2. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
2. Lực lượng vũ trang Bắc Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
a. Củng cố hậu phương, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới (1954-1965)
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955-1960) “tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại”, năm 1957, các tiểu đoàn chủ lực của tỉnh được điều động, bổ sung cho các đơn vị chủ lực của Bộ. Tỉnh còn 2 đại đội (621, 625) được chuyển thành đại đội bảo vệ.
Tháng 3-1959, các đơn vị bảo vệ của tỉnh chuyển thành các đơn vị công an nhân dân vũ trang. Trong toàn tỉnh không còn bộ đội địa phương và các đơn vị bảo vệ. Cơ quan quân sự của tỉnh, huyện, xã thống nhất gọi là tỉnh đội, huyện đội, xã đội. Giữa năm 1959, cơ quan quân sự tỉnh được kiện toàn và ổn định về mặt tổ chức.
Thực hiện kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ 2 (1961-1965), công tác xây dựng LLVT của tỉnh được nâng lên tầm cao mới, trở thành nòng cốt trong các phong trào thi đua, dân quân tự vệ xung kích trên mọi lĩnh vực công tác ở các địa phương trong tỉnh.
Năm 1962, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Công tác chấn chỉnh biên chế LLVT được tiến hành. Đến tháng 9-1963, toàn tỉnh có 22.958 dân quân I, 17.258 dân quân II và 4.102 tự vệ; 16 huyện, thị xây dựng xong trung đội cơ động.
Từ năm 1954 đến 1965, Đảng bộ, nhân dân và LLVT trong tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong cải cách ruộng đất, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; xây dựng hậu phương, chi viện cho cách mạng miền Nam.
b. Tổ chức lực lượng vũ trang chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, góp phần đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ (1965-1968)
Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào chiến trường miền Nam, dùng không quân, hải quân mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Tháng 5-1965, tỉnh xây dựng một đại đội bộ binh, các đơn vị phòng không, công binh. Trong vòng ba tháng, tỉnh xây dựng được 2 đại đội phòng không 37mm, 1 đại đội và 2 trung đội 14,5mm; 2 đại đội và 1 trung đội công binh. Toàn tỉnh đã thành lập 1.117 tổ dân quân tự vệ bắn máy bay với 8.731 người (chiếm 9,1% tổng số dân quân tự vệ). Ở các địa phương, lực lượng tại chỗ sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông, vận tải, chứu chữa thương binh… khi địch đánh phá. Công tác phòng không nhân dân cũng được tổ chức triển khai tích cực.
Ngày 28-8-1965, Tỉnh ủy Hà Bắc ra nghị quyết lãnh đạo tỉnh chuyển hướng toàn diện tư tưởng, tổ chức và kinh tế quốc phòng sang thời chiến.
Trong 4 năm (1965-1968), trên địa bàn tỉnh, địch đã đánh 2.207 lần vào 1.154 mục tiêu, có 31 lần đánh đêm, ném xuống Hà Bắc gần 23 triệu kg bom đạn, làm chết 1.448 người, làm bị thương 1.816 người.
Nhân dân và LLVT trong tỉnh không hề nao núng, đã anh dũng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị phòng không-không quân bắn rơi 140 chiếc máy bay, trong đó bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã độc lập bắn rơi 7 chiếc. Sáng ngày 17-10-1967, 20 máy bay Mỹ chia làm hai tốp từ hướng Phả Lại bay vào đánh phá cầu Đáp Cầu. Chỉ trong vòng hai phút, Tiểu đoàn 18 phối hợp với dân quân tự vệ Bắc Ninh bắn rơi 5 máy bay Mỹ. Đây là chiến thắng điển hình, một kỷ lục về số máy bay địch bị tiêu diệt trong thời gian ngắn nhất.
Quân dân Hà Bắc đồng thời làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giao thông, công tác phòng không nhân dân, tuyển quân chi viện chiến trường, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với các kiểu chiến tranh của giặc Mỹ.
