“Tất cả mọi thứ xung quanh mình đều đẹp mặc dù nó rất tầm thường. Nếu mình khai thác được cái đẹp của nó thì một củ khoai, củ sắn, mớ rau, cái chổi cùn vẫn có thể trở thành tranh đẹp”. Góc nhìn dịu dàng, nhân hậu ấy là của một “người đàn bà vẽ” sống giữa hai thế kỉ, đi qua hai cuộc chiến, chứng kiến mọi thăng trầm, đổi thay của đất nước và trải đủ những truân chuyên cuộc đời. Bà là họa sĩ có cái tên rất mơ màng - Mộng Bích - “cây đại thụ lặng lẽ của làng tranh lụa Việt Nam”.
Trong miền kí ức
Một sớm thu lang thang tìm bình yên sau những ngày miền Quan họ phong tỏa vì đại dịch COVID-19, tôi đến làng Na, Hiên Vân, Tiên Du và tình cờ được biết họa sĩ Mộng Bích. Lần đầu tiên tôi gặp một nữ họa sĩ già tuổi 90, lưng còng, gầy nhỏ, có đôi mắt nhân hậu, giọng nói hiền lành và đặc biệt, bà có một tình yêu thuần khiết với hội họa.
Khi tôi gặp bà, tay trái của bà đang bị đau sau một tai nạn nhỏ trong sinh hoạt thường nhật, vì thế mà mấy tuần rồi bà không tự nấu ăn và cũng chẳng thể vẽ, chỉ loanh quanh trong căn phòng nhỏ, tựa mình bên khung cửa sổ đọc sách, ngắm thiên nhiên. Một người hàng xóm thân thiết bên Hà Nội kịp sang lo cơm nước và bầu bạn cùng bà trước ngày Hà Nội có lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian đó, con cháu từ Hà Nội chỉ có thể hỏi thăm sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bà qua điện thoại.

Ngôi nhà họa sĩ Mộng Bích đang sống và vẽ ở làng Na, Hiên Vân, Tiên Du.
Tôi không định quấy quả trong lúc bà đang đau mệt, chỉ muốn chào hỏi một lát rồi để bà nghỉ ngơi. Nhưng chẳng biết có phải hữu duyên mà bà cháu tôi rủ rỉ trò chuyện khá lâu, khoảng gần 2 tiếng. Thực ra cuộc tâm tình đó hầu như chỉ mình bà nói, còn tôi lặng lẽ lắng nghe. Bà bảo: “Báo chí phỏng vấn tôi nhiều nhưng chưa lần nào tôi kể nhiều như hôm nay, không hiểu sao gặp chị tôi lại nói được nhiều đến vậy!”
Qua giọng kể từ tốn và mạch lạc, những câu chuyện, kỉ niệm cứ nối tiếp hiện ra sống động và chính xác như in ra từ miền kí ức của bà. Bà kể về quê hương Kẻ Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội); nói về nơi chôn rau cắt rốn ở làng Cổ Đô (thị xã Sơn Tây) có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trữ tình. Bà thủ thỉ diễn giải tại sao mấy năm nay bà sống một mình trong nếp nhà thơ mộng ở làng Na. Đây là ngôi làng từng đón rất nhiều thế hệ họa sĩ về sáng tác. Và tình yêu của bà với ngôi làng đẹp như cổ tích này đến từ thuở bà còn là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam theo các thầy đi thực tập.
“Lúc tôi vẽ, ngôi làng vẫn giữ cảnh làng quê yên bình với nhà tranh, mái ngói cổ, cổng nhà cổ, các bờ tường đất mọc đầy rêu và dương xỉ. Các ngõ nhỏ với những con dốc cứ đan xen nhau như lạc vào mê cung đầy thơ mộng. Chính căn nhà tôi đang ở này là do Mai (họa sĩ Bùi Hoài Mai là con trai cả của họa sĩ Mộng Bích - PV) tự thiết kế và xây dựng lại từ căn nhà cấp 4 cũ trên mảnh đất 500m2 tôi mua năm 1997 bằng tiền thưởng 15 triệu đồng, giải Nhất cho bức tranh “Bà già” (bà ăn mày) trên lụa tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1993” - Họa sĩ già thủ thỉ.
