Báo chí đã đăng tải nhiều bài viết về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Thế nhưng, coi kỹ các trang mạng, báo điện tử, hình như chưa thấy ngôi trường nào có tới 61 lượt thí sinh đạt 27 điểm trở lên theo tổ hợp khối thi truyền thống vào Đại học (A,B,C,D) như Trường THPT Thuận Thành số 1. Năm 2017, toàn tỉnh có 403 lượt thí sinh đạt 27 điểm trở lên, riêng Trường THPT Thuận Thành số 1 có 61 lượt, chiếm 15%.
Nói Bắc Ninh là vùng đất học, thì Trường THPT Thuận Thành số 1 là minh chứng sinh động. Thành lập năm 1961, dưới sự chèo lái của những Hiệu trưởng tâm - tài, nổi bật nhất là Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tiến Chấn, rồi Nhà giáo Ưu tú Khúc Đình Cương, Nhà giáo Ưu tú Trần Đăng Phát, nhà giáo Hà Đức Tú…, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy, Lá cờ đầu khối THPT và là niềm tự hào của ngành GD Bắc Ninh.
Về kinh nghiệm quản lý GD của thầy giáo Nguyễn Tiến Chấn, người từng từ chối làm Phó Giám đốc Sở GD Hà Bắc, có lẽ phải biên kín một cuốn sách dày. Kinh nghiệm đó đã được thầy Chấn vận dụng sáng tạo suốt thời gian làm Hiệu trưởng trường cấp III Thuận Thành, từ năm 1965-1990. Từ thời thầy Chấn, một khẩu hiệu sau trở thành ý chí trong các phong trào thi đua của trường là: Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật. Một dẫn chứng sinh động: Thời Hà Bắc, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường thường dưới 90%. Nhưng tỷ lệ đỗ Đại học, bằng chứng sát thực của việc “Dạy thật, học thật, thi thật” thì trường Thuận Thành l không thua kém các trường khác, thường xếp thứ 2, 3 các trường THPT toàn Hà Bắc.
Chịu ảnh hưởng của người tiền nhiệm, cũng là người thầy giáo đáng kính, các Hiệu trưởng tiếp theo của Trường THPT Thuận Thành số 1 là: NGƯT Khúc Đình Cương (từ 1990-1997), NGƯT Trần Đăng Phát (1997-2007), nhà giáo Hà Đức Tú (2007-2011) và nay là thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu đều nỗ lực không ngừng để “thương hiệu THPT Thuận Thành số 1” luôn là niềm tự hào của ngành GD Bắc Ninh.
NGND Nguyễn Tiến Chấn (đeo kính, đứng) và GS Phạm Minh Hạc, cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các cựu học sinh trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Thuận Thành số 1.
Nhớ những năm Bộ còn tổ chức thi Đại học theo hình thức 3 chung: Chung đề thi, chung ngày thi, chung kết quả thi từ năm 2004 đến 2013, Trường THPT Thuận Thành 1 được mệnh danh là “ngôi trường của những thủ khoa” với rất nhiều thí sinh thi Đại học đạt 30/30 điểm. Nhiều năm có mặt trong tốp 100, 200 trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc. Năm 2009 về thăm trường, nghe báo cáo và trực tiếp trò chuyện với các em học sinh, Phó Chủ tịch nước khi ấy là GS Nguyễn Thị Doan phát biểu: “Bác kỳ vọng trong tương lai, học sinh Trường THPT Thuận Thành số 1 sẽ trở thành những công dân toàn cầu, có thể đáp ứng được công việc ở bất cứ đâu trong nước và trên thế giới”.
Hiệu trưởng đương nhiệm Nguyễn Văn Hiếu nhậm chức năm 2012, trước đó năm 2011 trường kỷ niệm 50 năm thành lập với bảng thành tích ken đặc phòng truyền thống, nhiều năm là Lá cờ đầu khối THPT của tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Rõ ràng, làm quản lý ngôi trường ấy, cái thuận có nhiều nhưng làm sao để không bị khuất lấp bởi những người tiền nhiệm là vô cùng khó. Vì cái gì đến đỉnh cao cũng sẽ chững lại, có thể đi xuống?
