Với chức năng là tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, Hội Kiến trúc sư Bắc Ninh có vai trò quan trọng trong công tác tư vấn phản biện xã hội cho các công trình, dự án sẽ xây dựng trong tỉnh.
Đối tượng tư vấn phản biện và giám định xã hội của kiến trúc-xây dựng là những đồ án quy hoạch, các dự án xây dựng tốn nhiều tiền của, công sức của xã hội, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh của địa phương, đất đai và diện mạo của đô thị… Tư vấn phản biện tốt sẽ giúp cho ra đời những tác phẩm kiến trúc đích thực, làm đẹp bộ mặt đô thị và góp phần nâng cao dân trí xã hội.
Nhìn lại quá trình hoạt động tham gia, Hội Kiến trúc sư Bắc Ninh nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ minh bạch; bằng hết khả năng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, trung thực khoa học trong nghiên cứu xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến kiến trúc xây dựng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiều ý kiến của Hội Kiến trúc sư Bắc Ninh được cơ quan chuyên môn và cấp thẩm quyền ghi nhận, lựa chọn và thời gian, thực tiễn chứng minh tính đúng đắn của các ý kiến tâm huyết đó.
“Để biến cả cánh đồng thành đô thị chỉ mất vài năm. Nhưng biến đô thị thành đồng ruộng là điều không thể”, một vị lãnh đạo đã chia sẻ và điều đó thật sự có lý khi mỗi nét bút của các nhà quy hoạch, mỗi hoạch định cho sự phát triển của các nhà quản lý rất cần được nghiên cứu kỹ, rất cần tập trung trí tuệ của nhiều bộ óc hiểu biết, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới việc gìn giữ cái hồn đô thị, tạo nên sức sống trường tồn cho mảnh đất Kinh Bắc-Bắc Ninh ngàn năm văn hiến này.
Phản biện xã hội được coi là trách nhiệm quan trọng của Hội Kiến trúc sư. Nhưng có một nghịch lý là khi hoạt động kiến trúc có điều kiện phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc phản biện chưa thực hiện được hết chức năng của nó là vai trò thúc đẩy và định hướng xã hội trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.
Tại Bắc Ninh, hiệu quả của công tác tư vấn phản biện trong kiến trúc xây dựng của tỉnh những năm mới tái lập cũng có nhiều hạn chế và mờ nhạt. Ví dụ: việc san đồi Ba Huyện lấy đất đắp nền, lấp hồ Đọ Xá để làm nhà… ngoài ý muốn của những người có tâm huyết trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng (những dải núi sót của Bắc Ninh là cực kỳ quý giá trong cảnh quan một tỉnh đồng bằng và mặt nước là những lá phổi của thành phố vốn dĩ đã quá ít ỏi như ở đô thị Bắc Ninh). Đó là một thiệt thòi mà không bao giờ có thể lấy lại được.
Chúng tôi đã phản biện nhiều vấn đề, có cái là tư vấn, có cái là phản biện, có vấn đề là giám định. Chúng tôi hiểu một cách đơn giản: Tư vấn là nêu ý kiến đối với một vấn đề mới mẻ, mới hình thành; phản biện là khi ý tưởng đã được hình thành rồi mà mình đánh giá ý định đó, còn giám định là khi ý tưởng đã có kết quả và mình đánh giá kết quả thực hiện đó.
Hiện nay, kiến trúc có nhiều điều kiện phát triển bởi chưa bao giờ xã hội cần kiến trúc như bây giờ, nhưng giới nghề nghiệp đã không ít lần phải lên tiếng về hàng loạt vấn đề. Thực tế do việc xây dựng ồ ạt với tốc độ đô thị hóa nhanh, nơi này, nơi kia có những bản quy hoạch sơ sài, chiếu lệ; công trình kiến trúc ở Bắc Ninh không tránh khỏi những xu hướng lai tạp, trong đó có biểu hiện lỗi thời, phục cổ, lãng phí trong các kiến trúc công sở và nhà dân, tạo nên những ngôi nhà có hình thức sa xỉ, tốn kém và xa lạ với truyền thống giản dị của dân tộc. Nhiều ngôi nhà nhìn riêng lẻ thì đẹp, nhưng đặt vào tổng thể một khu phố, một trục đường thì xộc xệch, khấp khểnh.
Nhà ở các vùng nông thôn tuy có nhiều tiến bộ về tiện nghi, song rõ ràng chưa được hướng dẫn về kiến trúc. Kiến trúc nông thôn đang “nhại lại” kiến trúc thành phố. Chúng ta khuyến khích sáng tạo, phê phán cách làm việc cẩu thả, dễ dãi chiều theo thời thượng, kiên quyết loại trừ hàng rởm, hàng nhái các phong cách kiến trúc quá khứ lỗi thời ở đô thị chúng ta, nhưng chưa thật hiệu quả.
