Luôn yêu nghề, vì nghề và mong muốn được cháy hết mình trên sân khấu biểu diễn Quan họ, cuối năm 2024, Nghệ sĩ Ưu tú Lương Trung Kiên (NSƯT Trung Kiên), Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong 34 gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh. Đầu xuân mới, phóng viên Báo Bắc Ninh có cuộc trò chuyện thân mật cùng NSƯT Trung Kiên về niềm vinh dự này.
Phóng viên (PV): Chúc mừng NSƯT Trung Kiên đón nhận niềm vui trong mùa xuân mới. Cảm xúc của anh bây giờ thế nào?
NSƯT Trung Kiên: Nhân dịp đầu xuân mới, xin gửi tới công chúng, bạn đọc Báo Bắc Ninh lời chúc mừng của người Quan họ “sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm”. Cuối năm 2024, tôi vinh dự là một trong 34 nghệ sĩ tiêu biểu toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh tại Nhà hát Lớn, thành phố Hải Phòng. Tôi rất xúc động và hạnh phúc khi đón nhận niềm vinh dự này và đến bây giờ vẫn còn cảm thấy lâng lâng. Đây là sự ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu của cá nhân song cũng là thành tích chung, là công sức luyện tập của cả tập thể nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Sự tôn vinh này từ kết quả Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024 mà đoàn nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh gặt hái được ở chương trình “Quan họ tự truyện”, trong đó, tôi cùng nghệ sĩ Hữu Duy song ca tiết mục “Xe chỉ luồn kim”. Hai anh em ngày đêm luyện giọng và được các thầy nắn chỉnh từng câu, từng chữ. Chúng tôi cố gắng hết sức thể hiện cái hay, cái đẹp của tác phẩm và thật hạnh phúc khi tiết mục được trao Huy chương Vàng.
NSƯT Trung Kiên (giữa) và tốp nam thể hiện tiết mục Acapella Bèo dạt mây trôi, Cò lả, Trống cơm.
PV: Gần 30 năm say mê gắn bó với Quan họ, NSƯT Trung Kiên không chỉ là giọng ca thu hút sự mến mộ của công chúng mà còn tạo được thương hiệu riêng. Nghệ sĩ có thể chia sẻ đôi nét về những dấu ấn nổi bật trong quá trình hoạt động nghệ thuật?
NSƯT Trung Kiên: Suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được góp phần quảng bá vẻ đẹp đặc sắc của di sản Dân ca Quan họ với đông đảo khán giả trong và ngoài nước. Yêu nghề, vì nghề, tôi luôn mong muốn được thể hiện và cháy hết mình trên sân khấu biểu diễn Quan họ. Đặc biệt, bản thân tự ý thức học hỏi từ các liền anh liền chị gạo cội để lấy kinh nghiệm cho mình, tự xây dựng cho mình phong cách biểu diễn, những nét riêng của người nghệ sĩ.
Một trong những dấu ấn nổi bật là năm 2015, tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đối với những người làm nghệ thuật, đây là một sự ghi nhận rất lớn, tạo động lực khích lệ chúng tôi cống hiến nhiều hơn nữa.
PV: Vừa là nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp vừa tham gia công tác lãnh đạo quản lý, nghệ sĩ đặt ra trách nhiệm như thế nào để tròn được cả hai vai?
NSƯT Trung Kiên: Là nghệ sĩ chuyên nghiệp, học hỏi được chút vốn liếng ít ỏi, chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm không ngừng nỗ lực, trau dồi để giới thiệu cái hay, cái đẹp của văn hóa Quan họ với đông đảo công chúng vì càng lan tỏa bao nhiêu thì sức sống, sự trường tồn của di sản càng bền vững bấy nhiêu. Bản thân tôi luôn tự tìm tòi, trau chuốt câu hát làm sao cho phù hợp với thị hiếu, tai nghe của khán giả đương đại và mạnh dạn thử sức với những hình thức, phong cách biểu diễn mới...
Trên cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm, nâng cao công tác quản lý, bám sát chủ trương, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành giao để triển khai nhiệm vụ bảo đảm đúng, trúng. Hàng năm, chúng tôi mời các nghệ nhân, thế hệ nghệ sĩ đi trước về chia sẻ kinh nghiệm và truyền dạy những làn điệu cổ. Từ đó, chọn lựa những bài có lời hay, giai điệu đẹp để làm mới và đưa lên biểu diễn trên sân khấu. Thị hiếu âm nhạc của khán giả ngày càng đòi hỏi rất cao. Nhiều dòng nhạc, dòng dân ca được đổi mới. Trong bối cảnh đó, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng đang nỗ lực thay đổi, tích cực mời các đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ tham gia hòa âm, phối khí, làm mới làn điệu Quan họ. Chẳng hạn, năm 2022 tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc tại Đắk Lắk, chúng tôi mạnh dạn thể nghiệm phong cách hát A cappella với ba bài Quan họ là Trống Cơm, Cỏ Lả, Bèo dạt mây trôi. Tiết mục đó đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan. Sau đó, Nhà hát tiếp tục xây dựng chương trình thể nghiệm như kịch hát “Trương Chi”, “Sự tích hội Lim” đưa lên biểu diễn trên sân khấu và được khán giả đón nhận, đánh giá rất cao. Sắp tới, chúng tôi không chỉ hát, biểu diễn mà còn tham gia các vai diễn trong những vở ca kịch Quan họ, giúp công chúng thẩm thấu giá trị, vẻ đẹp đa diện của di sản, từ đó thêm hiểu và yêu Quan họ hơn.
