Sau hơn một năm kể từ Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đoàn kết, vượt qua khó khăn thử thách đẩy mạnh sản xuất, đẩy lùi “giặc đói”, ổn định đời sống của nhân dân, từng bước thanh toán nạn mù chữ, tích cực xây dựng cuộc sống mới.
Nhưng thực dân Pháp ngày càng lộ rõ bản chất xâm lược, ngang nhiên phản bội Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, liên tiếp khiêu khích và tấn công ta ở nhiều nơi. Trong hai ngày 17 và 18-12-1946 chúng gây ra nhiều vụ khiêu khích ở Hà Nội, gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ, giành quyền kiểm soát thủ đô Hà nội.
Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô toàn quốc. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy guộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”.
Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch như tiếng kèn xung trận, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, thôi thúc đồng bào cả nước nhất tề đứng dậy bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phối hợp với mặt trận Hà Nội, đêm 19-12-1946 lực lượng pháo binh của tỉnh từ Cự Khối (Gia Lâm) bắn vào các vị trí đóng quân Pháp trong nội thành. Tự vệ Gia Lâm phối hợp với tự vệ bãi Phúc Xá (Hà Nội) đánh mìn phá hủy 100 mét mặt cầu Long Biên.
Trong các đêm 19, 20, 21-12-1946 đội “Cảm tử quân” Bắc Ninh phối hợp cùng tự vệ khu Ngọc Thụy tổ chức đánh sân bay Gia Lâm, nhưng quân Pháp canh phòng chặt chẽ, cả 3 đêm ta không nổ súng, đến giáp Tết Đinh Hợi, đơn vị “Cảm tử quân” được tăng cường thêm lực lượng, tiến đánh sân bay Gia Lâm, một số cán bộ, chiến sỹ bị tương vong.
Ngày 23-12-1946, thực dân Pháp đưa viện binh từ Hà Nội lên giải vây cho cánh quân ở Bắc Ninh, trên đường di quân địch dùng trọng pháo bắn vào các làng hai bên đường số 1, bộ đội cùng với tự vệ, du kích các xã Đình Bảng, Cẩm Giàng, Yên Viên phối hợp chống trả, tiêu diệt 50 tên địch, phá hủy một số xe. Lực lượng vệ quốc đoàn phối hợp với tự vệ thị xã Bắc Ninh dùng địa lôi đánh cháy một xe tăng địch. Sáng ngày 24-12-1946, địch đưa quân lên Đáp Cầu, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của ta dũng cảm chiến đấu, buộc chúng phải rút về thị xã. Do liên tục bị bao vây, chặn đánh, ngày 31-12-1946, thực dân Pháp đốt phá nhiều nhà cửa của dân chúng, rồi rút về cầu Đuống, trên đường rút chạy, quân Pháp bị ta chặn đánh tại dốc Lã, tiêu diệt 60 tên.
Hơn 10 ngày đầu của cuộc kháng chiến, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã anh dũng chiến đấu, bao vây cầm chân quân địch ở nhiều nơi, gây cho chúng nhiều tổn thất. Tại thị xã Bắc Ninh, đơn vị tự vệ của tỉnh đã kiên trì giữ thành trước những đợt tiến quân dữ dội của quân địch.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về phá hoại giao thông theo khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào, cũng như một viên đạn của chiến sĩ bắn vào quân địch vậy”, ngày 6-1-1947, Ủy ban Kháng chiến tỉnh đã phát mệnh lệnh đầu tiên huy động trên 10.000 nhân công, trong đó có lực lượng dân quân, du kích và đông đảo nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn đã đào phá 22 quãng (dài từ 15 đến 20 m) trên đường số 1, 12 quãng trên đường số 18 đi Phả Lại, 2 quãng trên đường số 5…
Đầu tháng 1-1947, Tỉnh ủy Bắc Ninh họp kiểm điểm tình hình những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đề ra những biện pháp cấp bách về quân sự và các mặt công tác khác. Tỉnh ủy đã quyết định thành lập lực lượng du kích tập trung, xây dựng làng chiến đấu, thực hiện phá hoại, bao vây kinh tế địch. Ủy ban Kháng chiến tỉnh cấp giấy phép cho nhân dân vùng có chiến sự đi tản cư. Các cơ quan hành chính của tỉnh giảm biên chế từ 419 người xuống 223 người và di chuyển các cơ quan về làm việc tại huyện Yên Phong là vùng hậu phương của tỉnh. Các huyện Thuận Thành, Gia Bình thành lập Ủy ban động viên tinh thần dân chúng, gồm các thân hào yêu nước ở địa phương nhằm tuyên truyền vận động quần chúng đoàn kết, yên tâm tăng gia, sản xuất, tin tưởng vào cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Nhận rõ tầm quan trọng của Bắc Ninh, cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội, án ngữ hai con đường chiến lược (quốc lộ 1A lên phía Bắc, đường số 5 đi Hải Phòng), thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu chiếm đóng Bắc Ninh làm căn cứ và bàn đạp để mở rộng chiến tranh lên Việt Bắc và mở thông con đường ra cửa biển Hải Phòng. Những tháng đầu năm 1947, thực dân Pháp mở nhiều trận càn vào các làng thuộc huyện Gia Lâm, tập trung lực lượng thủy, lục, không quân mở chiến dịch đánh chiếm các vị trí trên tuyến đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, dùng xe cơ giới chạy trên đê sông Đuống tới Lệ Chi (Gia Lâm) đánh chiếm các vị trí trọng yếu ở hữu ngạn sông Đuống. Đầu tháng 4-1947, địch huy động khoảng 3.500 quân, có xe tăng, đại bác yểm trợ mở nhiều cuộc càn quét lớn, chiếm đóng các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lang Tài. Chúng ráo riết truy lùng, dụ dỗ du kích chiêu hàng, bắn giết, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ..., đồng thời thúc ép dân chúng lập tề, bắt lính, bắt phu đi xây đồn bốt, tháp canh. Đến cuối tháng 4-1947, thực dân Pháp căn bản đã chiếm đóng và kiểm soát vùng Nam phần Bắc Ninh, lập được 16 ban tề có vũ trang. Mặt khác, quân Pháp cũng mở nhiều cuộc tiến công sang Bắc phần Bắc Ninh khủng bố dân chúng, tiêu diệt du kích.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bắc Ninh họp rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng chung của thời kỳ này là vừa xây dựng, bảo tồn, củng cố lực lượng dân quân, du kích, vừa đánh địch tiêu hao lực lượng của chúng, đồng thời ổn định, giữ vững tinh thần dân chúng. Tỉnh thành lập Đại đội du kích Nghĩa Quân có 215 chiến sĩ, gồm 4 trung đội nam, 1 tiểu đội nữ trang bị vũ khí ban đầu có 51 súng trường, 690 lựu đạn, 7 bom ba càng, 28 gươm. Các huyện đã thành lập được các trung đội du kích tập trung với những trang bị ban đầu gồm súng trường, lựu đạn, dao găm, lưỡi lê... Cơ quan quân sự Tỉnh đội được thành lập.
Thực hiện cách đánh du kích, vận động chiến lực lượng tự vệ, dân quân du kích của các địa phương đã anh dũng chiến đấu chống địch càn quét, gây cho chúng nhiều tổn thất.
Ngày 23-4-1947, địch kéo hàng nghìn quân chia làm 2 gọng kìm bao vây tấn công làng Đình Bảng (Từ Sơn). Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, làng chiến đấu Đình Bảng phải đối mặt với thực dân Pháp mạnh gấp bội về súng đạn và quân số. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân Đình Bảng với sự tham gia tích cực của đội lão du kích, thiếu niên du kích đã chiến đấu kiên cường dũng cảm, bẻ gẫy nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp, diệt và làm bị thương 50 tên, buộc chúng phải rút lui. Với chiến thắng oanh liệt này, Đình Bảng đã trở thành một làng chiến đấu kiểu mẫu nổi tiếng, được nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước ca ngợi và học tập.
Thi hành mệnh lệnh của Trung ương về tiêu thổ kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống”, Tỉnh uỷ và Ủy ban Kháng chiến tỉnh chỉ đạo tiến công phá trại bảo an binh, trại lính Đáp Cầu. Vì sự nghiệp thiêng liêng của cuộc kháng chiến, cứu nước, nhân dân thị xã Bắc Ninh đã tự nguyện dỡ mái, trần nhà, sàn gác, một số nơi phá, dỡ cả đình, chùa, đền miếu thờ…
Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ đạo các phân xưởng sản xuất vũ khí ở Từ Sơn, Tiên Du chế tạo các loại súng kíp, lựu đạn, bom ba càng trang bị cho bộ đội, du kích đánh giặc; mở hai lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ dân quân, đẩy mạnh các hoạt động du kích chống địch càn quét, chiếm đóng. Đồng thời lãnh đạo toàn dân hưởng ứng các phong trào thi đua “Kháng chiến, kiến quốc”, tích cực tăng gia sản xuất, nhằm “tự túc ăn, mặc”. Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, đến cuối tháng 3-1947, toàn Đảng bộ có 82 chi bộ với 831 đảng viên. Huyện Tiên Du đã thành lập được các tổ chức quần chúng như Hội Liên hiệp quốc dân (Mặt trận Liên Việt) ủng hộ kháng chiến gồm hàng vạn hội viên có cả trí thức, thân hào, thân sĩ tham gia. Huyện Quế Dương thành lập Hương Thiện Hội ủng hộ kháng chiến, thu hút đông đảo lão bà tham gia làm việc nghĩa. Hội văn hóa tập hợp nhiều kỳ hào, kỳ mục, nhân sĩ, vận động bình dân học vụ, hô hào cải cách hương thôn. Huyện Yên Phong tổ chức Hội Phật giáo ủng hộ kháng chiến. Hội nông dân cứu quốc đã tổ chức đại hội với hàng vạn nông dân tham gia. Phong trào phụ nữ cứu quốc ở Kinh Bắc được củng cố và có nhiều tiến bộ.
Từ ngày 19-12-1946 đến giữa năm 1947, địch đã chiếm đóng, kiểm soát các huyện ở Nam phần. Sông Đuống trở thành chiến tuyến tạm thời phân chia Bắc Ninh thành hai vùng: Vùng tự do gồm các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong, thị xã Bắc Ninh. Vùng địch tạm chiếm đóng gồm các huyện Nam phần: Gia Lâm, Thuận Thành, Gia Bình, Lang Tài, Văn Giang.
Trong hoàn cảnh ấy, Đảng bộ Bắc Ninh lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đoàn kết, tin tưởng, ra sức thi đua vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân, cùng với cả nước kiên trì đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược giải phóng quê hương.
Ý kiến ()