Cất trữ trong mình kho báu vô tận những giá trị, thuộc tính cốt cách, tâm hồn không chỉ của riêng người Bắc Ninh-Kinh Bắc mà còn phản ánh vẻ đẹp tinh thần và trí tuệ Việt Nam, Dân ca Quan họ Bắc Ninh từ một “thổ sản” địa phương đã trở thành tài sản chung của nhân loại vào ngày 30-9-2009. Với giá trị và danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể thế giới, Quan họ là nguồn tài nguyên dồi dào để sáng tạo, chuyển hóa thành những sản phẩm văn hóa ấn tượng, độc đáo, giàu bản sắc. Tỉnh Bắc Ninh xác định: Quảng bá, khai thác tiềm năng kinh tế từ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay không những là việc NÊN LÀM mà hơn thế là PHẢI LÀM.
BÀI 1: “Đại sứ” văn hóa
Mới đây, tại Thủ đô Hà Nội, sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã làm nức lòng công chúng trong nước và quốc tế... Vẻ đẹp của những giai điệu ngọt ngào, lời ca tinh tế, giàu triết lý cùng phục trang nền nã, ấn tượng không có ở đâu khác chính là một mã gen ADN để nhận diện và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trầu nghĩa trầu tình mời bạn 5 châu
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - một trong những loại hình dân ca tiêu biểu- đã và đang trở thành kênh ngoại giao văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Năm 1978, Quan họ chính thức xuất ngoại biểu diễn tại Nhật Bản. Kể từ đó, Quan họ tạo thành có tiếng vang, được mời biểu diễn ở nhiều tỉnh trong nước và được cử tham gia lưu diễn khắp phương trời Âu, Á trong những chương trình liên hoan âm nhạc khu vực, festival âm nhạc quốc tế, giao lưu văn hóa thế giới…
Dân ca Quan họ Bắc Ninh trường tồn và lan tỏa.
Đặc biệt, kể từ sau khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng có ảnh hưởng ở trong nước và trên thế giới. Quan họ xuất hiện như một trong những đại diện tiêu biểu của văn hóa Việt Nam trong các sự kiện chính trị, các hoạt động văn hóa đối ngoại, các chương trình đón tiếp nguyên thủ quốc gia, những cuộc gặp gỡ, hợp tác giao lưu với giới chức lãnh đạo nước ngoài... Dù bất đồng ngôn ngữ, khác biệt thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, song sự hiện diện của những làn điệu dân ca Quan họ tinh tế, tâm tình: Mời nước mời trầu, Phùng quan tế hội, Ngồi tựa mạn thuyền, Dệt gấm thêu hoa, Vui bốn mùa... với lề lối giao tiếp lịch lãm, duyên dáng của các liền anh, liền chị đã kết nối, làm cho người với người trở nên thân gần, thấu hiểu nhau hơn. Chính những giá trị phi vật thể đọng vào và thấm sâu tạo chất xúc tác thiện lành, góp phần làm nên sự thành công toàn diện cho các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Vị thế, sức ảnh hưởng của văn hóa Việt từ đó được nâng tầm...
Từ năm 2009 đến nay, Nngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tham mưu tổ chức gần 1.600 chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ phục vụ nhân dân trong tỉnh và giới thiệu, quảng bá di sản với công chúng khán giả trong nước, quốc tế. Riêng hoạt động quảng bá di sản tại nước ngoài, Bắc Ninh tổ chức 15 đoàn cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên đi biểu diễn quảng bá tại nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Australia, New Zealand, Dubai, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các chương trình biểu diễn quảng bá, giao lưu văn hóa Quan họ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với cộng đồng kiều bào, được khán giả quốc tế cảm mến, đón nhận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm trầu têm cánh phượng của người Quan họ. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).
Bền bỉ, miệt mài mang “hồn dân tộc” ra thế giới, NSƯT Lương Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh xúc động: Chúng tôi tự hào vì được mang di sản của nhân loại đi trình diễn, quảng bá vẻ đẹp văn hóa Quan họ với người dân cả nước và bạn bè thế giới. Điều ấn tượng là ở nhiều địa phương trong nước, cả cộng đồng kiều bào nước ngoài cũng đã thành lập những nhóm, CLB Quan họ để kết nối niềm đam mê. Đó là giá trị to lớn vượt trội của Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà không phải loại hình nghệ thuật truyền thống nào cũng có được.
