Những năm gần đây, với nhiều nỗ lực đổi mới, ngành Y tế Bắc Ninh ghi dấu ấn đậm nét trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Góp phần vào thành tựu chung phải nhắc đến sự tận tâm, tận tụy với nghề của những cán bộ, nhân viên trực tiếp làm chuyên môn. Dù họ là ai, công tác ở đơn vị y tế tuyến tỉnh hay cơ sở, họ vẫn đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho con đường đã chọn. Ghi nhận những cống hiến và thành tích xuất sắc của các cá nhân ngành Y tế, tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 5 cá nhân tiêu biểu.
Gần một thập kỷ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Đến nay với gần 10 năm gắn bó với công tác Dân số - KHHGĐ, chị Ngô Thị Thúy Hường, cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ tại Trạm Y tế xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn) vẫn giữ được nhiệt huyết như những ngày mới bắt đầu công việc.
Năm 2011, khi bắt đầu đảm nhận công việc của một cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ, chị Hường gặp rất nhiều khó khăn do Tam Sơn là địa bàn làng nghề, người dân trong xã có trình độ dân trí không đồng đều, nhất là còn nhiều người vẫn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “sinh con trai để nối dõi tông đường”, “thêm con thêm của”... Bằng sự nỗ lực, tâm huyết, tận tụy của mình, chị luôn tìm mọi cách giúp người dân trong xã hiểu rõ hơn về công tác DS - KHHGĐ, cũng như những lợi ích về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Chị Hường tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Tranh thủ vào buổi chiều tối khi người dân ở nhà, chị Hường cùng cộng tác viên đến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh đông con hay các cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Đối với những cặp vợ chồng đã có 2 con, chị tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn. “Nhờ nắm chắc các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em và kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, nên nhận thức của người dân về công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn xã đã có sự thay đổi tích cực”-chị Hường chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh việc tư vấn trực tiếp tới từng hộ gia đình, trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội Phụ nữ xã, Ban Công tác mặt trận, CLB không sinh con thứ 3, chị là người trực tiếp đến phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh Dân số; vấn đề mất cân bằng giới tính; triển khai mô hình nuôi con khỏe dạy con ngoan; tư vấn sức khỏe sinh sản cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn và mới kết hôn... Chị cũng thường xuyên tham gia nói chuyện chuyên đề tại các trường học về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các em học sinh THCS để các em hiểu rõ hơn về những thay đổi của cơ thể, quan tâm và biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Người có nhiều sáng kiến
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hòe, Trạm y tế xã Long Châu (Yên Phong) luôn tâm niệm phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong mọi công việc được giao. Vì thế, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Trạm trưởng phân công. Ngoài việc tham gia khám, chữa bệnh, khám phân loại chương trình tiêm chủng mở rộng không để xảy ra tai biến chuyên môn, kịp thời tham mưu kịp để đơn vị triển khai đúng tiến độ về công tác vệ sinh và chăm sóc vườn thuốc Nam… bác sĩ Hòe còn là người có sáng kiến về cập nhật cơ sở dữ liệu ban đầu trong công tác triển khai Hồ sơ sức khỏe cá nhân được Sở Y tế trưng tập tham gia vào Tổ tư vấn Hồ sơ sức khỏe của tỉnh.
Bác sĩ Hòe khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Long Châu.
Trong giai đoạn 2015-2019, bác sĩ Nguyễn Hồng Hòe có 2 sáng kiến có ý nghĩa trong hoạt động của trạm y tế. Đề tài nghiên cứu khoa học năm “Nghiên cứu tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo thống kê y tế tại trạm y tế xã - huyện Yên Phong” đã được Hội đồng khoa học Sở Y tế phê duyệt. Đề tài “Thực trạng lập hồ sơ sức khỏe người dân và đề xuất, giải pháp tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2018’’ đã được Sở Y tế phê duyệt đề cương và được bác sĩ Hòe ứng dụng trong thực tiễn hoạt động tại Trạm Y tế xã Long Châu. Đề tài được ngành Y tế đánh giá mang lại hiệu quả trong công tác lập Hồ sơ sức khỏe cho người dân và được các đơn vị đến học tập triển khai.
Nhờ những nỗ lực và sáng kiến trong công tác lập hồ sơ sức khỏe người dân, kết quả của xã Long Châu đang dẫn đầu của tỉnh về chất lượng hồ sơ sức khỏe và được các đơn vị đến học tập trao đổi. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ người dân được khám lập hồ sơ trên địa bàn lên tới gần 82%, số cá nhân có đủ ngày tháng năm sinh theo định dạng quy định là 100%, 100% cá nhân có mã hộ gia đình (không có cá nhân nào ở ngoài hộ), 100% cá nhân có địa chỉ đến tận thôn (không có cá nhân nào không xác định thôn). Kết quả cập nhật bệnh không lây nhiễm, nhóm máu: Tỷ lệ các hồ sơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nhóm máu, hen phế quản, COPD, tâm thần, động kinh tỷ lệ này được cập nhật vào hồ sơ sức khỏe đạt 100%.
“Bà đỡ vuông tròn” cho hàng nghìn em bé
Với 26 năm gắn bó với công việc của một nữ hộ sinh, chị Lại Thị Hợi, Hộ sinh trưởng ở khoa Sản (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh) là “bà đỡ vuông tròn” cho hàng nghìn em bé.
Có những thời điểm, có điều kiện chuyển sang công việc khác ít vất vả hơn nhưng vốn yêu nghề, thấy hạnh phúc khi chào đón một bé yêu nên chị nguyện gắn bó suốt đời với nghề “bà đỡ”. Chị Hợi chia sẻ, để giúp các sản phụ vượt cạn thành công, mang lại niềm hạnh phúc cho những gia đình chị luôn tâm niệm phải giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp thân thiện, ân cần, niềm nở, động viên sản phụ “vượt cạn” thành công.
