Từ bốn năm nay, vào dịp cuối tháng 9, trực tiếp lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh lại tổ chức họp với đại diện Hội Phụ huynh học sinh của hơn 70 trường Mầm non, Tiểu học và THCS.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và chia sẻ, lãnh đạo thành phố Bắc Ninh nhận được nhiều sự ủng hộ, giải pháp thiết thực của nhân dân để cùng gỡ khó cho ngành trong thời gian tới.
Đại diện phụ huynh học sinh đặt câu hỏi trong buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TP Bắc Ninh cuối tháng 9-2018.
Trước khi bàn đến những vấn đề nổi cộm của giáo dục thành phố, lãnh đạo Phòng GD-ĐT khái quát những kết quả nổi bật trong năm học vừa qua. Theo đó, năm học 2017-2018, ngành vượt khó vươn lên, tiếp tục là điểm sáng tiêu biểu của GD-ĐT tỉnh, được UBND tỉnh tặng cờ Đơn vị tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu 8 Phòng GD-ĐT cấp huyện.
Kết quả năm học được thể hiện rõ trong đánh giá về chất lượng giáo dục toàn diện: Chất lượng đại trà cả 3 bậc học giữ vững và nâng cao; chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi Tiểu học và THCS xếp Nhất tỉnh. Chất lượng thi tuyển sinh vào THPT công lập: Điểm bình quân thi vào lớp 10 cao hơn năm 2017; 90% học sinh đỗ vào lớp 10 công lập, trong đó 164 học sinh đỗ vào trường THPT Chuyên Bắc Ninh, chiếm tới 54%. Chất lượng dạy và học Tiếng Anh có nhiều chuyển biến tích cực, tại các cuộc thi Tiếng Anh trong năm học, ngành giáo dục thành phố đều dẫn đầu tỉnh cả về số lượng và chất lượng giải…
Tại cuộc họp, nếu như những kết quả nổi bật chỉ được khái quát thì những hạn chế trở thành trọng tâm để mọi người cùng bàn bạc giải quyết. Theo Trưởng phòng GD-ĐT Nguyễn Cương Nghị, thành phố Bắc Ninh còn những tồn tại hạn chế sau: Việc dạy thêm, học thêm trái quy định chưa được khắc phục; còn tình trạng lạm thu và thu thiếu công khai, minh bạch trong trường học; áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp do tăng dân số cơ học, trong khi biên chế giáo viên vẫn giữ nguyên, số trường học hầu như không được thành lập mới… Trong những hạn chế nói trên thì áp lực quá tải về số học sinh/lớp, nhất là khối Tiểu học là vấn đề đáng quan tâm nhất. Đây là hệ quả của quá trình phát triển KT-XH mạnh mẽ, kéo theo quá trình tăng dân số cơ học.
Cụ thể, năm học 2018-2019, học sinh khối Tiểu học toàn thành phố tăng 1.765 em, tương đương 2 trường Tiểu học, trong đó riêng khối lớp 1 tăng 1.054 em so với năm học trước. Khối THCS tăng 872 học sinh, tương đương 1 trường THCS, riêng khối 6 tăng 560 học sinh… Số học sinh tăng nhanh, trong khi biên chế giáo viên không tăng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu khiến nhiều trường bị quá tải về số lớp và số học sinh/lớp. Cũng do thiếu giáo viên mà nhiều trường, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng vẫn phải đứng lớp.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp khối Tiểu học không quá 35 học sinh, nhưng ở thành phố Bắc Ninh, bình quân 43 học sinh/lớp, riêng khối 1 là 50 học sinh/lớp. Cũng do học sinh khối lớp 1 quá đông, nhiều trường Tiểu học phải dồn các lớp khối trên để tăng lớp học cho khối 1. Tình trạng quá tải số học sinh/lớp tác động trực tiếp đến việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là vấn đề rèn kỹ năng sống cho học sinh trong thời đại Internet, đây là mối quan tâm lớn của lãnh đạo thành phố Bắc Ninh.
Về vấn đề dạy thêm, học thêm trái quy định; vấn đề lạm thu trong trường học, tuy vẫn xảy ra, nhưng nhờ sự chỉ đạo và xử lý quyết liệt của thành phố và ngành giáo dục, cơ bản các trường đã chấp hành tốt.
