Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên, nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn.
Tháo gỡ “nút thắt” từ nhận thức đến hành động
Thị xã Từ Sơn - nơi có nhiều làng nghề và cụm công nghiệp vừa và nhỏ luôn là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nước mặt, không khí, nước ngầm gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sinh hoạt của người dân. Việc xây dựng Nhà máy xử lý nước thải trong một đô thị hay KCN, cụm công nghiệp là nhu cầu, nhiệm vụ tất yếu mang tính bắt buộc nhằm bảo đảm môi trường sống trong lành, một trong những tiêu chí để phát triển bền vững. Đối với một địa phương từ lâu đã chịu nhiều ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất sắt thép như khu phố Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê đáng lý ra phải hào hứng đón nhận công trình phúc lợi quan trọng và đầy ý nghĩa này mới đúng. Nhưng thực tế một số người dân kịch liệt phản đối, kích động đông người không đồng tình trong triển khai dự án dẫn đến việc dự án chậm tới hơn 4 năm.
Những vấn đề ở Trịnh Nguyễn, Bí thư Tỉnh ủy đã được nghe, được biết và trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo trong thời gian qua song lấy làm tiếc và rất trăn trở khi Bí thư Tỉnh ủy mời các đảng viên, gia đình chính sách lên văn phòng Tỉnh ủy gặp mặt, trao đổi, giải đáp thắc mắc nhưng không nhận được hồi âm. Ngược lại, một số người lại tham gia vào việc kích động, lôi kéo người khác gây mất ổn định ở cơ sở. Điều này không chỉ gây giảm sút sức chiến đấu của cơ sở Đảng mà nghiêm trọng hơn là mất niềm tin đối với nhân dân. Từ đó làm tổn hại thuần phong mỹ tục, tình làng nghĩa xóm ở địa phương, gây ảnh hưởng tới đời sống kinh tế- xã hội của người dân.
Trong lần đối thoại thứ 4 chiều ngày 14-10, (trước đó các cấp chính quyền đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với người dân nhưng không thành công), đích thân Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp về tận cơ sở gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn thì những vấn đề về nhận thức, tư duy của không chỉ lãnh đạo mà cả người dân đã tìm được tiếng nói chung, chuyển hóa nhận thức tới hành động và quyết tâm thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn trong thời gian sớm nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Trăn trở nhiều nhất, chịu nhiều áp lực nhất có lẽ chính là các đảng viên, những người tâm huyết với phong trào ở khu phố Trịnh Nguyễn. Ông Dương Văn Bắc, Nguyên Chủ tịch UBND phường Châu Khê bày tỏ nỗi xót xa: Ở Châu Khê ô nhiễm môi trường nước, không khí đã báo động từ lâu bởi tác động tiêu cực từ sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tâm nguyện của người dân địa phương muốn có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển gắn liền với việc được thụ hưởng các dich vu seo vụ an sinh xã hội. Nhu cầu được dùng nước sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ tầng điện, đường, trường, trạm được bảo đảm là hoàn toàn chính đáng, song trên thực tế việc triển khai ở Trịnh Nguyễn lại quá chậm. Chính vì vậy, khi dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn đưa về địa phương ngay lập tức bị phản đối kịch liệt do công tác tuyên truyền chưa đầy đủ, quyết liệt. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn triển khai chưa nghiêm túc theo tinh thần: Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra. Mặt khác nhận thức của số ít cán bộ, đảng viên, người dân còn thấp, tư duy cục bộ địa phương. Chính thái độ thiếu quyết liệt của chính quyền cũng như công tác tuyên truyền, vận động của chi bộ, MTTQ và các đoàn thể nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn chưa hiệu quả khiến cho dự án kéo dài, đây cũng là một nguyên nhân làm mất ổn định tình hình an ninh, chính trị địa phương.

Những tâm tư, nguyện vọng và cả những kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại được các ngành chức năng và Bí thư Tỉnh ủy giải đáp thỏa đáng.
Ông Ngô Văn Hoành, Chi hội phó Chi hội Nông dân khu phố Trịnh Nguyễn nhìn nhận những “thiệt hại” ở địa phương thời gian qua là quá lớn và thẳng thắn đề nghị những người lãnh đạo địa phương phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình. Theo ông Hoành, những tồn tại ở địa phương xuất phát từ việc mất đoàn kết trong chi bộ đảng, chính quyền cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương mất vai trò lãnh đạo. Giờ đây, khi nhận thức của người dân đã thay đổi, nhân dân rất cần sự cam kết về chất lượng công trình của chủ đầu tư.
Buổi đối thoại càng lúc càng “nóng” lên khi đa số các ý kiến tập trung phân tích, mổ xẻ những “thiệt hại” về mặt tinh thần ở Trịnh Nguyễn khi để “tuột” mất các danh hiệu Làng Văn hóa, Chi bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, đời sống người dân bị đảo lộn, nhiều chuẩn mực đạo đức bao đời được quy định ở trong Hương ước làng xã đứng trước nguy cơ bị phá bỏ. Ông Nguyễn Bình Đoan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Châu Khê đề nghị: Để giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm tại địa phương, một mặt cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình phúc lợi xã hội mặt khác cần xử lý kiên quyết, nghiêm minh các đối tượng kích động, gây rối, chống đối lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước để làm gương.
