Mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và đọc sách được xác định bởi vòng đời của tác phẩm văn học ấy. Nhà văn quan sát cuộc sống và hình thành ý đồ sáng tác. Quá trình suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn những vấn đề cốt lõi của đời sống là sự thai nghén để viết tác phẩm. Nhà văn không thể tách mình ra khỏi cuộc sống, phải chọn chỗ đứng, xác định quan điểm lập trường, thái độ của người cầm bút...
Thời chiến tranh chống Pháp, nhà thơ Tố Hữu cùng đơn vị bộ đội hành quân lên Tây Bắc, kéo voi vào trận. Thực tế ấy đã giúp ông hoàn thành bài thơ Lên Tây Bắc, Voi. Nhà thơ theo một đơn vị thanh niên xung phong, trò chuyện tâm tình với bà mẹ để có những thi phẩm Phá đường và Bà mẹ Việt Bắc. Thời chống Mĩ, nhà thơ Phạm Tiến Duật bám sát những đơn vị lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn, đơn vị thanh niên xung phong mới có được Vầng trăng quầng lửa ra đời. Tập thơ được nhận giải thưởng của báo Văn nghệ năm 1973. Nhà thơ Huy Cận lăn lộn bao ngày tháng ở vùng mỏ Quảng Ninh để có tập Bài thơ cuộc đời. Thực tiễn và sự sáng tạo nghệ thuật là hai vấn đề luôn gắn bó với nhau để làm nên thành công của tác phẩm nghệ thuật.
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Hà Minh Đức quan niệm: Thơ là tấm lòng nhưng trước hết thơ phải là cuộc sống. Người cầm bút phải lăn lộn với cuộc sống để có tác phẩm. Tác phẩm tác động đến người đọc. Sau khi đọc và ngay cả lúc đang tiếp nhận tác phẩm, người đọc liên hệ với thực tiễn đời sống. Tác phẩm từ cuộc sống lại trở về với cuộc sống. Từ mối quan hệ này, chúng ta đòi hỏi người viết phải có vốn sống thực tiễn đã đành, người đọc cũng phải nâng cao nhận thức của mình để tiếp thu những vấn đề cuộc sống đặt ra trong tác phẩm.
Nếu không có vốn sống, hiểu biết về cuộc sống những năm sáu mươi của thế kỉ XX trên miền Bắc nước ta, bạn đọc hiểu truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải chỉ là thay đổi cuộc sống của người phụ nữ có quá khứ đầy bất hạnh. Cốt lõi của truyện ngắn này khẳng định mối quan hệ giữa con người với con người trong lao động. Tình cảm, đạo đức xã hội chủ nghĩa là nhân tố tích cực làm thay đổi diện mạo và cuộc sống con người. Nó xóa đi mọi đau thương, những bi kịch cá nhân xã hội cũ còn để lại hậu quả. Mặt khác truyện đặt ra vấn đề Trong cuộc đời này không hề có con đường cùng chỉ có ranh giới, điều cốt yếu phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy. (Mùa lạc, Nguyễn Khải). Nhà văn Nguyễn Khải đã từng nhấn mạnh Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ.
Một cái khó khi chúng ta tái hiện lại những năm tháng nửa đời lửa đạn cho thế hệ chưa bao giờ biết đến chiến tranh. Lớp trẻ ngày nay làm sao hiểu hết những hầm kèo, những hố cá nhân rải trên dọc đường quốc lộ, sao hiểu hết cuộc sống ở địa đạo, những năm tháng lấy đêm làm ngày, tóm thắt lưng địch mà đánh. Lớp trẻ ngày nay hiểu sao hết quan niệm thật rứt khoát Giặc còn thì tao mất, tao còn thì giặc mất có thế thôi. Họ hiểu làm sao khi xe kéo pháo vào trận địa, đường lầy lội, nhiều gia đình đã mang cánh cửa lim của nhà mình ra lót đường cho xe kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Một dân tộc vừa động viên, đôn đốc con em mình ra trận, vừa làm công tác hậu phương, vừa cử con em ra nước ngoài học hỏi bạn để sau đó trở về phục vụ tổ quốc.
Lịch sử đất nước không thiếu những trang đau thương đẫm nước mắt. Lịch sử đất nước cũng không thiếu những trang ghi nhận chiến công hiển hách mang tầm vóc anh hùng. Biết bao người con gái con trai gác lại mối tình hò hẹn để có mặt ở chiến trường đầy thử thách, đối mặt giữa sống và chết. Trong số những con người ấy bao nhiêu đã vĩnh viễn không về. Bao người vợ mất chồng, người mẹ mất con và cả những người con không bao giờ gặp lại người cha thân yêu của mình. Lịch sử còn mắc lỗi vì chưa ghi hết chiến công và sự hi sinh thầm lặng ấy. Vấn đề này đặt ra với người cầm bút.
