Thời gian qua, tích hợp nhiều giải pháp toàn diện và hiệu quả, ngành Y tế Bắc Ninh có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vị thế trên bản đồ ngành Y tế cả nước. Dẫu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn, song với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể lớn, tin rằng những năm tiếp theo, hệ thống y tế toàn tỉnh không ngừng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, cùng hướng tới mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của người bệnh, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Năm 2018, ngành Y tế tổ chức thành công chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi-rubella.
Trong hoạt động chuyên môn, với sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, ngành Y tế tỉnh đạt được những kết quả khả quan ở cả hoạt động dự phòng và khám chữa bệnh. Đầu tiên phải kể đến là việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chủ động giám sát phát hiện sớm, khoanh vùng xử trí kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch, không để dịch, bệnh truyền nhiễm bùng phát trên địa bàn. Duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai bảo đảm an toàn, 100% cơ sở TCMR đã triển khai phần phềm quản lý tiêm chủng: Tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ em dưới 5 tuổi đạt tỷ lệ trên 98%, chuyển đổi sử dụng vắc xin ComBe Five thay thế Quinvaxem trong TCMR.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, ngành đổi mới cách thức, thành lập Ban Chỉ đạo, phân công đơn vị phụ trách, đẩy mạnh triển khai quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại Trạm Y tế cấp xã. Công tác quản lý sức khỏe người dân trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử được thực hiện tại 126/126 trạm y tế, đã khởi tạo trên 1,1 triệu hồ sơ trên hệ thống; thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giữa các phần mềm tiêm chủng, khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế; rà soát cập nhật thông tin sức khỏe vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Duy trì đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế tại 126 xã, phường, thị trấn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế; bước đầu triển khai hiệu quả mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Năm 2018 đánh dấu bước chuyển biến tích cực trong công tác khám, chữa bệnh. Tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân đạt 35,97 (trong khi cả nước đạt 26,5 giường bệnh/1 vạn dân). Việc xây dựng phác đồ chẩn đoán điều trị, kiểm soát chất lượng xét nghiệm được chỉ đạo sát sao. Các đơn vị khám chữa bệnh triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu về can thiệp tim mạch, điện quang can thiệp; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng tiết chế được quan tâm.
Riêng với tuyến huyện, kĩ thuật chạy thận nhân tạo đã được triển khai tại tất cả 7 trung tâm y tế huyện, thị xã, giúp người bệnh phải chạy thận nhân tạo giảm thiểu thời gian đi lại, chi phí như trước đây. Cùng với đó, kĩ thuật chụp cắt lớp vi tính, nội soi tiêu hóa có gây mê, phẫu thuật nội soi, giảm đau trong đẻ…cũng giúp cho tuyến huyện nâng cao đáng kể chất lượng chẩn đoán và điều trị.
Sau nhiều năm phát động và duy trì, đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã trở thành nhu cầu tự thân của các đơn vị trong ngành Y tế. Nhờ đó, kết quả chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao, 93% người dân hài lòng dịch vụ y tế công của tỉnh; số lượt khám bệnh tăng, tỷ lệ chuyển tuyến giảm...
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển y tế toàn diện và chuyên sâu, công tác tuyển dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực được Sở Y tế và các đơn vị rất quan tâm, tỷ lệ Bác sỹ/1 vạn dân hiện đạt 11,89 (cả nước mới đạt 8,6). Song song với việc tăng số lượng y bác sĩ, ngành rất coi trọng chất lượng, do đó đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao kết hợp với đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế.
Các TTYT tuyến huyện đã triển khai thành công kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Năm 2018, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, đã giảm thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% (166/166) thủ tục hành chính được công khai và giải quyết tại Trung tâm Hành chính công. Theo kết quả chấm điểm cải cách hành chính của UBND tỉnh, Sở Y tế xếp thứ 2 trong số các sở, ngành của tỉnh. Ngành Y tế cũng đi đầu trong công tác đổi mới, sắp xếp và kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đến nay tổ chức bộ máy ngành Y tế đã giảm 22 đầu mối so với cuối năm 2017, hiện ngành còn 25 đơn vị.
Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác Dược trên địa bàn; triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược, ứng dụng CNTT kết nối cơ sở bán lẻ thuốc; tăng cường giám sát quy chế kê đơn, quy chế sử dụng thuốc; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng thuốc lưu thông; duy trì đấu thầu thuốc, vật tư hóa chất tập trung, kiểm soát giá thuốc, tổ chức cung ứng kịp thời không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Thực hiện tốt chính sách pháp luật về BHYT, thời gian qua ngành Y tế đã phối hợp tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHYT; tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,165 triệu người tham gia BHYT, ước đạt 95%. Quyền lợi về cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT được bảo đảm.
Duy trì tốt công tác quản lý thai nghén ở tuyến y tế cơ sở, 100% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ, nâng cao tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; không xảy ra tử vong mẹ, tỷ suất tử vong sơ sinh dưới 13%o; Triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi, kết quả cân đo tại cộng đồng 13,3%. Thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dần được kiểm soát, năm 2018 giảm 1,8 điểm % so với năm 2017, còn 115,5 trẻ trai/100 trẻ gái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên chặng đường phát triển, ngành Y tế Bắc Ninh đối mặt không ít khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở chưa cao, một số trạm y tế xã chưa làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu; tỷ lệ khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật; quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng còn thấp; nhận thức và ý thức của cộng đồng, sự quan tâm đầu tư của các địa phương về vệ sinh môi trường sống, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích còn hạn chế. Số lượng nhân viên y tế đã tăng tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chăm sóc toàn diện người bệnh. Việc điều hành, quản lý các cơ sở y tế, đặc biệt là ở một số bệnh viện công còn chậm được đổi mới; việc quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn còn khó khăn...
Có thể nói, những kết quả ngành Y tế đạt được thời gian qua khẳng định sự thay đổi toàn diện, trong đó có nhiều lĩnh vực mang tính đột phá. Trên cơ sở đó, năm 2019 ngành Y tế Bắc Ninh tiếp tục đổi mới, tích cực hưởng ứng phong trào “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”, thực hiện mục tiêu của toàn ngành là ”Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân”. Toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Y tế Bắc Ninh tiếp tục phấn đấu và nỗ lực hơn nữa nhằm phát huy tối đa những kết quả đã đạt được; khắc phục những khó khăn, tồn tại hạn chế; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 như mục tiêu của tỉnh đã đặt ra.
TTƯT, Bác sĩ - Tiến sĩ Tô Thị Mai Hoa
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế
Ý kiến ()