NSƯT Trung Kiên (trái) song ca cùng nghệ sĩ Hữu Duy tiết mục “Xe chỉ luồn kim”.
Phát huy truyền thống 55 năm Nhà hát Dân ca Quan họ, tiếp nối các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội đi trước, tôi cùng với các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tiếp tục nỗ lực, trau dồi phục vụ khán giả để di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Song song với nhiệm vụ trọng tâm là biểu diễn quảng bá Quan họ, Nhà hát Dân ca Quan họ duy trì biểu diễn hàng tuần, hàng tháng phục vụ nhân dân, giúp thế hệ trẻ tiếp cận, thẩm thấu vẻ đẹp di sản; khuyến khích các nghệ sĩ đem vốn liếng tích lũy được tích cực truyền dạy cho liền anh, liền chị của các CLB Quan họ ở trong và ngoài tỉnh, thậm chí một số nghệ sĩ của Nhà hát còn kết nối truyền dạy trực tuyến cho bà con kiều bào yêu Quan họ ở nước ngoài.
PV: Tham gia nhiều chuyến lưu diễn quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở nước ngoài, có kỷ niệm sâu sắc nào trong những lần nghệ sĩ cùng đồng nghiệp mang “hồn quê” ra thế giới?
NSƯT Trung Kiên: Đối với tôi, lần lưu diễn nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên bởi chúng tôi luôn được bà con kiều bào và du khách nước ngoài chào đón và dành nhiều tình cảm yêu mến, trân trọng. Kỷ niệm sâu sắc nhất là năm 2011, lần đầu tiên chúng tôi sang biểu diễn tại Trung tâm UNESCO ở Thủ đô Pari của Pháp trước đông đảo quan khách quốc tế. Khi chúng tôi hát xong, những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả cứ kéo dài mãi. Sau lần đó, chúng tôi còn đến biểu diễn quảng bá Quan họ ở Ba Lan, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Liên bang Đức, các nước Bắc Âu... Mỗi chuyến lưu diễn đều để lại cảm xúc, ấn tượng sâu sắc mà khi nhớ lại tôi vẫn thấy xúc động.
Nhớ lần biểu diễn ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đêm diễn kéo dài đến tận 12 giờ khuya (giờ Thụy Điển), khi ấy khách quốc tế ra về hết nhưng kiều bào vẫn ở lại và muốn được hát giao lưu cùng các nghệ sĩ. Họ xúc động cảm ơn nghệ sĩ và bày tỏ nỗi nhớ quê hương. Sau khi biết chúng tôi còn có lịch diễn ở Phần Lan và Đan Mạch, bà con kiều bào đã lái xe từ Thụy Điển sang tận Đan Mạch vừa để cổ vũ chúng tôi vừa chờ đón đoàn về nhà riêng tổ chức giao lưu văn nghệ. Chuyến lưu diễn đó có những đêm chúng tôi gần như thức trắng, dù khá mệt do lệch múi giờ nhưng trước tình cảm của bà con kiều bào, anh chị em nghệ sĩ vẫn nỗ lực hết mình, say sưa biểu diễn.
PV: Thưa nghệ sĩ, ở nhiều quốc gia, người ta bảo tồn và khuyếch tán âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền rất mạnh mẽ. Đơn cử như nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển vốn là âm nhạc cổ truyền của phương Tây trong thế kỷ 18-19 và nay họ đã phát tán rộng khắp hành tinh. Vậy với Dân ca Quan họ Bắc Ninh, anh có nghĩ rằng chúng ta cũng có thể mơ một giấc mơ đẹp như thế?
NSƯT Trung Kiên: Tôi nghĩ là chúng ta sẽ làm được vì so với dòng dân ca khác của Việt Nam, di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đang có sức lan tỏa sâu rộng và phát triển mạnh mẽ, nhận được rất nhiều sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các cấp, ngành và cộng đồng những người yêu Quan họ. Chất lượng các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Dân ca Quan họ ngày càng nâng lên. Vì vậy, niềm tin Quan họ có thể sánh ngang với các dòng nhạc dân tộc khác là điều hoàn toàn có thể thành hiện thực trong tương lai. Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ rất thông minh và tài năng, họ mashup nhiều làn điệu dân ca các vùng miền và đưa lên biểu diễn ở các sự kiện nghệ thuật lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng khán giả. Bản thân tôi khi xem các chương trình đó cũng thấy rất hấp dẫn. Tôi tin trong tương lai, Dân ca Quan họ Bắc Ninh sẽ phát triển và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn NSƯT Trung Kiên! Chúc di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh tiếp tục khuyếch tán và được công chúng yêu nhạc thế giới đón nhận.
Thanh Lâm
Ý kiến ()