Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy và UBKT các cấp đã giải quyết 58 đơn khiếu nại kỷ luật Đảng của đảng viên (đạt 100%), trong đó: Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giải quyết 2 đơn; Huyện ủy, Ban Thường vụ huyện ủy và tương đương giải quyết 21 đơn; UBKT các cấp giải quyết 35 đơn.
Nội dung khiếu nại: bị oan sai, hình thức kỷ luật nặng… Qua giải quyết đã giảm hình thức kỷ luật cho 5 trường hợp; xóa bỏ hình thức kỷ luật 4 trường hợp; giữ nguyên hình thức kỷ luật đối với 49 trường hợp. Nguyên nhân thay đổi và xóa bỏ hình thức kỷ luật do cấp thi hành kỷ luật thẩm tra, xác minh và vận dụng phương hướng, phương châm thi hành kỷ luật chưa tốt; do đảng viên đã khắc phục khuyết điểm, vi phạm.
* Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại
- Về quyền khiếu nại kỷ luật Đảng của đảng viên, Quy định của Điều lệ Đảng khóa XI, tại khoản 7 Điều 39 quy định:
“Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban chấp hành Trung ương”.
Ngay từ một tháng đã có ý kiến là thể hiện sự không công bằng vì có tháng 31 ngày, có tháng 30 ngày, tháng 2 chỉ có 28 hoặc 29 ngày (năm nhuận).
Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI tại mục 5.2.1 giải thích “thời hạn khiếu nại trong vòng 30 ngày làm việc, tính từ ngày đảng viên vi phạm được tổ chức đảng có thẩm quyền công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (căn cứ biên bản công bố) đến ngày đảng viên bị kỷ luật gửi đơn khiếu nại trực tiếp hoặc theo dấu bưu điện”. Hướng dẫn nêu 30 ngày làm việc thì ít hơn một tháng có 31 ngày (một năm có 7 tháng 31 ngày). Cụm từ “ngày làm việc” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo quy định của Nhà nước thì cán bộ, công chức có 5 ngày làm việc trong 1 tuần, dẫn đến có người hiểu là 30 ngày làm việc là 6 tuần, tức là 6 x 7 = 42 ngày. Và nếu bị thi hành kỷ luật vào dịp nghỉ lễ, tết thì tính như thế nào. Đảng viên ở nông thôn nói là tôi ngày nào cũng phải làm việc. Từ chỗ hiểu khác nhau, mâu thuẫn với nhau.
- Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm: có những nội dung và hướng dẫn không đồng nhất nên đảng viên hiểu theo nghĩa khác nhau, dẫn đến trong thi hành kỷ luật nhận thức khác nhau, biểu quyết khác nhau. Từ đó đảng viên bị kỷ luật dễ khiếu nại.
- Nguyên nhân đảng viên khiếu nại: Đảng viên bị thi hành kỷ luật, nhất là bị kỷ luật khai trừ, thường có thái độ mặc cảm, bị kích động bên ngoài, nên cho rằng mình bị kỷ luật oan, sai nên khiếu nại; có đảng viên nhận thức được lỗi phạm của mình, nhận thức được việc áp dụng hình thức kỷ luật mà tổ chức đảng áp dụng với mình là đúng nhưng cứ khiếu nại cầu may chỉ vì mất 1 tờ giấy viết đơn gửi đi là xong; có đảng viên cố ý không nhận vi phạm, cố chấp, bảo thủ, biết là xử lý kỷ luật như vậy là đúng song vẫn khiếu nại. Đặc biệt có trường hợp đảng viên vi phạm bị khai trừ, viết đơn khiếu nại kêu oan không có lỗi gì. UBKT Tỉnh ủy giải quyết y án, đồng chí khiếu nại lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vừa gửi đơn được khoảng 1 tuần thì bị Công an bắt và phải xử lý bằng pháp luật. Tức là vi phạm rất rõ, rất nặng vẫn cố tình không nhận (đảng viên này là cử nhân luật). Nếu không bị bắt và xử lý bằng pháp luật thì các cấp lại phải giải quyết khiếu nại mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Có đảng viên vi phạm (là Chủ tịch UBND xã), khi xử lý kỷ luật đồng chí đó, tổ chức đảng đã xem xét đến quá trình cống hiến và các tình tiết giảm nhẹ khác nên chỉ kỷ luật khai trừ về Đảng mà không xử lý bằng pháp luật. Đảng viên vẫn khiếu nại kêu oan, tổ chức đảng nói rõ nếu còn kêu oan thì sẽ chuyển cơ quan điều tra xem xét, đồng chí lại rút đơn. Nếu không thì tổ chức đảng lại mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để giải quyết khiếu nại.
