Chúng tôi về xã Cách Bi (Quế Võ) vào một ngày cuối tháng 10 khi vừa kết thúc đợt gió Bắc đầu mùa. Cơn mưa lớn hôm trước phần nào gột rửa lớp bụi đỏ phủ những ngôi nhà ven con đường trục xã bắt đầu từ Quốc lộ 18 rẽ phải nối tới kè Cách Bi, nên chuyến đi có nhiều thuận lợi. Cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, chính quyền và nhân dân nơi đây đang dồn sức cho công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Có tiêu chí đã đạt, có những tiêu chí đang trong quá trình hoàn thiện, song khó khăn nhất là tiêu chí về giao thông. Cách Bi chỉ là 1 trong số 68 xã còn lại của tỉnh chưa đạt chuẩn về tiêu chí giao thông.
Nan giải bài toán “vốn”
Thôn Mai Cương (Cách Bi) hôm nay như sáng hơn bởi những lớp bụi đường bao phủ đã được gội rửa. Anh Phan Văn Kiên, thôn Mai Cương kể với chúng tôi: “Các bác về xã hôm nay là còn may chán vì vừa có trận mưa lớn nên người và xe không bị ám bụi đường. Ngày nắng mỗi khi chạy qua con đường này thì cả người lẫn xe được bọc một lớp bụi đỏ. Những nhà ven đường hiếm khi mở cửa chính và luôn thường trực 1 vòi phun nước để hạn chế bụi. Dạo trước đường bị xuống cấp, đi lại gập ghềnh tuy không bụi ngày nắng nhưng lại lầy lội vào ngày mưa, vừa rồi xã đầu tư kinh tu sửa, trải cấp phối nên đường không còn lồi, lõm nhưng bụi thì phải biết. Đây là con đường chính vừa phục vụ đi lại của nhân dân vừa là con đường chiến lược phục vụ công tác phòng chống lụt bão của huyện và của tỉnh. Mặc dù chính quyền các cấp, ngành chức năng nhiều lần về khảo sát, lập kế hoạch đầu tư nâng cấp nhưng đến nay vẫn chưa được cứng hóa. Con đường bê tông vẫn đang là niềm mơ ước của nhiều người dân nơi đây”.
Toàn xã Cách Bi hiện có hơn 37 km đường giao thông nông thôn và 55km giao thông nội đồng, trong số đó một phần rất lớn chưa được kiên cố hóa. Hiện mới có 80% số đường trục thôn và 33% đường ngõ xóm được bê tông hóa, còn lại 25,7km đường đất, cấp phối. Đặc biệt, 3,2km đường huyết mạch của xã từ Quốc lộ 18 đến kè Cách Bi và 100% hệ thống giao thông nội đồng vẫn đang là đường đất, đường cấp phối.
Đường trục xã Cách Bi vẫn là đường đất mới được trải cấp phối.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thế Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nếu để đạt được tiêu chí giao thông NTM thì xã sẽ cần khoảng hơn 200 tỷ đồng. Trong khi nguồn thu của xã gần như là không có, hơn nữa, người dân địa phương chủ yếu sống bằng nông nghiệp nên thu nhập bình quân chỉ khoảng 16 triệu đồng/người/năm, vì thế huy động các nguồn lực xã hội hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do hạ tầng giao thông nông thôn và nội đồng chưa hoàn thiện nên hạn chế khả năng quy hoạch vùng hàng hóa và đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Dẫu biết rằng giao thông là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, huy động xã hội hóa khó khăn, bài toán về vốn đầu tư giao thông NTM của Cách Bi vẫn chưa có lời giải.
68/97 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí giao thông NTM
Bài toán về thiếu vốn không chỉ trở lực trong quá trình hiện thực hóa xây dựng NTM của Cách Bi mà còn là tồn tại, khó khăn của nhiều xã trong tỉnh. Theo thống kê của BCĐ Xây dựng NTM tỉnh thì toàn tỉnh mới có 29/97 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông nông thôn. Như vậy, tỉnh ta vẫn còn 68 xã phải tiếp tục hoàn thiện tiêu chí này với hàng nghìn km đường và cần huy động nhiều tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, nếu tính suất đầu tư cứng hóa 1km đường bê tông theo chuẩn NTM cần khoảng 2-3 tỷ đồng, thì kinh phí để cứng hóa toàn bộ số đường đất này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Số km đường còn lại đã bê tông hoặc rải cấp phối, đá dăm nhưng hầu hết chỉ là cứng hóa mặt chứ chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Như vậy, kinh phí để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông ở 68 xã còn lại là một con số không hề nhỏ.
Trong khi việc huy động đối ứng trong nhân dân không mấy dễ dàng vì hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở các xã điểm chỉ đạt khoảng trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, ngoài thực hiện tiêu chí giao thông, người dân còn phải đối ứng để thực hiện các tiêu chí khác cũng quan trọng không kém như xây dựng nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi, giáo dục, y tế… Kế hoạch năm 2014, tổng số kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là 589,57 tỷ đồng, trong đó làm giao thông nông thôn là 222,592 tỷ đồng.
