Mùa xuân này, kỉ niệm tròn 100 năm Ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm (1922-2022). Quê hương Thuận Thành và Bắc Ninh tổ chức các hoạt động tọa đàm, thơ nhạc để tưởng nhớ thi nhân tài hoa miền Kinh Bắc. Ông đã tạc vào tâm thức nhân gian một dòng Đuống nghiêng nghiêng, một thứ lá diêu bông huyền thoại, một loại cỏ Bồng Thi mộng tưởng...

Nhà văn Phạm Thuận Thành (giữa, hàng trên) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình thi sĩ Hoàng Cầm tại quê nhà Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành.
Mùa xuân này, kỉ niệm tròn 100 năm Ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm (1922-2022). Quê hương Thuận Thành và Bắc Ninh tổ chức các hoạt động tọa đàm, thơ nhạc để tưởng nhớ thi nhân tài hoa miền Kinh Bắc. Ông đã tạc vào tâm thức nhân gian một dòng Đuống nghiêng nghiêng, một thứ lá diêu bông huyền thoại, một loại cỏ Bồng Thi mộng tưởng...
Phóng viên (PV) Báo Bắc Ninh trao đổi với Nhà văn Phạm Thuận Thành, Phân hội Trưởng Phân hội VHNT huyện Thuận Thành để cùng nhìn lại những đóng góp của thi sĩ Hoàng Cầm với quê hương, đất nước.
PV: Thưa nhà văn Phạm Thuận Thành, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật quê hương. Giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà chắc đang gấp rút chuẩn bị cho chương trình này?
Nhà văn Phạm Thuận Thành: Thi sĩ Hoàng Cầm quê ở làng Lạc Thổ, nay thuộc thôn Lạc Thổ Nam, thị trấn Hồ, Thuận Thành. Cho nên, từ giữa năm 2021, Phân hội VHNT huyện đã có văn bản tham mưu, đề xuất tổ chức các hoạt động kỉ niệm 100 năm Ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm để tôn vinh nhà thơ Kinh Bắc có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt chương trình Thơ-Nhạc Hoàng Cầm do Hội VHNT tỉnh tổ chức tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh). Phía huyện Thuận Thành cũng chỉ đạo thị trấn Hồ phối hợp với Phân hội VHNT tổ chức Tọa đàm kỉ niệm 100 năm Ngày sinh Hoàng Cầm vào đúng ngày sinh của ông 22-2. Đặc biệt, huyện đã có phương án đặt tên phố Hoàng Cầm tại khu vực đô thị trung tâm khi Thuận Thành lên thị xã. Được biết, Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình và những người yêu mến thơ Hoàng Cầm cũng có dự án kỉ niệm với nhiều hoạt động như xuất bản, ra mắt sách, làm phim, trình diễn thơ, nhạc Hoàng Cầm… Mới đây thôi ngày 12-2 tại Hà Nội đã ra mắt 2 đầu sách là “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” do Quỹ tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm tổ chức và “Hoàng Cầm 100 bài thơ” do nhóm hoạ sĩ Lê Thiết Cương tổ chức.
Mong muốn của chúng tôi, qua dịp kỉ niệm này, các nhà văn, học giả sẽ một lần nữa đánh giá, khẳng định lại công lao của thi sĩ Hoàng Cầm với nền thơ ca cách mạng Việt Nam và tiếp tục đề nghị Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho sự nghiệp thi ca của ông.
PV: Theo những gì tôi đọc được thì thời trẻ thi sĩ Hoàng Cầm từng tham gia hoạt động cách mạng rất sôi nổi và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng?
Nhà văn Phạm Thuận Thành: Từ rất sớm, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, nhà thơ Hoàng Cầm về quê tham gia sự nghiệp cách mạng và được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Lạc Thổ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Vương Văn Trà, ông đi tuyên truyền đường lối của Việt Minh tại nhiều thôn làng trong huyện và trực tiếp tham gia cướp chính quyền ở phủ Thuận Thành xong mới chuyển ra Hà Nội.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hoàng Cầm lập đoàn kịch và đi biểu diễn khắp nơi. Đến năm 1947, Hoàng Cầm tham gia Vệ quốc quân và là người sáng lập Đoàn kịch của Liên khu. Đoàn kịch Liên khu sau chuyển đổi thành Đoàn văn công thuộc Tổng Cục Chính trị do Hoàng Cầm làm Trưởng đoàn. Với tài năng sáng tác văn thơ lại là một diễn viên kịch giỏi, Hoàng Cầm tham gia biểu diễn phục vụ kháng chiến rất sôi nổi. Ông nổi tiếng khắp nơi và được các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Tố Hữu... đánh giá cao. Đặc biệt, Hoàng Cầm là người sáng tạo ra hai môn nghệ thuật phù hợp với thời chiến là “độc tấu” và “đọc thơ”. Giọng đọc thơ của Hoàng Cầm cực hay, được ví như “giọng oanh vàng đất Bắc”.
PV: Vậy còn trong nền văn học Việt Nam, thi sĩ Hoàng Cầm có vị trí như thế nào, thưa nhà văn?
Nhà văn Phạm Thuận Thành: Đóng góp lớn và trọng tâm nhất của Hoàng Cầm với nền văn học cách mạng Việt Nam là trên lĩnh vực thi ca. Phải khẳng định trong nền văn học mới, hầu hết tác giả đều rất tài năng và định hình phong cách từ sớm. Từ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Anh Thơ... đến Hoàng Cầm, mỗi người đều có một giọng thơ rất riêng, không ai giống ai, đọc thơ là biết tác giả. Bằng tài năng ấy khi tham gia kháng chiến, các tác giả đều có đóng góp lớn cho nền thi ca cách mạng, có thể nói hình ảnh là họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền thi ca ấy.
