Đến năm 2050, từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trưởng thành trong cả nước sẽ… “ế” do hệ quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay. Dự báo viễn cảnh thừa nam, thiếu nữ của hơn 3 thập kỷ nữa liệu có đủ sức mạnh để một bộ phận không nhỏ người dân thay đổi nếp nghĩ, từ đó chuyển biến hành vi trong việc lựa chọn giới tính cho con?
Trẻ em cần được chăm sóc bảo vệ để phát triển toàn diện.
Áp lực mang tên “Nối dõi tông đường”
Tiếc đỏ mắt vì từng mất hơn 200 triệu mà không có được đứa con như ý muốn, chị L. ở Thụy Hòa (Yên Phong) thật lòng khuyên cô em dâu mới sinh con gái thứ 2 yên tâm dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt. Dù gần 40 tuổi và đã cố đẻ đến đứa thứ 4 song vẫn là gái, chịu áp lực phải có con trai để “nối dõi tông đường” từ bố mẹ chồng, rồi hàng xóm láng giềng khuyên nhủ vẫn phải tiếp tục cho “bằng người”, sau này tuổi già có người nhờ cậy, được người ta mách có thể tìm kiếm một mụn con trai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng chị L. vét toàn bộ tài sản trong nhà đến một bệnh viện có tiếng ở Hà Nội trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Tại đây, vợ chồng chị nói dối muốn có thêm con mà không thể có bầu để được thực hiện hỗ trợ sinh sản. Nhưng các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy 4 phôi được thụ tinh thành công không có phôi XY. Kinh phí đi lại, làm các thủ thuật, kỹ thuật, thuốc men… lên đến 200 triệu mà vẫn không được toại nguyện. Vừa tiếc của, vừa nản, chị L. buồn rầu suốt một thời gian dài cho đến khi suy nghĩ thông suốt mới vui vẻ chấp nhận thực tế để chuyên tâm lo cho các con ăn học.
Không có đủ tiền để “tìm”… con trai theo cách của chị L., vợ chồng chị T. đã có hai con gái quyết tâm theo đuổi mục tiêu có “thằng chống gậy” qua cách chọn lọc giới tính bằng siêu âm. Có thai đến 11, 12 tuần, chị lại lặn lội tìm một bác sĩ siêu âm có tiếng để biết sớm giới tính, qua 3,4 lần bỏ thai vì không như ý muốn, chị vẫn không từ bỏ ý định dù sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng. “Một lần siêu âm màu 4D để biết giới tính thai nhi chỉ tốn vài trăm nghìn, nếu không như ý muốn thì tìm nơi cung cấp dịch vụ phá thai to an toàn cũng không khó khăn gì” - chị T. chia sẻ. “Chị này như người trên giời rơi xuống ấy. Vào các bệnh viện người ta không bao giờ nói giới tính, nhưng các phòng khám tư vẫn nói bình thường. Lúc thì nói thẳng là em bé gái, lúc thì bóng gió là giống y như mẹ rồi nên chị thấy đấy, có bà mẹ mang thai nào không biết giới tính của con đâu? Bác sĩ chiều khách thì khách mới đến khám chứ!” - người phụ nữ có vẻ hơi khó chịu khi tôi chỉ về tờ giấy A3 in dòng chữ “Không siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi” dán ở cửa phòng khám chuyên khoa Sản.
Phải đến khi tôi bày tỏ sự lo lắng và áp lực không có con trai, chị T. mới tỏ vẻ cảm thông: “Trên thành phố này còn đỡ, chứ chị ở quê đủ thứ áp lực đổ lên đầu, từ bố mẹ chồng cho đến chồng. Nhiều người cứ lấy chuyện nhà nọ nhà kia con nghiện ngập, rồi tai nạn chết… chứ đẻ nhiều con thì phụ nữ mình vất vả chứ ai đâu. Nhưng mọi người động viên “thêm con, thêm của” nên cứ lại cố. Chị còn được người ta mách làm cái xét nghiệm gì từ lúc con 7 tuần ấy, nhưng phải sang Hà Nội cơ, em thử tìm hiểu xem”…
Thời gian chờ khám của những người phụ nữ mang thai như rút ngắn bởi những câu chuyện không đầu, không cuối nhưng đầy ắp tâm sự. Tôi tự hỏi, trong gần 20 phụ nữ đứng, ngồi chờ đến lượt mình vào siêu âm đó, có bao nhiêu người trọn vẹn niềm hạnh phúc được làm mẹ mà không bị chi phối bởi áp lực phải sinh bằng được con trai?
