Cách đây 60 năm tại Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư – tổ chức nghề nghiệp đầu tiên của một ngành nghệ thuật, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay, đã vinh dự đón nhận thư của Hồ Chủ tịch, trong thư Người viết: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy việc kiến trúc là một việc rất quan hệ…”. Lời Hồ Chủ tịch luôn thôi thúc, nhắc nhở, dẫn dắt các thế hệ kiến trúc sư (KTS) nước nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong xây dựng đất nước.
Thành tựu đổi mới đầu tiên trong kiến trúc, được ghi nhận bắt đầu từ chính những thay đổi trong quan niệm và nhận thức về kiến trúc. Kiến trúc giờ đây không đơn thuần là sản phẩm của khoa học kỹ thuật thuần tuý mà còn được biết đến, được hiểu như là sản phẩm của sự sáng tạo mang tính nghệ thuật. Nó là phương tiện để nâng cao mức sống, nâng cao năng suất lao động, có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đời sống. Nó cũng phát huy sức gợi cảm chân chính, tính giáo dục thẩm mỹ, góp phần phát triển nhân cách và hình thành lối sống của con người Việt Nam. Nó là hiện thân của văn hoá, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới của dân tộc.
Chưa bao giờ kiến trúc Bắc Ninh có điều kiện để xây dựng nhiều và phát triển đa dạng như hiện nay. Thành phố, thị xã, thị trấn đã được xây dựng, chỉnh trang, cơ cấu và không gian đô thị cũng dần thoát ra khỏi tư duy của một đô thị hành chính để trở lại đúng với vai trò và chức năng đời sống của nó. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới đã được hình thành đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho nhân dân. Kiến trúc Bắc Ninh đã khắc phục được tính sơ lược, dập khuôn thời bao cấp để dần tiếp cận với công nghệ mới, tư duy thiết kế mới, cho ra đời nhiều công trình đa dạng về hình thức, linh hoạt về công năng, xu hướng kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng đã được đề cao và ứng dụng rộng rãi…
Đã nhiều thập kỷ qua, giới KTS vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: hướng đi nào cho kiến trúc Việt Nam, cho kiến trúc Bắc Ninh? Phương châm “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” đã được nhiều kỳ đại hội nêu ra và đặt lên hàng đầu. Nhưng trong khi các học giả, các nhà nghiên cứu, còn đang xem xét thế nào là “tiên tiến”, thế nào là “bản sắc dân tộc” thì thực tiễn không chờ đợi, đã phát triển tự phát theo nhiều hướng, trước chúng ta rất nhiều. Sáng tác kiến trúc vì thế mà trong nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn đã tỏ ra lúng túng, không rõ định hướng.
Thời kỳ bao cấp kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm kiến trúc của nhiều thế hệ KTS. Nó không thể phát huy được vai trò định hướng trong sáng tác nghệ thuật kiến trúc và tiếp tục cản trở những tư duy sáng tạo hướng về cái mới.
Kiến trúc sư cùng một lúc vừa là nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kiến trúc, tức là vừa tạo ra những đóng góp tích cực cho kiến trúc, đồng thời cũng góp phần tạo nên những vấn đề cho nó, lại cùng một lúc đóng vai trò thẩm định, phản biện, dẫn dắt xã hội vào kiến trúc.
Trong khi quy hoạch đô thị đã và đang được các cấp quản lý hết sức quan tâm thì tại các vùng nông thôn trong tỉnh - nơi chiếm trên 70% dân số, tuy đã được lập quy hoạch song việc quản lý mảng kiến trúc nông thôn hầu như bỏ ngỏ, nếu có lại hết sức sơ lược. Vấn đề nhà ở và kiến trúc cho nông thôn cũng chưa được quan tâm nghiên cứu thích đáng. Tất cả dẫn đến sự phát triển xô bồ, lộn xộn trong kiến trúc, phá vỡ và làm biến dạng không gian làng xã, đồng thời tạo ra sự chênh lệch, bất bình đẳng rất lớn về điều kiện, mức sống và cơ sở vật chất giữa thành thị và nông thôn. Đây là trách nhiệm còn để trống của các KTS Bắc Ninh trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lúc này khắp các đô thị lớn bé trong tỉnh đâu đâu cũng đua nhau xây nhà với bộ mặt thì cứ na ná nhau. Hình ảnh các đường phố hai dãy nhà chia lô với kiến trúc hỗn tạp đang nhan nhản khắp nơi. Về mặt nào đó đây có thể coi là dấu hiệu mừng, phản ánh xu thế tất yếu của đất nước mở cửa, đang hội nhập vào thế giới ngày một phẳng ra trong cơn lốc của toàn cầu hoá.
