Sự sáng tạo đôi khi không nhất thiết phải bắt đầu từ điều lớn lao, xa vời mà ngay từ chính những điều gần gũi, từ trầm tích văn hóa, lịch sử và cả những giá trị vốn thuộc về con người, nếp sống lâu đời của người Quan họ, hoặc đơn giản từ nền nông nghiệp xanh… Trong muôn vàn hướng đi khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ đã chọn việc tận dụng những tài nguyên bản địa trở thành hướng đi độc đáo thúc đẩy gây dựng và phát triển du lịch trên quê hương.
Đoàn du khách tham gia tour trải nghiệm tại làng Diềm và nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Kết nối các điểm du lịch tâm linh và làng nghề
Mới đây, Dự án “Du lịch văn hóa tâm linh và trải nghiệm làng nghề Bắc Ninh” do Nguyễn Trọng Tùng và những người bạn thuộc CLB đầu tư và khởi nghiệp Bắc Ninh thực hiện và phát triển lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023 do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Vốn là một người con sinh ra trên mảnh đất Quế Võ giàu truyền thống lịch sử và làng nghề nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Nguyễn Trọng Tùng theo đuổi phát triển bản thân trên lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Trong quá trình làm việc, trải nghiệm, anh nhận thấy Bắc Ninh là mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa, du lịch… tại sao mình không dựa trên thế mạnh đó để tìm một hướng khởi nghiệp mới trong lĩnh vực du lịch. Sau khi chia sẻ và nhận được sự khuyến khích, góp ý và tham gia của một số thành viên trong CLB đầu tư và khởi nghiệp Bắc Ninh, Tùng và 3 cộng sự khác bắt tay xây dựng, phát triển dự án với bước đi ban đầu là thành lập Công ty du lịch Bắc Ninh tour. Theo đó, các thành viên của dự án trải nghiệm thực tế và tìm hiểu ở hầu hết các điểm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề nổi tiếng của Bắc Ninh như: Đền Đô, chùa Phật Tích, Lăng Kinh Dương Vương, làng gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ…. “Ưu thế của dự án là tận dụng được thế mạnh, tiềm năng sẵn có của di tích lịch sử, văn hóa đã và đang có của tỉnh Bắc Ninh. Nhóm có những người trẻ biết áp dụng khoa học và công nghệ 4.0, có kỹ năng truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội và liên kết chuối giữa các đơn vị cung ứng thực phẩm, dịch vụ”. Nguyễn Trọng chia sẻ.
Để quảng bá tour và hỗ trợ cho người dân, du khách đăng ký tham gia, công ty đẩy mạnh phát triển các phần mềm quản lý, hướng dẫn, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Website, Youtube… và tư vấn hướng dẫn trực tiếp. Hiện công ty du lịch Bắc Ninh tour tổ chức 2 tour du lịch gồm: Tour 1: Đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương và làng tranh Đông Hồ; Tour 2: Làng Diềm, nhà hát Dân ca Quan họ, Đền Bà chúa kho, chùa Diêm Quang, đền Nguyễn Cao, đền Tam Phủ và làng gốm Phù Lãng. Các tour được tổ chức 1 lần/tuần vào ngày Chủ nhật. Được biết từ đầu năm 2023 đến nay, công ty tổ chức được 20 tour với 40 người/tour. Trong đó khách nước ngoài chiếm 10%, còn lại là khách trong nước. Theo đó, mỗi tour sẽ có chi phí tham quan, ăn uống và bảo hiểm, đặc biệt có hướng dẫn viên chuyên nghiệp am hiểu về các địa danh lịch sử và hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin tại các điểm đến. Ngoài ra, Công ty liên kết các đơn vị cung ứng chuỗi sản phẩm dịch vụ như Nem Bùi Đàm Gia, bánh phu thê Minh Thu, bánh Tẻ Kinh Bắc, bánh Khúc làng Diềm…để bán những sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu mua làm quà của khách du lịch.
Để tiếp tục khai thác tài nguyên du lịch địa phương cũng như phát triển phong phú các sản phẩm du lịch, Nguyễn Trọng Tùng và cộng sự đang xây dựng hệ thống thông tin, kho dữ liệu về 12 điểm đến trong Tour du lịch của Công ty. Theo đó, ngoài trải nghiệm thực tế, du khách có thể sử dụng app “Buffet tour” để sử dụng kho dữ liệu với nhiều thông tin được tích hợp như: clip, hình ảnh, lời bình giới thiệu về các điểm di tích, làng nghề; các lễ hội truyền thống và ý nghĩa văn hóa, lịch sử… gắn bó với địa điểm đó.
