Hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày Việt Nam ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, cũng là dấu mốc ghi nhớ “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 chính thức bắt đầu. Nhìn lại 100 ngày “chiến đấu” quên mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, có thể thấy những quyết sách quan trọng, phù hợp ở mỗi giai đoạn theo diễn biến dịch bệnh đều nhận được sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân chính là yếu tố quyết định đến kết quả cuối cùng - chiến thắng đại dịch.
Quyết liệt, mạnh mẽ ngay từ đầu
Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên là cha con người Trung Quốc từ Vũ Hán vào Việt Nam, hệ thống y tế toàn quốc được đặt trong tình trạng báo động. Là tỉnh có đông người nước ngoài sinh sống và làm việc, sự giao lưu, giao thương quốc tế phong phú, do vậy, Bắc Ninh xác định nguy cơ nhiễm và lây lan COVID-19 rất cao nếu không có biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt. Ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp chính thức bàn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Nhanh chóng ngay sau đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh được thành lập, kiện toàn và thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước. Có thể thấy, với con số hơn 600 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và ngành Y tế được ban hành trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh thực sự là mối quan tâm hàng đầu, nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay trong trận đầu của cuộc chiến, song song với hoạt động truyền thông để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và ý thức, kiến thức phòng bệnh, hàng loạt biện pháp mạnh được thực hiện và duy trì đã mang lại hiệu quả tích cực. Ở thời điểm Trung Quốc là tâm dịch của thế giới, hàng nghìn cán bộ y tế, Công an tuyến cơ sở kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để sàng lọc các trường hợp có yếu tố dịch tễ, ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng. Nhiều thông điệp, tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch được xây dựng phù hợp với các đối tượng nhân dân nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tờ rơi, áp phích, khẩu hiệu được in bằng tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc để việc tiếp cận thông tin của công dân nước ngoài trên địa bàn thuận lợi hơn.
Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở đầu tháng 3-2020.
Trong lúc khẩu trang y tế bị “thổi” giá lên nhiều lần, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá khẩu trang y tế, đặt may khẩu trang vải kháng khuẩn phát miễn phí cho học sinh, công nhân trên địa bàn. Cũng từ trong bối cảnh đó, hành động phát, tặng khẩu trang miễn phí cho người dân của nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã mang đến sự ấm áp tình người và thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Khi dịch bệnh chưa xuất hiện trên địa bàn, ngành Y tế chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với từng tình huống dịch, từ đây từng bước điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch của ngành đáp ứng một cách phù hợp với các cấp độ dịch. Ở thời điểm toàn tỉnh ghi nhận một ca dương tính với SARS-CoV-2 là ca bệnh xâm nhập thì phương án cách ly vùng có dịch COVID-19 cũng đã được thiết lập, hai Bệnh viện dã chiến và hàng loạt các địa điểm dự phòng làm nơi cách ly tập trung được chuẩn bị. Tại các cơ sở khám chữa bệnh của ngành Y tế, chủ động triển khai các phác đồ chẩn đoán và điều trị, giám sát dịch, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế; 14 đội cơ động, đáp ứng nhanh luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin và triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch.
Cảnh giác ngay cả khi dịch được kiểm soát tốt
Nhờ chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với tất cả tình huống dịch ở nhiều cấp độ, dù rất khẩn trương, quyết liệt trong công tác dập dịch, Bắc Ninh luôn bình tĩnh giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến hai ca mắc COVID-19 số 74 và 262. Nếu như bệnh nhân 74 (có kết quả xét nghiệm dương tính ngày 18-3) là ca xâm nhập, được đưa vào cơ sở y tế từ khu cách ly tập trung của tỉnh, việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần không mấy khó khăn thì công việc tương tự đối với bệnh nhân 262 - lây nhiễm từ “ổ dịch” Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) là công nhân làm việc tại Công ty Samsung Display Việt Nam (KCN Yên Phong) lại vô cùng vất vả và phức tạp đối với lực lượng chức năng do nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay trong đêm 12-4, khi bệnh nhân 262 có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, hơn 40 trường hợp liên quan đã được đưa vào khu cách ly tập trung. Việc tiếp tục xác định các trường hợp F1, F2 những ngày sau đó dường như không có điểm dừng. Công tác tìm kiếm, điều tra những người liên quan đến 262 càng nhanh, càng triệt để thì hiệu quả dập dịch càng cao, do đó, đã xác định được hơn 1.300 người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân 262, thực hiện cách ly y tế tại cơ sở y tế, cách ly tập trung và hướng dẫn tự cách ly tại nhà/cơ sở lưu trú phù hợp theo phân loại.
Trước đó, thông tin về “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai cũng khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Con số 1.347 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có thể cho một hình dung khá rõ nét về những nỗ lực và sự vất vả của cơ quan chức năng trong hoạt động điều tra, giám sát dịch trong quyết tâm chung là phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời và dập dịch triệt để.
Người bệnh, người nhà người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện khai báo y tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Ngay sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, để việc thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội nghiêm túc và hiệu quả, hàng loạt biện pháp cấp bách đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh triển khai. Trong nhiều ngày, gần 600 cán bộ, nhân viên y tế phối hợp với lực lượng liên ngành thực hiện nhiệm vụ “cắm chốt” tại hơn 300 chốt kiểm soát dịch - những “lá chắn” bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Cũng như các địa phương trong cả nước, qua hơn 3 tuần “sống chậm” đẩy lùi COVID-19, nhịp sống thường ngày đã cơ bản trở lại với người dân Bắc Ninh. Tính đến sáng ngày 12-5, ngày thứ 26 cả nước không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả tích cực từ hàng loạt chính sách, biện pháp dập dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc xuất hiện một số trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 trong nước cũng khẳng định công tác phòng, chống dịch vẫn còn nhiều gian nan, thử thách, người dân vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn, khuyến cáo.
Bài học kinh nghiệm ở một số quốc gia trên thế giới cũng đã cho thấy, virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”, nhiều người nhiễm không có triệu chứng, nhiều người khác lại có thời gian ủ bệnh rất lâu, không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần… Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng tất cả mọi quốc gia đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Bởi vậy, ngay lúc này, khi dịch COVID-19 vẫn được cho là đang được kiểm soát tốt, mọi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân yêu nước, cùng chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, cộng đồng bằng cách tiếp tục cảnh giác phòng ngừa, không chủ quan, lơ là. Đó cũng chính là hành động ý nghĩa chung tay đẩy lùi đại dịch.
Việt Hoa
Ý kiến ()