Song cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan là những gì chúng ta đã làm và có được trên bình diện tỉnh ta hôm nay, tuy đã tạo được bộ mặt khang trang, ngăn nắp, song đó đây vẫn còn những công trình (đã và đang xây dựng, cải tạo ngay tại TP. Bắc Ninh…) là bản sao vụng về của kiến trúc xứ người hàng mấy mươi năm trước (!) Nó cũng phản ảnh phần nào của sự yếu kém trong quản lý đô thị, trong quy hoạch và kiến trúc, đồng thời do ý thức chấp hành của người dân còn thấp. Nhất là các đô thị cấp huyện nhìn chung đều mặc chung một kiểu áo, nghèo nàn về ý tưởng nhưng lại giống nhau về sự sơ lược. Kiến trúc nhà cửa chỉ quẩn quanh hết truyền thống hình thức lại hiện đại giả hiệu. Nhà ở các vùng nông thôn tuy có nhiều tiến bộ về tiện nghi, song rõ ràng chưa được hướng dẫn về kiến trúc. Kiến trúc nông thôn đang “nhại lại” kiến trúc thành phố.
Trong kiến trúc, như nghệ thuật của sự sáng tạo, chúng ta vẫn đang còn mò mẫm, chưa tìm ra được cái của mình và cho mình!
Chưa bao giờ sự phát triển của kiến trúc lại mạnh mẽ như hiện nay khiến cả tỉnh như một công trường khổng lồ. Đổi mới và mở cửa đã đem đến cho ngành nghệ thuật này những thời cơ và thuận lợi chưa từng có. Đó là công việc đa dạng, đầu tư tương xứng, đi kèm là vật liệu hiện đại và công nghệ xây dựng tiên tiến.
Sau không ít những nỗ lực đổi mới và cải cách nhưng đến nay môi trường hành nghề cho KTS vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sáng tác. Thị trường hành nghề tự phát, thiếu tổ chức, khiến lực lượng KTS trong tỉnh tuy đông nhưng phân tán, nhỏ lẻ, không có khả năng đảm đương được các công việc lớn. Vai trò và trách nhiệm của KTS đang dần không được tôn trọng dẫn đến những công trình thiếu vắng cá tính, không có hồn của tác giả.
Tất cả những nguyên nhân trên khiến cho kiến trúc tỉnh ta đã hơn 10 năm sau ngày tái lập tuy tính hiện đại và các xu hướng hiện đại đang dần trở nên chủ đạo, nhưng bản sắc dân tộc trong kiến trúc vẫn còn ở mức thể nghiệm, mờ nhạt, còn kiến trúc tiên tiến thì vẫn chưa tiếp cận được đúng với bản chất thực sự của nó. Trước tình hình trên, để phát huy vai trò là tổ chức xã hội, nghề nghiệp sáng tạo, với nhiệm vụ tập hợp anh chị em KTS phát huy trí tuệ và tài năng xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại, trong công tác thời gian tới, chi Hội KTS Bắc Ninh thuộc Hội KTS Việt Nam trước kia được nâng lên thành Hội KTS Bắc Ninh hướng sự ưu tiên của mình đến các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, nhằm góp sức cùng Đảng và Nhà nước để xây dựng nền kiến trúc Bắc Ninh hiện đại và bản sắc như định hướng đã đặt ra, bằng cách thực hiện đúng và đầy đủ, phát huy hơn nữa vai trò tư vấn phản biện xã hội của Hội trong việc xây dựng chính sách, luật pháp, góp phần tạo dựng môi trường sáng tác kiến trúc lành mạnh và trật tự. Phát động phong trào “nói không với chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc” trong giới KTS và trong toàn xã hội.
Sứ mạng của kiến trúc trong phục vụ cuộc sống, xây dựng nền văn hoá thật vẻ vang, trách nhiệm của Hội KTS Bắc Ninh cũng thật lớn. Song đây cũng là công việc chung của toàn dân, của toàn xã hội. Kiến trúc Bắc Ninh “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” có trở thành hiện thực hay không là tuỳ thuộc vào tài năng, vào ý thức trách nhiệm của mỗi hội viên Hội KTS, tuỳ thuộc vào sự hưởng ứng, hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan và của đông đảo quần chúng nhân dân.
Có được đội ngũ KTS đông đảo và lớn mạnh như hiện nay, những người làm công tác sáng tác kiến trúc Bắc Ninh không thể không nói đến sự ủng hộ, tin tưởng và giao phó của các cấp lãnh đạo và nhân dân Bắc Ninh, vì sự đồng cảm, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm đối với sự nghiệp kiến trúc tỉnh nhà nói chung và Hội KTS Bắc Ninh nói riêng trong suốt những chặng đường đã qua và cả trong những chặng đường sắp tới. Tất cả sẽ là động lực cho phép chúng ta có một niềm tin, một hy vọng về con đường sáng phía trước đang mở ra thật gần cho bộ mặt kiến trúc tỉnh nhà từng bước tiến lên, hội nhập một cách đầy tự tin với các tỉnh bạn trong toàn quốc.
Nguyễn Huy Phách
Ý kiến ()