Ptốp xki trong tác phẩm Bông hồng vàng nhấn mạnh Nếu văn học chỉ câm đi trong một phút thôi thì chẳng khác nào là cái chết của cả dân tộc. Người đọc khi tiếp nhận tác phẩm bao giờ cũng có nhu cầu tự nhiên liên hệ với cuộc sống để tự đối chiếu đặt ra những yêu cầu rèn luyện. Tác phẩm văn học không chỉ nâng cao về nhận thức còn thanh lọc tâm hồn, chắp cánh cho những ước mơ vươn tới bến bờ xa lạ. Bạn đọc không nên quan niệm tác phẩm văn chương như một sự giải trí, tất nhiên văn học có chức năng này.
Chúng ta hết sức coi trọng chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ của tác phẩm văn chương. Trong nhà trường, tác phẩm văn học cùng một lúc tác động đến hai đối tượng: Thày và trò. Thầy cô không đọc chỉ qua lời giới thiệu của sách giáo khoa thì dù tài năng đến đâu cũng không thể khẳng định mình giảng hay về tác phẩm ấy. Trò không đọc chỉ qua bài giảng của thày cô thì sự hiểu biết về tác phẩm tránh sao đơn điệu, sơ sài, phiến diện. Mối quan hệ giữa nhà văn, cuộc sống và bạn đọc đặt ra những yêu cầu làm thế nào để có tác phẩm xứng đáng với thời đại.
Ngày nay, làm thế nào để chúng ta khơi dạy văn hóa đọc trong toàn bộ xã hội. Nhiều người coi đọc sách không là nhu cầu tất yếu, không còn hứng thú. Một bài thơ hay, một truyện ngắn xuất sắc, một cuốn tiểu thuyết có giá trị đã bỏ trong quên lãng. Bạn đọc chẳng mấy hứng thú. Nỗi buồn đối với một dân tộc, đất nước đang trên đà phát triển mà văn hóa văn nghệ không được đề cao. Thời đại khoa học phát triển không ngừng, thay thế cho lao động thủ công. Kĩ thuật số đã giúp con người nhanh chóng tiếp cận ngành khoa học tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong dòng thác của nền kinh tế thị trường, người ta chỉ nghĩ tới chuyện làm giầu còn thì giờ nào để đọc sách. Tốt nghiệp THPT hoặc THCS, các em nếu không tiếp tục theo học thì đi làm ở các xí nghiệp hoặc công ty tối ngày, tuổi trẻ dường quên việc đọc sách. Sau mỗi buổi học, các em dán mắt vào điện thoại. Thậm chí, cả người lớn. Đang ăn cơm, có người cũng điện thoại. Nguy hại hơn, tuổi trẻ ngày nay phần đông lạnh lùng, vô cảm với quá khứ. Nét đẹp truyền thống chẳng nắm được. Cuộc sống của cha ông như thế nào chẳng cần biết. Từ đó, ta tìm một tiếng nói chung, sự đồng vọng, cảm thông, chia sẻ không dễ chút nào. Viết thư trao đổi, đọc sách hàng ngày không còn mảnh đất để phát triển Bước sang thế kỉ hai mốt, văn học tiếp nhận nghiêng nhiều về người đọc. Con người của thời đại đòi hỏi nhà văn phải suy tư, sáng tạo để có tác phẩm đáp ứng với yêu cầu bạn đọc. Bạn đọc trở thành trung tâm. Tác phẩm văn học nghệ thuật không còn là cái khuôn đúc sẵn mà phải được mở ra nhiều hướng của cuộc sống.
Sách giáo khoa là bài học đầu đời của tuổi thơ đang còn nhiều thể nghiệm. Muốn phát huy tốt văn hóa đọc cần cả hai phía, sách và bạn đọc. Bạn đọc coi việc đọc sách thành nếp quen không bỏ được. Sách mang lại sự hiểu biết cho ta, nâng cao đời sống tâm hồn, mở mang trí tuệ, kĩ năng sống. Ngược lại, bạn đọc ngày nay đòi hỏi những tác phẩm phải chú ý tới đối tượng thưởng thức nhiều hơn. Sách viết cho từng đối tượng, sách chuyên ngành... tất cả đều đạt tới chuẩn mực. Chúng ta mong có nhiều tác phẩm hay đáp ứng với yêu cầu bạn đọc, việc đọc sách sẽ trở lại trong đời sống. Mặt khác, lãnh đạo ở địa phương từ thôn đến xã, phường cần thành lập tủ sách cộng đồng, có nhiều sách mang nội dung phong phú và chú ý động viên mọi thành viên đến đọc. Tổ chức những buổi giới thiệu sách có nội dung tốt, liên kết với các trường học để cổ vũ, khuyến khích đọc sách. Mặt khác, tổ chức cuộc thi giới thiệu sách mà bạn yêu thích để động viên, khuyến khích việc đọc sách.
Nguyễn Khắc Đàm, Xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành
Ý kiến ()