Và cụ Hoàng Cầm nhà ta cũng vậy, 16 tuổi đã làm thơ rất hay, ngoài 20 tuổi sáng tác vở kịch thơ dài hơi “Kiều Loan” đẫm chất thơ “Đố ai rỡ được mái nhà/Để đàn chim sẻ bớt tha nỗi buồn”, 26 tuổi có “Bên kia sông Đuống”, ngoài 36 tuổi có cả tập thơ “Về Kinh Bắc”. Trong đó, thi phẩm bất hủ “Bên kia sông Đuống” là một trong những bài thơ đưa Hoàng Cầm lên vị trí hàng đầu của thơ ca kháng chiến, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu để ông được tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2007.
PV: “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”... và một số thi phẩm khác đã làm nên tên tuổi Hoàng Cầm nhưng hình như “Về Kinh Bắc” mới là tuyệt phẩm toàn bích, tiêu biểu nhất cho phong cách thơ ông?
Nhà văn Phạm Thuận Thành: Không phải hình như mà đúng như vậy! “Về Kinh Bắc” là tập thơ định hình rõ nét nhất phong cách Hoàng Cầm. Trước đó ông có một số bài nổi tiếng, cũng có giọng thơ riêng nhưng phải đến tập “Về Kinh Bắc”, sáng tác khoảng 1959-1960 mới hội tụ đầy đủ tinh hoa nghệ thuật Hoàng Cầm. Một sự đổi mới toàn diện cả tư duy tạo tứ, tư duy ngôn ngữ, hình ảnh đến ý tứ đều rất mới với con mắt thơ đầy sức liên tưởng, vượt thoát khỏi hiện thực.
Có thể vì giai đoạn ấy, nhà thơ đang bị “treo bút” do liên quan đến Nhân văn giai phẩm nên ông dồn hết thời gian, bút lực để viết “Về Kinh Bắc” và Hoàng Cầm đã thiết lập được một thế giới thơ độc đáo, một không gian tinh thần của riêng ông với giọng thơ buồn đặc trưng- là giọng buồn chứ không phải buồn chán hay buồn hận, giọng thơ buồn mang dấu ấn phong cách cá nhân.
PV: Trong một bài viết về Hoàng Cầm, nhà văn từng khẳng định: “Sinh ra ở Bắc Ninh như là một “biệt đãi” của số phận dành tặng Hoàng Cầm và Hoàng Cầm cũng chính là một “biệt đãi” mà số phận đã trao cho văn hóa Kinh Bắc, cho thi ca Việt Nam”. Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn?
Nhà văn Phạm Thuận Thành: Khi tìm hiểu thân thế Hoàng Cầm, tôi gặp con trai nhà thơ là ông Bùi Hoàng Anh và được biết, cụ nội của Hoàng Cầm là đại thần Bùi Tuấn, làm đến chức Tổng đốc hai tỉnh Hà Đông-Bắc Ninh. Có gia thế đồ sộ, Hoàng Cầm lại được sinh ra ở vùng đất miên man hội hè, chùa chiền, cùng nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc như hát ví, hát đúm, ca trù, trống quân, nhất là Dân ca Quan họ... Hồn cốt văn hóa truyền thống với những trầm tích di sản ngàn năm đã thấm ngấm, hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn sáng tạo, hình thành nền nếp, cốt cách thi ca của Hoàng Cầm sau này. Có thể nói, văn hóa Kinh Bắc đã định hình phong cách thơ Hoàng Cầm và đó chính là “biệt đãi” mà số phận dành tặng ông.
Chiều ngược lại, Hoàng Cầm là thi sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương. Tác phẩm của ông đậm hồn cốt, phong vị văn hóa Kinh Bắc. Như mở đầu bài “Lá diêu bông” là hình ảnh “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, ông gọi đích danh “váy Đình Bảng” chứ không phải thứ váy nào khác. Hoặc bài “Bên kia sông Đuống” với hình ảnh dòng Đuống nghiêng nghiêng cũng trở thành đặc sản trong tâm tưởng mọi người; rồi “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” đã đưa dòng tranh quê hương bừng sáng khắp thế giới; cả trong “Mưa Thuận Thành” tái hiện những tàn tích của lịch sử ngàn năm xưa cũ qua các triều đại đã sụp đổ để dựng lên văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc hôm nay...
Lại nói riêng tập thơ “Về Kinh Bắc”, Hoàng Cầm đã nhắc đến rất nhiều địa danh, rất nhiều phong tục Kinh Bắc, nếu ta có điều kiện đi hết các địa danh đó đủ làm nên một cuộc tuần du độc đáo khắp miền lễ hội, miền văn hoá. Thông qua các tác phẩm của Hoàng Cầm, hình ảnh quê hương Thuận Thành và Bắc Ninh-Kinh Bắc rực sáng, nổi bật, được bạn đọc cả nước và khắp thế giới biết đến. Như vậy, bằng sự nghiệp thi ca độc đáo, tài hoa, Hoàng Cầm đã trả hết nghĩa ân tình với đời, với quê hương.
PV: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông...”. Miền thơ tuyệt mỹ ấy với không gian văn hóa Kinh Bắc diễm tình cùng tên tuổi thi sĩ Hoàng Cầm sẽ trường tồn theo thời gian. Trân trọng cảm ơn những chia sẻ quý của nhà văn!
Thanh Lâm (thực hiện)
Ý kiến ()