Mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề “nóng” về dân số được cả xã hội quan tâm. Lương Tài nhiều năm trước cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này khi tỉ lệ mất cân bằng giới tính ở mức cao, đặc biệt là sự chênh lệch giới tính lại diễn ra không đồng đều ở nhiều địa phương. Huyện Lương Tài đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm từng bước ổn định qui mô dân số và “hạ nhiệt” giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tạo động lực để phát triển bền vững kinh tế, xã hội.
Một vài năm về trước, Lương Tài luôn là huyện được xếp vào danh sách “báo động đỏ” của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đỉnh điểm như năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh của huyện là 140 bé trai/100 bé gái, đáng báo động là ở nhiều địa phương tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh luôn “tăng nhiệt”, như: Quảng Phú 300 bé trai/100 bé gái, Trung Kênh 270 bé trai/100 bé gái… Và có thời điểm, Lương Tài là một trong 4 huyện, thành phố được ngành Y tế Bắc Ninh chọn làm điểm triển khai Dự án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Bà Hán Thị Trần, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Lương Tài chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao; song chủ yếu do tư tưởng trọng nam khinh nữ, có con trai để có người nối dõi tông đường, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già... đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thêm vào đó tình trạng lạm dụng các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm trong việc lựa chọn giới tính, nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi; sự phát triển của các loại tài liệu, thông tin hướng dẫn sinh con theo ý muốn…”.
Trước thực trạng “tăng vọt” của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành dân số huyện Lương Tài thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” ở mỗi địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và tham gia của tổ chức, người có uy tín ở cộng đồng trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Huyện Lương Tài chú trọng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông cộng đồng; tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn trực tiếp, cung cấp thông tin qua tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về giới và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh làm thay đổi nhận thức, hành vi của các tầng lớp nhân dân về vấn đề giới tính, thúc đẩy bình đẳng giới. Người dân phần nào hiểu rõ hơn những tác hại nghiêm trọng của tình trạng mất cân bằng giới tính, cũng như việc sinh con đông, dẫn đến kinh tế gia đình không ổn định.
Trong giai đoạn 2010-2015, nhiều hoạt động can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai. Ngành dân số huyện Lương Tài phối hợp với các ngành, đoàn thể, như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên… vận động hội viên, đoàn viên chung tay hưởng ứng giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi về giới tính; giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống ấm no hạnh phúc, cam kết thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân số. Mặt khác, huy động sự nhiệt tình, tích cực của đội ngũ 185 cộng tác viên dân số cơ sở; xây dựng và duy trì 40 câu lạc bộ “phụ nữ không sinh con thứ 3”, câu lạc bộ “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trong phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, giáo dục DS/SKSS/KHHGĐ về giới tính, bình đẳng giới cho VTN/TN và nam, nữ chuẩn bị kết hôn.
Các lớp tập huấn cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, y tế thôn… để chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền các nội dung về nguyên nhân, giải pháp và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhất là cử cán bộ đến tận nhà dân, chú trọng các cặp vợ chồng sắp đăng ký kết hôn, giúp hộ gia đình nhận thức tác hại mất cân bằng giới tính gây ảnh hưởng lớn cho đời sống xã hội. Nâng cao ý thức mỗi người dân trong việc quyết định sinh con theo phương châm “Gái hay trai chỉ hai là đủ”.
Trung tâm Dân số huyện Lương Tài phối hợp với ngành Y tế tổ chức các đợt thanh tra các cơ sở y tế có dich vu seo vụ siêu âm, nạo phá thai nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm quy định không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh theo điều 10 Nghị định số 104-CP ngày 16-9-2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp lệnh dân số. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và truyền bá lựa chọn giới tính thai nhi…
Ngành dân số huyện chú trọng triển khai chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản, với mục tiêu là kìm hãm mức tăng dân số, cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên; giảm tỷ lệ phá thai và phá thai không an toàn... Năm 2015 tỷ suất sinh của huyện Lương Tài đạt 14,3%o, giảm 0,5 %o so với cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên đạt 14,2%, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 105,5%, tỷ lệ số người đặt vòng đạt 107,1%...
Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, huyện Lương Tài đã “hạ nhiệt” mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu như năm 2010 tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện là 140 bé trai/100 bé gái, thì năm 2011 tỷ lệ này giảm xuống còn 128 bé trai/100 bé gái, năm 2012 là 126 bé trai/100 bé gái, năm 2013 là 119 bé trai/100 bé gái, năm 2014 là 112 bé trai/100 bé gái và năm 2015 giảm còn 108 bé trai/100 bé gái.
Lương Tài đạt được nhiều chuyển biến trong việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tuy nhiên vẫn chưa đạt ngưỡng chỉ số được coi là bình thường trong khoảng 103-107 nam/100 nữ. Bà Hán Thị Trần, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện cho biết: “Mục tiêu quan trọng những năm tiếp theo của Lương Tài là tiếp tục thực hiện tốt mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm từng bước tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh. Huyện sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng các biện pháp, mô hình đã triển khai; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về DS/KHHGĐ với những hình thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nhất là rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của ngành chức năng, coi đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Giải pháp lâu dài phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng của con cháu trong việc phụng dưỡng các cụ và sự lo lắng khi về già của những người cao tuổi không có con trai”.
Giảm tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Lương Tài không phải việc làm “một sớm một chiều”, mà cần có chiến lược “dài hơi”, kế hoạch cụ thể, tính khả thi cao. Việc thực hiện các giải pháp của ngành chức năng cũng chỉ mang tính can thiệp; cốt lõi vẫn phải là sự thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người dân, mỗi gia đình, nhất là các gia đình trẻ trong việc quyết định sinh con tự nhiên.
Ý kiến ()