(Lược trích phát biểu của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tại Lễ kỷ niệm 1015 năm ngày Đức vua Lý Thái Tổ đăng quang và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đình Đình Bảng, Di tích quốc gia Nhà Lưu niệm đồng chí cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo; Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Trong không khí cả nước đang hân hoan, vui mừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), cùng với thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 vừa kết thúc ngày hôm qua 12/4/2025; hôm nay, tôi vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 1015 năm ngày Vua Lý Công Uẩn đăng quang và Lễ đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt đình Đình Bảng; đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo và chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia “Hoàng đế Chi bảo”. Đồng thời, đây cũng là hoạt động rất có ý nghĩa khi chuẩn bị kỷ niệm 80 năm, Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026), chúng ta tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo, vị Chủ tịch Quốc hội khóa 8 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của tỉnh Bắc Ninh lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kinh Bắc xưa và tỉnh Bắc Ninh ngày nay là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi đây đã hội tụ và lưu truyền một kho tàng đặc biệt phong phú các di sản văn hoá quý báu, đặc sắc, vừa chứa đựng các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bằng Sông Hồng, vừa độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Mạch nguồn văn hóa từ ngàn đời đã kết tinh thành giá trị nổi bật của người Bắc Ninh giàu lòng yêu nước, nhân ái, đoàn kết, thượng võ; cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất và giao thương buôn bán; thông minh, hiếu học, sáng tạo và đặc biệt hiếu khách, trọng tình, trọng nghĩa. Nhiều người con của Bắc Ninh đã trở thành nhà lãnh đạo, danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.
Trong những năm vừa qua, tỉnh Bắc Ninh luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; là địa phương đã thu hút hàng loạt các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới về đầu tư, sản xuất. Kinh tế của tỉnh đã trở thành một điểm sáng: tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 đạt 232,8 nghìn tỷ đồng. Tốc độc tăng trưởng GRDP đạt 6,03%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 73 triệu đồng, tăng 14,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 33 ngàn tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2023; trong đó thu nội địa đạt hơn 24 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75,9 tỷ USD, tăng 1%. Trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa, Bắc Ninh được đánh giá là địa phương dành nhiều sự quan tâm, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản, đầu tư kinh phí để nghiên cứu, trùng tu, tu bổ; đội ngũ Nghệ nhân những “báu vật nhân văn sống” của địa phương được chăm lo, khuyến kích. Từ đó, di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh được bảo tồn, phát huy, lan tỏa trong nước và quốc tế.

Đại biểu dự chương trình.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương về những nỗ lực, cố gắng, kết quả, thành tích đã đạt được của tỉnh Bắc Ninh và xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhân sự kiện quan trọng hôm nay.
Toàn đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực, quyết tâm đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó có việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương được sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, sẽ giúp cho Bắc Ninh mở rộng quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và tận dụng tối đa tiềm năng phát triển, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, tạo thêm không gian mới cho việc phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh. Nhân buổi Lễ hôm nay, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm một số nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quả chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng trên 8% và kịch bản cao trên 10%. Nghiên cứu xác lập mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng trình độ khoa học công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, tiếp tục thực hiệu quả các chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Thứ ba, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, gần đây nhất là Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tỉnh cần quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thật tốt nhiệm vụ này.
Thứ tư, các di sản văn hóa đa dạng và phong phú chính là một trong những động lực và nguồn lực quan trọng cho Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến về các di sản quý giá, đậm bản sắc văn hóa truyền thống này để mọi người dân hiểu về giá trị lịch sử của dân tộc và chung tay giữ gìn, bảo vệ.
Thứ năm, nghiên cứu các giải pháp “đưa di sản văn hóa đến gần hơn nữa với người dân”, để người dân được tiếp cận, tham gia rộng rãi và thụ hưởng đầy đủ, xứng đáng từ giá trị di sản văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa luôn sống động và trường tồn.
Nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, thực hiện chuyển đổi số trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần đưa hình ảnh của Bắc Ninh đến với đông đảo đồng bào trong nước và ngoài nước
Tôi tin tưởng rằng, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục gìn giữ các giá trị văn hóa vô cùng quý báu của cha ông đã đúc kết, trao truyền; phát huy tinh thần văn hóa dân gian, quan họ ngọt ngào, đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, đền đáp với sự hy sinh vì dân, vì nước của các thế hệ đi trước, vì một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Một lần nữa, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ, quý vị khách quý, cùng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Ninh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
(*) Đầu đề do Báo Bắc Ninh đặt
Ý kiến ()