Làng Ném Đoài, xã Khắc Niệm xưa gồm 3 thôn: Đoài (Ném Hạ), Đông, Tiền, tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du từ thời Trần. Thời thống trị nhà Minh huyện này thuộc châu Vũ Ninh và là bộ phận cấu thành của phủ Bắc Giang. Thời Lê, Tiên Du thuộc phủ Từ Sơn. Nhà Nguyễn vẫn giữ nguyên cách xếp đặt này. Thời thuộc Pháp tổng Khắc Niệm được nhập vào huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Về sau khi đơn vị tổng giải tán, lập đơn vị hành chính xã thì xã Khắc Niệm thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, rồi thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Khi tái lập tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và huyện Từ Sơn, Tiên Du thì xã Khắc Niệm lại thuộc huyện Tiên Du, nay thuộc thành phố Bắc Ninh. Ném Đoài nằm trong không gian văn hóa các đơn vị có từ “Ném” đứng đầu (Ném Đoài, Ném Đông, Ném Thượng, Ném Sơn, Ném Tiền) nên được gọi chung là các làng Ném. Một làng quê có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa.
Từ vùng sông nước, sình lầy thuộc miền Lãng Bạc xưa, con người sớm về đây sinh tụ, khai lập xóm làng. Phía đông Ném Đoài giáp Ném Đông, phía tây và nam giáp Tiền Phong, phía bắc giáp Ném Thượng. Làng hiện có 256 hộ gồm các dòng họ Ngô, Dương, Nguyễn (Nguyễn Đăng, Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Tiến).
Cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông cấy trồng lúa nước một nắng hai sương “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đối mặt với giặc giã, với thiên nhiên khắc nghiệt, chắt chiu từng hạt thóc, củ khoai để mang lại sự no đủ cho mỗi nhà, sự hưng thịnh cho xóm làng:
Lúa thôn Đoài, khoai thôn Thượng.
Thêm bát cơm đầy ngày một ấm no
...
Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng
Đánh giặc đã tài, làm ruộng càng hăng
Con người chân quê thật thà, chất phác nghĩa nặng tình sâu, thủy chung sau trước. Sử sách chép thời Ngô sứ quân, Bính Dần, năm thứ 16 (967), Nam Tấn Vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy, đều chiếm cứ quận ấy để tụ giữ, Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm cứ Tiên Du.
Tương truyền, thuở ấy có ông Nguyễn Thủ Tín người làng Ném Tiền, vợ là Đỗ Thị Mai hiền lành phúc hậu, đã cao tuổi mà muộn đường sinh nở. Nghe tin thôn Đông có ngôi chùa tên là Cổ Pháp tự rất linh thiêng, mọi người đến cầu phúc đều được đức phật độ trì, ứng nghiệm, vợ chồng ông bèn đến chùa thành tâm dâng lễ cầu tự, những mong có mụn con cho vui cửa, vui nhà. ở hiền gặp lành, cầu được ước thấy, về sau ông bà Nguyễn Thủ Tín và Đỗ Thị Mai sinh được mụn con trai mừng lắm, vội làm lễ lạy tạ tổ phụ, tạ ơn đức phật và đặt tên con là Nguyễn Thủ Tiệp. Thủ Tiệp khôi ngô, cặp mắt sáng, ngủ ngáy như tiếng sấm, vóc người cao to vạm vỡ, khí phách hơn người, được cha mẹ đón thầy về nhà dạy học. Thủ Tiệp thông minh, hiếu học, được thầy dạy nhận xét sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Lời tiên đoán của thầy Nho học sau trở thành sự thật. Nguyễn Thủ Tiệp là một trong 12 sứ quân (vào khoảng 943-967) ông chiếm cứ vùng đất rất lớn từ sông Cầu đến sông Đuống, xưng là Vũ Ninh Vương.
Sau khi trở thành Vũ Ninh Vương, rảnh việc quân cơ ông mới có thời gian về chùa Cổ Pháp tự dâng lễ đức phật và cho xây một ngôi chùa đặt tên là Cổ Niệm tự (thuộc địa phận Ném Đoài nay).
Về sau, nhà Đinh thu phục, lúc đó Nguyễn Thủ Tiệp 61 tuổi. Ông về trại Tè (Ném Đông), trại ải (Ném Đoài) thấy dân cư thưa thớt, ông giảm thuế 5 năm liền cho dân 2 trại và cấp 300 mẫu ruộng để dân 2 trại cùng xây dựng ngôi đình-đình chung của hai làng Ném Đông, Ném Đoài (còn gọi là đình Đông-Đoài).
Với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, sau khi Nguyễn Thủ Tiệp mất, nhân dân Ném Đoài lập đền thờ để quanh năm hương khói phụng thờ tôn vinh ông. Giữa những năm thập kỷ 60 thế kỷ XX nhà đền chuyển làm kho hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1982 ngôi đền được xây dựng lại, nằm cùng dãy và giáp hồi Cổ Niệm tự, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm hậu cung 2 gian, tiền đường 5 gian, kết cấu vì đơn giản. Nhà đền lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: Một lư hương sành thời Lê, hai chóe đựng nước cúng, một bộ bát bửu, tượng Nguyễn Thủ Tiệp tạc năm 1937, một thần tích bản sao, khắc gỗ năm 1932 và một số đồ thờ khác.