Nhiều ý kiến cho rằng, để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường THPT phải dựa vào 3 tiêu chí: Chất lượng đầu vào (học sinh), chất lượng đội ngũ giáo viên, phương pháp sử dụng đội ngũ giáo viên. Trường THPT Thuận Thành số 1 là cơ sở giáo dục uy tín nên luôn thu hút đông học sinh khá giỏi dự thi đầu vào. Riêng chất lượng đội ngũ giáo viên, ở một số bộ môn chưa phải tiêu biểu so với các trường cùng cấp trên địa bàn. Tuy nhiên kết thúc các năm học, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường vẫn là điểm sáng của tỉnh và toàn quốc?
Vậy bí quyết để trường luôn giữ ngôi đầu về chất lượng giáo dục là gì? Thầy Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, đó là nhờ có môi trường làm việc tốt, một môi trường sư phạm tiên tiến. Tiên tiến ở đây không đơn thuần là cảnh quan, mà là môi trường làm việc. Phương châm giáo dục của trường là “Thành người trước khi thành tài”; mục tiêu giáo dục của trường là “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”… Để thiết lập được môi trường sư phạm khá chuẩn mực ấy, công đầu và lớn nhất vẫn thuộc thầy Nguyễn Tiến Chấn, người Hiệu trưởng hiếm hoi cấp THPT được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Các Hiệu trưởng kế nhiệm (đều là học trò thầy Chấn) vinh dự được kế thừa và có nhiệm vụ làm lan tỏa mạnh mẽ hơn kinh nghiệm truyền thống.
Học sinh Trường THPT Thuận Thành số 1 trổ tài hát Quan họ trong buổi lễ khai giảng năm học mới.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng và rất tự hào vì có tập thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đoàn kết. Đoàn kết, cùng chí hướng phấn đấu là nhân tố quan trọng nhất để trường luôn vững vàng trong chất lượng đào tạo. Từ lâu, nhà trường đã thiết lập được chuẩn mực riêng, đó là việc phân quyền phân trách nhiệm từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, Tổ trưởng... đến từng giáo viên. Làm như vậy để mọi người cùng ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong công việc, mọi người đều bình đẳng, dân chủ, nghĩa là người có thành tích sẽ được tôn vinh, động viên khen thưởng xứng đáng; người mới, người có năng lực có cơ hội, có môi trường phấn đấu, có trách nhiệm ràng buộc để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Chính từ trong guồng quay ấy, không có chỗ cho những người, nhất là giáo viên trẻ mới vào nghề ỷ lại, tự thỏa mãn bản thân và không có ý chí vươn lên”.
Trên đường về, ngó phố xá giăng đầy những khẩu hiệu kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ 27-7, tôi giật mình nghĩ về những con người, những số phận đặc biệt trong Ban giám hiệu của ngôi trường ấy. Một là Phó Hiệu trưởng Trần Thị Diên, chị là con liệt sỹ kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đời chị vô cùng éo le và bất hạnh, 24 tuổi trở thành góa phụ và ở vậy nuôi con, nuôi cháu và nuôi mẹ già… Nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã vượt lên trở thành tấm gương sáng, nhiều lần được báo cáo điển hình ở tỉnh, T.Ư, được gặp Chủ tịch nước và năm 2014 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú. Hai là Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hiếu, cũng là con liệt sỹ, người cha thân yêu đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 khi anh vừa mới lọt lòng. Ba là thầy giáo Lê Nho San, người từng nhiều năm làm Hiệu trưởng 1 trường THPT ở Bắc Giang, sau xin về quê hương, về Trường THPT Thuận Thành 1 làm Phó Hiệu trưởng. Được biết, thầy San đã tự nguyện xin rút khỏi quy hoạch Hiệu trưởng để yên tâm làm chuyên môn cho đến khi nghỉ hưu…
Rồi tôi lại nghĩ về truyền thống của ngôi trường “2 tốt”, nghĩ về những người đã và đang đầu quân cho Trường THPT Thuận Thành số 1. Chắc hẳn ở môi trường giáo dục chuẩn mực ấy, khi những đam mê, những lòng tốt, những ý chí nghị lực gặp nhau sẽ càng hội tụ tinh hoa sức mạnh, để “thương hiệu” THPT Thuận Thành số 1 luôn là điểm sáng toàn diện và là niềm tự hào của vùng đất học Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Ý kiến ()