Biển báo tốc độ tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h cho tất cả các làn đường tại đoạn qua Khu công nghiệp Tiên Sơn (Tiên Du). (Ảnh 1: chụp ngày 20-4; ảnh 2 chụp ngày 28-4 được dán biển báo tốc độ).
Thực trạng tuyến đường
Quốc lộ 1 đoạn qua Bắc Ninh dài khoảng 20,5km, trong khi có tới 7 cầu vượt, 28 điểm đấu nối. Theo dự án BOT, đường được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trên nền đường cũ, chỉ trải thêm nhựa, không mở rộng, không bố trí thêm làn cho phương tiện mô tô, xe gắn máy, cũng chưa xây dựng đường gom dành cho loại phương tiện này. Việc nhà thầu BOT khai thác đúng với tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc tối đa 100km/h trong khi chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để cấm phương tiện mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc, chắc chắn sẽ gây mất ATGT và nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao.
Thị sát trực tiếp trên tuyến cho thấy, chỉ trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ mà có đến hàng nghìn lượt phương tiện kể cả ô tô con, xe tải, xe contene, xe rơmooc đầu kéo, xe mô tô, xe gắn máy... đua nhau chạy rầm rầm trên đường theo đúng vận tốc cho phép. Nếu các phương tiện cứ lưu thông với vận tốc như vậy thì TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra là điều có thể, thậm chí có nguy cơ dẫn đến các vụ TNGT liên hoàn.
Hiện hệ thống biển báo tốc tộ trên toàn tuyến được nhà thầu BOT lắp đặt hoàn chỉnh nhưng lại cho dán lấp, hoặc gạch chéo khiến người tham gia giao thông cũng như lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm ATGT lúng túng không biết phải chấp hành và xử lý vi phạm như thế nào. Dòng người, xe hàng ngày “cứ mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy vượt”, bất chất quy định của pháp luật về ATGT. Đây chính là nguyên nhân gây hỗn loạn, làm mất ATGT trên toàn tuyến. Ngay cả việc cắm biển báo cấm các phương tiện mô tô, xe máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc cũng khiến người tham gia giao thông khó hiểu và không biết phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ như thế nào.
Đơn cử như tại đường nhánh một chiều rẽ từ thành phố Bắc Ninh ra Quốc lộ 1, biển báo cấm các phương tiện mô tô, xe máy, xe thô sơ được đặt ở phía bên phải giữa đoạn đường, mà không đặt ngay đầu đường cho người tham gia giao thông nhận biết. Nếu chấp hành biển báo như hiện nay thì chẳng khác là “bẫy” người tham gia giao thông, bởi khi không thấy biển cấm rẽ vào đường nhánh, chắc chắn họ sẽ đi, đến giữa đường mới nhận biết được biển báo, nếu đi tiếp thì không được phép lưu thông trên cao tốc, còn quay đầu xe lại vi phạm đi ngược chiều.
Một thực trạng nữa là hiện nay, toàn tuyến chưa có một điểm dừng, đỗ đón trả khách nào cho các phương tiện chở khách, dẫn đến tình trạng phương tiện và người tham gia giao thông ngang nhiên vi phạm tụ tập, đón, trả khách tại các gầm cầu vượt, gây mất trật tự ATGT, trật tự công cộng và nguy cơ TNGT. Thực tế đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các gầm cầu vượt trong quá trình đợi xe, hoặc lên xe vội vàng vì sợ lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm ATGT kiểm tra, xử phạt. Bắc Ninh lại là tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn, thu hút hàng trăm nghìn công nhân trong và ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc nên nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng rất lớn. Nếu không quy hoạch, xây dựng ngay các điểm dừng, đỗ đón, trả khách thì bất cập đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng TNGT trên Quốc lộ 1.
