Thứ 4, 30/04/2025 14:46 [(GMT +7)]

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - việc cấp bách

Thứ 2, 18/06/2018 | 09:08:00 [GMT +7] A  A

Không ít em nhỏ vì mải mê “sống ảo” đã bị các trang mạng lợi dụng đăng bài xuyên tạc với mục đích câu view, câu like. Có em vì không chịu được áp lực đã tìm cách tự tử. Đáng nói, đây không còn là câu chuyện cá biệt xảy ra thời gian gần đây. Các cơ quan chức năng cũng đang cảnh báo về tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng gia tăng theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Thủ đoạn mà những kẻ xấu này thường sử dụng là tìm cách làm quen với trẻ qua các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook… sau đó dụ dỗ các em cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh, lừa đảo tiền bạc, xâm hại tình dục, thậm chí lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật…

Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thống kê có tới 50% vụ mua bán trẻ em xuất phát từ thông tin trên mạng. Điều này báo động thêm thực trạng thông tin cá nhân của trẻ em đang bị tiết lộ rất nhiều trên môi trường mạng. Bên cạnh việc thiếu kỹ năng của trẻ trong việc chia sẻ thông tin, một phần nguyên nhân đến từ việc hiện nhiều phụ huynh vẫn đang coi việc cập nhật thông tin, hoạt động, hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội là bình thường. Khi được biết Luật Trẻ em quy định việc tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của trẻ lên mạng internet mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật khiến nhiều phụ huynh bất ngờ.

Nâng cao vai trò định hướng của gia đình

Có thể khẳng định Internet đang mang đến cho trẻ em nhiều tự do hơn trong việc tiếp cận thông tin, tham gia vào các mạng xã hội. Đây là điều đáng mừng và cũng đáng lo. Việc không chọn lựa được cho mình các nội dung phù hợp sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của trẻ, chưa kể những hiểm nguy đến từ những kẻ xấu lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi xâm hại. Thảo luận tại diễn đàn Trẻ em tỉnh Bắc Ninh năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”, khi được hỏi về thời gian trò chuyện giữa mình và cha mẹ hàng ngày, có tới gần 50% số đại biểu nhỏ tuổi các địa phương trong tỉnh cho biết chỉ nói chuyện với bố mẹ khoảng 1 tiếng/ngày. Thiếu sự quan tâm, trao đổi với cha mẹ, các em ngày càng dành nhiều thời gian vào mạng xã hội và các thiết bị công nghệ số. Ở chiều ngược lại, một số phụ huynh lại đang tìm cách kiểm soát, cách ly con em khỏi thế giới mạng nhằm ngăn chặn những mặt trái tác động.

Trực tiếp theo sát, truyền đạt thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Ban truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng trẻ em ngày nay được sinh ra trong thời buổi công nghệ. Các em là những công dân số, các phụ huynh không nên cấm trẻ quyền tiếp cận, hãy quan tâm đến việc trao quyền và bảo vệ trẻ khi trẻ tiếp cận môi trường mạng. “Khi trẻ em cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, hay thiết bị công nghệ kết nối internet, vai trò định hướng của cha mẹ vô cùng quan trọng. Hãy chỉ cho trẻ cách chọn lọc thông tin, quy định thời gian sử dụng mạng và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ, định hướng trẻ vào các nội dung lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi…”- ông Dũng nhấn mạnh.

Trẻ em rất cần được sự quan tâm, bảo vệ tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bậc phụ huynh và cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng, bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Sở  LĐ-TB&XH cho hay: Thời gian tới sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan phối hợp với các trường học tuyên truyền về những nguy cơ, tác hại của việc sử dụng internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên mạng hiệu quả; cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội, khuyến khích các em trao đổi với cha mẹ, thầy cô về những dấu hiệu nghi vấn; cung cấp kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng…

Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những mặt trái của mạng, khuyến khích các em đăng ký tham gia các lớp kỹ năng sống, năng khiếu theo sở thích hay hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đây chính là lá chắn phòng, chống hữu hiệu giúp các em bớt dần sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Mỗi phụ huynh hãy là những người bạn, người thầy hướng dẫn con những bước vững chắc đầu tiên khi làm quen với môi trường mạng, tránh nguy cơ bị tổn thương, xâm hại trong thế giới công nghệ số.

Hoài Phương
Link gốc

Ý kiến ()

Cùng chuyên mục

Đang tải dữ liệu
Poll