Những ngày giữa Thu, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) thực sự “nóng” bởi sự kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm minh của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố. Quyết tâm chính trị của tỉnh, của thành phố về thực hiện lộ trình di dời, đóng cửa các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư vào cuối năm nay được dư luận xã hội, đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Không châm chước, không thỏa hiệp với các cơ sở vi phạm
Đó là quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh trong xử lý “bài toán” ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm tại làng giấy Phong Khê. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo cụ thể: Đối với các cơ sở sản xuất giấy tại làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), CCN Phú Lâm (Tiên Du), cô đúc nhôm Văn Môn (Yên Phong) nói riêng và những làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng nói chung, nếu có vi phạm về môi trường, đất đai xây dựng nhà xưởng, xả thải trái phép, không bảo đảm an toàn về điện, xây dựng trái phép… thì áp dụng biện pháp đóng cửa không cho hoạt động, tuyệt đối không có sự thỏa hiệp.
Đây là một thông điệp mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Bắc Ninh gửi đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện việc trinh sát, xử lý nghiêm, đúng quy định nếu doanh nghiệp, hộ sản xuất có hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức nhiều cuộc họp, bàn phương án giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê vào cuối năm nay. Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu nhấn mạnh: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành phố Bắc Ninh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu đặt ra là quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm ... Trên cơ sở quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, tổ chức lập quy hoạch chi tiết chuyển đổi sang ngành nghề thương mại, dịch vụ đối với Cụm Công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê II và khu dân cư; kiên quyết dừng hoạt động sản xuất đối với tất cả các cơ sở trong khu dân cư trước ngày 31-12-2024; đến hết năm 2029, sẽ dừng toàn bộ hoạt động sản xuất đối với các cơ sở, doanh nghiệp trong CCN Phong Khê I, II.
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Bắc Ninh làm việc với các chủ sản xuất giấy phường Phong Khê
“Trước mắt, thành phố thành lập các tổ công tác thực hiện nghiêm việc cắt điện 3 pha, yêu cầu đóng cửa ngay đối với các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy chứ không phải đợi đến 31-12 mới cho dừng hoạt động”. Ông Nguyễn Mạnh Hiếu khẳng định.
Ngay từ đầu tháng 7, UBND thành phố thành lập 7 tổ công tác và 1 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư phường Phong Khê để xác lập lại biên bản ghi nhớ cam kết dừng sản xuất theo lộ trình. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn liên ngành kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động theo đúng lộ trình của Đề án. Phường Phong Khê cũng tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, tuyên truyền, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Quá trình thực hiện chủ trương dừng hoạt động các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê gặp phải không ít khó khăn do tư duy, nhận thức người dân về bảo vệ môi trường chưa cao. Đặc biệt, nhiều người “bị sốc” khi các cơ quan chức năng kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra các yêu sách và không tự nguyện dừng hoạt động khi tổ công tác chỉ ra các vi phạm. Một số hộ sản xuất tụ tập thành nhóm đông người kéo lên UBND phường, UBND thành phố, nhằm tạo sức ép lên chính quyền để được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, sau quá trình giải thích, vận động, người dân đã hiểu hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường, cơ bản đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh và thành phố, mong muốn nhận được sự hỗ trợ về kinh phí để di dời cơ sở sản xuất từ nơi này sang nơi khác; tạo điều kiện giới thiệu, tìm địa điểm mới có hệ thống hạ tầng tốt, để doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đến hết tháng 8, có 63/228 cơ sở sản xuất trong khu dân cư được các Đoàn kiểm tra của thành phố đến làm việc. Trong đó, 6 cơ sở vi phạm bị đình chỉ hoạt động; 39 cơ sở xin tự dừng hoạt động; 11cơ sở đã dừng hoạt động (làm kho, tháo dỡ máy móc...); 7 cơ sở không hợp tác.
Mọi hành vi chống đối, không hợp tác đều phải xử lý
Trước sự kiểm tra gắt gao và xử lý mạnh tay của các Đoàn kiểm tra, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất có hành vi chống đối, không hợp tác như: Không ký biên bản tự dừng hoạt động; không nộp phạt khi bị đình chỉ hoạt động; lén lút hoạt động trở lại vào ban đêm khi cơ quan chức năng không có mặt kiểm tra, giám sát; tụ tập đông người gây sức ép lên chính quyền các cấp…
Tiến hành cắt điện 3 pha đối với các cơ sở vi phạm
UBND thành phố tiếp tục kiện toàn Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê. Phương pháp làm việc sẽ tiến hành kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất; tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng tháng hoặc khi có yêu cầu, Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND thành phố Bắc Ninh.
Mới đây, trong 2 ngày 26 và 27-9, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tổ chức ra quân, tiến hành kiểm tra 20 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy tại các khu Dương Ổ, Đào Xá và Châm Khê. Qua kiểm tra, đa số cơ sở đều vi phạm về an toàn điện và chưa xuất trình được hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường. Trong đó, có 12 cơ sở tự nguyện viết đơn xin dừng hoạt động và ngừng cung cấp điện 3 pha; 5 cơ sở buộc phải cắt điện khẩn cấp do mất an toàn về điện nghiêm trọng; 1 cơ sở hoạt động trên đất sản xuất kinh doanh, đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đoàn kiểm tra yêu cầu khắc phục về an toàn điện trong 10 ngày; còn lại 2 cơ sở chưa liên lạc được và xảy ra sự cố chống đối gay gắt từ phía người dân với ngành chức năng trong quá trình kiểm tra.
Trong quá trình tổ chức kiểm tra, một số đối tượng quá khích lôi kéo, tụ tập người dân gây rối mất an ninh trật tự, có lời lẽ xúc phạm, cản trở người thi hành công vụ, livestream trên mạng xã hội với những phát ngôn gây kích động, không đúng sự thật về quá trình kiểm tra, tạo dư luận xấu trong xã hội. Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm, nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh, Trưởng Đoàn kiểm tra khẳng định: Bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của thành phố, Đoàn kiểm tra sẽ quyết liệt vào cuộc, xử lý dứt điểm, mạnh tay các trường hợp vi phạm, kiên quyết không nhân nhượng, không thoả hiệp, không bàn lui, chỉ bàn làm, quyết tâm thực hiện thành công lộ trình của Đề án. Ngay trong tháng 10, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tiếp 50 cơ sở, doanh nghiệp và tháng 11 sẽ kiểm tra tất cả các doanh nghiệp còn lại tại phường Phong Khê nhằm giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững của tỉnh trong tương lai.
Đào Khoa - Hoài Anh
Ý kiến ()