Những năm gần đây, khoai tây luôn là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây màu vụ đông và vụ xuân của nhiều địa phương trong tỉnh bởi phù hợp điều kiện đất đai, đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đặc biệt, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững được triển khai trong vụ đông xuân năm 2024- 2025 tại phường Đại Xuân (thị xã Quế Võ) tạo ra những cánh đồng khoai tây cho năng suất vượt trội, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Năng suất tăng, chi phí sản xuất giảm
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Trường An, khu phố Yên Lâm, phường Bằng An (thị xã Quế Võ) là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng khoai tây. Những năm trước đây, HTX của ông thường xuyên trồng từ 100-110 ha khoai tây/vụ. Vụ đông xuân năm 2024- 2025, ngoài trồng khoai theo phương pháp truyền thống, ông Doãn Thế Ánh tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững do Công ty PepsiCo và Syngenta triển khai. Trên diện tích 10 ha liên kết sản xuất khoai tây “kiểu mẫu” bằng giống FL2215 được áp dụng các giải pháp công nghệ cao và canh tác theo hướng giảm phát thải. Thay vì trồng khoai theo mô hình “cày nông, tưới xả tràn” truyền thống, ông Ánh đươc hướng dẫn triển khai hàng loạt các giải pháp mới trong canh tác khoai tây nhằm bảo đảm sức khỏe đất, bộ giải pháp quản lý sâu bệnh toàn diện, hệ thống tưới chính xác, kỹ thuật bón phân qua hệ thống châm phân, máy quan trắc thời tiết kết nối phần mềm trực tiếp tới điện thoại thông minh, sử dụng máy bay không người lái (drone) để theo dõi quá trình từ gieo trồng đến thu hoạch và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh… Trao đổi với chúng tôi, ông Ánh cho biết: “Mô hình sản xuất mới giúp giảm công sức lao động, tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt, khi thu hoạch, khoai tây không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu. Hơn thế nữa, mô hình trồng khoai tây áp dụng công nghệ cao và cơ giới hoá cho năng suất vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống. Cụ thể, khoai tây sản xuất theo mô hình bền vững cho năng suất lên tới 36 - 37 tấn/ha, tăng 30% so với phương thức truyền thống. Hiệu quả kinh tế cũng tăng cao, đạt 150 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Với hiệu quả mô hình, tôi quyết định mở rộng quy mô trong năm tới và tuyên truyền để nhiều nông dân khác áp dụng”.

Tham gia mô hình sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững với quy mô 1,5 ha, đạt năng suất đạt 28 tấn/ha, ông Đỗ Xuân Hiển, xã Trung Kênh (Lương Tài) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cà rốt, hành tỏi, rau xanh các loại nên khi chuyển sang trồng khoai tây theo kỹ thuật mới cũng khá lo ngại. Tuy nhiên, sau một vụ sản xuất, tôi không chỉ biết cách xử lý đất, giống, bón phân theo phương pháp hiện đại, mà còn biết sử dụng điện thoại để quản lý và điều chỉnh nước tưới qua ứng dụng. Ban đầu mất thời gian để học hỏi cái mới, nhưng đổi lại, giờ tôi tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức trong quá trình canh tác, mà hiệu quả lại cao hơn”.
Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững
Cùng với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường An và gia đình ông Đỗ Xuân Hiển, vụ đông xuân năm 2024-2025, Công ty PepsiCo phối hợp cùng với các đối tác, địa phương sản xuất khoảng 1.700 ha khoai tây làm nguyên liệu phục vụ chế biến các sản phẩm thực phẩm, trong đó 320 sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.
Để đánh giá kết quả mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững, vừa qua tại phường Đại Xuân (thị xã Quế Võ) các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ, chế biến cùng hàng trăm nông dân vừa tham quan mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững, canh tác theo hướng giảm phát thải và ứng dụng công nghệ ca đồng thời tham gia ngày hội thu hoạch khoai tây do Công ty PepsiCo tổ chức.
Vụ đông xuân năm 2024-2025, toàn tỉnh sản xuất hơn 2.000 ha khoai tây, năng suất trung bình 18-20 tấn/ha, trong đó khoảng 120 ha được sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm còn lại do tư thương thu mua và tiêu thụ tại các tỉnh lân cận, các tỉnh miền Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc, Camphuchia… |
Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam cho biết: “Từ năm 2019, PepsiCo Việt Nam và các đối tác đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây bền vững tại khu vực Tây Nguyên, với mục tiêu cải thiện năng suất, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở thành công tại Tây Nguyên, vụ đông xuân năm 2024-2025 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng khi mô hình được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc với tổng diện tích 320 ha. Ngay trong mùa vụ đầu tiên, năng suất thu hoạch đã đạt trung bình 23-26 tấn/ha, cao hơn 8 tấn/ha so với các vụ trước. Bên cạnh việc được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, bà con nông dân trồng khoai tây còn được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. PepsiCo cũng hỗ trợ bà con ứng dụng số hóa trong nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ cùng với nông dân, HTX xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu khoai tây ở miền Bắc. Phía công ty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm và phối hợp cùng các đối tác cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí là phối kết hợp với ngân hàng để cung cấp tài chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình”.
Là doanh nghiệp đối tác bảo vệ thực vật của các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững Công ty Syngenta Việt Nam đánh giá: “Mô hình sản xuất khoai tây bền vững không chỉ dừng lại ở việc nâng cao sản lượng, mà quan trọng hơn là giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn với ít tài nguyên hơn, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường”.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong bối cảnh nông nghiệp toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững do PepsiCo, Syngenta và các đối tác không chỉ thúc đẩy nông nghiệp xanh mà còn đặt nền móng cho Đề án Mạng lưới đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm tại Việt Nam (FIH - V) của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hướng đến mở rộng mô hình, ứng dụng công nghệ tiên tiến và tạo ra giá trị bền vững cho ngành khoai tây Việt Nam.
Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây nói riêng là hướng đi đúng đắn không chỉ thúc đẩy, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu phát thải ra môi trường mà còn góp phần nâng cao giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân, từng bước hình thành nền nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Thời gian tới, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Syngenta dự kiến tiếp tục triển khai và mở rộng dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bền vững lên quy mô hơn 2.000 ha với hơn 1.000 hộ nông dân tham gia, hướng đến giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng khoai tây, đem về lợi nhuận thực tế sau canh tác và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.
Vũ Thắng- Nguyễn Tuấn
Ý kiến ()