Bắt đầu từ ngày 25-4, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang, qua Bắc Ninh sẽ thu phí thử nghiệm trong 10 ngày đầu, đến ngày 5-5 nhà thầu BOT sẽ chính thứ thu phí đường cao tốc, trong khi đoạn Hà Nội- Bắc Ninh vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn.
Bất cập về công tác tổ chức giao thông
Theo phương án phân luồng của nhà thầu BOT thì các phương tiện mô tô, xe máy từ hướng Hà Nội về Bắc Ninh bắt buộc ra cao tốc tại nút giao đê Phù Đổng (Gia Lâm) rồi đi đường đê Phù Đổng, ra tỉnh lộ 277, qua đường trục khu VSIP về huyện Tiên Du, đi Phật Tích ra Quốc lộ 38, rẽ vào đường giao thông nông thôn ra Quốc lộ 18... dài gần 27km, hoặc đi theo hướng đê Phù Đổng, hoặc đường khu công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm) về tỉnh lộ 295B. Các phương tiện đi từ Bắc Ninh ra Hà Nội đi theo tỉnh lộ 295B. |
Thực tế cho thấy, với công tác tổ chức giao thông như hiện nay, không thể bảo đảm ATGT khi đường đi quanh co, qua nhiều thôn, làng, đường huyện, đường đê... nhiều đoạn đường chưa được nâng cấp, thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, tổ chức giao thông chưa hoàn thiện, gây không ít khó khăn cho người tham gia giao thông, nhất là người ở các địa phương khác không biết đường đi, rất dễ gây ùn ứ giao thông và TNGT. Đặc biệt khi cấm mô tô, xe máy trên Quốc lộ 1 thì tuyến tỉnh lộ 295B sẽ là con đường chính cho các phương tiện mô tô, xe máy lưu thông đi Hà Nội hoặc chiều ngược lại, gây áp lực lớn về mật độ giao thông lên tuyến, chưa kể các phương tiện ô tô tránh trạm thu phí sẽ đi vào con đường này thì chắc chắn tỉnh lộ 295B không thể bảo đảm ATGT cho người tham gia giao thông. Hiện tại, tỉnh lộ 295B vẫn còn đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, chưa hoàn thiện về tổ chức giao thông, nhiều đoạn đường hẹp, tạo nút thắt cổ chai như khu vực Chùa Dận (Từ Sơn)... chưa bảo đảm các điều kiện để phân luồng xe mô tô, xe máy, xe thô sơ vào con đường này.

Biển báo cấm các phương tiện mô tô, xe máy, xe thô sơ vào Quốc lộ 1 được cắm giữa đường một chiều, lại bị che khuất tầm nhìn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Một bất cập nữa trong tổ chức giao thông là nằm hai bên Quốc lộ 1 có rất nhiều khu công nghiệp lớn, với số lượng công nhân tham gia giao thông rất đông, chưa kể công nhân Khu công nghiệp Yên Phong vẫn đang lưu thông bằng phương tiện mô tô, xe máy từ nhiều hướng ra Quốc lộ 1 rồi rẽ vào Quốc lộ 18 mới. Hiện nay nhà thầu BOT cắm biển cấm tất cả các phương tiện trên đi vào Quốc lộ 1, trong khi chưa làm đường gom, thì công nhân các Khu công nghiệp nằm hai bên đường sẽ lưu thông bằng con đường nào? Tỉnh lộ 286 từ thành phố Bắc Ninh đi Yên Phong “đương nhiên” sẽ là con đường chính cho công nhân Khu công nghiệp Yên Phong đi làm bằng phương tiện mô tô, xe máy. Với hiện trạng đường như bây giờ, chắc chắn tỉnh lộ 286 sẽ thường xuyên bị ùn tắc giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ người tham gia giao thông:
● Ông Nguyễn Văn Bái, lái xe contene BKS 15R-079.14 chuyên chở hành cho khu công nghiệp Yên Phong nói: “Với mức phí áp dụng cho đường cao tốc như hiện nay, có thể lên tới 5-6 triệu đồng thì chắc chắn chúng tôi sẽ không thể tiếp tục lưu thông trên tuyến”. ● Trần Văn Hưng, lái xe con BKS 29K-0472 thì cho rằng: “Chạy với vận tốc tối đa 100km/h cho tất cả các làn xe sẽ rất nguy hiểm, trong khi chưa cấm phương tiện mô tô, xe máy, xe thô sơ. Hơn nữa, bây giờ trên đường các biển chỉ dẫn tốc độ đều bị gạch chéo hoặc che lại, chúng tôi cũng không biết phải chấp hành với vận tốc bao nhiêu là đúng quy định”. ● Anh Nguyễn Văn Nam, công nhân khu công nghiệp VSIP bức xúc: “Tới đây mà cấm xe máy đi vào đường cao tốc, chúng tôi phải đi làm qua các thôn, làng rất xa, đường lại hẹp, lượng công nhân lớn, rất dễ gây ùn tắc, muộn giờ làm, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng tôi” |
Ngành chức năng nói gì?
