Dịp 20-11 năm 2017, ngành Giáo dục Bắc Ninh chỉ có 2 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là nhà giáo Nguyễn Như Minh và nhà giáo Nguyễn Văn Uy. Được biết, nhà giáo Nguyễn Như Minh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Sở GD-ĐT) thì đã nghỉ hưu năm 2016, còn quỹ thời gian công tác của nhà giáo Nguyễn Văn Uy, Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1 cũng chỉ gói trọn trong 10 tháng tới.
Sau cú điện thoại chia vui, những kỷ niệm với thầy giáo Nguyễn Văn Uy bất chợt ùa về trong tôi. Thời gian như chớp mắt, mới đó đã chẵn mười năm bài viết “Trò chuyện với Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1” đăng trên Báo Bắc Ninh, số ra ngày 30-10-2007.
Vẫn giọng nói trầm khàn quen thuộc, nhưng mái tóc bồng bềnh của thầy Nguyễn Văn Uy lần ấy mới loáng thoáng điểm bạc thì đến nay còn rất ít sợi đen. Gần bốn mươi năm công tác, thầy luôn tự nhận là may mắn và rất say nghề, bởi chính nghề dạy học đã mang lại cho thầy nhiều cung bậc cảm xúc để ông nguyện dấn thân suốt cuộc đời.
Tốt nghiệp cấp 3 năm 1975, thi Đại học đạt điểm khá cao, Nguyễn Văn Uy được tuyển vào khoa Toán Đại học sư phạm Việt Bắc, nay là Đại học sư phạm Thái Nguyên. Ngày ấy, thi Đại học (đầu vào) khó và thi tốt nghiệp Đại học (đầu ra) cũng rất khó, nhiều sinh viên phải thi 2 lần mới đỗ tốt nghiệp. Trước khi ra trường, sinh viên Nguyễn Văn Uy với thành tích học tập tốt, được Bộ Công an tuyển chọn về dạy một trường trung cấp trong ngành, nhưng anh từ chối. Tốt nghiệp Đại học, anh được phân công giảng dạy tại Trường cấp 3 Yên Dũng số 1, nay là Trường THPT Yên Dũng số 1 (Bắc Giang).
Cùng dạy Toán với thầy Nguyễn Văn Uy tại trường Yên Dũng số 1 có thầy Nguyễn Như Minh. Thầy Như Minh hơn tuổi thầy Uy nhưng đi bộ đội trước khi học Đại học, nên vào ngành chậm hơn thầy Uy. Họ giống nhau ở chỗ cùng năng nổ, cùng say nghề và cùng là những người thầy giỏi Toán. Tái lập tỉnh, họ đều là giáo viên cốt cán bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi Quốc gia. Năm 2000, thầy Uy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1, thầy Như Minh được điều động về Sở GD-ĐT, sau làm Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD. Dịp 20-11 năm 2017, hai người đồng nghiệp tri kỷ ấy cùng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Trở lại câu chuyện với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Uy, như thầy từng tâm sự thì với mỗi con người, môi trường công tác đầu tiên rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và việc làm của họ sau này. Theo đó, thầy Nguyễn Văn Uy khá may mắn khi vừa tốt nghiệp Đại học đã được công tác tại trường cấp 3 Yên Dũng số 1, ngôi trường khá nổi trội trong mặt bằng chất lượng các trường cấp 3 toàn Hà Bắc khi ấy. Ở trường Yên Dũng số 1, có nhiều đồng nghiệp đáng kính nể, đặc biệt hơn cả là thầy Phạm Bá Thịnh.
NGƯT Nguyễn Văn Uy (phải) và tác giả.
Cần nói thêm, thầy Phạm Bá Thịnh sau làm Hiệu trưởng trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên, tái lập tỉnh thầy Thịnh chuyển về Bắc Ninh dạy chuyên Toán cùng thầy Nguyễn Văn Uy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Từ trong sâu thẳm, thầy Uy rất kính trọng thầy Thịnh, cây cổ thụ trong dàn giáo viên chuyên Toán của tỉnh Hà Bắc và Bắc Ninh.
Lại may nữa, dạy ở trường Yên Dũng số 1 được 6 năm, khi chuyên môn dần được khẳng định, thì tại một hội nghị của ngành tổ chức ở thị xã Bắc Ninh năm 1985, Bí thư đoàn trường Nguyễn Văn Uy vô tình gặp thầy Nguyễn Phú Trai, Hiệu trưởng trường cấp 3 Tiên Du quê hương, nơi “bà xã” anh đang công tác. Thiện chí lẫn thịnh tình, thầy Nguyễn Phú Trai đã xin chuyển cho thầy Uy từ trường cấp 3 Yên Dũng số 1 về trường cấp 3 Tiên Du, nay là Trường THPT Tiên Du số 1.
