Đô thị Bắc Ninh mở rộng gồm cả huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và 3 xã: Hán Quảng, Yên Giả, Chi Lăng của huyện Quế Võ (còn gọi là đô thị lõi).
Đô thị đang được lập quy hoạch chung và hiện nay đã khởi thảo những ý tưởng lớn. Một trong những quan điểm, mục tiêu lớn là gắn kết thành phố Bắc Ninh với các khu vực còn lại trong tỉnh; gắn kết với những vùng Thủ đô và vùng kinh tế bắc bộ, nhằm biến đô thị này là một trọng tâm kinh tế, một đối trọng của vùng Thủ đô, thậm chí là một trong 4 cực tam giác Hà Nội-Bắc Ninh-Vĩnh Phúc. Đó là một nhận biết, một dự báo có cơ sở. Vì vậy đô thị Bắc Ninh phải là đô thị chịu sự tương tác trong vùng. Thậm chí vùng Từ Sơn còn có khả năng là đô thị “ngủ” với hoạt động “con lắc” đêm ở Từ Sơn, ngày làm việc ở Hà Nội. Mặt khác, dù có nhiều thuận lợi, như vị trí địa lý, đầu mối giao thông thuận tiện… Song không thể xác định Bắc Ninh giữ vai trò dẫn đầu trong vùng Thủ đô. Điều này cần cân nhắc có cơ sở khoa học hơn.
Khởi thảo đã nêu ra 7 mục tiêu. Song chưa nhấn mạnh mục tiêu riêng biệt, đặc thù quan trọng nhất là phát triển đô thị xanh-sinh thái. Đây là vấn đề sống còn, vấn đề của thời đại, của toàn cầu và làm tốt cũng là thương hiệu của đô thị. Phương châm “văn minh, hiện đại” là nói tổng quát. Nói văn hiến là thành tựu đã được kết tinh lại và nói “văn hóa, hài hòa, bền vững” chính là sinh thái. Bản sắc vùng Kinh Bắc là sinh thái, cho đến đô thị “thông minh” hay kinh tế “tri thức” vẫn xoay quanh trục sinh thái. Nếu không cái giá phải trả sẽ là khổng lồ. Dự án có chú ý vùng xanh các núi sót và dọc 2 dòng sông. Song chưa rõ và chưa đủ. Chưa tạo ra vùng xanh, các mặt nước, các công viên lớn (ngoài các rừng bảo hộ hay công viên rừng ở các núi) các dải cách ly ở quanh các khu công nghiệp. Cũng không được tính diện tích canh tác nông nghiệp vào diện tích xanh vì nông nghiệp sẽ được hiện đại hóa.
Điều khác lạ, đặc thù của thành phố tương lai có lẽ dựa vào hai thế mạnh khả thi hơn cả là: Một thành phố sinh thái và thành phố đậm đà bản sắc vùng Kinh Bắc.
Một đặc điểm khác lạ là dự án kiến nghị Bắc Ninh có mật độ dân số là từ 6700-8300 người trên một cây số vuông. Mật độ như vậy là nén quá lớn. Điều này mâu thuẫn với yếu tố xanh sinh thái ở trên. Có thể có hy vọng rằng tăng mật độ dân cư để phát triển thương mại song thương mại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ là mật độ cư dân, mà còn phụ thuộc vào nền sản xuất hàng hóa, vào năng suất lao động, vào thu nhập của người dân… Chúng ta bước đầu có bài học về khu ở, các làng nghề… với nhà cửa san sát, chen chúc gạch ngói, bê tông, vỉa hè quá hẹp, không có một bóng cây. Để khắc phục sửa chữa đòi hỏi không ít nguồn lực.
Về cấu trúc đô thị: Dự án đưa ra cấu trúc tam giác Bắc Ninh-Từ Sơn-Nam Sơn thành ba khu vực phát triển với 3 hành lang liên kết tương ứng là hợp lý. Tuy nhiên cần làm rõ các hành lang ngoại vùng. Cụ thể từ thành phố với các vùng còn lại trong tỉnh như Phố Mới-Chờ-Hồ-Đông Bình-Thứa. Đồng thời liên kết vùng rộng hơn, đặc biệt với Hà Nội; Từ định hướng này sẽ hình thành định hướng phát triển không gian và hệ thống giao thông cơ bản. Điều rõ ràng là từ Nam Sơn cần có tuyến liên kết thẳng về Hà Nội thông qua đường vành đai 4.
Trong 3 khu chức năng: Bắc Ninh-Từ Sơn- Nam Sơn dự án xác định chức năng riêng biệt và diễn tả mang tính biệt lập. Sự thực không phải vậy. Mỗi nơi có sự khác biệt tính chất chức năng đó là tính “nổi trội” mà mỗi khu vực chứa đựng và gánh vác. Riêng khu mới Nam Sơn cần làm rõ hơn nữa ngoài nghiên cứu-đào tạo (trí thức-công nghệ) tại sao không có nghỉ dưỡng-vui chơi-thể thao lớn-hội chợ triển lãm… mà khu này hoàn toàn có ưu thế. Tương tự khu cơ quan hành chính cấp quốc gia tại sao lại bố trí ở gần Phong Khê và quốc lộ 18. Địa điểm đó liệu đã phù hợp?