Cổ Niệm tự-ngôi chùa Nguyễn Thủ Tiệp phát tâm xây dựng bị phá trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1980, nhân dân địa phương đã chuyển khu chùa về nhà kho của hợp tác xã cải tạo thành chùa để thờ phụng.
Hiện vật có giá trị chỉ còn 3 bát hương thời Nguyễn. Các tài liệu hiện vật và 17 pho tượng phật trong chùa đều là mới. Năm 2006, làng xây dựng riêng ngôi đình cùng khu đất đền, chùa.
Hàng năm Ném Đoài có các tục lệ: Hội chùa, 12 tháng Giêng; hội đình, dịp 6 tháng Giêng (kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Thủ Tiệp); cúng lễ đình: 14 tháng Bảy âm lịch (ngày hóa Nguyễn Thủ Tiệp)
Lễ hội lớn nhất trong năm là lễ hội kỷ niệm ngày sinh Thành hoàng Nguyễn Thủ Tiệp từ mồng 4 đến 11 tháng Giêng âm lịch.
Quá trình lễ hội, ngoài hoạt động lễ, các hoạt động hội như: rước, vui chơi giải trí (đấu vật, chọi gà, diễn Chèo, hát Quan họ) diễn ra sôi nổi ở trung tâm hội, khiến du khách phải chen chân tới đám này, qua đám nọ để xem trai gái đua sức, thi tài, đến nỗi những áo the, khăn xếp; những áo tứ thân, khăn mỏ quạ đều thấm đẫm mồ hôi bởi các cuộc chen trong đám hội.
Ném Đoài có phường Chèo, chủ yếu hoạt động trong thời gian rỗi, vừa để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo nghệ thuật của các thành viên trong phường, vừa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của dân làng. Phường tổ chức biểu diễn xuân thu nhị kỳ, nhất là dịp hội làng, phường tổ chức hát thờ, hát thi, trước là thờ thánh, sau là phục vụ dân làng cùng khách thập phương, tạo không khí hội, với các tích trò Trương Viên, Lục Vân Tiên, Từ Thức...
Làng có phường Chèo nên những người chơi Quan họ đều thuộc đôi ba làn điệu Chèo. Cũng có thể Chèo phát triển sớm hơn. Quan họ Ném Đoài có hai bọn (một bọn nam, một bọn nữ). Bọn nam kết bạn với bọn nữ Đào Xá, xã Phong Khê, huyện Yên Phong; bọn nữ kết bạn với bọn nam Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Các bọn Quan họ kết bạn quan hệ chân tình, mật thiết, cùng nhau chia sẻ vui, buồn khi thành viên đau yếu hoặc gia đình có việc cưới, việc tang, khánh thành nhà mới... bởi vậy hội làng là dịp tốt để các bọn Quan họ kết bạn gặp gỡ thổ lộ tâm tình; các nhóm Quan họ đến chơi hội, tìm bạn, kết bạn. Sắp đến ngày hội làng, bọn nữ cử người sang mời bọn Quan họ nam Ngang Nội, bọn nam cử người đến mời bọn Quan họ nữ Đào Xá dự hội làng. Nhận lời mời, sáng mồng 6 tháng Giêng, các bọn Quan họ kết bạn đến Ném Đoài chơi hội; các bọn Quan họ sở tại ra tận cổng làng đón bạn cùng vào chùa lễ phật, đình, đền, lễ Thánh rồi hát thờ, (chỉ hát những câu hát thích hợp cho việc thờ phụng). Song, cùng nhau dạo chơi trên sân hội rồi tìm nơi thích hợp hát đối đáp cầu vui. Sau đó bọn Quan họ nam, nữ sở tại mời bọn Quan họ bạn về “nhà chứa” hát canh, sinh hoạt và đi thăm gia đình các thành viên bọn sở tại; đồng thời cùng nhau chơi hội Ném Tiền, Ném Sơn suốt quá trình hội và hò hẹn vui trảy hội Lim ngày 13 tháng Giêng. Ngoài ra, các bọn Quan họ trong vùng cũng trảy hội Ném Đoài chung vui, tạo không khí hội hè sôi động trong không gian văn hóa các làng Quan họ gốc. Cụ Ngô Văn Cong 79 tuổi cho biết thêm, bọn nữ trong làng gồm các nghệ nhân: Nguyễn Thị Vén, Nguyễn Thị Dẻo, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Cầm... đã về cõi vĩnh hằng, nếu còn tới nay đều ngoài trăm tuổi. Đặc biệt, cụ Ngô Văn Cong được nghệ nhân Nguyễn Văn Đặng, Ngô Văn Kiệm (bọn Quan họ nam) truyền dạy bài bản truyền thống để chơi Quan họ và truyền dạy thế hệ tiếp nối giữ gìn phát triển tinh hoa văn hóa Quan họ.
Thượng Luyến
Ý kiến ()