Hệ lụy của mất cân bằng giới tính
Từ nhiều năm nay, Bắc Ninh luôn nằm trong số các địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Những năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh của Bắc Ninh tuy đã giảm, song vẫn còn cao hơn nhiều so với mức tự nhiên và mặt bằng chung của cả nước. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, nếu như năm 2010, tỷ số này của Bắc Ninh là 128,6/100 (128,6 trẻ trai/100 trẻ gái), cao hơn 17,4 điểm % so với bình quân của cả nước (111,2/100). Đến năm 2016, tỷ số này là 117,6/100, không giảm mà tăng lên 2,3 điểm % so với năm 2015 và cao hơn 5,4 điểm % so với cả nước (112,2/100); 2017 bằng với 2016 và cao hơn 5,2 điểm % so với cả nước (112,4/100). Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 116,1/100, giảm 1,5 điểm % so với 2017 và cao hơn 1 điểm % so với cả nước (115,1/100). Tỷ số này trong 6 tháng đầu năm nay là 116/100. Tỷ số giới tính khi sinh cân bằng, tự nhiên là 103-107 bé trai/100 bé gái khi sinh ra sống, như vậy với tỷ số giới tính khi sinh những năm qua, Bắc Ninh luôn trong tốp những tỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước.
Truyền thông trực tiếp về mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu tập trung vào phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhưng người cao tuổi, nam giới mới thực sự cần phải thay đổi nếp nghĩ.
Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn và năm 2010 được coi là “đỉnh” khi toàn tỉnh có tới một nửa số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 130/100; 3/8 huyện, thành phố cao trên 120/100; chỉ riêng huyện Quế Võ là 119/100, thấp nhất tỉnh song vẫn cao hơn hẳn so với mức chung toàn quốc. Năm 2016, cả tỉnh chỉ còn thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120/100, 4/8 huyện, thị xã cao trên 115/100. Đến năm 2018 vừa qua, toàn tỉnh đã không còn huyện nào có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120/100.
Theo Tổng cục Dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam xuất hiện sau các nước trên thế giới, nhưng tốc độ nhanh và ngày càng lan rộng ở cả thành thị và nông thôn. Với tốc độ như hiện nay, nếu không có những sự can thiệp giảm thiểu thì đến năm 2050, dự báo cả nước sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ, nghĩa là sẽ có chừng đó nam giới không lấy được vợ.
Mặc dù việc sinh con trai thỏa mãn tâm lý “nối dõi tông đường” song xét toàn diện, việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới. Hệ lụy của nó là sẽ có thêm nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, mua bán phụ nữ gia tăng…
Vì sao đã cấm nhưng vẫn khó kiểm soát?
Cũng giống như các nước phương Đông, ở Việt Nam, con trai vẫn luôn được mong đợi hơn con gái. Ở phần lớn các gia đình, con trai sẽ là người thừa kế dòng dõi, tài sản, là trụ cột của gia đình đồng thời gánh trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ già. Thêm vào đó, do chuẩn mực hiện nay mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con đã tạo áp lực khiến họ vừa mong muốn có ít con lại vừa mong muốn có con trai. Đây là lý do chính khiến cho nhiều cặp vợ chồng chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh, trong đó chủ yếu là lạm dụng tiến bộ của khoa học công nghệ (siêu âm và nạo phá thai) để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh.
Thông báo “làm phép” của một phòng khám sản khoa.
Tại Bắc Ninh, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hàng năm lớn, số dân di cư đến các KCN cao, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ tăng dân số và tỷ suất sinh. Năng lực, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của một số cán bộ Dân số còn hạn chế, đội ngũ cộng tác viên có sự thay đổi… cũng là những nguyên nhân góp phần vào thực trạng bất cập trong lĩnh vực Dân số.
Mặc dù Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên, thực tế việc thực hiện các quy định chưa nghiêm và việc thanh, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm còn rất hạn chế. Bác sĩ Nguyễn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Phòng Quản lý hành nghề y dược (Sở Y tế), Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông lồng ghép nội dung vi phạm quy định không lựa chọn giới tính thai nhi trong các cuộc thanh tra, kiểm tra các phòng khám cung cấp dịch vụ siêu âm, sản phụ khoa, các cơ sở kinh doanh sách, ấn phẩm trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, đoàn thanh tra chuyên ngành cũng được thành lập, tiến hành kiểm tra tại 12 phòng khám tư nhân song rất khó để phát hiện sự vi phạm này.
Triển khai cụ thể các giải pháp nhằm thực hiện “Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020” do UBND tỉnh phê duyệt, vài năm trở lại đây, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thông qua hàng chục lớp tập huấn và hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề với đối tượng tác động lên đến gần 1 vạn người đã được tổ chức. Song, để thay đổi một nếp nghĩ đã ăn sâu bám rễ cả nghìn năm thật không dễ dàng. Ông Nguyễn Hải chia sẻ “Đối với công tác Dân số, truyền thông vẫn là giải pháp hàng đầu. Chỉ khi truyền thông có thể tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục được người dân thấy rõ hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh thì kết quả mang lại mới thực sự bền vững. Song nếu chỉ có truyền thông từ ngành Y tế thôi chưa đủ, cần sự vào cuộc và quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền để mỗi người dân có ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, có nhận thức và hành vi văn minh trong công tác Dân số”.
Việt Hoa
Ý kiến ()