- Thái độ của đảng viên sau khi được giảm án: Có trường hợp đảng viên bị khai trừ, khiếu nại đến UBKT Trung ương thì giảm còn cảnh cáo. Đảng viên này sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của UBKT Trung ương xong cũng bỏ luôn không sinh hoạt Đảng nữa. Tức là không phải vì thiết tha với Đảng mà khiếu nại.
- Những trường hợp giải quyết khiếu nại giảm án: Do cấp thi hành kỷ luật vận dụng chưa tốt các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của Quy định 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; do có một số đảng viên trong tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật có thái độ không đúng mực, vì thành kiến cá nhân nên bỏ phiếu đề nghị thi hành kỷ luật nặng hơn so lỗi phạm; do khâu thẩm tra xác minh chưa tốt nên kết lỗi không chính xác; do quá trình giải quyết khiếu nại đảng viên đã khắc phục vi phạm (ví dụ: nhận tiền đền bù; nộp tiền khắc phục hậu quả do mình gây ra…).
* Đề xuất, kiến nghị
Trong hướng dẫn về giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, đề nghị Trung ương viết sao cho dễ hiểu và để tất cả mọi người đều hiểu theo một nghĩa thống nhất, không mâu thuẫn nhau, đề nghị sửa lại ngay từ trong Quy định của Điều lệ Đảng:
“Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban chấp hành Trung ương”.
Và không phải giải thích gì thêm, vì giải thích 30 ngày làm việc chỉ thêm rắc rối, khó hiểu, mâu thuẫn.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Cấp ủy huyện trở lên không giải quyết khiếu nại mà giao cho UBKT, Ban Thường vụ cấp ủy.
Việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại như hiện nay có quá nhiều cấp (đảng viên bị kỷ luật từ chi bộ có khiếu nại đến cấp cao nhất thì 11 tổ chức Đảng phải giải quyết khiếu nại) mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của mà đa số là giữ nguyên hình thức kỷ luật. Vì vậy phân cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng là cần thiết.
Về hướng phân cấp: Đề nghị là đảng viên bị kỷ luật có quyền khiếu nại và được giải quyết khiếu nại kỷ luật 2 lần tuần tự từ dưới lên.
- Nội dung khiếu nại kỷ luật Đảng phải giải quyết: Cần xem xét lại toàn bộ quá trình thi hành kỷ luật đảng viên để có quyết định giải quyết khiếu nại đúng đắn. Vì thực tế có đảng viên vi phạm ví dụ là 5 lỗi bị khai trừ. Đảng viên khiếu nại 1 lỗi, qua giải quyết thấy lỗi đó tổ chức đảng kết luận sai (do tâm lý của tổ chức đảng ở cơ sở là nêu càng nhiều lỗi càng tốt), nhưng chỉ cần 4 lỗi còn lại đúng, thậm chí 1 lỗi đúng cũng đủ để kỷ luật khai trừ. Khi giải quyết khiếu nại kết luận 1 lỗi đó đảng viên khiếu nại đúng, tổ chức đảng vẫn giữ nguyên khai trừ dễ gây hoài nghi, thắc mắc là giải quyết khiếu nại đúng sao không giảm án.
Đề nghị khi giải quyết khiếu nại có những trường hợp, có nội dung không thẩm tra xác minh được (ví dụ đánh bạc không phải lần nào đánh cũng bị bắt; đảng viên tuyên truyền không nhận tiền đền bù; đảng viên xúi giục người đi khiếu kiện…). Vì vậy cần xét đến yếu tố đảng viên đó có còn tính tiền phong gương mẫu không, có còn thiết tha với Đảng thực sự không, còn phát huy được tác dụng, vai trò của người đảng viên không, còn được quần chúng tín nhiệm hay không… khi xem xét, quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu giảm án cho những trường hợp này sẽ gây tâm lý bất mãn cho số đông đảng viên và làm giảm tính chiến đấu của tổ chức đảng.
Đề nghị không giải quyết khiếu nại đối với những trường hợp đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm, không đến dự công bố kỷ luật (và không nhận quyết định kỷ luật), không nhận quyết định giải quyết khiếu nại hoặc không cộng tác với tổ chức đảng đang xem xét, giải quyết khiếu nại.
Ý kiến ()