Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48, với chủ đề “Hãy viết một bức thư về người hùng của em”.
Theo đó, người hùng của các em có thể là thần tượng, người nổi tiếng, huyền thoại, siêu nhân... nhưng cũng có thể là ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè... những người rất đỗi bình thường, những người truyền cảm hứng tích cực cho các em. Cuộc thi viết thư quốc tế UPU được Liên minh Bưu chính thế giới phối hợp với UNESCO khởi xướng, tổ chức dành cho các em thiếu nhi trên toàn thế giới bắt đầu từ năm 1971 và đã trở thành hoạt động thường xuyên, quen thuộc của các em học sinh trên toàn thế giới. Qua đó bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, giúp các em học sinh thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với các vấn đề xã hội của đất nước và mối quan tâm của chính lứa tuổi các em. Báo Bắc Ninh giới thiệu một số nội dung liên quan đến cuộc thi viết thư UPU lần thứ 48.
Thể lệ cuộc thi
Chủ đề Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero)
I. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC:
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.
II. MỤC ĐÍCH - Ý NGHĨA:
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:
- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.
- Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
III. THỂ LỆ
1. Đối tượng: Tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến 31-12-2018).
2. Quy định về bài thi:
- Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 1.000 từ.
- Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm Ban Giám khảo chấm bản Tiếng Việt.
- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).
- Ở góc trên cùng bên trái, ghi đầy đủ: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình. Bài dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
-Trong nội dung bức thư, tác giả không được nêu cụ thể tên, trường lớp, địa chỉ của mình.
- Bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết.
* Bài dự thi phải cho vào phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ ngưòi gửi/địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (112815) và gửi từng bức thư qua đường Bưu điện. Phong bì thư cần ghi rõ: Dự thi Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 (2019).
3. Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 112815
4. Thời gian: Từ ngày 12-10-2018 đến 15-2-2019 (theo dấu Bưu điện).
5. Một số yêu cầu:
- Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương;
- Không bắt buộc 100% học sinh của trường tham gia;
- Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức;
- Số hiệu: 112815 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.
6. Trang Fanpage chính thức của cuôc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam
IV. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng Quốc gia:
Các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.
Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và kèm hai người thân (phụ huynh và nhà trường) dự Lễ tổng kết và trao giải thưởng.
Giải cá nhân:
Giải chính thức:
01 giải Nhất: 5.000.000đ;
03 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ;
05 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ;
30 giải Khuyến khích, mỗi giải: l.000.000đ
Các giải đồng hành:
Giải dành cho thí sinh là người dân tộc thiểu số: l.000.000đ
Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: l.000.000đ
61 Giải “Cây bút triển vọng”, mỗi giải: 500.000đ
Giải tập thể:
Các trường có học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba được nhận giải tập thể, mỗi giải 1.000.000đ
2. Giải thưởng Quốc tế
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Nếu đạt giải, sẽ được tặng thưởng: Giải Nhất: 30 triệu đồng; Giải Nhì: 20 triệu đồng; Giải Ba: 15 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng; được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Gợi ý chủ đề “Hãy viết một bức thư về người hùng của em”
I- Một số lưu ý trước khi các em tham gia cuộc thi
Trước khi các em tham khảo phần trao đổi của Ban giám khảo về chủ đề Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48, xin lưu ý các em những điều quan trọng như sau:
- Các em cần đọc và nắm kỹ Thể lệ Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48. Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố độc lập, sáng tạo, nghĩa là bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết. Những bức thư chép lại từ bài mẫu hoặc chép giống nhau sẽ bị loại ngay từ vòng chấm đầu tiên.
- Các em cần tuân thủ phần kỹ thuật viết thư được ghi rất rõ trong Thể lệ Cuộc thi để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu.
- Các em cần hiểu rõ về chủ đề của Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48: Chủ đề ngắn gọn nhưng mạch lạc, rõ ràng, nhân vật của bức thư là một con người cụ thể, nhưng phải là một người mà các em quý mến, tôn trọng, ngưỡng mộ; một người có sự ảnh hưởng tốt, tích cực đến suy nghĩ, tình cảm, hành động của các em.
- Ban Giám khảo luôn đánh giá cao những bức thư giàu tính sáng tạo và cảm xúc. Những trao đổi của Ban Giám khảo về chủ đề cuộc thi sẽ giúp các em nắm bắt được thông điệp chính của chủ đề Cuộc thi lần này. Vì vậy, hãy để sự hiểu biết và trí tưởng tượng của các em bay cao bay xa, hãy tự do bay bổng trong thế giới tưởng tượng của mình các em nhé!