Năm 2023, trong chương trình khám phá vẻ đẹp Bắc Ninh-Kinh Bắc với sự tham gia của gần 150 đại biểu là các Đại sứ, Trưởng đại diện của các Ngoại giao đoàn, Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Hà Kim Ngọc khẳng định: Là một đất nước ngàn năm văn hiến, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, mong muốn phát huy các giá trị văn hóa của mình để phát triển bền vững đất nước và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục gìn giữ và giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc sắc tới bạn bè quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh đón tiếp Đoàn đại biểu ngoại giao trong Chương trình khám phá vẻ đẹp Bắc Ninh-Kinh Bắc vào tháng 4-2023.
Di sản văn hóa phi vật thể là động lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việc đưa di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào các hoạt động ngoại giao đã cho thấy tầm nhìn, nhận thức về truyền thống văn hóa từ cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường đối thoại văn hóa, tôn trọng sự đa dạng, gắn kết cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc.
“Thổ sản” Kinh Bắc trở thành tài sản chung của nhân loại
20h ngày 30-9-2009 trở thành thời khắc lịch sử ghi một dấu mốc mới với nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Đó là thời điểm tất cả quốc gia thành viên Ủy ban liên Chính phủ UNESCO bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hành trình trở thành di sản thế giới của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là thành quả của cộng đồng miệt mài gìn giữ cùng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival Bắc Ninh 2010, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đương thời là Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định: Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa truyền thống có từ lâu đời, thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của con người Bắc Ninh. Thông qua lời ca, tiếng hát đằm thắm; âm nhạc, ngôn từ dịu ngọt; trang phục, dáng điệu thanh lịch đã toát lên giá trị văn hóa đặc sắc của vùng quê Kinh Bắc. Với việc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại, được cả thế giới biết đến, trân trọng và sẽ được bảo tồn, phát huy theo Công ước của thế giới. |
15 năm trước, tại thời điểm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh, trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh tự hào: Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã vươn đến tầm thế giới và được cả nhân loại biết đến, yêu mến và trân trọng. Không chỉ được các nước thành viên UNESCO đánh giá cao về: Giá trị văn hoá, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, bài bản, âm nhạc, lời ca, ngôn từ, trang phục, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hoá... mà sức sống của Dân ca Quan họ Bắc Ninh còn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng, được cộng đồng lưu giữ, trao truyền từ nhiều thế hệ, là bản sắc địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.
Theo sát hành trình xây dựng hồ sơ Dân ca Quan họ Bắc Ninh đệ trình UNESCO ghi danh, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam từng khẳng định: “Người Quan họ đến với nhau không chỉ có ca hát mà là cả một lối chơi văn hóa. Dù đi nơi khác, ở đâu người Bắc Ninh vẫn hát, vẫn chơi Quan họ, chính đây là khu biệt của Dân ca Quan họ Bắc Ninh với các thể loại khác trong nghệ thuật trình diễn mà UNESCO đánh giá cao khi vinh danh…”.
Sau 15 năm được ghi danh, Dân ca Quan họ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng bao trùm lễ hội vùng Kinh Bắc, là nét sinh hoạt thường nhật trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, cha truyền con nối, Quan họ thấm ngấm vào đời sống người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc tự nhiên như hơi thở. Cứ thế, Quan họ được gìn giữ, sức sống được trao truyền, nối dài mãi mãi...
Vẻ đẹp đích thực và trường cửu bao giờ cũng gắn liền với tình người, tình yêu và mãi mãi thuộc về con người. Cũng như thế, giá trị đặc sắc nhất của Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính là tình người Quan họ. Giá trị lấp lánh ấy luôn được các thế hệ người dân Bắc Ninh trân trọng bảo vệ, sáng mãi theo thời gian và không gian, trở thành sức mạnh phi vật thể lý giải cho sức sống mãnh liệt của di sản.
--------------
Làm thế nào Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng mở rộng, gia tăng được sức ảnh hưởng đến thế? Có điều gì đặc biệt trong chính sách phát triển văn hóa của Bắc Ninh? Đón đọc bài 2: Quan họ “nở cành, xanh ngọn”
Tuấn Minh-Thanh Thanh
Ý kiến ()