Toàn cảnh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh tại khu đô thị Hồ Ngọc Lân, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh).
Thực tế thì chưa có tổ chức nào, dựa vào đâu để xếp hạng nhất, nhì cho ngôi trường này? Nhưng với tổng mức đầu tư tới 600 tỷ đồng, thì đây có thể được xem là một trong những ngôi trường (trung học) hiện đại nhất Việt Nam?
Mục sở thị ngôi trường ấy, có lẽ những người con xa quê tự hào hơn cả vì sau 20 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh đã chững chạc trong tốp đầu toàn quốc trên nhiều lĩnh vực, riêng truyền thống hiếu học thì vẫn như mạch nguồn trong trẻo nối quá khứ với hiện tại, tạo thành bản sắc riêng về vùng đất tinh hoa của xứ Kinh Bắc trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập Quốc tế.
Dù được nghe đủ những trầm trồ của bè bạn xa gần khi đến thăm trường, nhưng tôi vẫn thoáng chút bâng khuâng khi nhớ lại tâm trạng của ông Nguyễn Đức Bưởi, một ngày trước khi ông rời nhiệm sở, thôi chức Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh, rằng: “Chúng ta (ý nói cán bộ ngành Giáo dục) không nên quá tự hào về cơ sở vật chất, vì đấy là công, là sự chăm lo, là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh. Cái chúng ta tự hào phải là sản phẩm Giáo dục, là vị thế của trường chuyên Bắc Ninh trong khu vực và toàn quốc? Vì suy cho cùng, cơ sở vật chất chỉ là nền tảng, còn đội ngũ giáo viên, nói đúng hơn là cách tuyển chọn và sử dụng họ như thế nào mới là điều cốt yếu quyết định đến việc nâng cao chất lượng Giáo dục của nhà trường”.
Có thể nói, sau 20 năm tái lập, cùng với những bước tiến dài của tỉnh trên con đường CNH, HĐH, ngành Giáo dục Bắc Ninh cũng không ngừng vươn lên, vững vàng trong tốp đầu toàn quốc, điển hình trong các phong trào: Xây dựng trường chuẩn Quốc gia, chuẩn hóa và nâng chuẩn đội ngũ giáo viên, phổ cập giáo dục đúng độ tuổi… Riêng chất lượng Giáo dục mũi nhọn, thể hiện qua kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế thì vẫn khiêm tốn, chưa xứng với truyền thống quê hương cùng sự quan tâm của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh trong ngôi trường mới.
Nhớ thời điểm đầu năm 2014, buồn là tâm trạng chung của nhiều giáo viên dạy chuyên khi kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia của đội tuyển tỉnh gần như thấp nhất kể từ khi thành lập trường, chỉ với 51% thí sinh thi đạt giải (mục tiêu trên 80%) và không có giải Nhất Quốc gia. Thông thường, khi đề cập đến chất lượng Giáo dục mũi nhọn, là người ta thường nói về 3 niềm tự hào: Số giải Nhất Quốc gia - Tỷ lệ thí sinh đạt giải - Số thí sinh đạt giải Olimpic Quốc tế. Bắc Ninh vốn tự hào là đất học, nhưng năm ấy lại không có điểm nào để tự hào cả.
Dịp ấy, Báo Bắc Ninh có tác phẩm “Buồn vì kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia 2014”. Báo đăng, trường phải giải trình trước Sở và Sở phải giải trình lên UBND tỉnh. Giải trình là chuyện bình thường nhưng ít ai nghĩ rằng liền sau đó đích thân ông Nguyễn Nhân Chiến khi ấy là Chủ tịch tỉnh và ông Nguyễn Tử Quỳnh khi ấy là Phó Chủ tịch tỉnh đã có buổi làm việc với Sở, với trường và những giáo viên trực tiếp dạy đội tuyển. Nhiều người nghĩ đây là cuộc… luận tội nên khá căng thẳng. Bầu không khí ấy chỉ được xua tan khi ông Nguyễn Nhân Chiến phát biểu, mục đích buổi làm việc là muốn nghe mọi người trải lòng và đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong những năm tiếp theo... Buổi làm việc kéo dài tới gần 1 giờ chiều, nhiều nút thắt trong cơ chế, trong tuyển dụng và tuyển chọn giáo viên, trong thu hút tài năng trẻ đã từng bước được tỉnh tháo gỡ.
Dù không phải tất cả nhưng buổi làm việc ấy, với nhiều quyết sách được thực thi tại chỗ đã góp phần giúp giáo viên và đội tuyển tỉnh thăng hoa trong mùa thi năm 2015, với kết quả được đánh giá xuất sắc nhất kể từ khi thành lập trường gồm: 4 Nhất, 16 Nhì, 15 Ba, 8 Khuyến khích. Từ khi thành lập trường (1995), đội tuyển tỉnh có 16 giải Nhất Quốc gia và 3 Huy chương Olimpic Quốc tế thì riêng năm 2015 có 4 giải Nhất và 1 Huy chương Bạc Olimpic Quốc tế Hóa học.