Hộ sinh trưởng Lại Thị Hợi là “bà đỡ vuông tròn” của hàng nghìn em bé.
Với sự dày dặn kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm làm nghề, chị Hợi tích cực giúp đỡ, trao đổi, chia sẻ kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, giúp họ nhanh tiến bộ, không để xảy ra sai sót chuyên môn trong công tác hộ sinh cho các sản phụ.
Khi được hỏi về những “được” và “mất” trong nghề, nữ hộ sinh Lại Thị Hợi cho rằng công việc quen thuộc của mình nhiều áp lực và phải chấp nhận sự hy sinh nhưng luôn có được niềm vui chào đón các “thiên thần nhỏ” mỗi ngày. Theo chị, để có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công việc thì ngoài “hậu phương” vững chắc là sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, cần có lòng yêu nghề và nhiệt huyết với công việc. Từ sự yêu nghề, mỗi người sẽ có ý thức, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao mà cụ thể ở đây là theo dõi sản phụ chuyển dạ, kiểm tra tiền sử bệnh, đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe sản phụ và trẻ sơ sinh...
Cũng là một người mẹ, từng trải qua đủ cung bậc cảm xúc khi sinh con nên chị Hợi luôn có sự đồng cảm, gần gũi, động viên để các sản phụ bớt căng thẳng và cảm thấy yên tâm, bởi thế nhiều sản phụ hoàn toàn tin tưởng, yên tâm khi lựa chọn Bệnh viện Sản - Nhi là nơi chào đón con yêu.
Truyền thống gia đình nuôi dưỡng ước mơ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống ngành Y đã nuôi dưỡng ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng của bác sĩ Hoàng Thị Quỳnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Lương Tài. Đến nay, với 15 năm gắn bó với nghề Y, bác sĩ Quỳnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, hết lòng vì người bệnh.
Trước mỗi mùa dịch bệnh, bác sĩ Quỳnh luôn chủ động tham mưu kịp thời cho Ban Giám đốc Trung tâm ban hành các văn bản chỉ đạo, qua đó, giúp cho công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn đạt hiệu quả tốt nhất.
Được làm việc và cống hiến cho ngành Y là ước mơ từ nhỏ của bác sĩ Quỳnh.
Năm 2016, bác sĩ Quỳnh được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS và được giao đảm nhiệm chuyên trách các Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia gồm: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh Lao, Hen phế quản - COPD, phòng chống bệnh ung thư và y học cổ truyền, phòng chống HIV/AIDS. Xác định đây là khoa “xương sống” trong hệ thống Y tế dự phòng, bác sĩ Quỳnh đã chủ động bám sát sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đó linh hoạt, kịp thời tham mưu giúp Ban Giám đốc cũng như bộ phận chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện tốt các nội dung hoạt động về Y tế dự phòng bảo đảm phù hợp với tình hình dịch tễ cũng như thực tiễn của địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay sau khi có công văn chỉ đạo của Sở Y tế, bác sĩ Quỳnh chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch phòng, chống trên địa bàn huyện Lương Tài, đồng thời tham mưu việc tổ chức, triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan như: Thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát, Đội phản ứng nhanh và các Tổ giám sát chuyên môn, Tổ điều trị; phối hợp với Khoa Nội - Nhi - Truyền nhiễm thành lập khu khám, cách ly với đối tượng mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp. Cùng với đó, chỉ đạo các Trạm y tế xã, thị trấn phối hợp với lực lượng Công an thống kê, lập danh sách tất cả trường hợp từ Trung Quốc trở về địa phương, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, cách ly y tế.
“Tỉ mỉ nhưng phải khoa học, hiệu quả”
Đó là chia sẻ của chị Trịnh Thanh Loan, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khi nói về đặc thù công việc chuyên môn của mình.
Bắt đầu công tác tại ngành Y tế Bắc Ninh từ năm 2006, việc đảm nhiệm nhiều vị trí công việc ở các khoa, phòng khác nhau giúp chị Loan có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để hoàn thành tốt chức trách được giao.
Chị Trịnh Thanh Loan.
Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ là đầu mối giúp Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động: Kế hoạch định kỳ, đột xuất; kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ; chỉ đạo tuyến; công nghệ thông tin; nghiên cứu khoa học; thu thập, phân tích, tổng hợp, lưu trữ và quản lý các thông tin, dữ liệu liên quan theo quy định của ngành; chương trình, dự án; hội nghị, hội thảo chuyên môn…
Với khối lượng công việc lớn khi hợp nhất 5 đơn vị y tế dự phòng của ngành Y tế về một mối là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để giúp lãnh đạo Trung tâm điều phối hiệu quả mọi công việc, chị Trịnh Thanh Loan và tập thể cán bộ, nhân viên Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ có nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn các khoa, phòng lập kế hoạch chi tiết thực hiện các mặt hoạt động; tổ chức điều phối công tác giữa các khoa, phòng, đồng thời, theo dõi, đôn đốc, giám sát đánh giá hiệu quả công việc… Xây dựng quy hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm để trình Giám đốc xét duyệt và báo cáo cấp trên. Từ đó, mọi hoạt động chuyên môn của Trung tâm về các lĩnh vực Y tế dự phòng như: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; phòng chống HIV/AIDS cũng như truyền thông giáo dục sức khoẻ luôn đạt hiệu quả cao, góp phần kiểm soát bệnh tật, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nhóm PVVX và CTV
Ý kiến ()