Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải và biến đổi khí hậu đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa cuộc sống của chúng ta. Cộng đồng dần ý thức rõ hơn bao giờ hết về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Xu hướng “sống xanh” cũng bắt đầu gieo mầm trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch” là chủ đề xuyên suốt năm 2019, nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững.
Nhà máy xử lý rác thải tập trung thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành là một trong những “cánh tay” đắc lực góp phần làm xanh hóa cuộc sống. Bằng công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại bậc nhất, trung bình mỗi năm, Công ty thu gom xử lý khoảng hơn 66.000 tấn rác thải công nghiệp và hơn 34.000 tấn rác thải sinh hoạt, không những góp phần làm sạch môi trường mà còn cung cấp sản phẩm sau tái chế cho nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực biến rác thành nguồn tài nguyên quý. Các sản phẩm nhôm từ phế liệu; kim loại từ rác thải điện tử; hạt nhựa từ rác thải nhựa…là những nguyên liệu phục vụ đắc lực cho các ngành sản xuất công nghiệp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang thăm quan các bức tranh do học sinh vẽ về chủ đề bảo vệ môi trường, chung tay chống rác thải nhựa.
Cùng với Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã, đang hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đồng bộ với 3 nhà máy xử lý tập trung, nhiều lò đốt rác công suất nhỏ, 1 nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng (đang trong quá trình triển khai xây dựng), 2 nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng (đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong năm 2020) và các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Điều này cho thấy sự quyết tâm, sáng tạo của hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bước đầu tạo được những hiệu ứng tích cực. Chất thải dần chuyển hóa thành nguồn tài nguyên phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất, có tác động tích cực trở lại đối với đời sống xã hội.
Xu hướng sống xanh đang trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, ý thức, trách nhiệm, sự hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như tác hại của ô nhiễm đối với đời sống con người của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt và bước đầu có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Các dấu hiệu khả thi như 9/10 khu công nghiệp tập trung đi vào hoạt động cơ bản thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; nhiều Đề án, Dự án về bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ trong các cụm công nghiệp và làng nghề; các phong trào phân loại chất thải tại nguồn, mô hình làng 3 sạch, làm sạch đồng ruộng, xây dựng đường hoa thanh niên, phụ nữ, mô hình điểm làng nông thôn mới kiểu mẫu được nhân rộng ở các vùng nông thôn; vườn hoa, công viên cây xanh, hồ điều hòa phát triển rộng khắp ở các khu đô thị…cho thấy nhu cầu “sống xanh” thực sự lan tỏa mạnh mẽ.
Là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, cũng đồng nghĩa với nảy sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường phức tạp, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách chính là yếu tố quyết định để phát triển bền vững. Ông Đào Quang Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Tăng trưởng kinh tế phải luôn song hành với bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa sự phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và sử dụng cạn kiệt tài nguyên. Chính vì vậy, Sở tham mưu với tỉnh xây dựng Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019- 2025, hướng đến mục tiêu: 100% rác thải sinh hoạt phát sinh được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý đúng quy định; 100% cụm công nghiệp, làng nghề được xử lý ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường theo đúng quy định; 100 % các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn. Trước mắt, đẩy mạnh hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải tập trung, lò đốt rác công suất nhỏ ở các xã, phường, thị trấn, tiếp tục xây dựng, đưa vào sử dụng các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao phát năng lượng để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Biến rác thành nguyên liệu tái chế.
Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi ý thức đẹp, mỗi hành động nhỏ trong bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên sẽ góp phần tạo không gian sống lành mạnh trong cộng đồng. Những hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường được nhiều nơi hưởng ứng. Đặc biệt là phong trào chống rác thải nhựa, túi nilon đang lan tỏa mạnh đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nguồn thải vô cùng lớn, khó xử lý, tồn tại hàng trăm năm trong môi trường, nếu đem đốt, nó sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Phong trào chống rác thải nhựa, túi nilon cũng là một trong những nội dung thiết thực, cấp bách trong trương trình hành động vì môi trường sạch của tỉnh. Kế hoạch 196 về “Thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025” là cơ sở để nâng cao nhận thức của cộng đồng, các tổ chức doanh nghiệp về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, từng bước ngăn chặn rác thải nhựa ra môi trường sống, thay thế các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các cơ quan, đơn vị, trường học đều phát động phong trào không sử dụng đồ uống nước đóng chai nhựa dùng một lần, khuyến khích dùng bình, cốc, chén thủy tinh hoặc sành sứ để sử dụng nhiều lần; không đóng, ghim tài liệu, bọc sách vở bằng bìa bóng kính, không dùng túi nhựa để đựng tài liệu... Các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý bán lẻ, chợ dân sinh xây dựng lộ trình thay thế sử dụng các dụng cụ, bao bì đựng, gói sản phẩm, hàng hóa bằng các vật dụng hộp, túi giấy, có chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng sản phẩm, thẻ tích điểm... với trường hợp lựa chọn sản phẩm không đóng gói bằng túi nilon, hộp nhựa. Tại nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở pha chế đồ uống cũng treo khẩu hiệu hạn chế sử dụng sản phẩm làm bằng nhựa tại cửa ra vào, vận động, khuyến khích khách hàng không dùng ống hút, cốc, thìa, hộp đựng và các vật dụng khác làm bằng nhựa, nên dùng hộp giấy, thìa kim loại, cốc sành sứ, thủy tinh, ống hút bằng gỗ, tre, nứa. Ở từng hộ gia đình, dần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm, đồ dùng hàng ngày bằng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang dùng làn khi đi chợ, cặp lồng, cốc thủy tinh, ống hút bằng gỗ, tre, nứa. Những hành động thiết thực này, góp phần không nhỏ trong việc cùng chung tay bảo vệ hành tinh xanh, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống trong tình hình mới.
Sống xanh chính là lối sống lành mạnh, thân thiện với thiên nhiên, môi trường và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên về lâu dài. Để có cuộc sống xanh đúng nghĩa, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện thông điệp “hôm nay tôi sống xanh hơn” do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa ra, góp phần gieo mầm sống xanh trong cộng đồng, từng bước xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, bền vững.
Hoài Anh
Ý kiến ()