Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, lực lượng Không quân Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã đối mặt với không quân, hải quân hùng mạnh nhất thế giới là đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công vang dội. Một trong những chiến công đó, phải kể đến trận ném bom Hạm đội 7 của Ðoàn không quân Yên Thế, trong đó có Ðại tá phi công Lê Xuân Dỵ. Hôm nay, sau nhiều năm cùng con én bạc thân yêu bảo vệ bầu trời Tổ quốc, ông đã về nghỉ hưu tại quê hương, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn.
Anh hùng, Ðại tá phi công Lê Xuân Dỵ say sưa kể lại trận ném bom Hạm đội 7, tháng 4/1972.
Giáp Tết Bính Thân 2016, chúng tôi về chia vui, chúc mừng CCB, Ðại tá phi công Lê Xuân Dỵ, khi ông vừa được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ. Trong căn nhà xinh xắn nằm lọt sâu trong con ngõ nhỏ, ông Dỵ tiếp chúng tôi niềm nở, chân tình như người thân lâu ngày gặp lại. Ðã sang tuổi 78, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, da dẻ hồng hào và khỏe mạnh. Ông bảo: Nhờ tập thể dục và chơi cầu lông thường xuyên nên mới giữ được cho mình sức khỏe dẻo dai đến tận bây giờ. Lê Xuân Dỵ là người sôi nổi và thật dễ gần, bởi thế, chúng tôi thoải mái trao đổi với nhau rất nhiều chuyện, từ thành quả đạt được của Ðảng bộ và nhân dân Phù Chẩn sau nhiều năm nỗ lực vượt khó vươn lên, xây dựng cuộc sống mới, cho đến… thời sự trong nước và quốc tế. Khi kể về chuyến ra Hà Nội dự lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng trong những ngày tháng 10 vừa qua, ông thổ lộ: “Vinh dự càng lớn, tôi lại càng nhớ tới biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Với chúng tôi, họ mới chính là những người Anh hùng, sống mãi với non sông, đất nước…”. Thế rồi, ông như trẻ lại khi nhớ về những tháng năm cùng đồng đội dong duổi trên bầu trời, về những trận đọ cánh trên không oanh liệt và vô cùng táo bạo, trong đó có trận đánh bom Hạm đội 7 của hải quân Mỹ tại biển Ðông, trở thành trận đánh có một không hai trong lịch sử chiến đấu của lực lượng Không quân Việt Nam.
CCB, Anh hùng, Ðại tá phi công Lê Xuân Dỵ sinh năm 1938, nhập ngũ năm 1959 khi vừa tròn 21 tuổi. Sau 2 năm huấn luyện và học tại Trường hạ sỹ quan, ông trúng tuyển lớp đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô (cũ). Năm 1964, Lê Xuân Dỵ trở về nước rồi tiếp tục được giao nhiệm vụ sang Trung Quốc cùng với chuyên gia bạn đào tạo cấp tốc phi công Việt Nam, đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu. Năm 1966, cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt, Lê Xuân Dỵ được lệnh trở về nước. Chỉ sau ít ngày chuẩn bị, ngày 4-12-1966, ông đã cùng biên đội bay lên đánh địch, bảo vệ vùng trời Hà Nội.
Ông kể: Trong quãng đời lái máy bay chiến đấu, không nhớ nổi mình đã cất cánh bao nhiêu lần. Có ngày đã cùng đồng đội nhiều lần xuất kích, đánh đuổi địch trên không phận Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Yên Bái… rồi truy kích địch ra tận biển… Ngoài nhiệm vụ tiêm kích, yểm trợ, nghi binh cho đồng đội đánh địch, ông đã bắn rơi 1 chiếc A4 của không lực Mỹ. Nhưng với ông, kỷ niệm sâu sắc nhất, in đậm nhất lại là trận ném bom Hạm đội 7 ngày 19-4-1972.

