Sau 20 năm đổi mới, phát triển, đến nay mạng lưới y học cổ truyền (YHCT) phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở góp phần thực hiện hiệu quả việc kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại (YHHĐ) trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT hiện nay vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Lương Tài.
Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT còn thấp Nếu những năm đầu tái lập, Bắc Ninh chỉ có bệnh viện chuyên khoa YHCT tỉnh, chưa có khoa YHCT tại bệnh viện tuyến huyện, đến nay hầu hết các bệnh viện đa khoa huyện đều có khoa YHCT được tách từ khoa nội tổng hợp. Tuy nhiên hiện nay tại tuyến huyện, tuyến xã việc thu hút người dân khám, chữa bệnh YHCT vẫn còn nhiều khó khăn.
Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài là một đơn vị tuyến huyện có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT tương đối tốt. Từ khi tách riêng, Khoa YHCT-PHCN từ khoa Nội tổng hợp, một ngày bệnh viện thu hút khoảng 40 đến 60 bệnh nhân đến khám, điều trị bằng YHCT. Với các trang thiết bị được đầu tư như: Laze nội mạch, sóng ngắn, điện xung, điện từ trường, kéo giãn cột sống, siêu âm điều trị… Khoa điều trị hiệu quả các bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp dạng thấp, di chứng của tai biến mạch máu não... Ông Đinh Văn Hiệp, 64 tuổi, xã Trung Kênh cho biết: “Tôi đau thần kinh tọa, rối loạn tiền đình được người cùng xóm giới thiệu lên bệnh viện khám. Sau 3 tuần điều trị bằng các phương pháp YHCT điện châm chiếu đèn hồng ngoại, điện xung, laze nội mạch, kéo giãn cột sống đến nay tình trạng bệnh đỡ hơn nhiều”. Những bệnh nhân cùng phòng điều trị với ông Hiệp cũng đều công nhận đối với các bệnh mãn tính tìm đến phương pháp YHCT là hiệu quả nhất.
Ông Vũ Thường Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài, kiêm Trưởng khoa YHCT-PHCN cho biết: Hiệu quả điều trị đỡ và khỏi bằng phương pháp YHCT tại bệnh viện đạt tới 90%, với lượng bệnh nhân hiện nay 8 cán bộ, y, bác sĩ của khoa làm việc đôi khi bị quá tải. 6 tháng năm 2016, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT chiếm 18% tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh chung của bệnh viện, trong đó nội trú 5%, ngoại trú 13%. Với tỷ lệ này Bệnh viện Đa khoa Lương Tài là nơi có người dân khám, điều trị bằng YHCT cao hơn so với bệnh viện cùng tuyến. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, năm 2015 và 6 tháng năm 2016, tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến huyện chỉ đạt 13%, trong đó ngoại trú đạt 7%, nội trú 6%.
Tại tuyến xã, việc khám, chữa bệnh bằng YHCT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trạm Y tế xã Long Châu (Yên Phong) được giới thiệu là nơi có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT tốt hơn so với các trạm y tế khác trên địa bàn huyện. Một năm, trạm thu hút hơn 8.000 lượt người dân đến khám, điều trị, trong đó điều trị bằng YHCT chiếm 30%. Trạm được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế xã đầu tiên của huyện năm 2013.
Trạm trưởng Nguyễn Văn Hướng cho biết: Ngay từ khi khám ban đầu, chúng tôi thường hướng người dân chữa bằng phương pháp YHCT đối với các bệnh mãn tính, xương khớp mà trạm có thể chữa được. Trước kia trạm có 1 y sĩ làm kiêm nhiệm cả YHCT nên chỉ làm được các kỹ thuật đơn giản như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt. Tuy nhiên khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT thì bệnh nhân không được thanh toán bảo hiểm y tế nên nhiều người còn chưa mặn mà. Vừa qua, trạm có 1 bác sĩ YHCT về công tác, hy vọng trong thời gian tới hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT sẽ tăng hơn.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh, hầu hết trạm y tế các xã đều có phòng YHCT, xây dựng và duy trì được vườn thuốc nam mẫu theo quy định nhưng việc khám, chữa bệnh bằng YHCT lại không thường xuyên. Lý do của việc ít bệnh nhân một phần bởi trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh còn sơ sài, nhân lực tham gia khám, chữa bệnh bằng YHCT ở tuyến xã vừa thiếu vừa yếu, rất hiếm trạm y tế có phòng bốc thuốc. Những nơi không có cán bộ chuyên khoa YHCT, thường y sĩ của Trạm phải kiêm nhiệm nên chưa tạo được độ tin cậy với nhân dân. Trên thực tế, để thu hút người dân khám, chữa bệnh ban đầu bằng YHCT tại các trạm y tế xã thì cần phải có bác sĩ chuyên khoa YHCT hoặc lương y có kinh nghiệm. Điển hình như trạm y tế xã Phú Hòa (Lương Tài) việc khám, chữa bệnh bằng YHCT đã thu hút được đông đảo người dân, bởi trạm có Lương y Nguyễn Huy Diệp biết ứng dụng các phương pháp YHCT khá đa dạng để chữa bệnh cho nhân dân, từ thuốc thang, hoàn, tán, chườm, đắp, thuốc xông... đến các kỹ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hút, tác động cột sống, tia hồng ngoại, máy mát xa, máy xông chân.
