Mỗi khi về thăm trường, thấy cơ sở vật chất ngày một khang trang; đội ngũ thầy cô được bổ sung, mở rộng quy mô đào tạo chính quy, tại chức, liên kết với các trường Đại học, các địa phương để mở các chuyên ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học, nâng cao vị thế của trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.
Góp phần xây móng, đắp nền
Sau khi tái lập tỉnh Bắc Ninh (1997) được vài tháng thì Sở Văn hóa-Thông tin giao tôi viết đề án thành lập Thư viện tỉnh và Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh (Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh). Đối với đề án thành lập Thư viện tỉnh hoàn thiện văn bản là xong việc. Với đề án thành lập Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biết mấy gian nan, bởi sau khi hoàn thiện văn bản, tôi phải đề xuất nhân sự nhà trường, bao gồm giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng và cán bộ, nhân viên, trong bối cảnh tỉnh mới tái lập rất khó khăn về cán bộ chuyên ngành Nghệ thuật, Âm nhạc. Rất may khi tôi đề xuất mời nhạc sĩ Trọng Tĩnh đang công tác tại Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Hà Bắc, về trường công tác, được Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (Giám đốc Sở Nội vụ) cởi mở: “Động viên anh ấy về, từng làm Phó Giám đốc Nhà văn hóa tỉnh, thì bố trí Phó Hiệu trưởng trường”.
Được lời như cởi tấm lòng, tôi thuyết phục Trọng Tĩnh về trường, bước đầu làm Trưởng khoa Âm nhạc. Đề án chỉ có hai khoa Âm nhạc và Mỹ thuật, cùng hai Phòng Đào tạo và Tổ chức-Hành chính. Nhân sự đã cơ bản, bắt tay vào việc tìm địa điểm đặt trụ sở trường, bước đầu Sở chấp thuận thuê khu chăn nuôi ở đầu làng Y Na, xã Kinh Bắc, sau thấy không ổn, tôi phải tiếp tục hành trình, về khu trường Công nghiệp ở Và, xã Hạp Lĩnh; trường phổ thông cấp ba Tiên Sơn, rồi Bệnh viện Tiên Sơn... Cứ nghe thông tin cơ quan nào di chuyển địa điểm đang bỏ trống tôi đều tới tìm hiểu. Còn nhớ, đồi Lim có một khu nhà kho của Cục Điện ảnh, tôi báo cáo được Sở Văn hóa đồng ý cho tôi cùng ông Am-Chủ tịch UBND huyện Tiên Sơn về Hà Nội làm việc với cơ quan chủ quản xin nhượng khu nhà này để làm Trường, họ nhất trí, với điều kiện tỉnh Bắc Ninh phải tiếp nhận một số biên chế giữ kho ở đó và phải làm việc, xin ý kiến Chính phủ. Tiếp nhận một vài biên chế chắc tỉnh không hẹp hòi, còn việc gặp Chính phủ với tôi quá sức, đành báo cáo Sở tìm cơ sở khác. Sau này nhớ ra, tôi nuối tiếc thì đã muộn, bởi có Giáo sư, Tiến sĩ vốn là thầy dạy tôi ở Trường Đại Văn hóa Hà Nội đang làm Thư ký ở văn phòng Chính phủ mà không biết để cậy nhờ. Cuối cùng là tiếp nhận cơ sở của Công ty xây dựng I, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triền Nông thôn, cải tạo thành trường để “An cư lạc nghiệp” đến ngày nay.
Sẽ khiếm khuyết nếu như không nói tới quyết tâm thành lập trường của UBND tỉnh. Bởi nhiều lần ông Ngô Văn Luật, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh “Vi hành thị sát” các cơ sở để về có phương án chọn làm trụ sở trường. Sau khi được lãnh đạo tỉnh, sở chấp nhận cơ sở vật chất, tôi cùng họa sĩ Nguyễn Văn Thêu, Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính Sở đến Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa và Vụ Trung học chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đạo tạo giải trình để xin hai Bộ cho Quyết định thành lập trường. Rất may, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa ngày ấy lại là Nhà Bảo tàng học, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Khanh, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội (thời tôi là sinh viên của trường). Gặp trò cũ, thầy không dấu nổi niềm vui vì có trò đã trưởng thành, đảm nhận công việc không dễ, thầy mở đề án, xắn tay áo, hạ bút lược bỏ “Những hạt sạn”, trình Bộ phê duyệt để chuyển Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập trường.
