Là tỉnh đầu tiên hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, luôn đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về giáo dục của cả nước, những năm qua, Bắc Ninh luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục (ĐLTT) ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 404) trên địa bàn tỉnh thu được kết quả tích cực.
Những điểm sáng trong giáo dục mầm non ĐLTT
Cơ sở mầm non tư thục Á Âu (Đồng Kỵ, Từ Sơn) hoạt động được gần 6 năm, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ cho phần lớn các gia đình, công nhân trong khu vực. Hiện cơ sở có gần 70 trẻ theo học từ 18 tháng đến 6 tuổi (trong đó có 80% là con công nhân làm việc tại các chợ gỗ, xưởng và nhà máy trong KCN), được chăm sóc, dạy bảo bởi 12 cán bộ, giáo viên, bảo mẫu. Các cô đều được hưởng chế độ làm việc, BHXH theo đúng quy định của Nhà Nước.
Còn nhớ, thời gian đầu mới mở (năm 2015), cơ sở khó khăn vì mức thu học phí thấp, không đủ mua sắm, trang thiết bị phục vụ học tập cho trẻ. Năm 2017, cơ sở được hỗ trợ gói thiết bị, đồ dùng đồ chơi trong nhà, trị giá hơn 100 triệu đồng từ Đề án 404 với đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ nhu cầu nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, cơ sở còn thường xuyên được tham gia học tập, tập huấn chuyên đề do Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT thị xã Từ Sơn tổ chức để nâng cao chuyên môn cũng như năng lực quản lý cho đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Cơ sở mầm non Sơn Ca (xã Hoàn Sơn, Tiên Du) được cấp phép hoạt động cách đây 5 năm. Hiện cơ sở có 60 trẻ với 90% là con công nhân KCN Tiên Sơn. Với đội ngũ giáo viên yêu nghề, mến trẻ, không chỉ chăm sóc giáo dục trẻ trong giờ hành chính, các cô còn thường xuyên giúp phụ huynh chăm trẻ ngoài giờ hành chính.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non Sơn Ca cho biết: “Nhiều hôm chúng tôi phải làm việc đến 10 giờ đêm vì các công nhân phải làm theo ca, tăng ca. Dù vất vả nhưng với lòng nhiệt huyết, chúng tôi luôn hết lòng để các bậc phụ huynh yên tâm làm việc. Từ năm học 2016-2017, mầm non Sơn Ca còn được hưởng chương trình “Sữa học đường”, được hỗ trợ gói đồ dùng, đồ chơi trị giá 130 triệu đồng, góp phần thuận lợi cho việc chăm sóc giáo dục trẻ.
Hiệu quả tích cực từ Đề án 404
Năm 2017, sau khi kiện toàn, Ban điều hành Đề án 404 tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ các nhóm trẻ ĐLTT theo nhu cầu của từng nhóm, ưu tiên cho các nhóm ĐLTT gần KCN và có đông con công nhân tại các đơn vị Tiên Du, Yên Phong, Từ Sơn, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh.
Ngoài những chính sách khuyến khích theo quy định của Chính phủ, Bắc Ninh có thêm các chính sách khuyến khích, ưu đãi như: Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học và chế độ đóng BHXH, BHYT đối với giáo viên; hỗ học phí cho trẻ học tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn khu công nghiệp, các xã lân cận khu công nghiệp và tại cơ sở giáo dục chuyên biệt...; thực hiện Chương trình ”Sữa học đường”.
Các nhóm trẻ đều tạo điều kiện tối đa cho các ông bố bà mẹ yên tâm gửi con để làm việc tốt tại các nhà máy.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban điều hành Đề án, Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với LĐLĐ tỉnh tăng cường tập huấn, truyền thông về chăm sóc, giáo dục trẻ em cho CNLĐ có con nhỏ tại các nhà máy; lắp đặt 13 phòng vắt và trữ sữa tại nơi làm việc cho nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ.... Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, hỗ trợ và phát triển các nhóm, lớp ĐLTT về các trang thiết bị chăm sóc, giáo dục trẻ; phổ biến, tuyên truyền cho các bà mẹ về kiến thức chăm sóc giáo dục con theo khoa học; đồng thời thường xuyên kiểm tra về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ với nhiều hình thức. Ngoài ra, sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương, tư vấn, hỗ trợ giáo viên, bảo mẫu nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình GDMN và các quy định của ngành học GDMN, tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm trẻ ĐLTT đạt chuẩn và bảo đảm an toàn theo quy định.
Đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 3 trường và 54 cơ sở, hỗ trợ kiện toàn 377 nhóm, lớp ĐLTT với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng, thu hút hơn 10 nghìn trẻ theo học, trong đó có gần 5.300 con công nhân đang làm việc tại KCN, CCN.
Những vấn đề đặt ra...
Những cơ chế, chính sách tác động hỗ trợ kịp thời của tỉnh đã tháo gỡ những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, góp phần cải thiện chất lượng dạy và học đối với các cơ sở, nhóm, lớp ĐLTT. Các công nhân có con nhỏ cũng thấy yên tâm vì có sự hỗ trợ đồng hành, tạo điều kiện tốt từ phía chính quyền.
Việc quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập còn gặp không ít khó khăn do số trường, nhóm lớp tăng nhanh; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tai nạn cho trẻ trong các cơ sở GDMN ngoài công lập còn hạn chế, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục và sự an toàn của trẻ. Nhiều nhóm lớp thường xuyên có sự thay đổi về quy mô, giáo viên nên không bảo đảm sự ổn định lâu dài. Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của mọi người, mọi nhà, trong đó có những giáo viên, công nhân… Số lượng công nhân sụt giảm kéo theo số lượng trẻ gửi tới các cơ sở giảm đáng kể gây ra không ít khó khăn, thách thức cho các cơ sở ngoài công lập, một số cơ sở phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 149/2018/NQ-HĐND về việc “Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025” của HĐND tỉnh cũng có những kiến nghị, băn khoăn cho đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ về quy định áp dụng chính sách hỗ trợ. Cụ thể là: Quy định hỗ trợ 50% mức đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, Bảo hiểm tai nạn lao động-Bệnh nghề nghiệp chỉ được tính đối với cán bộ, giáo viên làm việc tại các trường mầm non và các nhóm trẻ độc lập, tư thục, cơ sở giáo dục chuyên biệt... ngoài công lập được thành lập sau khi Nghị quyết này có hiệu lực. Thời gian hỗ trợ 5 năm, kể từ khi các cơ sở thành lập và đi vào hoạt động. Vì vậy, một số giáo viên, bảo mẫu bỏ việc, đến nơi mới thành lập để được hưởng chế độ.
Đồng chí Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban điều hành Đề án 404 cho biết: “Với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, Đề án đã tạo hiệu ứng xã hội tốt và mang tính nhân văn sâu sắc. Các cơ sở mầm non ĐLTT hoạt động ngày càng bài bản, nền nếp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Một số cơ sở từng bước chuyên nghiệp hóa hình thức tổ chức cả về cách điều hành quản lý tới hoạt động chuyên môn… tạo uy tín trong quần chúng nhân dân. Để tiếp tục thực hiện Đề án hiệu quả lâu dài, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; phát huy vai trò của gia đình, nhân dân khu dân cư trong việc giám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng trường mầm non tại địa bàn có KCN, bảo đảm cho các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em...”.
Thu Huyền
Ý kiến ()