Về định hướng phát triển kinh tế-xã hội dự án nhấn mạnh phát triển thương mại, coi thương mại như một khâu đột phá. Song lại thiếu đề cập đầy đủ các ngành kinh tế quan trọng khác. Thương mại là quan trọng cần phải phát triển cả bốn cấp phục vụ, sao cho người dân có tiện ích nhất, ít phải xuống đường nhất, như dự án nêu là đúng đắn. Tương tự các ngành giáo dục-thể thao-y tế và các ngành dich vu seo vụ khác. Song thương mại không là mũi nhọn hay đột phá mà cần xem lại vị thế của công nghiệp-dịch vụ. Thành phố mới với các khu công nghiệp: Từ Sơn-Hoàn Sơn-Đại Đồng-Visip-Quế Võ… trong đó công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… phải có tỷ trọng lớn. Rồi đến các ngành dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng, du lịch… cần có cách tiếp cận tổng quát hơn, ứng với lộ trình khác nhau của mỗi ngành. Về phân bố công nghiệp cũng chưa được đề cập và có thái độ rõ ràng, như các khu công nghiệp gây ô nhiễm, bất lợi cho trước mắt cũng như lâu dài như Khắc Niệm-Hạp Lĩnh, Phong Khê-Nam Sơn... tính thực tiễn, tính khoa học của quy hoạch cần cách nhìn thẳng thắn. Định hướng phát triển hạ tầng.
Hệ thống đường sắt đô thị đề xuất tuyến Bắc Ninh-Hà Nội trong giai đoạn đầu là đúng. Còn các tuyến khác thì chưa khả thi, nằm ngoài thời gian quy hoạch cũng là một dự báo đúng. Song vẫn có thể dự báo xa hơn thời gian quy hoạch, cả những không gian ngầm khác nhằm phục vụ cho quản lý đô thị.
Hệ thống đường sắt quốc gia, kiến nghị đưa tuyến lên phía Tây Bắc là đúng, vừa có điều kiện lập song tuyến, lập ga. Đồng thời giành tuyến hiện nay cho đường sắt đô thị, kết hợp xe buýt nhanh là sự kết hợp, kế thừa thuận lợi, kinh tế.
Hệ thống đường bộ dường như chưa nghiên cứu, chủ yếu dựa vào hiện trạng, chưa có đề xuất mạng lưới đối nội, đối ngoại với cấp độ khác nhau, đặt trong tổng thể hệ thống quốc gia và Hà Nội để xử lý các giao cắt. Chẳng hạn đường 295C tại sao có mặt cắt lớn mà nhu cầu cảnh quan hay vận tải không rõ. Hướng tuyến lại khúc khuỷu. Đến thị trấn Lim lại bám sát thị trấn cũ. Về phạm vi và phương pháp nghiên cứu cần hướng tới tính khách quan và khoa học trong khi lập quy hoạch, không quá lệ thuộc vào hiện trạng cũ, lệ thuộc hiện trạng các dự án chưa duyệt, hoặc được duyệt, kể cả các phát ngôn, các thông báo, các dự kiến, các quy hoạch ngành hay địa phương… là yếu tố bất biến. Các chuyên gia làm quy hoạch có sự thoải mái đề xuất những sáng tạo của mình. Điều này không được xem là phản bác, hay sai trái chủ trương, nhờ vậy có thể khai thác tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia.
Phạm vi nghiên cứu cũng đòi hỏi sự linh hoạt tối đa. Là đô thị lõi trong xu thế là một thành phố toàn tỉnh. Nên ranh giới nghiên cứu không nên cứng nhắc theo địa giới hành chính hiện nay. Vả lại bản thân nhu cầu khách quan khoa học của quy hoạch không phụ thuộc ranh giới hành chính. Chẳng hạn khu công nghiệp Quế Võ một phần thuộc Quế Võ, một phần thuộc Bắc Ninh về mặt hành chính; song về mặt đô thị không thể tách rời. Khu Do Nha-Phương Cầu hay Đại Xuân muốn hay không cũng có quan hệ hữu cơ với thành phố. Tương tự nghiên cứu Sông Đuống-ngòi con tên mà không nghiên cứu bên hữu ngạn, không có yếu tố du lịch văn hóa như: Kinh Dương Vương-Bút Tháp-Thiên Thai-Lệ Chi Viên-Bình Than-Nguyệt Bàn-Cao Lỗ… không thể nói đầy đủ các yếu tố ở đây và như vậy quy hoạch chung đô thị lõi cũng không thể hoàn chỉnh. Mặc dù phía hữu ngạn Sông Đuống về mặt hành chính không phải thuộc đô thị lõi.
Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh mở rộng là nội dung nghiên cứu lớn, phức tạp đa ngành. Chắc chắn còn nhiều nội dung phải bàn, phải phản biện trong thời gian tới.
Ý kiến ()