Hưởng ứng chương trình “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, các cấp, ngành, địa phương thi đua phát động các phong trào bảo vệ môi trường. Trong đó, xuất hiện nhiều điển hình “sống xanh” đáng để học tập, nhân rộng.
“Hãy cho tôi xin rác”
Góp sức xây dựng thành phố Bắc Ninh “sáng, xanh, sạch đẹp” có một phần công sức của các bạn trẻ, nổi bật là Bí thư Thành đoàn Bắc Ninh Trần Thu Hà. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Hà và các bạn năng nổ, nhiệt tình tham gia các chương trình tình nguyện và có nhiều sáng kiến trong công tác bảo vệ môi trường.
Các đại biểu ra mắt mô hình “Hãy cho Tôi xin rác” tại phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh).
Trò chuyện với Trần Thu Hà được biết, hưởng ứng Nghị quyết của Thành ủy về tăng cường công tác vệ sinh môi trường giai đoạn 2018-2022, Đoàn thanh niên Thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch “Tuổi trẻ thành phố Bắc Ninh chung tay hành động vì môi trường xanh - sạch”. Vận động thanh niên tích cực tham gia phong trào “Vì thành phố Bắc Ninh sạch” và cuộc vận động “10 phút làm sạch thành phố”. Thành đoàn đã thành lập và tổ chức 28 câu lạc bộ thanh niên xung kích, vệ sinh môi trường. Qua những lần tham gia, Hà nhận thấy ý thức của người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường còn hạn chế, nên nhân dịp Thành đoàn phối hợp với Hội LHTN thành phố tổ chức ra quân Chiến dịch Tuổi trẻ thành phố Bắc Ninh chung tay làm sạch ruộng đồng tại Khắc Niệm, Hà cùng các bạn đoàn viên đã ra mắt mô hình “Hãy cho Tôi xin rác”. Mô hình tuy đơn giản chỉ là những ống cống bê tông chứa rác nhưng được Hà và các bạn trẻ trang trí bắt mắt với lời kêu gọi “Hãy cho Tôi xin rác” thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân về công tác bảo vệ môi trường... Ngay sau thành công tại điểm Khắc Niệm, tuổi trẻ Thành phố ra quân nhân rộng với hàng chục ống cống bê tông được trang trí đẹp dùng để thu gom rác thải, bao bì, vỏ chai trên đồng ruộng và kênh mương, đồng thời trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Sáng kiến của Hà và các bạn được các cấp chính quyền, người dân đánh giá cao và được công nhận là sáng kiến tiêu biểu của tuổi trẻ trong xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Với vai trò là đầu tàu trong các hoạt động Đoàn, Trần Thu Hà trở thành niềm cảm hứng cho các bạn trẻ hăng hái tham gia các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Ngay tại gia đình, khu dân cư đang sinh sống, Thu Hà cũng là tấm gương nhiệt tình trong việc tuyên truyền, nhắc nhở mọi người sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước sạch... Nhiều phong trào do Thành đoàn phát động như: Chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, vệ sinh đường làng, ngõ xóm... đều có dấu ấn của Bí thư Thành đoàn Trần Thu Hà.
Những việc làm thiết thực vì môi trường sống xanh của Trần Thu Hà và các bạn đoàn viên, thanh niên được sự ghi nhận tích cực của các cấp, ngành và nhân dân thành phố, khẳng định tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ trong việc xây dựng thành phố Bắc Ninh trở thành thành phố đáng sống.
Gìn giữ “báu vật” thiên nhiên
Đến thăm vườn cò Đông Xuyên (xã Đông Tiến, Yên Phong) mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh của mây, nước và những rặng tre, nơi trú ngụ, sinh sống của hàng vạn con cò, vạc. Nơi đây được ví như là “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân địa phương luôn có ý thức gìn giữ bảo vệ hệ sinh thái vườn cò.
Ông Trần Ngọc Khuôn, Bí thư chi bộ thôn Đông Xuyên cho biết: Với tâm niệm “Đất lành chim đậu” người dân Đông Xuyên rất có ý thức bảo vệ đàn cò. Mọi người đều yêu mến, bảo vệ và coi chúng là “những người bạn thiên nhiên” gần gũi. Từ nhiều năm trước người dân trong thôn tình nguyện hiến gần 4.000m2 đất cấy lúa để trồng tre cho cò đậu. Bây giờ, diện tích vườn cò lên tới hơn 30.000m2 và UBND tỉnh quy hoạch, xác định vườn cò là một tài sản quý cần giữ gìn, bảo tồn. Năm 2009, vườn cò Đông Xuyên được công nhận là khu sinh thái. Tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng để kè, trồng thêm các khóm tre, tạo nơi trú ngụ cho cò, vạc. Cuối năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt dự án thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên... Mặc dù đã được quy hoạch, xác định khu bảo tồn, tuy nhiên có không ít thời điểm nạn săn bắn trộm cò, vạc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như số lượng đàn cò, vạc ở Đông Xuyên. Lực lượng công an xã, các đoàn thể thôn và người dân đã tích cực vào cuộc, ngăn chặn thành công các hành vi xâm hại đàn cò. Các lực lượng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ đàn cò; tuần tra, mở các đợt cao điểm xử lí nhiều đối tượng tham gia bẫy, săn bắn cò. Qua đó, răn đe, cảnh báo những đối tượng có ý định săn bắt cò; giảm thiểu các hành vi xâm hại hệ sinh thái vườn cò.