Thắng lợi to lớn của quân và dân ta buộc Mỹ chấp nhận hội nghị bốn bên ở Pa-ri, thừa nhận sự phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
c. Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc mỹ (1969 - 1972)
Tranh thủ thời gian miền Bắc tạm thời có hòa bình, các đơn vị bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ của tỉnh tiến hành kiện toàn tổ chức phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới.
Trước nguy cơ sụp đổ của quân đội ngụy, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tổng thống Nich-xơn huy động trở lại lực lượng quân đội Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu năm 1972, tỉnh khẩn trương xây dựng và kiện toàn 2 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 đại đội công binh và 1 trung đội thông tin. Lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu được tăng cường, toàn tỉnh có 314 trung đội và 23 tiểu đội với 8.122 người. Lực lượng cơ động gồm 16 đại đội công binh với 1.660 người; phòng không có 16 đại đội với 818 người. Toàn tỉnh triển khai thêm 39 trận địa bắn máy bay của dân quân tự vệ các huyện, vũ khí có thêm 14 khẩu 12,7mm, 65 khẩu đại liên, trung liên đón lõng máy bay địch ở các huyện miền núi. Ngoài các lực lượng chiến đấu tỉnh còn xây dựng 14 đại đội và 96 trung đội dân quân tự vệ sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm giao thông vận tải.
Trên địa bàn Hà Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10-1972, giặc Mỹ đã tập trung hơn 10.000 lần chiếc máy bay các loại để đánh phá. Chúng đã ném 2.273 bom phá, 233 bom từ trường, 193 bom xuyên và hàng nghìn bom bi và 233 quả thủy lôi từ trường. Ngày 18-12-1972, Mỹ thực hiện kế hoạch tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội. Riêng tại Hà Bắc, trong đợt tập kích chiến lược này Mỹ đã sử dụng 1.263 lần chiếc máy bay các loại, trong đó có 48 lần chiếc B.52, thả xuống 8.817 quả bom các loại, bắn 124 tên lửa.
Năm 1972, miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, bắn rơi 732 máy bay (trong đó 54 chiếc B.52). Trong chiến công đó, tỉnh Hà Bắc bắn rơi 35 máy bay Mỹ. Thắng lợi oanh liệt đó buộc Mỹ phải ngừng đánh phá phía bắc vĩ tuyến 20, trở lại Pa-ri tiếp tục đàm phán.
Tỉnh đã phát động nhân dân lấy LLVT địa phương làm nòng cốt vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải và làm tốt nhiệm vụ chi viện chiến trường. Quân dân Hà Bắc đã góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ hai và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
d. Chi viện tiền tuyến cùng cả nước giải phóng miền nam (1973 - 1975)
Hiệp định Pa-ri được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng gần thắng lợi. Từ đó càng đòi hỏi sự chi viện lớn về sức người, sức của cho chiến trường. Khẩu hiệu “Thóc đủ cân, quân đủ số” là khẩu hiệu hành động xuyên suốt đối với toàn Đảng bộ, nhân dân và LLVT của tỉnh.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng”, cả ba đợt tuyển quân của năm 1974 đều vượt chỉ tiêu. Đợt tuyển quân đầu năm 1975 là đợt tuyển quân lớn nhất của tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (chiếm 11,1% dân số). Số lượng tuyển quân lớn gấp hai lần cả năm 1974 nhưng chỉ qua một đợt giao quân đầu xuân, toàn tỉnh Hà Bắc đã đạt 103,59% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng 1 trung đoàn quân tăng cường lấy phiên hiệu là “Đoàn 9” quân số là 1.500 người gấp rút hành quân vào Tây Nguyên, kịp thời làm nhiệm vụ củng cố, xây dựng, bảo vệ vùng mới giải phóng.
Được sự động viên to lớn của miền Bắc, trong đó có tỉnh Hà Bắc, LLVT của ta ở miền Nam cùng với quân dân cả nước thực hiện thắng lợi tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
(còn nữa)
Bảo Anh
(Tham khảo từ Bắc Ninh lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, NXB Quân đội nhân dân năm 2002)
Ý kiến ()