Cuộc trở về quá khứ trong miền kí ức của họa sĩ Mộng Bích đã đưa tôi đi qua nhiều vùng miền Tổ quốc. Từ thung lũng Sapa hoang sơ tuyệt đẹp mà bà yêu đến mức từng có ý định mua nhà để lên đó sống... đến những kỉ niệm và ấn tượng khó quên về thiên nhiên, cuộc sống, con người của đồng bào các dân tộc. Và còn cả những câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh như: Cô gái Dao ngồi băm rau lợn, Lớp học xóa mù chữ của người Nùng, Múc nước chống hạn ở Hải Dương, Làng trẻ ở Võ Nhai, Một chiều ở vùng Chăm...
Nhớ khi bà sắp nghỉ hưu thì tờ báo Độc Lập giải thể, bà cùng nhà văn Băng Sơn được điều chuyển sang Viện Năng lượng Nguyên tử. Ở đây bà chẳng biết làm gì, bất đắc dĩ người ta cho bà đi vẽ lò phản ứng hạt nhân trong Đà Lạt. Chuyến công tác đặc biệt ấy in đậm mãi trong tâm trí bà. Trên đường đi, tàu đỗ tại ga Cà Ná, vô tình bà nhìn thấy một ông già người Chăm mặc đồ trắng, dắt một con ngựa, bên cạnh là cô gái Chăm đứng trên núi nhìn xuống đoàn tàu, dãy núi xanh lam làm nền. Cảnh tượng ấy đẹp và xúc động quá, bà quyết định báo về cơ quan cáo ốm dọc đường rồi ở lại Ninh Thuận hơn 1 tháng để vẽ người, vẽ cảnh thiên nhiên, vẽ công việc, cuộc sống của bà con vùng Chăm... Chuyến đi đó, bà có được rất nhiều phác thảo, kí họa và sau này xây dựng thành nhiều tác phẩm lớn.
Đi giữa hai thế kỉ
Lật giở những trang tiểu sử của họa sĩ già, thấy hiện ra một cô bé Mộng Bích vui vẻ và lãng mạn với tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm tươi đẹp. Mộng Bích được giáo dục cẩn thận và tử tế trong gia đình nền nếp bởi người bố là một nhà giáo rất mê đọc sách. Rồi cuộc chiến tranh chống Pháp nổ ra, bố đi công tác, Mộng Bích theo mẹ tản cư lên vùng sông Lô. Cũng từ đó, cuộc đời bắt đầu thử thách bà với muôn nỗi lo toan vất vả cùng mẹ và các anh chị em giữa bom rơi đạn lạc.
Dù yêu thích hội họa từ nhỏ và mong muốn trở thành họa sĩ nhưng mãi đến khi từ Việt Bắc trở về sau kháng chiến, bà mới được tiếp xúc với hội họa. Từ 1956 đến 1970, bà vừa làm vừa học hệ Trung cấp rồi học tiếp chính khóa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Bà là học trò của các bậc thầy hội họa như: Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái...
Tốt nghiệp năm 1970, bà về làm họa sĩ của báo Độc Lập. Những năm sau đó, người phụ nữ nhỏ bé gánh trên vai chồng chất khó khăn: Chồng ốm nặng, hai con trai còn nhỏ, cả gia đình loay hoay sinh hoạt trong căn phòng vỏn vẹn 7m2 ở số 58 phố Phó Đức Chính, Hà Nội. Quãng đời vất vả, lam lũ đó bà không có thời gian vẽ tranh, tưởng chừng phải bỏ nghề nhưng rồi bà vẫn cố xoay sở để được tiếp xúc với nghệ thuật.

Họa sĩ Mộng Bích trong triển lãm cá nhân “Đi giữa hai thế kỉ” vào mùa Thu năm 2020 tại Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Nguồn ảnh: Bùi Hoài Nam Sơn
Tâm sự về cuộc đời mình, bà kể: Chồng tôi là nghệ sĩ violin. Ông ốm nặng nhiều năm trong lúc các con còn nhỏ. Thời bao cấp khó khăn chung, dẫu đói ăn, thiếu mặc nhưng tôi cố gắng để các con có sách đọc và được sống với sở thích nghệ thuật. Có lẽ nhờ thế mà cả Mai, Linh đều trưởng thành, không bị cám dỗ, sa ngã vào tệ nạn (hai con trai của bà: Bùi Hoài Mai và Bùi Hoài Linh đều là họa sĩ thành danh, có phong cách riêng-PV).