Phi công Lê Xuân Dỵ (trái) và phi công Nguyễn Văn Bảy bàn phương án đánh tàu chiến Mỹ. (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Vào những ngày đầu năm 1972, để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn, ngoài việc dùng không quân tăng cường phá hoại các tuyến đường, địch còn dùng tàu chiến của Hạm đội 7 đi dọc bờ biển bắn pháo vào đất liền, gây nhiều khó khăn cho ta khi vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường. Bộ Chính trị và Bộ Tổng tham mưu hạ quyết tâm: Phải đánh Mỹ bằng cách dội bom thẳng xuống các tàu của Mỹ, bắt chúng phải giãn xa bờ… Thế là biên đội không quân tiêm kích loại giỏi của Ðoàn không quân Yên Thế do Thượng uý Lê Xuân Dỵ là Biên đội trưởng đã được chọn để vào cuộc. Ðể thực hiện trận đánh này, 3 phi công MIG 17 gồm Lê Xuân Dỵ, Nguyễn Văn Bảy* và Nguyễn Văn Lục (dự bị) đã hành quân vào sân bay dã chiến tại Khe Gát (Quảng Bình), cùng các tướng lĩnh của Quân chủng nghiên cứu kỹ phương án đánh địch và chờ ngày xuất kích. Mấy ngày sau, 2 chiếc MIG 17 cũng bí mật bay từ sân bay Kép vào Khe Gát an toàn. Ðúng 4 giờ chiều ngày 19-4-1972, 2 chiếc MIG 17, mỗi chiếc đeo 2 quả bom nặng 250 Kg được lệnh cất cánh, bắt đầu dò tìm mục tiêu trên mặt biển. Xa xa, trên mặt biển mênh mông, các anh đã phát hiện được 3 chiếc tàu địch. Lê Xuân Dỵ điện về Sở chỉ huy xin được ném bom chiếc đi đầu. Anh tự nhủ, sau bao ngày dày công luyện tập, sự kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, sự tập trung cao độ của binh chủng và của Bộ Tổng tham mưu… bây giờ là giây phút quyết định, phải đánh cho thật trúng! Lê Xuân Dỵ hướng tới mục tiêu, chỉnh từng milimét trong đồng hồ định vị, tín hiệu cho đồng đội rồi lao xuống… Từ khoảng cách 50m so với mục tiêu, 2 quả bom bay thia lia trên mặt biển rồi lao vào tàu địch. Trúng rồi! Nguyễn Văn Bảy bay sau reo lên. Anh quyết định ấn nút bom nhưng mục tiêu đã quá gần, không đủ cự ly an toàn, nên đã táo bạo bay qua tàu địch, vòng lại tiến công lần thứ 2. Lúc này, lực lượng phòng không địch gồm cả tên lửa đã tới tấp bắn lên. Bảy vừa lạng lách tránh đạn, vừa hướng máy bay vào mục tiêu rồi cắt 2 trái bom rất chính xác vào tàu địch. Bị đánh bất ngờ, lúc này không quân Mỹ mới vội vàng bay lên đánh trả nhưng đã muộn. Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy đã trở về mặt đất an toàn…
Sau chiến công này, các anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được lên báo công với Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, được Thủ tướng mời cơm và tặng mỗi người một chiếc bút máy Hồng Hà. Bác khen: “…Chiến công của các chú, của Không quân Việt Nam thật hi hữu và xuất sắc. Ðã đánh trúng Hạm đội 7 của Mỹ, từng được mệnh danh là bất khả xâm phạm… Bác tặng cây bút này để các chú viết tiếp những chiến công…” Ðối với Hạm đội 7 Mỹ, đây là thất bại nặng nề chưa từng có ở biển Ðông. Ngay ngày hôm sau, Hãng AP đã đưa tin: “…Tàu Hich-Bi thuộc Hạm đội 7 đã bị MIG 17 của Bắc Việt Nam dội bom…Boong sau tàu bốc cháy rừng rực, các thùng đạn bị nổ tung, các khẩu pháo lớn nòng vỡ toác như loa kèn. Hệ thống pháo sườn bị phá hủy hoàn toàn, nhiều thủy thủ bị thương vong… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải ra điều trần tại Quốc hội về thất bại này…”. Tháng 11 năm 1972, tạp chí OURYNA của Mỹ đã phải công nhận: “…Tàu Hich - Bi đã bị hư hỏng nặng, được kéo về cảng Xu - Bích của Philipin để sửa chữa…”. Cũng theo một nguồn tin từ Mỹ, năm 1979, tàu Hích - Bi đã không còn khả năng hoạt động, chỉ được dùng làm mục tiêu cho Hải quân và Không quân Mỹ bắn thử tên lửa…
Ðối với Lê Xuân Dỵ, trận đánh bom Hạm đội 7 năm 1972 không chỉ là chiến công oanh liệt, còn là kỷ niệm sâu sắc, nguồn động lực để ông tiếp tục phấn đấu và trưởng thành. Từ một phi công làm chủ bầu trời, bắn rơi máy bay Mỹ, ném bom trúng tàu chiến Mỹ, ông đã trở thành Ðại tá, phó Sư đoàn trưởng, rồi Cục trưởng Cục Thanh tra Không quân thuộc Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng. 8 năm liền là Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ quyết thắng, được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ cùng 3 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ quyết thắng…
* Phi công Nguyễn Văn Bảy đã anh dũng hy sinh ngày 6-5-1972, trong trận không chiến với máy bay Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa. Ông được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1994).
Hoàng Ngọc Bính(Ghi theo lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Ðại tá phi công Lê Xuân Dỵ, và tư liệu của Ðại tá, nhà văn Hà Bình Nhưỡng)
Ý kiến ()