Chung tay bảo vệ khu vườn sinh thái, số lượng chim, cò kéo về sinh sống ngày một nhiều, với số lượng cò, vạc lên tới khoảng 3 vạn con, trong đó khoảng 2 vạn con cò. Trân trọng giá trị thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, ngoài các hoạt động định kỳ, ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày nước thế giới, các cấp, ngành và người dân Đông Xuyên lại phát động phong trào trồng cây, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống của đàn cò thu hút toàn thể người dân tham gia. Không ít lần thôn Đông Xuyên vinh dự được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cấp ngành của tỉnh biểu dương, khen thưởng vì có những thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Đánh giá về những hoạt động bảo vệ vườn cò Đông Xuyên, ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh vườn chim Đông Xuyên cho biết: Các cấp chính quyền và người dân trong thôn có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là khu vực vườn cò Đông Xuyên. Các hành vi xâm hại vườn cò chủ yếu do người ngoài địa phương và thôn cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân với những đối tượng khả nghi nên đã hạn chế được nạn săn bắt cò. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tốc độ đô thị hóa quá nhanh làm thu hẹp không gian sống của đàn cò, đề nghị các cấp chính quyền tăng cường đầu tư các vùng đệm, hình thành vùng sinh thái mới cho vườn cò Đông Xuyên. Từ đó, cải thiện môi trường sống bền vững cho đàn cò và nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái địa phương.
Đi đầu trong phong trào “Làng 3 sạch”
Trên tuyến đường liên thôn đến các ngõ xóm trong khu dân cư thôn Phúc Lâm, xã Nghĩa Đạo (Thuận Thành) phong quang, sạch sẽ xen lẫn những tuyến đường hoa do Chi hội Phụ nữ thôn quản lý rực rỡ sắc màu tạo cảnh quan môi trường tươi mới, giàu sức sống.
Tuyến đường hoa làm đẹp cảnh quan đường làng của thôn Phúc Lâm, xã Nghĩa Đạo (Thuận Thành).
Thôn Phúc Lâm là địa phương được chọn làm điểm “Làng 3 sạch” đầu tiên của huyện Thuận Thành. Đây là niềm vui chung của người dân trong thôn, mang lại diện mạo mới cho quê hương. Chị Nguyễn Thị Thanh, Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ thôn Phúc Lâm cho biết: “Năm 2017, thôn được Hội LHPN huyện và xã Nghĩa Đạo chọn làm điểm xây dựng “Làng 3 sạch” để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Sau một năm Phúc Lâm tiếp tục được chọn làm điểm mô hình “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Tiêu chí của mô hình “Làng 3 sạch” gồm: Sạch nhà- sạch ngõ- sạch đồng nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện các tiêu chí trên, Chi Hội phụ nữ đứng ra đảm nhận nhiều phần việc thiết thực như: xây dựng các tuyến đường tự quản, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Kể từ đó đến nay, cứ chủ nhật hàng tuần trở thành “ngày chủ nhật xanh” của chị em phụ nữ thôn Phúc Lâm ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng, chăm sóc hoa 2 bên đường để làm đẹp thôn xóm. Đặc biệt, tổ thu gom rác thải do hội viên phụ nữ chịu trách nhiệm tuần 3 lần đi thu gom rác thải quanh thôn, không để rác thải ứ đọng. Nhờ đó mà đường làng luôn quang đãng, sạch sẽ, các địa điểm vui chơi công cộng của thôn thu hút đông đảo nhân dân, tập trung sinh hoạt. Môi trường sống được cải thiện, làng trên xóm dưới đâu đâu cũng đầy ắp tiếng nói cười”.
Cảm nhận rõ sự thay đổi của làng quê hôm nay, chị Lê Thị Hòa chia sẻ: “Những ngày đầu, các chị thuộc Chi hội phụ nữ thôn đến vận động và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí 3 sạch, gia đình tôi và bà con đều tự giác làm theo. Các gia đình tiến hành phân loại rác ngay tại nhà, để rác đúng nơi quy định; thường xuyên vệ sinh nhà cửa và tham gia vệ sinh ngõ xóm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tinh thần đoàn kết cao”.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Lâm khẳng định: Từ khi thực hiện mô hình “Làng 3 sạch” diện mạo làng quê nhiều đổi mới. Nhận thức rõ được những lợi ích thiết thực của việc xây dựng mô hình làng 3 sạch nhằm gìn giữ môi trường sống xanh sạch đẹp, hình thành nếp sống khoa học, văn minh trong cộng đồng dân cư. Với vai trò nòng cốt của mình, đồng thời là những người trực tiếp thực hiện, Chi Hội phụ nữ thôn Phúc Lâm có nhiều cách làm hay, sáng tạo để mô hình được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. Trong đó, Ban chấp hành Chi hội chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới 100% các gia đình trong thôn nhằm cụ thể hóa các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.
Sau ba năm ra mắt mô hình “làng 3 sạch” và “nông thôn kiểu mẫu” Phúc Lâm từng bước khẳng định là mô hình huy động sức dân có hiệu quả, lan tỏa rộng khắp địa bàn xã Nghĩa Đạo. Đây là một trong những điểm nhấn đặc sắc trên bức tranh xây dựng nông thôn mới ở xã Nghĩa Đạo nói riêng và huyện Thuận Thành nói chung.
Qua những hành động, việc làm thiết thực, mô hình cụ thể, vai trò, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn, bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên, góp phần hình thành lối “sống xanh” vì một môi trường không ô nhiễm.
Hoàng An-Hà Linh
Ý kiến ()