Thời gian qua, tiêu chí về giao thông được các xã điểm ưu tiên triển khai sớm, nhưng việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cộng với tác động của suy thoái kinh tế ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của các nhà thầu nên xem ra việc hoàn thành tiêu chí này sẽ khó khăn hơn nhiều các tiêu chí khác. Qua khảo sát các xã trong tỉnh hầu hết các địa phương này đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện và đạt chuẩn tiêu chí giao thông nông thôn.
Theo ông Ngô Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao (Quế Võ): Với thực trạng giao thông hiện nay có thể thấy trước khối lượng công trình phải thực hiện lớn, đặc biệt là giao thông nội đồng. Trong khi nguồn vốn Nhà nước cấp có hạn, nguồn vốn vận động trong dân không dễ thực hiện thì việc phải hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí đúng thời hạn cũng đang tạo áp lực lớn cho các địa phương, nhất là những xã thuần nông.
Khó đạt yêu cầu của tiêu chí
Nếu như vấn đề nan giải của bài toán về vốn đầu tư là trở lực lớn trong việc hoàn thiện tiêu chí giao thông đối với các xã thuần nông, thì tại một số địa phương kinh tế phát triển lại xảy ra nghịch lý “thừa vốn, thiếu đường”. Cụ thể như xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn) là xã đất chật, người đông, đối với địa phương để cứng hóa hệ thống đường liên thôn, liên xã... là việc rất đơn giản. Nhưng bảo đảm độ rộng mặt đường đạt tiêu chí là việc vô cùng khó khăn. Đến nay, 95% hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được cứng hóa. Tuy nhiên, dù được đầu tư khá lớn song việc đạt chuẩn tiêu chí theo NTM của Tương Giang xem chừng cũng còn rất vất vả. Các tuyến đường được cứng hóa thì bề mặt chỉ rộng 2-3m, nhiều nơi không có lề đường, rãnh thoát nước, nguyên nhân do lịch sử để lại bề mặt đường thôn, xóm hẹp, hai bên nhà ở dân cư xây dựng san sát, khó mở rộng được, nên dù xã huy động được kinh phí cũng không có đường để làm.
Đường GTNT thôn Hồi Quan, xã Tương Giang dù đã được bê tông hóa song vẫn không đủ bề rộng mặt đường theo chuẩn nông thôn mới.
Theo Quyết định số 315, ngày 23-2-2011 về việc Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của Bộ Giao thông-Vận tải, bề mặt nền tuyến đường xã phải rộng từ 4-5m (bao gồm cả lề đường, rãnh thoát nước…), trong đó bề rộng mặt đường từ 2,5-3,5m. Vì thế nhiều tuyến đường trong xã Tương Giang dù được cứng hóa cũng vẫn chưa đủ điều kiện để đạt chuẩn của NTM.
Cũng trong tình trạng tương tự, xã Phượng Mao (Quế Võ) đang gặp vấn đề về chiều rộng các tuyến đường. Do lịch sử để lại nên phần lớn các tuyến đường giao thông nông thôn ở địa phương này đều không đạt chuẩn rộng từ 4-5m bao gồm cả lề đường và rãnh thoát nước. Nếu mở rộng đường để đạt tiêu chí thì kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng sẽ tăng gấp nhiều lần so với kinh phí làm đường.
Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng đây là vấn đề lịch sử để lại rất khó giải quyết. Việc mở rộng để đạt chuẩn tiêu chí là vô cùng khó khăn, muốn mở rộng đường theo đúng tiêu chuẩn thì phải phạm vào nhiều diện tích đất ở đã xây dựng nhà kiên cố của các hộ dân, trong điều kiện thực tế hiện nay ở tỉnh ta thì phương án này là không khả thi.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng nhằm từng bước thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống cho người nông dân. Chương trình triển khai được 4 năm và thu được nhiều kết quả đáng khả quan đóng góp tích cực vào thay đổi diện mạo các vùng quê. Tuy nhiên với các tiêu chí xây dựng NTM như hiện nay đối với nhiều địa phương khi áp vào thực tế không phải dễ dàng, đặc biệt tiêu chí giao thông khi triển khai vào thực tiễn vẫn “ngổn ngang trăm bề” đang cần giải quyết. Trong đó những khó khăn về vốn, yêu cầu của tiêu chí… đang là “rào cản” trong thực hiện tiêu chí giao thông NTM của nhiều địa phương trong tỉnh. Khi sức dân chưa đủ mạnh và nguồn ngân sách còn hạn hẹp, vấn đề này đang cần sự hợp sức từ các nguồn lực của toàn xã hội, sự nỗ lực không nhỏ của mỗi người dân sở tại để “rào cản” về vốn đầu tư dần được gỡ bỏ. Với các địa phương đặc thù mà nguyên nhân do lịch sử để lại cần có tiêu chuẩn đặc thù, nên chăng triển khai theo hướng “chỉnh trang, thay vì phá bỏ”.
Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân, Nhà nước cũng cần quan tâm đầu tư kịp thời và có những nghiên cứu, điều chỉnh mức hỗ trợ cũng như điều chỉnh một số tiêu chí để sát thực hơn với một số địa phương, đặc biệt là các xã khó khăn. Khi tiêu chí khó khăn nhất là giao thông đã được khắc phục, thì các tiêu chí còn lại với các xã cũng không còn là trở ngại lớn, có như vậy Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của Bắc Ninh sẽ cán đích sớm.
Ý kiến ()