II- Về kỹ thuật viết thư
- Bức thư phải được viết dưới dạng văn xuôi và tuân thủ đúng thể thức của một bức thư: Phần đầu thư luôn có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư; Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư; Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết. Tất nhiên, một bức thư tham gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU cần một sự thể hiện độc đáo, sáng tạo và cảm xúc để tạo nên sự khác biệt.
- Các em hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.
- Các em chú ý không viết bức thư dài quá 1.000 từ. Các em cũng lưu ý một nguyên tắc quan trọng là không viết tên hay địa chỉ của mình (tức là không viết thông tin cá nhân) trong nội dung bức thư.
III- Về chủ đề Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48
Hãy tìm ra một người hùng của chính em
Thật thú vị khi chủ đề năm nay chỉ tập trung vào một “từ khóa”: HERO-Người Hùng. Trong từ điển, từ hero được định nghĩa là người được ngưỡng mộ vì họ có hành động hay việc làm dũng cảm, họ có tài năng, dũng khí hơn hẳn người thường, đạt được những thành tựu vĩ đại trong cuộc đời của họ. Họ cũng có thể là nhân vật trong những cuốn sách, những bộ phim mà chúng ta yêu thích. Như vậy, chúng ta có thể mở rộng nghĩa của từ khóa “hero-người hùng” thành một “trường ngữ nghĩa” mênh mông với một loạt các từ đồng nghĩa như sau: Người anh hùng, thần tượng, người nổi tiếng, huyền thoại, ngôi sao, siêu nhân, người dẫn đầu, người mà em ngưỡng mộ nhất, người truyền cảm hứng…
Trong thông báo của mình, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 (năm 2019) là một “chủ đề truyền cảm hứng” (the inspirational theme). Đúng là như vậy, mỗi em đều có trong tim mình một người hùng, một người mà em ngưỡng mộ, yêu quý nhất. Đó có thể là một nhân vật lịch sử, một nhân vật trong cuốn sách hay bộ phim em yêu thích nhất nhưng cũng có thể là những người rất đỗi bình thường hàng ngày bên cạnh em (ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người thân) nhưng là người mà em ngưỡng mộ nhất, người truyền cảm hứng tích cực cho em. Đó cũng có thể là một con người cụ thể mà em đã nghe kể, đã gặp gỡ hay hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của em…
Để tham gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU năm nay, các em hãy chọn một nhân vật cụ thể, một người hùng của riêng em, là bất cứ ai truyền cho các em những cảm hứng tích cực nhất và viết về họ bằng những cảm xúc của chính em.
Viết về người hùng của em như thế nào?
Năm 1997, chủ đề Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 26 là “Thư gửi một người mà tôi ngưỡng mộ nhất”. Năm đó, cô gái Phan Vũ Hoàng An, lớp 8 Văn, trường THCS Chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang, Khánh Hòa đoạt giải quán quân. Hoàng An viết thư gửi người mà bạn ấy ngưỡng mộ nhất, nhà văn Andersen, người “canh giữ ước mơ cổ tích” của trẻ em. Trong bức thư của mình, Hoàng An đã lý giải vô cùng dễ thương theo cách của một cô học trò, vì sao cô ấy ngưỡng mộ tác giả của Cô bé bán diêm, Cô bé Lọ Lem, Bầy chim thiên nga… vô cùng thân thuộc trong ước mơ của mọi đứa trẻ trên thế giới này.
Chủ đề của Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 yêu cầu các em viết về người hùng của mình, cũng có nghĩa là người mà em ngưỡng mộ nhất. Các em có thể viết về một câu chuyện, một hành động cụ thể hay về thành tựu, về cuộc đời của nhân vật ấy. Các em hãy lý giải vì sao đó là người hùng của em và sự ảnh hưởng của họ đối với em mạnh mẽ, tích cực như thế nào.
Hãy viết một câu chuyện thật sinh động và giàu cảm xúc rồi lý giải vì sao đó là người hùng của em một cách thật thuyết phục nhé! Người hùng của em lớn lao hay nhỏ bé, nhưng phải là người mang những bức thông điệp thật ý nghĩa, nuôi dưỡng lòng yêu thương, những suy nghĩ và hành động tích cực cho những ước mơ tuổi đang lớn của các em nhé!
Ý kiến ()