Ngày 6-12-2018, tại kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua Nghị quyết số 149/2018/NQ-HĐND về việc Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025. Sau đây là một số nội dung chính:
1. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết này quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2025, bao gồm: Cán bộ, giáo viên cơ hữu; học sinh; các trường mầm non, nhóm trẻ độc lập tư thục, các cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trường phổ thông (bao gồm cả trường phổ thông liên cấp học và trường quốc tế) ngoài công lập, được thành lập và cấp phép hoạt động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các trường mầm non và các nhóm trẻ độc lập, tư thục, cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trường phổ thông (bao gồm cả các trường liên cấp học, quốc tế) ngoài công lập được xây dựng phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, đã được UBND tỉnh phê duyệt và được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết thành lập theo quy định của pháp luật, các cơ sở hạch toán độc lập hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi tắt là nhà đầu tư) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập, các cơ sở hạch toán độc lập hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục thuộc danh mục quy định của Thủ tướng Chính phủ;
d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động quản lý, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
3. Nguyên tắc áp dụng:
a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết này. Phần còn lại do nhà đầu tư huy động và từ các nguồn khác (nếu có);
b) Đối với hỗ trợ trang thiết bị dạy học, thực hiện theo nguyên tắc, chỉ hỗ trợ các đơn vị đảm bảo bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành...) và mỗi cơ sở giáo dục chỉ được hỗ trợ không quá mức quy định tại Nghị quyết này; tài sản được hỗ trợ trong quá trình hoạt động của các cơ sở thực hiện xã hội hóa không được chia cho cá nhân và sử dụng sai mục đích; tài sản hỗ trợ được quản lý theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành đối với từng loại hình cơ sở ngoài công lập;
c) Liên Sở: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo hằng năm tổng hợp nhu cầu, báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Các chính sách hỗ trợ:
a) Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng:
- Các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập, được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, miễm giảm thuế theo quy định của Chính phủ;
- Đối với dự án đầu tư xây dựng trường ngoài công lập có sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất cho vay theo mức lãi suất vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, do nhà nước chỉ định theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại thông báo hằng năm của Chính phủ, tối đa không quá 6,5%/năm. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng với ngân hàng (ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng...), tối đa không quá 05 năm.
b) Hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học:
- Giáo dục mầm non:
Nhóm, lớp độc lập tư thục, cơ sở giáo dục chuyên biệt: Có quy mô từ 20 trẻ đến 40 trẻ, được hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/cơ sở; có quy mô từ 41 trẻ trở lên, được hỗ trợ không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu công nghiệp có quy mô từ 12 trẻ/nhóm trở lên, được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/nhóm;
Trường mầm non: Có quy mô từ 50 trẻ đến 100 trẻ, được hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/trường; có quy mô trên 100 trẻ, được hỗ trợ không quá 900 triệu đồng/trường.
- Giáo dục phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT, trường liên cấp, trường quốc tế...), cơ sở giáo dục chuyên biệt:
Đối với trường phổ thông, cơ sở giáo dục chuyên biệt (một cấp học) có quy mô 3 lớp (có từ 105 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/trường; quy mô từ 4 - 6 lớp (có từ 140 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/trường; quy mô từ 7 lớp trở lên (có từ 245 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/trường;
Đối với trường phổ thông liên cấp, cơ sở giáo dục chuyên biệt (hai cấp học) có quy mô 4 lớp (có từ 140 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 1,5 tỷ đồng/trường; quy mô từ 5 - 7 lớp (có từ 175 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 2,5 tỷ đồng/trường; đối với trường có quy mô từ 8 lớp trở lên (có từ 280 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 4 tỷ đồng/trường;
Đối với trường phổ thông liên cấp, cơ sở giáo dục chuyên biệt (có ba cấp học), quy mô 6 lớp (có từ 200 học sinh trở lên) được hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/trường; quy mô từ 7 - 8 lớp (có từ 245 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/trường; quy mô từ 9 lớp trở lên (có từ 315 học sinh trở lên), được hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/trường.
c) Hỗ trợ chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp:
Hỗ trợ 50% mức đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp (được tính theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định) đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập được thành lập sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, mà đơn vị sử dụng lao động phải đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, gồm: Cán bộ, giáo viên cơ hữu làm việc tại các trường mầm non và các nhóm trẻ độc lập, tư thục; cơ sở giáo dục chuyên biệt; các trường phổ thông, trường phổ thông liên cấp học và trường quốc tế ngoài công lập. Thời gian hỗ trợ 5 năm, kể từ khi các cơ sở giáo dục ngoài công lập thành lập và đi vào hoạt động.
d) Hỗ trợ học phí cho trẻ, học sinh học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong khu công nghiệp, giáp ranh khu công nghiệp và trẻ, học sinh học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn tỉnh:
Trẻ, học sinh là con công nhân, người lao động phổ thông làm việc trong các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động (được doanh nghiệp xác nhận có ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, BHTN…) học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong khu công nghiệp hoặc các xã (phường, thị trấn) giáp ranh khu công nghiệp; trẻ, học sinh học ở tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt ngoài công lập thì được hỗ trợ học phí bằng mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đóng trên cùng địa bàn; đối với học sinh tiểu học học tại các cơ sở ngoài công lập trong khu công nghiệp hoặc các xã (phường, thị trấn) giáp ranh khu công nghiệp thì được hỗ trợ học phí bằng mức học phí của cấp trung học cơ sở công lập trên cùng địa bàn.
5. Nguồn kinh phí: Từ ngân sách tỉnh.
Nghị quyết số 149 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
Thanh Hương (gt)
Ý kiến ()