Qua 6 năm triển khai thực hiện Quyết định số 125/2011/QĐ-UBND ngày 10/10/2011của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển Trường THPT Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010-2020, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm.
Chất lượng học sinh giỏi của các trường trọng điểm cấp huyện thực sự góp phần tích cực tạo nguồn học sinh giỏi cho Trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nói chung, THPT Chuyên nói riêng thi đỗ vào các trường đại học đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, nhiều học sinh THPT Chuyên thi đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục mũi nhọn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự quan tâm đầu tư của tỉnh; số lượng giải và chất lượng giải chưa cao và thiếu ổn định; số giải Nhất, giải Nhì quốc gia, quốc tế còn ít; chưa hoàn thành chỉ tiêu về số giải quốc gia (có từ 75 - 80% học sinh tham gia thi đạt giải)... Nhìn chung, giáo dục mũi nhọn của Bắc Ninh chỉ xếp ở nhóm dưới (thứ 5 hoặc thứ sáu) trong các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng. Nguyên nhân chủ yếu tác động đến chất lượng giảng dạy và học tập là do công tác bố trí xếp sắp, sử dụng đội ngũ, tổ chức tuyển sinh, chất lượng dạy và học trong các nhà trường, công tác xây dựng cơ sở vật chất... chưa phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường THPT Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác giáo dục mũi nhọn, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn Trường THPT Chuyên và các trường THCS trọng điểm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” của ngành Giáo dục – Đào tạo là nhiệm vụ cần thiết. Theo đó, về quy mô, toàn tỉnh sẽ xây dựng và phát triển 8 trường THCS trọng điểm hiện có thuộc 8 huyện/thị xã/thành phố, tăng dần quy mô tuyển sinh bảo đảm mỗi trường có từ 12 đến 16 lớp (đối với các huyện), từ 16 đến 20 lớp (đối với thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh), mỗi lớp không quá 40 học sinh; thu hút 95% học sinh giỏi bậc học Tiểu học trong tỉnh vào học tại các trường THCS trọng điểm. Đồng thời củng cố, xây dựng phát triển Trường THPT Chuyên từ 34 lên 36 lớp (giai đoạn 2017 - 2020) và 39 lớp (giai đoạn 2021 - 2025). Phương thức tuyển sinh vào lớp 6 THCS trọng điểm thực hiện theo 2 bước: Xét tuyển theo hồ sơ đánh giá chất lượng học sinh toàn cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo; Tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực học tập theo bộ đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Giáo dục và Đào tạo.
Quy chế tuyển chọn giáo viên Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm, cơ bản thực hiện theo Quyết định số 61/2012/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND tỉnh Bắc Ninh nhưng có bổ sung một số tiêu chí tuyển dụng ở mức độ cao hơn. Đối với tuyển dụng giáo viên Trường THPT Chuyên: Sinh viên tốt nghiệp Đại học loại giỏi (hệ chính quy) học lớp đào tạo các môn khoa học tự nhiên giảng dạy bằng tiếng Anh của các Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; sinh viên (nguyên là học sinh Trường THPT, đoạt giải quốc gia trở lên) tốt nghiệp Đại học loại khá của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng được tiếp nhận không phải kiểm tra sát hạch là giảng viên có trình độ Tiến sĩ đang giảng dạy ở nước ngoài hoặc trong nước; giáo viên các Trường THPT trong tỉnh, ngoài tỉnh bồi dưỡng có học sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc có học sinh đoạt giải thi quốc tế; giáo viên nguyên là học sinh THPT đoạt giải quốc gia trở lên, có trình độ Thạc sĩ hoặc tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, loại giỏi (hệ chính quy) đang công tác tại các Trường THPT trong tỉnh, ngoài tỉnh.
Đối với tuyển dụng giáo viên 8 trường THCS trọng điểm, điều kiện tuyển dụng mới: Có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ (trước khi có học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ phải tốt nghiệp Đại học chuyên ngành sư phạm tại các trường công lập hệ chính quy (trừ liên thông); Sinh viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, loại giỏi (hệ chính quy) chuyên ngành sư phạm (trừ liên thông); Sinh viên tốt nghiệp Đại học loại khá chuyên ngành sư phạm nguyên là học sinh Trường THCS trọng điểm và học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh; sinh viên nguyên là học sinh các Trường THPT đoạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên. Đối tượng được tiếp nhận không phải kiểm tra sát hạch: Giáo viên có trình độ Thạc sĩ hiện đang giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS trong và ngoài tỉnh; giáo viên tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc, loại giỏi (hệ chính quy) chuyên ngành sư phạm (trừ liên thông) của các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hiện đang giảng dạy tại các Trường THPT, THCS trong và ngoài tỉnh; giáo viên các trường THCS có bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành sư phạm hệ chính quy (trừ liên thông) tham gia bồi dưỡng có học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên. Điều kiện áp dụng đối với việc tuyển dụng, tiếp nhận, hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên Trường THPT Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm là có vào, có ra theo quy chế ban hành (điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng giảng dạy). Trường hợp giáo viên về công tác tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh không thực hiện các cam kết khi tuyển dụng thì phải hoàn trả toàn bộ các khoản kinh phí và hỗ trợ đã được hưởng theo quy định.
Đề án nhằm mục tiêu phát triển Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm trên địa bàn tỉnh thành một hệ thống cơ sở giáo dục trọng điểm, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học đồng bộ, hiện đại, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng đào tạo học sinh năng khiếu, có tư chất thông minh, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của quê hương, đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là hình mẫu của cấp trung học (THCS, THPT) của tỉnh về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Các hoạt động giáo dục phải đứng đầu về chất lượng, là nơi đi đầu trong việc triển khai thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của học sinh, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm của học sinh, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế.
Để làm được điều đó, trước mắt ngành Giáo dục – Đào tạo tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền vận động nhằm thu hút tối đa số học sinh giỏi tốt nghiệp Tiểu học vào học tại các trường THCS trọng điểm; học sinh tốt nghiệp THCS loại giỏi, đặc biệt là học sinh các trường THCS trọng điểm dự thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Bắc Ninh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả ba môi trường giáo dục “Nhà trường - Gia đình - Xã hội” để giáo dục học sinh, đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài trong lĩnh vực giáo dục mũi nhọn. Đặc biệt thực hiện tốt công tác tuyển chọn đội ngũ giáo viên, đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng chất lượng; áp dụng hình thức “Có vào, có ra” đối với đội ngũ giáo viên và học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 8 trường THCS trọng điểm, sử dụng có hiệu quả việc mời chuyên gia về trường tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và giảng dạy cho học sinh các đội tuyểnhọc sinh giỏi dự thi quốc gia, khu vực, quốc tế. Sau nữa chú trọng đổi mới công tác quản lý, xây dựng khung chương trình dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp học phổ thông, tạo sự gắn kết giữa 8 trường THCS trọng điểm và Trường THPT Chuyên Bắc Ninh; coi trọng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, truyền thống của quê hương, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, năng lực giao tiếp cho học sinh bằng tiếng nước ngoài cho học sinh giỏi, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là tiền đề tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ý kiến ()