuyện Bác dạy bộ đội cách đọc báo, đào hầm, vớt gỗ, tăng gia sản xuất, chuyện về tác phong sinh hoạt và những lời căn dặn của Bác… Mỗi câu chuyện với ông đều mang dấu ấn sâu sắc, một bài học không thể nào quên. Đặc biệt là kỷ niệm Bác dạy các chiến sĩ cận vệ cách đọc và học tập từ báo chí để từ đó nâng cao trình độ, trưởng thành trong công tác.
Ông Ngô Văn Núi trò chuyện với phóng viên về cách đọc và học từ báo chí theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Văn Núi xúc động nhớ lại: Một buổi tối ở chiến khu Việt Bắc, Tiểu đội bảo vệ đang sinh hoạt sôi nổi thì bất chợt Bác vào. Anh em đứng cả dậy. Bác ra hiệu cho mọi người ngồi cả xuống. Rồi Bác ngồi cùng mọi người. Bác rất vui vì thấy anh em đều khoẻ mạnh. Bác trìu mến nhìn các chiến sĩ bảo vệ của mình. Rồi Bác kể chuyện thế giới, trong nước. Cuối cùng Bác hỏi: “Liên Xô ở đâu? Trung Quốc ở đâu? Lào ở đâu? Campuchia ở đâu? Ý nghĩa của cuộc cải cách ruộng đất là gì?...”. Anh em chúng tôi cứ nhìn nhau gãi đầu, gãi tai. Bác cười và giảng giải cho chúng tôi nghe, rồi dặn: “Đi làm cách mạng các chú phải cố gắng học văn hoá, chính trị, quân sự… thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng”.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, điều kiện học tập của bộ đội rất khó khăn vì công tác thường xuyên phân tán, địa bàn hoạt động lại rộng, sách, báo không có nhiều. Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở mỗi người phải nâng cao ý thức tự giác, tự quản, tự học tập, đặc biệt là tăng cường học tập từ báo chí.
Ông Núi kể: Giữa năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc trời nắng nóng, Bác đi dạo quanh khu vực rồi vào lán của anh em bảo vệ. Bác thấy sách báo anh em xem xong để bừa ra sàn ngủ. Bác ra hiệu cho anh em lại gần quây quần bên Bác. Bác phê bình bằng cách ân cần bảo: “Các chú xem xong phải để vào giá sách báo. Các chú cắt các bài xã luận rồi đóng thành tập. Khi sinh hoạt đem ra đọc, thảo luận, liên hệ để nâng cao kiến thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính phủ...”. Bác còn dặn: “Đọc cần tóm lược được các ý chính của bài báo, biết bài báo viết những gì, điểm gì nổi bật nhất, phần nào quan trọng thì đánh dấu vào. Không chỉ đọc mà còn phải học cách viết, cách nói sao cho ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu”.
Làm theo lời Bác, hàng ngày cứ đến giờ đọc báo, các chiến sĩ cận vệ đọc những tin chiến thắng ở các chiến trường, sau đó đọc các bài xã luận, bình luận, phân tích, đánh giá và hệ thống lại bằng cách cắt, dán, đóng thành tập. Từ đó, chất lượng sinh hoạt đọc báo được cải thiện và trình độ hiểu biết về đường lối, chính sách cũng như nhận thức tư tưởng chính trị của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt.
Riêng với ông Núi thấm thía những lời dạy của Bác và hiểu ra rằng: “Muốn làm một chiến sĩ cách mạng nói chung và người chiến sĩ bảo vệ tốt nói riêng thì không những phải rèn luyện về nghiệp vụ mà còn phải tranh thủ, tích cực học tập kiến thức, trau dồi về phẩm chất đạo đức, không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng. Như vậy mới có động cơ phấn đấu đúng đắn và có điều kiện, cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Luôn tâm niệm và nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác, từ những năm tháng kháng chiến vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ông Núi luôn nêu cao ý thức tự học tập và tranh thủ học ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó mà không ngừng trưởng thành trong công tác.
Ông Núi chiêm nghiệm: “Tôi sinh năm 1931 trong một gia đình 3 đời nghèo khổ thôn Thận Đạm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Bố mẹ làm thuê, đi ở quần quật cả ngày, bản thân không được đi học. Vì căm thù giặc mà tham gia du kích, rồi vào bộ đội năm 1949. Với xuất phát điểm về trình độ chỉ học bình dân học vụ, thoát khỏi mù chữ nếu bản thân không nỗ lực tự học thì không thể trưởng thành”.
Nhìn lại cuộc đời quân ngũ của ông Núi mới thấy hết những gì ông chiêm nghiệm: Trong đội hình Đại đội 58 Tiểu đoàn 428 Trung đoàn 141 Sư đoàn 312, nhờ lập nhiều chiến công, ông Núi được kết nạp Đảng năm 1952, trở thành Tiểu đội trưởng (lúc đó anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót là Tiểu đội phó) và năm 1953 được tuyển chọn đi làm nhiệm vụ đặc biệt - cận vệ trực tiếp của Bác Hồ. Cũng từ đó, ông có gần 20 năm được sống bên Bác Hồ (từ năm 1953 đến 1969) và hầu hết thời gian ông Núi được gần gũi bên Bác. Nhờ tự học theo chỉ dạy của Bác mà một chàng trai thôn quê vốn không được học hành đã hoàn thiện dần các bậc học, được cử đi đào tạo tại Học viện Quân sự. Từ một chiến sĩ cận vệ trở thành Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 600 với quân hàm Đại tá… góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác Hồ. Sau này tiếp tục bảo vệ Bác Tôn, Bác Đồng và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chính quyền non trẻ của cách mạng Campuchia những ngày đầu thành lập.
Hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, về hưu, ông Núi vẫn giữ thói quen tự học từ báo chí. Với tư cách là độc giả thường xuyên của Báo Bắc Ninh, ông cho rằng: “Ngày nay, chúng ta có điều kiện thuận lợi để đọc nhiều loại báo. Chỉ tính riêng Báo Bắc Ninh đã cung cấp cho chúng ta những nội dung cơ bản các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin mọi mặt đời sống, xã hội trong tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để mọi người cập nhật thông tin và học tập, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu thường xuyên đọc báo theo lời dạy của Bác thì tôi nghĩ rằng cán bộ sẽ thấm nhuần hơn đường lối, chính sách để làm tốt hơn nhiệm vụ, chức trách của mình. Còn nhân dân tích cực đọc báo sẽ nâng cao kiến thức, học hỏi những kinh nghiệm để làm giàu chính đáng”.
Là một độc giả tâm huyết, ông Núi chia sẻ: “Báo của tỉnh ta đã có nhiều đổi mới để cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc nhưng theo tôi cần chú trọng hơn nữa trong cách thể hiện sinh động các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để hấp dẫn người đọc. Cùng với việc tăng cường hơn nữa những bài viết về gương người tốt, việc tốt, những gương thật tiêu biểu để tạo sức tác động, lan tỏa tốt trong xã hội cũng rất cần những bài báo bóc trần những sai trái, tiêu cực, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch để bảo đảm “vừa xây, vừa chống”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.
Cũng theo ông Núi: “Đất nước ta hiện nay đang đổi mới, hội nhập và phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, lời dạy của Bác về xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, về cách đọc và học tập từ báo chí vẫn còn nguyên giá trị giúp các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tuyên truyền và giúp mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ”.
Ghi chép của Bảo Anh
Ý kiến ()