Dự án khu văn hóa sinh thái Bắc Ninh tại xã Hiên Vân của nhóm Phạm Đức Hiếu đang trong khâu hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2024.
Du lịch nông thôn gắn với tiềm năng, lợi thế nông nghiệp
Trên cánh đồng thôn Ngang Nội (xã Hiên Vân, Huyện Tiên Du), dự án “Khu văn hóa sinh thái Bắc Ninh” của nhóm tác giả Phạm Đức Hiếu đang hiện hữu trên diện tích đất khoảng 5ha tạo thành một điểm nhấn nổi bật ở vùng quê này. Được biết, đây là ý tưởng nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao kết hợp trải nghiệm, quảng bá nông sản và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống do Hiếu và một số thành viên đồng xây dựng dựa trên nền tảng sẵn có là khu sản xuất nông nghiệp (bao gồm hệ thống nhà màng để sản xuất rau, nấm, củ, quả; khu chuồng nuôi gia súc, gia cầm; khu mặt nước nuôi thả cá…) với tổng diện tích 5ha. Ý tưởng được hình thành nhằm kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao với các hoạt động trải nghiệm văn hoá của địa phương. Qua đó giúp phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và phát huy, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Dự án khu văn hóa sinh thái Bắc Ninh dự kiến có vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng cho các hạng mục xây dựng trong một không gian mở, chú trọng những kiến trúc truyền thống, nhiều cây xanh, khuôn viên thoáng đãng, yên tĩnh, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Đến với mô hình này, du khách không những được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như: trồng các cây nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, câu cá, tát ao bắt cá…; tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp…Bên cạnh đó, trong quần thể sẽ có những tổ hợp dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, cắm trại cho cả người lớn và trẻ nhỏ (trò chơi dân gian, trò chơi hiện đại, trải nghiệm sản xuất gốm, tranh Đông Hồ…); khu vực trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm của Bắc Ninh và định kỳ tổ chức Chợ quê vào tối thứ 7 hàng tuần (bày bán nông sản, món ăn dân dã, ẩm thực đường phố…); phục vụ dịch vụ đồ ăn, đồ uống (có không gian tổ chức tiệc, party, gala diner); du khách được thưởng thức những làn điệu Dân ca Quan họ, chèo, ca trù và tham gia giao lưu cùng nghệ sỹ…Chính nhờ sự kết hợp nhiều loại hình dịch vụ sẽ hướng tới phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của nhiều du khách ở các nhóm độ tuổi khác nhau. Trên cơ sở đó sẽ thu hút được số lượng đông du khách địa phương và các tỉnh lân cận đến trải nghiệm sử dụng dịch vụ và nghỉ dưỡng tại đây.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh năm 2023, ý tưởng “Khu văn hóa sinh thái Bắc Ninh” của nhóm tác giả Phạm Đức Hiếu (xã Hiên Vân, Huyện Tiên Du) đã tạo ấn tượng không nhỏ với Ban tổ chức và đạt giải Nhất cuộc thi, được giới chuyên môn đánh giá cao về tiềm năng, lợ ích và tính khả thi. Hiện tại, khu văn hóa sinh thái Bắc Ninh đang thực hiện được khoảng 50% và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 3-2024. Ngoài việc triển khai hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, các thành viên trong nhóm tích cực quảng cáo trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, tiktok…); xây dựng website, fanpage … để giới thiệu, quảng bá mô hình. Đặc biệt, sử dụng những hình ảnh, video và xây dựng câu chuyện sản phẩm về du lịch trải nghiệm gắn với giá trị văn hoá của người Kinh Bắc tới cộng đồng dân cư trong và ngoài nước. Phạm Đức Hiếu và các thành viên trong nhóm hy vọng, việc thực hiện thành công ý tưởng kinh doanh của dự án sẽ góp phần tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, thú vị cho du khách, mở ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Có thể khác nhau về cách thể hiện, nhưng điểm chung ở những ý tưởng khởi nghiệp và định hướng mở rộng không gian du lịch của Nguyễn Trọng Tùng hay Phạm Đức Hiếu là phát triển du lịch sinh thái kết hợp với khai thác giá trị văn hóa bản địa. Rõ ràng, đây là một hướng đi giàu tiềm năng để níu giữ những thanh niên ở lại gây dựng và phát triển du lịch trên quê hương. Và hơn thế, họ chính là những người góp phần lưu giữ, phát huy và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc rộng rãi hơn tới du khách.
Ghi chép của N.Hải
Ý kiến ()