Văn miếu Thăng Long (thường gọi là Văn miếu-Quốc Tử giám) hiện có 82 tấm bia đề danh các vị đỗ Tiến sĩ (TS) từ khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462) đến khoa thi Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) và một văn bia dựng năm Tự Đức thứ 16 (1863) nói về tình trạng các văn bia ở Văn miếu Thăng Long (Hà Nội).
Tất cả những văn bia này đều do những danh sĩ nổi tiếng trong nước soạn, trong đó có nhiều danh sĩ là người Bắc Ninh (theo địa giới hành chính hiện nay).
1- Đào Cử, người soạn văn bia “Quang Thuận tứ niên Quí Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Hồng Đức thứ nhất (1470), ghi chép về khoa thi Hội năm Quí Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) và họ tên, quê quán của 44 vị TS.
Đào Cử sinh năm Kỷ Tỵ (1449), người xã Thuần Khang, huyện Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành). Năm 18 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 đời vua Lê Thánh Tông (1466). Sau đó, lại trúng khoa thi Hoành từ. Sau khi thi đỗ, ông được đổi tên là Đào Thuấn Cử. Ông tòng chinh có công, 3 lần được thăng chức, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ kiêm Sùng Văn quán, Tú Lâm cục, Hàn lâm thị giảng, Đông các Học sĩ. Về trước tác, ông được giao làm tuyển tập “Cổ kim thạch tuyền thi tập”, tham gia biên soạn bộ “Thiên Nam dư hạ tập“ và được giao viết nhận xét các tập “Cổ kim bách vịnh”, “Thân chinh ký sự“ của vua Lê Thánh Tông.
2- Đàm Văn Lễ, người soạn văn bia “Quang Thuận thất niên Bính Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Hồng Đức thứ 15 (1484), ghi chép về khoa thi Hội năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) và họ tên, quê quán của 27 vị TS đỗ khoa đó; văn bia “Cảnh Thống ngũ niên Nhâm Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký”, dựng năm Đại Chính thứ 7 (1536), ghi chép về khoa thi Hội năm Cảnh Thống thứ 5 đời vua Lê Hiến Tông (1502) và họ tên, quê quán của 61 vị TS.
Đàm Văn Lễ tên tự là Hoằng Kính, tên hiệu là Chân Trai, sinh năm Nhâm Thân (1452), người xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương (nay là thôn Sơn Nam, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh), xuất thân là dân hạng. Năm 17 tuổi, đỗ Giải nguyên khoa thi Hương, năm 18 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469). Ông được cử đi sứ phương Bắc, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, Chưởng Hàn Lâm viện sự kiêm Đông các Đại học sĩ. Những năm thuộc niên hiệu Hồng Đức (1470- 1497), ông tham gia biên soạn sách “Thiên Nam dự hạ tập”. Vào niên hiệu Cảnh Thống (1496- 1504), ông cùng Nguyễn Quang Bật nhận di chiếu của vua Lê Hiến Tông phò Lê Túc Tông lên ngôi. Khi Lê Uy Mục lên ngôi, ông bị giáng làm Thừa Chính sứ Quảng Nam. Trên đường vào Quảng Nam nhậm chức, khi đến bến đò An Lạc, thuộc trấn Nghệ An, Lê Uy Mục cho người đuổi theo, bắt phải tự tử, lúc đó là tháng 5 năm 1505. Vào niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), vua Lê Tương Dực biết ông vô tội, truy phong là Bái Trung lang. Ông là ông nội của TS Đàm Văn Tiết.
3- Nguyễn Xung Xác, người soạn văn bia “Hồng Đức thập nhị niên Tân Sửu khoa Tiến sĩ đề danh kí“, dựng năm Hồng Đức thứ 15 (1481), ghi chép về khoa thi Hội năm Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1466) và họ tên, quê quán của 40 vị TS đỗ khoa thi đó.
Nguyễn Xung Xác sinh năm Tân Mùi (1451), người xã Kim Đôi, huyện Võ Giàng (nay là thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, TP Bắc Ninh). Ngày nhỏ, ông có tên là Nhân Bồng, sau đổi là Trọng Xác. Ông đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời vua Lê Thánh tông (1469) khi mới 19 tuổi. Xung Xác là tên do vua đặt cho sau khi thi đỗ. Năm Quí Mão (1483), ông được cử làm Hàn lâm Thị độc, Chưởng viện sự. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc. Sau khi đi sứ về, ông được thăng chức Tả Thị lang bộ Lại. Ông có chân trong tổ chức “Tao đàn nhị thập bát tú” do vua Lê Thánh Tông làm Tao đàn nguyên súy.
4- Nguyễn Đăng Cảo, người soạn văn bia “Thuận Bình lục niên Giáp Dần Chế khoa đề danh ký”, dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về việc mở Chế khoa thi Tiến sĩ năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) và họ tên, quê quán của 13 vị TS Chế khoa; văn bia “Chính Trị bát niên Ất Sưu khoa Chế khoa đề danh ký”, dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về việc mở Chế khoa thi TS năm Ất Sửu niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1565) và họ tên, quê quán của 10 vị TS; văn bia “Gia Thái ngũ niên Ất Sưu khoa Chế khoa đề danh ký”, dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về việc mở Chế khoa thi TS năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577) và họ tên, quê quán của 5 vị TS đỗ năm đó.