Sau thời mở cửa và xóa bỏ bao cấp, cuộc sống bớt khó khăn, bà bắt đầu dành thời gian cho mình, đi thực tế nhiều hơn. “Đến năm 1995, bà đã có chỗ riêng trong hội họa. Bà không đem đến điều gì mới về ngôn ngữ nghệ thuật nhưng tranh bà hết sức ám ảnh về thân phận, nó làm ta suy ngẫm về kiếp người, sự sinh trưởng của tính cách từ cá nhân đến xã hội” - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Đi qua 90 mùa xuân, giữa hai thế kỉ đầy biến động, họa sĩ Mộng Bích hiểu rất rõ cuộc đời. Cái cuộc đời mà người ta bảo chẳng tha cho bà bất cứ điều gì, từ mộng mơ, lãng mạn đến lo toan và vất vả, từ truân chuyên, nghèo khó đến đam mê trong trẻo và an hưởng, vui sống...
Từ 2011 đến nay, họa sĩ Mộng Bích chuyển về sống và vẽ trong nếp nhà xưa lặng lẽ giữa làng Na. Ở tuổi 90, bà vẫn miệt mài, kiên trì bên giá vẽ, đọc sách và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh nổi tiếng thế giới do các cháu nội của bà tuyển chọn. Thỉnh thoảng, bà dọn nhà đón bạn từ Hà Nội lên chơi, có khi bà ngồi suốt 4-5 tiếng đối thoại về hội họa bằng tiếng Pháp cùng những vị khách đến từ Viện Pháp - những người sau đó đã hỗ trợ bà mở triển lãm cá nhân đầu tiên “đi giữa hai thế kỷ” vào mùa Thu năm 2020, đánh dấu sự nghiệp hơn 6 thập niên cầm cọ của bà.
Người đàn bà vẽ lụa
Suốt hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, họa sĩ Mộng Bích để lại nhiều dấu ấn và thành công trong nền mỹ thuật nước nhà. Từ rất sớm, thầy Trần Văn Cẩn đã phát hiện ở bà khả năng “vẽ tranh bằng
bản năng và đầy cảm xúc”. Bà là một trong số ít nữ họa sĩ được tặng những giải thưởng hội họa quan trọng: Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc năm 1961 cho bức “Mẹ và con”; giải Nhất tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1993 với bức “Bà già”... Nhiều tranh lụa của bà đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam như: Nghệ sỹ ca trù Quách Thị Hồ, Tĩnh vật, Ông già người Chăm, Em bé ngủ...
Tuy vậy, chẳng bao giờ bà muốn gây sự chú ý. Bà vẫn luôn thầm lặng. Bà vẽ kỹ, chậm, chủ yếu vẽ trên lụa với kỹ thuật vờn tỉa, chuốt và rửa nhiều lần-ảnh hưởng từ lối vẽ của người thầy Nguyễn Phan Chánh. Theo họa sĩ Đỗ Đức, bà Mộng Bích là những người cuối cùng trong số ít ỏi họa sĩ hiểu sâu sắc về lụa và biết “nói chuyện” đến nơi đến chốn với chất liệu này. Giới trong nghề gọi bà là “cây đại thụ lặng lẽ của nền mỹ thuật Việt Nam”.
Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trong thời gian dài, Giáo sư Nora A.Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago (Mỹ) thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam: “Tranh của bà vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn”.
Tôi không có kiến thức về hội họa, bà cũng không chia sẻ cách bà đến với lụa và “đối thoại” cùng lụa như thế nào. Bà chỉ bảo: “Mọi thứ xung quanh mình đều đẹp mặc dù nó rất tầm thường. Nếu mình khai thác được cái đẹp của nó thì một củ khoai, củ sắn, mớ rau, cái chổi cùn vẫn có thể trở thành tranh đẹp”.
Niềm hạnh phúc của “người đàn bà vẽ lụa”-Mộng Bích cũng giản đơn như việc thấy một bà bán bánh mì bần thần đứng ngoài cửa kính, ngắm mãi bức tranh của mình vẽ một cô gái dân tộc ngồi băm rau chăn lợn. Họa sĩ kể: Người bán bánh mì ấy cứ đi qua đi lại để ngắm nghía bức tranh, chắc là bà ấy đang nhớ nhà. Nhân dân thích tranh, những người bình dân thích, giao cảm được cùng tranh là tôi vui rồi!
Mọi người gặp thấy họa sĩ Mộng Bích giản dị, một sự giản dị thanh cao bởi sự sâu sắc ẩn ngầm bên trong. Tôi cảm nhận ở bà vẻ đẹp khiêm nhường nhân hậu của người nghệ sĩ đích thực. Một thần thái thuần khiết độc nhất vô nhị, riêng có của người đàn bà vẽ lụa ở làng Na.
Thanh Lâm
Ý kiến ()