Năm 2016, kết quả thi lại chùng xuống, số giải Nhất Quốc gia chỉ còn 2 và không có học sinh dự thi Olimpic Quốc tế. Năm 2017, năm đầu tiên đội tuyển được học ôn trong ngôi trường mới nhưng kết quả thi còn kém hơn. Cụ thể đội tuyển tỉnh chỉ có 40/64 thí sinh đạt giải, chiếm 62% (năm 2016 là 71%) và không có thí sinh đạt giải Nhất Quốc gia… Điều này phản ánh sự không ổn định trong công tác đào tạo của nhà trường. Có ý kiến biện minh rằng, học sinh giỏi theo… lứa là chưa thuyết phục. Lý do quan trọng vẫn là đội ngũ giáo viên và quan trọng là việc sử dụng ra sao để họ toàn tâm toàn ý cho công việc.
Về đội ngũ giáo viên, liệu có ai hiểu họ hơn ông Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trịnh Khôi, người từng có 13 năm là Hiệu trưởng? Nhớ một buổi chiều muộn, tôi được nghe ông trải lòng về đội ngũ trường chuyên như sau: “Tôi biết, nhiều giáo viên, nhất là thế hệ 8X của trường đang hoặc sắp tới độ chín về chuyên môn, nhiều người có khát vọng, dám hy sinh và nguyện dấn thân vì nghề dạy học… Đó là vốn quý của nhà trường, tuy vậy với những người này, lãnh đạo phải biết giữ trong họ ngọn lửa đam mê, phải tạo cho họ cơ hội để thỏa sức sáng tạo và sự sáng tạo của họ phải được cấp trên tôn vinh xứng đáng. Ngọn lửa sáng tạo trong những người thầy tâm huyết có thể lụi tắt nếu như cách tôn vinh không phù hợp…”.
Học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh hát Quốc ca trong lễ khai giảng năm học 2016-2017.
Cuối tháng 8-2016, thầy trò trường chuyên Bắc Ninh chuyển về vị trí mới. Trường mới với bộ máy quản lý cũng mới được điều về (gồm Hiệu trưởng, 1 Phó Hiệu trưởng), có lẽ hơn ai hết, chính đội ngũ giáo viên nhất là những người tâm huyết, họ đang chờ được cấp trên ứng xử phù hợp để tiếp tục dấn thân?.
Nhân nói về cách tôn vinh để ngọn lửa người thầy không bao giờ lụi tắt, tôi chợt nhớ lại buổi gặp mặt các thế hệ thầy trò nhân kỷ niệm 50 năm thành lập lớp Toán đặc biệt - Chuyên Toán Hà Bắc (1966), tiền thân của 2 trường THPT Chuyên Bắc Ninh và Bắc Giang. Thời ấy, có thầy giáo trẻ Nguyễn Nhung quê Hương Canh (Vĩnh Phúc), nhưng cả đời gắn bó với Giáo dục Hà Bắc, trở thành cánh chim đầu đàn và là linh hồn của lớp Toán đặc biệt. Khi lớp Toán đặc biệt đặt ở trường cấp III Yên Phong, thầy Nhung với cái tâm, cái tình và cái tài của thầy dạy Toán đã góp công lớn đưa trường trở thành 1 trong 7 trường cấp III tiêu biểu nhất miền Bắc XHCN... Chính tấm gương hết lòng vì học sinh của thầy Nhung qua nhiều câu chuyện xúc động đã tỏa sáng trong lòng nhiều thế hệ học sinh Hà Bắc.
Thời xa ấy, khó khăn thế nhưng chất lượng Giáo dục mũi nhọn của Hà Bắc vẫn là tiêu biểu, vẫn có những tấm gương sáng ngời như thầy dạy Toán Nguyễn Nhung, đây liệu có phải là điều đáng suy ngẫm với đội ngũ giáo viên đang công tác trong một ngôi trường được đánh giá hiện đại nhất nước Nam hiện nay?
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”! Đúng vậy, liệu rằng với sự quan tâm của tỉnh, khi được khoác lên mình tấm áo mới, thầy trò có làm nên một hồn cốt Trường Chuyên Bắc Ninh, nơi hội tụ tinh hoa, nơi được kỳ vọng thành biểu tượng về truyền thống hiếu học của quê hương thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập Quốc tế? Tất nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn khát vọng ấy sớm thành hiện thực!
Ý kiến ()