Có thể nói: Kiến trúc sư vừa là nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kiến trúc, tạo ra những đóng góp tích cực cho kiến trúc, đóng vai trò thẩm định, phản biện, dẫn dắt xã hội vào kiến trúc; nhưng lại vừa đồng thời tạo ra những vấn đề bức xúc cho nó.
Chưa bao giờ vấn đề văn hóa kiến trúc lại được đặt ra một cách cấp thiết như hiện nay. Môi trường văn hóa kiến trúc đã và đang tràn ngập những thông tin thiếu chọn lọc, tạo nên những cách hiểu lệch lạc về thẩm mỹ kiến trúc. Hiện tượng vay mượn và pha trộn các chi tiết kiến trúc có nguồn gốc khác nhau đang rất phổ biến trong môi trường văn hóa kiến trúc của chúng ta. Nó gây nên sự ngộ nhận về các giá trị công trình, từ đó hình thành nên một thị hiếu thẩm mỹ sai lệch trong đa số giới chuyên môn cũng như các ông chủ và nhà quản lý. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên tình trạng lai tạp, lộn xộn trong bộ mặt kiến trúc đô thị hiện nay. Tiếc nuối, đó là tâm trạng của nhiều người khi ngắm nhìn công trình xây dựng với kiến trúc pha tạp cầu kỳ, phản cảm, lỗi thời trên nhiều khu đô thị.
Về câu chuyện này, có nhiều ý kiến của giới nghề với những dẫn chứng cụ thể. Nhưng nỗi bức xúc này cũng lại rơi vào im ắng. Vì sao? Cũng có nhiều công trình kiến trúc, quy hoạch và một số vụ việc liên quan đến lĩnh vực này được giới KTS kịp thời có ý kiến, nhưng với một số dự án thì khi Hội lên tiếng, câu chuyện đã ở vào tình thế “đã rồi”. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, những ý kiến, phản biện từ hội nghề nghiệp chỉ được nhà đầu tư tham khảo chứ hoàn toàn không được coi là yếu tố quyết định.
Với hoạt động hành nghề của KTS, sau khi hoàn thành thiết kế, giao bản vẽ, đồ án, gần như KTS hết trách nhiệm và không có vai trò theo dõi, phản biện đối với quá trình thi công, hoàn thành công trình. Những khi cần thì người ta hỏi, không cần thì thôi. Thậm chí, có những vấn đề mang tính chiến lược mà nhiều khi Hội KTS cũng không được tham gia ý kiến. Với công tác tư vấn phản biện có được “biết”, có được “mời”, lúc đó chúng tôi mới được “nói”!
Hiện nay, Hội KTS tỉnh Bắc Ninh đã và đang hoạt động tích cực trong công tác tư vấn phản biện với những hình thức đa dạng, phong phú như: Trực tiếp thông qua các hội nghị hoặc bằng văn bản, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Tập san. Hội KTS cùng với Hội Xây dựng có nhiều đóng góp tích cực vào: Quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh; quy hoạch đô thị lõi, các dự án kiến trúc yêu cầu cao về thẩm mỹ… nhiều ý kiến có chất lượng được UBND tỉnh ghi nhận, các sở ngành, địa phương tiếp thu. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội XD Bắc Ninh, Sở Xây dựng xuất bản tạp chí “Người Xây dựng Bắc Ninh” tạo diễn đàn để các hội viên đóng góp tâm huyết, kiến thức tư vấn nghề nghiệp đối với xã hội. Qua đó, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành Xây dựng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của tỉnh và nâng cao nhận thức về chuyên môn cho hội viên.
Tuy nhiên, hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của Hội vẫn chỉ tập trung ở một số chuyên gia có kinh nghiệm mà chưa lan rộng đến đông đảo hội viên. Cần thiết phải tăng cường tư vấn, phản biện xã hội về số lượng, chất lượng và có sự tham gia của tất cả các KTS trong tỉnh. Mở rộng phản biện các đồ án quy hoạch do cấp huyện chủ trì thẩm định phê duyệt. Đặc biệt là mở rộng mô hình tổ chức hoạt động theo lĩnh vực, thành lập một số câu lạc bộ nghề nghiệp (CLB KTS trẻ, CLB KTS hưu trí…) tạo sân chơi cho KTS nâng cao nhận thức nghề nghiệp.