Trước thực trạng trên, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn và kiến nghị bằng Văn bản gửi Bộ Giao thông, Vận tải đề nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư BOT phải bảo đảm các yếu tố cần thiết cho người, phương tiện tham gia giao thông an toàn mới có thể khai thác tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội- Bắc Ninh theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Nói như ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh Văn Phòng Ban ATGT tỉnh thì: “Cần mở rộng Quốc lộ 1, xây dựng đường gom 2 bên cho các phương tiện thô sơ, mô tô, xe gắn máy lưu thông như đoạn Cầu Như Nguyệt đi thành phố Bắc Giang. Cấp thiết phải khảo sát, xây dựng các điểm dừng, đỗ đón trả khách nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách của nhân dân mà vẫn bảo đảm ATGT”.
Công an tỉnh cũng có Văn bản kiến nghị chưa thực hiện phương án phân luồng phương tiện trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn Bắc Ninh. Trung tá Đặng Thanh Phong, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh nhận định: “Nếu cứ cấm các phương tiện thô sơ, xe mô tô, xe máy đi vào Quốc lộ 1 thì chắc chắn giao thông sẽ hỗn loạn, TNGT khó kiểm soát. Hơn nữa, việc khai thác vận tốc tối đa 100km/h không thể bảo đảm được ATGT trên tuyến, bởi toàn tuyến có tới 7 cầu vượt, 28 điểm đấu nối, nhập làn, tách làn, nên chỉ khai thác với vận tốc tối đa cho phép là 80km/h sẽ hợp lý và bảo đảm các yếu tố về ATGT”.
UBND tỉnh hiện chưa chấp thuận đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư BOT và đề nghị Bộ Giao thông, Vận tải chưa thực hiện phương án phân luồng giao thông như đề xuất của nhà thầu BOT khi chưa bảo đảm các điều kiện ATGT cần thiết.
Bộ Giao thông, Vận tải cũng yêu cầu nhà thầu BOT phải bảo đảm các yếu tố ATGT cần thiết khi đưa tuyến vào khai thác sử dụng theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Trong đó có hạng mục phải hoàn chỉnh đường gom dân sinh.
Các đơn vị quản lý đường và nhà thầu BOT phải nhanh chóng xem xét, khắc phục ngay những bất cập trên trong quá trình khai thác tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Đường đẹp, phương tiện lưu thông nhanh, thuận tiện, nhưng vẫn phải bảo đảm mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”. Nếu nhà thầu BOT và các đơn vị quản lý đường vẫn duy trì vận tốc tối đa 100km/h, cấm tất cả các phương tiện mô tô, xe máy vào Quốc lộ 1 với thực trạng tổ chức giao thông như hiện nay thì có thể bảo đảm được tính mạng cho người tham gia giao thông. Trách nhiệm đó sẽ thuộc về ai hay chỉ khổ người dân?
Ý kiến ()