Nếu như 4 năm trước, cũng tại cuộc đối thoại này, rất nhiều câu hỏi hóc búa và rất… khó nghe, được các phụ huynh đưa ra và đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải trả lời thỏa đáng. Nhưng với tinh thần cầu thị, lắng nghe và chia sẻ, lãnh đạo UBND thành phố tạo được thiện cảm với phần đông các bậc phụ huynh. Tại cuộc họp năm nay, mặc dù ngành giáo dục thành phố vẫn còn những hạn chế từ nhiều năm học trước chưa được giải quyết, nhưng thay vì dồn dập chất vấn, cơ bản các phụ huynh đều hiểu, thông cảm vì biết rằng nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, thậm chí là của UBND tỉnh như tại sao không tuyển dụng giáo viên vào biên chế trong khi ngay trên địa bàn, số lượng sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm rất đông, rồi vấn đề thành lập mới hệ thống trường công giảm áp lực quá tải…
Cũng tại cuộc họp, phụ huynh ở phường Phong Khê băn khoăn trước tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; phụ huynh phường Võ Cường và Thị Cầu thì lo lắng bởi khu nhà vệ sinh xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, đề nghị có phương án khắc phục, kể cả phải xã hội hóa; có phụ huynh còn băn khoăn việc thành phố quan tâm đầu tư cho các trường trong nội thành hơn là các trường vùng ven; phụ huynh phường Tiền An thì phản ánh bất cập tuyển sinh vào lớp 1…
Ý kiến của các bậc phụ huynh tại cuộc họp đều được lãnh đạo UBND thành phố và các ngành hữu quan ghi lại cẩn thận, trong phạm vi thành phố có thể giải quyết thì giải đáp luôn; thuộc phạm vi trách nhiệm của phường, xã nào thì yêu cầu lãnh đạo phường, xã (cũng có mặt tại cuộc họp) phải sớm giải quyết; thuộc phạm vi của tỉnh thì thành phố cam kết đề xuất để lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết.
Ghi nhận trong suốt cuộc họp, nói đúng hơn là buổi đối thoại, là bầu không khí dân chủ, thẳng thắn và sẻ chia. Nhiều phụ huynh đánh giá cao tinh thần lắng nghe, thấu hiểu của lãnh đạo thành phố trước những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong năm học này và những năm tiếp theo…
Là ngôi trường hiện đại, thành lập sau, nhưng trường Tiểu học Suối Hoa, TP Bắc Ninh (ảnh) cũng đang quá tải về số học sinh/lớp.
Theo ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố: Tập trung xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa là một trong những quyết tâm chính trị của Thành ủy Bắc Ninh trong 2 năm 2017 và 2018. Trong 2 năm đó, riêng ngành giáo dục có thêm 33 trường học được di chuyển xây mới hoặc mở rộng xây dựng tổng thể gần như mới. Quan điểm của thành phố là đầu tư đồng bộ, hiện đại và có giá trị sử dụng lâu dài, vì vậy trường nào cũng phải có quy hoạch tổng thể, đủ diện tích thì xây dựng hiện đại, không đủ diện tích thì phải quy hoạch quỹ đất để tính đến việc di chuyển xây mới, không đầu tư chắp vá. Ngay việc thiết kế phòng học, lắp đặt hệ thống điện, quạt cũng theo tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng yêu cầu tốt nhất cho học sinh.
Ở thành phố, ngoài cụm trường trường trọng điểm phường Suối Hoa, các trường khác từng bước đều được xây mới hiện đại, không phân biệt là trường nội thành hay ngoại thành. Vào năm học 2018-2019, thành phố đầu tư mua mới gần 700 máy điều hòa, 900 bóng điện, 900 quạt điện cho các trường. Như vậy, riêng máy điều hòa, thành phố đáp ứng đủ cho 100% các trường Mầm non, Tiểu học và một số trường THCS đông học sinh. Riêng vấn đề triển khai xây mới các trường thì phải có lộ trình, ưu tiên những nơi bức xúc trước. Những trường học được di chuyển xây mới ở thành phố đều có diện tích từ 1 ha trở lên, không chắp vá kiểu vài nghìn m2 dẫn đến một trường lại có nhiều điểm trường như trước đây…
Có thể nói, những bức xúc của ngành giáo dục thành phố Bắc Ninh thì vẫn còn nhiều và không dễ tháo gỡ trong một vài năm tới, nhưng với tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh tạo được niềm tin với các bậc phụ huynh học sinh, rộng ra là với xã hội.
Thanh Tú
Ý kiến ()