Thực tế, với mỗi bức ảnh, mỗi bài hát được công bố, sử dụng đều có tên tác giả, song với các bản vẽ kiến trúc thì không; lại có chuyện khi khánh thành một trụ sở lớn, ông chủ cho gắn biển đồng trang trọng, nhưng trên biển chỉ ghi tên nhà thầu xây dựng mà không ghi tên người thiết kế là cha đẻ của công trình ấy! Đúng là xây một ngôi nhà xấu, một công trình lạc hậu chưa phải chuyện “chết người” nên chủ đầu tư và xã hội nói chung vẫn coi nhẹ yếu tố phản biện của KTS.
Thế nhưng, thực tế hiện nay đòi hỏi phải có cái nhìn khác, động thái khác. Sự thay đổi tư duy rất cần thiết. Kiến trúc hiện đại bây giờ là kiến trúc xanh, gắn chặt với những vấn đề về môi trường, phát triển bền vững. Đối với người dân, phản biện về kiến trúc liên quan chặt chẽ đến chất lượng sống qua chính ngôi nhà họ ở. Bên cạnh đó, hoàn toàn có lý khi cho rằng cơ chế phản biện khiến KTS thêm phần trách nhiệm. Giả sử mỗi ngôi nhà, mỗi trụ sở đều có biển ghi rõ tên KTS thiết kế, chắc chắn sẽ bớt hẳn những công trình quá thiếu vắng dấu ấn cá nhân, những công trình thiết kế ẩu chỉ để kiếm tiền, những công trình sao chép của đồng nghiệp, của nước ngoài… Đơn giản, vì chẳng có KTS nào muốn tự bêu xấu mình cả!
Phản biện kiến trúc cần đến sự độc lập và cái tâm để không bị chi phối bởi lợi ích của phía nào, bởi một công trình kiến trúc dù đúng, dù sai có thể ảnh hưởng đến cộng đồng hàng chục, hàng trăm năm sau. Trước hết, cần hiểu rằng KTS phản biện dựa trên tư cách và trách nhiệm của một hội nghề nghiệp địa phương. Và ý kiến của các hội nghề nghiệp nằm ở nhiều góc độ đào tạo của chuyên ngành. Chẳng hạn, thời gian qua, anh em KTS có tham gia với vai trò là thành viên của một số Hội đồng thi tuyển, Hội đồng nghệ thuật của tỉnh, góp ý hoặc phản biện cho các công trình, dự án. Tôi cho rằng đây là một kênh thể hiện tương đối chính xác những ý kiến hay quan điểm nghề nghiệp của các KTS. Tất nhiên, trong quá trình đó, những ý kiến đóng góp đó được lắng nghe, tiếp thu hay biến thành hiện thực đến đâu thì còn nhiều điều phải bàn.
Về phía người được mời tham gia tư vấn phản biện thì điều cần có đầu tiên là kiến thức tổng hợp và chuyên sâu cùng kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Về đạo đức, người làm tư vấn, phản biện và giám định xã hội phải công tâm, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, làm việc khoa học, trung thực, khách quan, có ý thức trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nếu có lợi ích cá nhân thì sẽ bóp chết khoa học, làm biến dạng nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Làm tư vấn, phản biện và giám định là làm khoa học, nó gian truân lắm, nếu không thực sự đam mê, tâm huyết và nỗ lực hết mình thì sẽ không bao giờ làm được đến nơi, đến chốn.
Phải thừa nhận rằng, thái độ lắng nghe từ phía những người có trách nhiệm còn nhiều mức độ hạn chế khác nhau, song chúng tôi không đổ lỗi cho họ. Tôi cho rằng, điều này phải đến từ 2 phía. Trong chừng mực nào đó, sự lắng nghe của chính quyền cũng tác động khá nhiều đến sự nhiệt tình trong hoạt động phản biện. Tuy nhiên, chúng tôi vui mừng khi mấy năm gần đây, sự quan tâm và lắng nghe từ phía chính quyền các cấp ở Bắc Ninh đã nhiều lên. Đó là một sự trân trọng đáng ghi nhận, phản ánh một xu hướng đúng.
Một phản biện chỉ có giá trị khi phản biện được dựa trên hiểu biết sâu sắc của mình về chủ đề đó, một cách vô tư khách quan. Không thể đòi hỏi ý kiến đó phải là chân lý nhưng nó phải là phát biểu dựa trên hiểu biết sâu sắc của chính mình về chủ đề đó thì nó mới có giá trị.
Và cuối cùng, công việc “tư vấn phản biện và giám định xã hội” chỉ thật sự có ý nghĩa với điều kiện là chọn đúng cách, tìm đúng người. Đúng cách, đúng người, mọi việc sẽ xuôi thuận.
Ý kiến ()