Bên cạnh đó, người dân cũng thẳng thắn đề nghị chính quyền tạo điều kiện triển khai các dự án khu dịch vụ thương mại, dịch vụ làng nghề, trường học, trạm biến áp 110 kV… nhằm tạo việc làm, ổn định thu nhập cũng như đời sống của một bộ phận dân cư khi trả lại ruộng đất cho Nhà nước. Đây là những kiến nghị chính đáng và hoàn toàn phù hợp với chủ trương cũng như quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Những việc đúng hôm nay không làm sẽ có lỗi với lịch sử
Sau khi lắng nghe hết các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cùng với việc giải đáp, làm rõ một số vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy bày tỏ lời cảm ơn tới cán bộ, đảng viên và nhân dân khu phố Trịnh Nguyễn đã tham gia buổi đối thoại, đây là cơ hội quý báu để các đồng chí lãnh đạo được trực tiếp lắng nghe ý kiến từ nhân dân, từ cơ sở.
Những khúc mắc của người dân về sự an toàn của dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn được Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Chính tôi cũng luôn đặt ra yêu cầu với các ngành chức năng phải kiểm tra, kiểm soát tính đúng đắn của việc xây dựng Nhà máy bằng các thông số kỹ thuật như: Quy hoạch, công nghệ, đánh giá tác động môi trường, trình tự thu hồi đất… Tôi chỉ thực sự yên tâm khi có ý kiến kết luận của các Bộ, Ngành Trung ương theo đúng chuyên môn, thẩm quyền”.
Tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều dự án về xử lý ô nhiễm các làng nghề truyền thống cũng như cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm, đề ra chủ trương cải tạo sông Ngũ Huyện Khê thành “dòng sông sinh thái” không chỉ góp phần phát triển văn hóa du lịch gắn với không gian các làng Quan họ cổ mà còn góp phần quan trọng điều hòa không khí cho thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Yên Phong. Những việc đúng hôm nay không làm sẽ có lỗi với lịch sử. Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Túy nhấn mạnh.
Dân vận khéo - Việc khó mấy cũng thành công
Trong suốt buổi đối thoại, nhân dân đều thừa nhận luôn luôn ủng hộ việc triển khai dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn ở địa phương và mong muốn chuyển vị trí lên xứ đồng Khô cách vị trí hiện tại khoảng gần 1km. Đây có thể coi là một kiến nghị chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc các cơ quan chuyên môn xác định rõ vị trí xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn đặt tại xứ đồng Lỗ Vó- Dạ Cá là hoàn toàn bảo đảm tính khoa học và phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của đô thị lõi, tính đến yếu tố quy hoạch phát triển bền vững đô thị Từ Sơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đã không triệt để, không giải thích rõ cho người dân hiểu rằng nếu đưa dự án nhà máy xử lý nước thải ra vị trí khác không những phá vỡ quy hoạch mà còn ảnh hưởng tới hoạt động của nhà máy bởi không bảo đảm yếu tố thoát nước, cấp điện, đường giao thông.
Chính quyền địa phương khi tiếp nhận chủ trương chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các ngành chức năng tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến phản đối thái quá, bị các phần tử quá khích lợi dụng gây rối, làm mất ổn định an ninh, trật tự địa phương. Đây thực sự là một bài học sâu sắc để tỉnh Bắc Ninh rút kinh nghiệm khi triển khai các công trình phúc lợi khác.
Tính đến 16h chiều ngày 15-10-2013 đã có 22/23 hộ dân có Quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng nhận tiền bồi thường. Qua đó cho thấy cuộc đối thoại của Bí thư Tỉnh uỷ với cán bộ, đảng viên và người dân Trịnh Nguyễn có hiệu ứng tích cực |
Phường Châu Khê là một địa bàn phát triển kinh tế năng động của thị xã Từ Sơn. Hiện nay, ngoài dự án Nhà máy xử lý nước thải vẫn còn nhiều dự án phúc lợi khác như Trạm biến áp 110 kV; Trường tiểu học; Khu dân cư dịch vụ thương mại… đang chờ triển khai. Thực tiễn đặt ra vấn đề về đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở nếu không có phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu chính sách, sâu sát với cơ sở, tận tụy với công việc thì rất khó triển khai các nhiệm vụ ở địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những người cán bộ, đảng viên là công bộc của dân phải tiên phong, gương mẫu, luôn luôn phấn đấu làm hết sức mình để bảo vệ dân, lo cho dân. Mặt khác, nhân dân khi đã nhận thức được chủ trương đúng cần hành động đúng, tham gia vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Kết thúc buổi đối thoại, những vấn đề về nhận thức, tư duy của không chỉ lãnh đạo mà cả người dân đã tìm được tiếng nói chung, chuyển hóa nhận thức tới hành động và quyết tâm triển khai dự án Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn ngay khi thu hoạch xong vụ mùa. Đây cũng là bài học chung cho các địa phương khi triển khai các công trình phúc lợi, nhất là việc thực hiện chủ trương xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải của các huyện, thị xã trong thời gian tới cần làm đúng quy trình, làm cho mọi người hiểu rõ trách nhiệm công dân để đồng thuận trong việc triển khai. Tin rằng trong thời gian không xa, khi Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả sẽ là câu trả lời đúng nhất giải tỏa hết nghi ngờ, thắc mắc và cả những “ấm ức” của người dân Trịnh Nguyễn bấy lâu nay.
Trịnh Nguyễn tháng 10-2013
Ý kiến ()