Đẩy mạnh khám, chữa bệnh bằng YHCT
Ngày 19 tháng 10 năm 2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định 1274/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển y, dược cổ truyền tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020”, trong đó mục tiêu năm 2015, khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến tỉnh đạt 15%; tuyến huyện đạt 20%; tuyến xã đạt 30%. Thực tế năm 2015, tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến tỉnh đạt 17%; tuyến huyện đạt 13%; tuyến xã đạt 22%. 6 tháng năm 2016, tỷ lệ này giảm hơn, tuyến tỉnh đạt 15%; tuyến huyện đạt 13%; tuyến xã đạt 20%. Chiếu theo tỷ lệ trên thì Bắc Ninh chỉ đạt một chỉ tiêu là khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến tỉnh còn tuyến huyện và tuyến xã chưa đạt.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não tại Bệnh viện YHCT tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế thì nguyên nhân khám, chữa bệnh bằng YHCT còn thấp là do các cơ sở YHCT gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực chuyên khoa YHCT tuyến xã. Thời điểm hiện tại các trạm y tế xã đều đủ biên chế, phần lớn các đơn vị phải sử dụng đội ngũ y sỹ cử đi học chuyên khoa về YHCT và làm kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, có rất ít trạm y tế được thanh toán bảo hiểm y tế cho khám, chữa bệnh bằng YHCT. Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh về YHCT của người dân hiện nay rất lớn do tính an toàn và hiệu quả nhưng chưa được thanh toán bảo hiểm nên không dám khám và điều trị bằng YHCT bởi kinh tế có hạn. Vì vậy việc thu hút người dân khám, chữa bệnh bằng YHCT tại trạm y tế xã còn chưa được khả quan so với tuyến huyện.
Nghị quyết 46/NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2005 đã chỉ rõ một trong những giải pháp để phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân đó là: “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học. Nâng cấp các bệnh viện YHCT và các khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa. Vận động, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi, trồng và sử dụng các cây, con làm thuốc”. Ngoài ra còn nhiều văn bản, chỉ thị cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển YHCT. Trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh, phát triển YHCT, tỉnh Bắc Ninh và ngành y tế đã tận dụng được cơ hội và xác định những khó khăn cần phải giải quyết, đưa ra kế hoạch, mục tiêu để phát triển YHCT, xây dựng mạng lưới YHCT rộng khắp từ Bệnh viện YHCT tỉnh, đến các khoa YHCT thuộc Bệnh viện Đa khoa, các phòng chẩn trị YHCT của các cấp hội Đông Y và các trạm y tế xã. Hàng năm, tỉnh và ngành Y tế quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống YHCT. Các khoa, tổ YHCT tại các bệnh viện tuyến huyện cũng được đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ điều trị. Bệnh viện YHCT tỉnh là nơi chuyên khoa hàng đầu về khám, chữa bệnh bằng YHCT đã nâng cấp mở rộng với quy mô 180 giường bệnh nội trú, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Hàng năm, Bệnh viện YHCT tỉnh thu hút gần 11.000 lượt người đến khám và điều trị.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT tuyến tỉnh 20%; tuyến huyện 25%; tuyến xã đạt 40%, ngành Y tế cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là tuyên truyền tác dụng của phương pháp điều trị bằng YHCT sâu rộng trong nhân dân. Bên cạnh đó tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý; đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực YHCT; xây dựng, ban hành các chế độ khuyến khích thầy thuốc, lương y cống hiến và phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh bằng YHCT; nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; tăng cường vai trò của Hội Đông y, Hội Châm cứu… Có như vậy khám chữa bệnh bằng YHCT mới đưa lại những kết quả như mong muốn.
Ý kiến ()