Được công tác dưới mái trường quê hương, thầy Nguyễn Văn Uy yên tâm hơn để thỏa sức cống hiến và sáng tạo. Cuộc đời công tác của thầy Uy quả thực may mắn so với nhiều đồng nghiệp. Năm 1987, thầy Trần Văn Cư (sau được phong Nhà giáo Ưu tú) mới được đề bạt Hiệu trưởng đã sớm nhận ra năng lực vượt trội của người đồng nghiệp trẻ và đã tạo mọi điều kiện giúp thầy Uy nhận thức đúng đắn yêu cầu cấp bách là nâng cao chất lượng giáo dục, trực tiếp phân công dạy lớp chọn, vì khi ấy số học sinh đỗ Đại học của trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có thể thấy, thầy Trần Văn Cư nhậm chức Hiệu trưởng trong giai đoạn kinh tế đất nước khủng hoảng trầm trọng, trong ngành thì Bộ tiến hành cải cách giáo dục phổ thông, nhiều trường cấp 3 thiếu học sinh do hệ thống giáo dục mới có thêm khối lớp 9 (trước đó học sinh từ lớp 8 thuộc cấp 2 thi thẳng lớp 10 thuộc cấp 3)…, nhưng chính trong giai đoạn khó khăn ấy lại phát lộ cả tâm và tài của con người này.
Cụ thể, thầy Cư bằng cách riêng của mình đã nhanh chóng hâm nóng bầu nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên vốn được đánh giá là mạnh trong các trường THPT của tỉnh. Rõ nhất là môn Toán do thầy giáo Nguyễn Văn Uy làm tổ trưởng, thể hiện qua nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi tỉnh và Quốc gia, tiếp đến là thi Đại học, Cao đẳng với tỷ lệ đỗ nhiều năm dẫn đầu hoặc trong tốp đầu Hà Bắc rồi Bắc Ninh. Nhịp bước cùng các đồng nghiệp, thầy Uy đã đóng góp đáng kể giúp trường từ năm học 1991-1992 liên tục đạt Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.
Từ mái trường quê hương, thầy giáo Nguyễn Văn Uy từng bước khẳng định vị thế cốt cán môn Toán của ngành, vì vậy năm 1997 ông được Sở GD-ĐT điều động về trường THPT năng khiếu Hàn Thuyên (nay là THPT Chuyên Bắc Ninh) tham gia bồi dưỡng đội tuyển tỉnh thi học sinh giỏi Quốc gia môn Toán. Tháng 3-2000 trên điều động trở lại và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1, nhưng vẫn tham gia dạy đội tuyển thi Quốc gia và vẫn là giáo viên cốt cán môn Toán của ngành. Tháng 11-2007, thầy Nguyễn Văn Uy chính thức thay thế người tiền nhiệm khả kính - NGƯT Trần Văn Cư làm Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Du số 1 cho đến nay.
Từ năm 2014 đến 2017, ngành Giáo dục Bắc Ninh chỉ duy nhất một người đương chức được phong tặng NGƯT là thầy Nguyễn Văn Uy, đây là niềm vui, niềm vinh dự tự hào đối với không chỉ cá nhân người thầy giáo đáng kính ấy. Đang cạn dần quỹ thời gian công tác, nhưng trong ông còn nhiều trăn trở với sự nghiệp trồng người. Ông tâm sự:
“Cả đời công tác, nếu đơn thuần chỉ dạy kiến thức để nâng cao chất lượng giáo dục thì nhà trường đã làm tốt, thậm chí rất tốt trong nhiều năm qua. Thế nhưng điều còn khiến tôi băn khoăn trăn trở là trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, trong thời đại Internet rất phức tạp như hiện nay, thì mục tiêu giáo dục nhằm tạo ra những lứa học sinh có hoài bão, có lý tưởng sống và biết sống nhân văn nhân ái… là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù những năm qua nhà trường luôn ý thức quan tâm, nhưng thiết nghĩ để đạt được mục tiêu cao cả ấy thì đòi hỏi sự chung tay gắn kết của các gia đình và toàn xã hội.”
Tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2017 do Sở GD-ĐT Bắc Ninh tổ chức, tình cờ tôi ngồi cùng với một vị lãnh đạo ngành vốn là học trò cũ của thầy giáo Nguyễn Văn Uy. Anh đã rất tự hào khi nói đến người thầy giáo cũ của mình: Tôi luôn nghĩ và tin rằng với thầy Nguyễn Văn Uy, điều cao quý nhất, thiêng liêng nhất chính là tình cảm, niềm kính trọng tin yêu của lớp lớp thế hệ học sinh mà thầy từng quan tâm dìu dắt. Từ sâu thẳm trái tim, tôi luôn biết ơn thầy, một người thầy giáo đáng kính, tận tâm và luôn “cháy” hết mình với sự nghiệp trồng người… Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà thầy được Chủ tịch nước phong tặng năm nay thật đáng trân trọng. Đây là phần thưởng cho riêng thầy nhưng là niềm vui chung của chúng tôi, những lứa học sinh dù đi đâu làm gì vẫn nhớ về thầy với tình cảm tốt đẹp không dễ mờ phai trong ký ức tuổi học trò…
Ý kiến ()