Nguyễn Đăng Cảo sinh năm Kỷ Mùi (1619), người xã Hoài Bão huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du), xuất thân Giám sinh. Năm 28 tuổi đỗ hội nguyên, vào thi Đình, đỗ đệ nhất giáp TS cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 đời vua Lê Chân Tông (1646), sau đó, ông lại đỗ đầu khoa thi Đông các. Ông làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, chưa đầy 3 năm thì bị bãi, rồi về nhà. Ông là người cương trực, nói thắng, nên không được trọng dụng. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc. Nhờ có văn chương lỗi lạc, nên người phương Bắc khen là “Nam quốc Văn khúc tinh“ (sao Văn khúc của nước Nam). Ông là anh Đăng Minh; bác Đăng Tuân, Đăng Đạo.
5- Nguyễn Đăng Minh, người soạn văn bia “Hoằng Định bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sĩ đề danh” dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về khoa thi Hội năm Đinh Mùi niên hiệu Hoằng Định thứ 8 (1607) và họ tên, quê quán của 5 vị TS đố khoa đó; văn bia “Hoằng Định thập nhị niên Canh Tuất khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về khoa thi Hội năm Canh Tuất niên hiệu Hoàng Định thứ 12 (1610) và họ tên, quê quán của 7 vị TS; văn bia “Hoằng Định thập tứ niên Quí Sửu khoa Tiến sĩ đề danh” dựng năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), ghi chép về khoa thi Hội năm Quí sửu niên hiệu Hoằng Định thứ 14 (1613) và họ tên, quê quán của 7 vị TS đố năm đó.
Nguyễn Đăng Minh sinh năm Quí Hợi (1623), người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du), xuất thân Giám sinh. Năm 23 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 đời Lê Chân Tông (1646). Ông làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử giám, tước Diên Lộc nam, chí sĩ. Ông là em Đăng Cảo, cha Đăng Đạo.
6- Phạm Khiêm Ích, người soạn văn bia “Tân Hợi khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Long Đức thứ 21 (1732), ghi chép về khoa thi Hội năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) và họ tên, quê quán của 12 vị TS; nhuận sắc văn bia “Bảo Thái bát niên Đinh Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký”dựng năm Long Đức thứ 2 (1733), ghi chép về khoa thi Hội năm Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727) và họ tên, quê quán của 10 vị TS; nhuận sắc văn bia “Long Đức nhị niên Quí Sửu khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Long Đức thứ 3 (1734), ghi chép về khoa thi Hội năm Quí Sửu niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) và họ tên, quê quán của 18 vị TS đỗ năm đó.
Phạm Khiêm Ích sinh năm Canh Ngọ (1690), người xã Bảo Triện huyện Gia Định (nay là thôn Bảo Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình), nguyên quán xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông vốn là họ Nguyễn, sau làm con nuôi Phạm Công Thiện nên đổi là họ Phạm. Ông đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm 21 tuổi, đỗ đệ nhất giáp TS cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa thi Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 đời vua Lê Dụ Tông (1710). Ông làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Hình, tước Phương Lĩnh hầu. Năm Bính Ngọ (1726), ông được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, khi về, được thăng Tả Thị lang bộ Hộ. Năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái thứ 9 (1728), đỗ đầu khoa thi Đông các, được thăng chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ. Thời kỳ đó, Chúa Trịnh Giang cho xây nhiều cung điện lâu đài. Phạm Khiêm Ích viết sách “Thẩm trị nhất lãm” để can gián. Chúa Trịnh tỉnh ngộ, thưởng cho ông nhiều tiền lụa và phong làm A bảo Tá lý công thần, rồi lại thăng chức Thượng thư bộ Lại kiêm Đốc phủ Thanh Hoa, sau đó thăng chức Thái tể Đại Tư không, tước Hoàn Quận công. Ông mất ở Thanh Hoa năm canh Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750), thọ 61 tuổi.
7- Bạch Phấn Ưng, người soạn văn bia “Vĩnh Hựu ngũ niên Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744), ghi chép về khoa thi Hội năm Kỷ Mùi niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) và họ tên, quê quán của 8 vị TS; văn bia “Cảnh Hưng tứ niên Quí Hợi khoa Tiến sĩ đề danh ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744), ghi chép về khoa thi hội năm Quí hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và họ tên, quê quán của 7 vị TS đỗ năm đó.
Bạch Phấn Ưng sinh năm Canh Ngọ (1690), người xã Cẩm Xá, huyện Gia Định (nay là thôn Cẩm Xá, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình), trước khi thi, ông từng làm Huấn đạo. Năm 34 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ 5 đời Lê Dụ Tông (1724). Ông làm quan đến chức Thừa Chính sứ Sơn Tây.
Danh sách 7 vị danh sĩ đất Bắc Ninh tham gia soạn hoặc nhuận sắc văn bia văn miếu Thăng Long có thể chưa đầy đủ. Bởi vì, theo nội dung văn bia “Đề danh bi đình ký” dựng năm Tự Đức thứ 16 (1863) thì cho đến thời điểm đó-năm 1863 số lượng bia chỉ còn mươi phần so với trăm phần lúc đầu, trải qua thời gian, đã có 10 tấm bia bị mờ, những tấm bia khác thì nằm rải rác ở các nơi. Như vậy, từ khi nhà Lê cho dựng bia TS cho đến khi văn miếu quốc gia chuyển vào Huế, có thể có hàng trăm bia đề danh TS, chứ không phải chỉ có 82 bia như hiện nay và do đó, số danh sĩ người Bắc Ninh soạn hoặc nhuận sắc văn bia ở Văn miếu Thăng Long không phải chỉ có 7 vị mà có thể còn nhiều hơn nữa.
Ý kiến ()