Phát triển hoạt động đào tạo
Đã mười năm làm Trưởng khoa Sân khấu-Mỹ thuật rồi Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Hà Bắc, tái lập tỉnh Bắc Ninh tôi có nhu cầu làm Tạp chí Văn hóa của Sở, bởi tôi đã học nghiệp vụ Tuyên truyền Báo chí từ năm 1968 và cộng tác với báo chí Trung ương, địa phương từ đó, nên khi viết đề án thành lập trường tôi không ghi tên mình vào nhân sự trường, nhưng không được toại nguyện, Sở Văn hóa vẫn Quyết định tôi về trường với trách nhiệm Trưởng phòng Đào tạo. Buổi đầu vô cùng khó khăn, bởi người hiểu biết về hoạt giáo dục chuyên nghiệp quá khiêm nhường, nhưng vừa làm vừa học, mọi người đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn dần vơi.
Với đội ngũ giáo viên cơ hữu khiêm nhường, lúc đầu chỉ đào tạo chuyên ngành Sư phạm Nhạc, Sư phạm họa, Mỹ thuật và diễn viên Quan họ. Ngay khi viết đề án, tôi đã trình bày với Trưởng Ban Tổ chức chính quyển tỉnh: “Quý hồ tình bất quý hồ đa”, chỉ bố trí đội ngũ thầy ở mức tối thiểu, nhưng phải tinh thông nghiệp vụ. Nói vui là “thợ đầu cánh”. Như vậy đỡ gánh nặng chế độ cho biên chế, chỉ phải trả chi phí giáo viên thỉnh giảng. Mặt khác, qua một học phần, nếu giáo viên thỉnh giảng lên lớp hạn chế, sẽ cắt hợp đồng để mời thầy khác, như vậy phòng Đào tạo và các khoa phải vất vả tìm, mời giáo viên, nhưng sẽ chọn lựa được đội ngũ thầy thỉnh giảng giỏi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Quan niệm này tới nay càng có ý nghĩa tích cực về việc gọn nhẹ biên chế. Không dừng lại đào tạo các chuyên ngành đã có từ trường Hà Bắc chuyển giao, sau khi đề xuất được Hiệu trưởng nhất trí, tôi đã viết ba chương trình khung “Quản lý văn hóa”, “Văn hóa Du lịch”, “Thư viện” bậc Trung học chuyên nghiệp, trình Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa phê duyệt để mở rộng chuyên ngành đào tạo. Các chuyên ngành này không chỉ triển khai đào tạo tại trường mà còn liên kết với Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Lạng Sơn đào tạo chuyên ngành “Văn hóa Du lịch”; với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng đào tạo chuyên ngành “Quản lý Văn hóa”. Đặc biệt chương trình khung chuyên ngành “Quản lý Văn hóa” còn được Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa giới thiệu Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Huế về nghiên cứu, trao đổi với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh để mở chuyên ngành đào tạo này tại Huế. Với phương châm lấy nhu cầu xã hội căn bản của người học làm mục đích, nhà trường chủ trương không tuyển sinh chuyên ngành bất kỳ liên tục các năm; Chẳng hạn năm nay tuyển sinh chuyên ngành “Diễn viên Quan họ”. “Hội họa”, “Nhạc cụ Đàn bầu”,
“Quản lý Văn hóa”... thì năm sau tuyển các chuyên ngành “Diễn viên Thanh nhạc”. “Mỹ thuật ứng dụng”, “Nhạc cụ Đàn Ooc gan”, “Văn hóa Du lịch”... Bởi lẽ, nếu năm nào cũng tuyển sinh một chuyên ngành nào đó, khi học sinh ra trường sẽ đi đâu, làm gì? Như vậy sẽ gây tốn kém cho các gia đình và tạo nguồn lực dư thừa cho xã hội, sẽ ảnh hưởng uy tín của trường. Trên tinh thần đó, hoạt động đào tạo nhà trường hấp dẫn cuộc sống xã hội, năm 1998 chỉ có 72 thí sinh đăng ký dự thi, năm 2000 lên tới trên 1600 thí sinh đăng ký dự thi. Đặc biệt, nhà trường còn năng động xin Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ Sư phạm Nhạc, Sư phạm Họa, thu hút số học sinh năng khiếu Âm nhạc, Mỹ Thuật (Sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm) vào học, bổ sung nguồn lực cho ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu các bậc học của giáo dục phổ thông. Đồng thời liên kết với các trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Hà Nội đào tào các chuyên ngành “Quan lý Văn hóa”, “Hội họa” bậc Đại học nhằm nâng cao trình độ sinh viên phục vụ cuộc sống xã hội...
Những bước đi ban đầu tạo dựng cơ nghiệp, là kết quả của sự đoàn kết, tinh thần yêu trường, mến trò, ý chí năng động sáng tạo, vượt khó của tập thể giáo viên, cán bộ công nhân viên. Viết những dòng chữ này, tôi bùi ngùi nhớ cán bộ hành chính quản trị Nguyễn Văn Huấn-một trong những người đầu tiên đồng cam cộng khổ, góp phần đặt những viên gạch đắp móng, xây nền trường, đã trở thành “Người khôn chóng già”.
Thượng Luyến
Ý kiến ()