Thực tiễn phát triển phong phú về quy mô, tốc độ và chiều sâu sau 70 năm cầm quyền, nhất là gần 30 năm của công cuộc đổi mới, cấp bách đòi hỏi phải không ngừng xây dựng, chỉnh đốn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Ðảng nhấn mạnh “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền”.
Nhìn lại 70 năm cầm quyền, qua mỗi chặng đường, căn cứ vào nhiệm vụ, Ðảng ta luôn chủ động cải tiến đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn cách mạng, khẳng định ngày càng vững chắc vị trí, vai trò quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ðồng thời Ðảng không ngừng trưởng thành và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trên phương diện lãnh đạo và cầm quyền.
Từ năm 1986, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc đất nước, Ðảng đứng trước yêu cầu phải đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam-Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Ðảng từng bước cụ thể hóa, làm sang tỏ và phong phú hơn các quan điểm chỉ đạo, yêu cầu và bước đi không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử:
Bước tiến quan trọng là, đáp ứng yêu cầu phát triển của công cuộc đổi mới, Ðảng ta nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn, trong hoạch định nội dung lãnh đạo, cầm quyền xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan lãnh đạo của Ðảng nêu cao vai trò lãnh đạo tập trung, thống nhất, khắc phục dần tình trạng ôm đồm, bao biện hoặc buông lỏng, phiến diện, từng bước phát huy vai trò chủ động của các cơ quan Nhà nước trong quản lý điều hành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tính tích cực xã hội của các tầng lớp nhân dân.
Cho đến nay, sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là những khâu đột phá, những lĩnh vực quan trọng như thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị… Chưa thể chế hóa cụ thể hóa phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng. Dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Ðảng đã nhận định: “Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn chậm; chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền…”.
Trước đòi hỏi bức bách của đất nước, của dân tộc trong công cuộc đổi mới là phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ và phát triển nhanh bền vững hơn; để làm tròn vị trí, vai trò, trách nhiệm lịch sử, Ðảng ta phải tiếp tục tự đổi mới sâu sắc, toàn diện hơn nữa nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng.
1- Trước hết phải mở rộng và phát huy dân chủ trong Ðảng, dân chủ trong tập thể cấp ủy, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Ðảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận của nhân dân tập trung sức lực, trí tuệ vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường ổn định chính trị, không ngừng đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ then chốt, củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
2- Trong quá trình đổi mới và nâng cao phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng, điểm rường cột và nổi bật là tiếp tục nắm vững nguyên tắc đảng cầm quyền trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành của hệ thống chính trị.
3- Ðảng lãnh đạo toàn diện đất nước, cấp ủy lãnh đạo toàn diện từng địa phương, chịu trách nhiệm về mọi thành công và thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Sự lãnh đạo của Ðảng là để bảo đảm quyền lực của nhân dân, thực sự thuộc về nhân dân. Vì chỉ có Ðảng lãnh đạo thì Nhà nước mới thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ðảng không buông lỏng sự lãnh đạo, nhưng cũng không được đứng trên Nhà nước, không độc đoán với Nhà nước, mà phải thực thi chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của mình thật sự dân chủ, theo khuôn khổ hành lang pháp luật và Ðảng cầm quyền chứ không Nhà nước hóa mình. Ðây không chỉ là vấn đề có tính nguyên tắc mà còn là bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới sinh động và thành công vừa qua, trên tất cả mọi phương diện của đất nước.
4- Ðảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội, chủ yếu thông qua Nhà nước. Do đó, Ðảng phải phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân là những nhân tố thống nhất. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự phát triển của đất nước của địa phương là thước đo trình độ lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng. Lãnh đạo của Ðảng là phải làm cho Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và vì mục tiêu tối cao là bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân. Là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, Ðảng đặc biệt đề phòng phạm phải các sai lầm, như quan liêu, lạm quyền, thoái hóa, biến chất, đặc quyền, đặc lợi… Vấn đề mấu chốt là phải phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ðảng và của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, nội dung, hình thức, biện pháp phát huy dân chủ, chăm lo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; phát huy mạnh mẽ trí tuệ, nghị lực và năng lực sáng tạo to lớn của nhân dân.
5- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là xây dựng phương pháp, cách thức quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tuân thủ pháp luật, là nêu cao vai trò của pháp chế, mọi tổ chức, mọi công dân đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật… nhằm phục vụ và bảo vệ tốt nhất lợi ích của nhân dân, của đất nước. Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta xây dựng là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dựa trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ tri thức làm nền tảng, do Ðảng lãnh đạo.
6- Phải lấy hiệu quả của tổ chức thực hiện đường lối chính trị, sự trưởng thành toàn diện của Ðảng, của hệ thống chính trị, trình độ phát triển dân chủ của xã hội, mối liên hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là thước đo quyết định sự thành công hay không của việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng. Ðây là sự kiểm chứng đúng đắn và nghiêm khắc nhất vai trò, năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng. Các cấp ủy, các tổ chức Ðảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy đó làm tiêu chí để tự soát xét, đánh giá mình, từ đó chủ động điều chỉnh kịp thời phương pháp, hình thức công tác phù hợp trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
7- Với tư cách là Ðảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Ðảng là nghệ thuật Ðảng hóa thân trong toàn bộ hệ thống chính trị và toàn bộ đời sống xã hội, trên nền tảng pháp quyền XHCN và truyền thống văn hóa chính trị-đạo đức-xã hội Việt Nam. Thể hiện vị thế và trách nhiệm của Ðảng, lãnh tụ chính trị của dân tộc, cầm quyền, vận hành toàn bộ xã hội Việt Nam, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ðảng giữ tư cách hạt nhân, là trung tâm của hệ thống chính trị và xã hội một cách dân chủ. Ðây là vấn đề căn bản, không thể mơ hồ hay buông lỏng.
8- Sự lãnh đạo của Ðảng bảo đảm cho Nhà nước hoạt động theo đúng đường lối chính trị, phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra. Phương thức lãnh đạo của Ðảng không dùng mệnh lệnh hành chính, mà là phát huy dân chủ, đề cao tính đảng và nâng cao năng lực thực tế của tổ chức Ðảng và đảng viên hoạt động ở các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Thành công hay không trong sự nghiệp đổi mới những năm tiếp theo, thuộc phần cơ bản và quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Ðảng. Nó quyết định sứ mệnh cầm quyền của Ðảng, nhân tố quan trọng bảo đảm cho những quyết sách chính trị của Ðảng thành công, góp phần quyết định vị thế, năng lực, sức mạnh và trách nhiệm lịch sử của Ðảng ngang tầm phát triển đất nước, quê hương hiện nay và tương lai.
Ý kiến ()